Thị trường viễn thông năm 2013: Cạnh tranh còn thiếu lành mạnh
Chỉ còn ít ngày nữa là kết thúc năm 2013, nhưng dư luận trái chiều xung quanh việc các nhà mạng “bắt tay” nhau tăng giá dịch vụ 3G vẫn chưa kết thúc.
Không bàn tới việc có hay không sự chính xác của những thông tin từ dư luận, nhưng có thể dễ dàng nhận thấy công tác truyền thông cho việc tăng cước dịch vụ 3G chưa tốt, mà lỗi thuộc về cơ quan quản lý nhà nước cùng các nhà cung cấp dịch vụ di động. Lẽ ra, trước khi tăng cước (thời điểm ngày 16-10), đông đảo khách hàng phải nắm được thông tin về việc tăng cước, giá thành dịch vụ so sánh với giá khu vực và thế giới cũng như mức độ tác động…
Song đáng tiếc là chỉ sau khi Chính phủ yêu cầu Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương vào cuộc, sau đó Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) tổ chức họp báo (tháng 11-2013) thì những thông tin này mới được rõ ràng. Mới đây nhất, công văn số 10696 của Văn phòng Chính phủ ngày 18-12-2013 đã truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ TT-TT cần rút kinh nghiệm trong chỉ đạo điều hành về giá cước dịch vụ viễn thông, tăng cường truyền thông làm cho người dân, xã hội hiểu về chính sách giá, tính công khai, minh bạch của việc điều chỉnh giá.
Năm 2014 thị trường di động sẽ có những gói cước dữ liệu tốt hơn cho khách hàng. Ảnh: Trần Hải
Video đang HOT
Từ cuối năm 2012 đến đầu năm 2013, giữa các nhà cung cấp dịch vụ internet có hạ tầng (gọi tắt là các ISP) CMC, FPT Telecom, VDC, Viettel đã xảy ra mâu thuẫn về kết nối khi lưu lượng vượt thỏa thuận ngang bằng đã ký trước đó. Do vậy, khi chưa đạt được thỏa thuận mới, các nhà cung cấp đã dùng biện pháp kỹ thuật để chặn truy cập của nhau mà điển hình trong cuộc tranh chấp này là Viettel đã chặn truy cập của khách hàng dùng 3G vào đọc báo điện tử đặt máy chủ tại VDC hồi tháng 3-2013. Kết quả là rất nhiều khách hàng của các nhà mạng kể trên bị ảnh hưởng. Chỉ sau khi dư luận phản ánh, cơ quan quản lý nhà nước vào cuộc, việc kết nối mới trở lại bình thường.
Trường hợp khác không thể không nhắc đến, liên quan đến kết nối, đó là FPT Telecom đã gửi thông báo đến Bộ TT-TT và một số cơ quan truyền thông “kêu cứu” vì bị kẻ xấu cắt cáp viễn thông ở nhiều nơi. Từ những câu chuyện này cho thấy, lực lượng chức năng ngành TT-TT cần tăng cường kiểm tra, xử lý để tránh tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh làm ảnh hưởng đến khách hàng.
Câu chuyện về sự phát triển của dịch vụ OTT (nhắn tin, gọi điện miễn phí qua mạng di động đã “ nóng” trong năm 2013 khi mà OTT là “tội đồ” cướp đi doanh thu không nhỏ của ba “đại gia” Viettel, MobiFone, Vinaphone (ước tính Viettel, VNPT thất thu hơn 1.000 tỷ đồng/năm vì OTT). Song OTT là xu hướng công nghệ tiên tiến không thể chối bỏ và vì vậy buộc các nhà mạng phải tính tới chuyện hợp tác với nhà cung cấp dịch vụ nội dung để triển khai dịch vụ hiệu quả tới khách hàng, đồng thời có thể tăng doanh thu. Nói là như vậy, nhưng việc triển khai lại không dễ, vì cho đến nay vẫn chưa có thỏa thuận nào được công bố. Để việc hợp tác này thành công phải cần tới vai trò của cơ quan quản lý nhà nước là Bộ TT-TT trong việc xây dựng những quy định khung bảo đảm cho việc hợp tác lành mạnh. Năm 2014, thị trường di động có thể sẽ chứng kiến những sự hợp tác giữa hai nhà mạng và cung cấp dịch vụ nội dung để đem lại những gói cước dữ liệu tốt hơn cho khách hàng.
Theo HNM
Hợp tác giữa nhà mạng và nhà OTT: Phải đợi chính sách quản lý
Vấn đề quản lí đối với dịch vụ nhắn tin, gọi điện miễn phí qua di động (OTT) lại được đặt ra tại Hội thảo chuyên đề trong khuôn khổ triển lãm về viễn thông - công nghệ thông tin lần thứ 15 do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức mới đây tại TP HCM.
Kể từ khi cung cấp dịch vụ 3G đến nay, các nhà mạng đã liên tục đầu tư mạnh (hơn 30.000 tỉ đồng) cho hạ tầng mạng lưới để đáp ứng nhu cầu sử dụng của khách hàng với giá phù hợp. Vì vậy, số lượng người sử dụng 3G đã tăng nhanh, ước tính trong số hơn 90 triệu thuê bao di động đang phát sinh cước thì có 19 triệu thuê bao sử dụng 3G.
Số liệu trên cũng cho thấy, đa phần thuê bao 3G dùng smartphone này đều sử dụng các ứng dụng OTT và như vậy đang là thách thức với các nhà cung cấp dịch vụ di động. Song, dịch vụ OTT là tiện ích tiên tiến, vì vậy buộc các nhà mạng và quản lí nhà nước phải chấp nhận, từ đó đặt ra vấn đề nhà mạng và nhà cung cấp OTT phải hợp tác, cơ quan quản lí nhà nước phải có các chính sách chung quy định.
Cũng vì sự hợp tác này đem lại lợi ích cho người sử dụng. Tại Việt Nam, trong tháng 11/2013, Bộ TT&TT cũng có văn bản trong đó yêu cầu các DN cung cấp dịch vụ di động cần hợp tác với DN OTT để tạo điều kiện cho dịch vụ OTT phát triển phục vụ người dùng. Vậy, việc hợp tác giữa hai bên nhà mạng và nhà OTT sẽ thế nào?
Trong một hội thảo về chủ đề này được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 9/2013, đại diện Ericsson Việt Nam đã giới thiệu kinh nghiệm về cung cấp giải pháp cho sự hợp tác này trên toàn cầu và chỉ ra 5 mô hình về việc hợp tác, trong đó nhấn mạnh, nguyên tắc cơ bản là các bên cùng có lợi, có điều kiện phát triển cộng sinh.
Tại hội thảo lần này, đại diện Ericsson cho biết sẵn sàng cung cấp giải pháp giúp nhà mạng và nhà OTT hợp tác cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Cùng quan điểm này, đại diện Tập đoàn VNPT, Viettel cũng cho biết các nhà mạng phải hợp tác với các DN OTT trên quan điểm đôi bên cùng có lợi. Đại diện các tập đoàn này đề xuất cụ thể cho việc xây dựng chính sách quản lí OTT của Bộ sắp tới cần có quy định về quảng cáo, bảo đảm chất lượng dịch vụ - thông tin khách hàng... với các DN cung cấp OTT.
Thực chất, đề xuất này cũng đã từng được lãnh đạo các nhà mạng đề cập tại các hội nghị mới đây về việc Nhà nước cần có các quy định bảo đảm sân chơi công bằng giữa DN cung cấp dịch vụ di động và DN OTT. Cụ thể, trong khi nhà mạng chịu sự quản lí với những quy định về bảo đảm chất lượng, quản lí về giá,... thì các DN OTT đứng "vô can". Không chỉ có vậy, các DN OTT hầu hết đều của nước ngoài và đặt máy chủ ở nước ngoài cho thấy, họ không chịu trách nhiệm gì về bảo đảm an toàn thông tin cho khách hàng cũng như các vấn đề (nếu có) có thể xảy ra liên quan đến an ninh thông tin quốc gia.
Từ những thông tin này cho thấy, rất cần thiết cơ quan quản lí nhà nước nên sớm ra các văn bản quy định về sự hợp tác giữa DN cung cấp dịch vụ di động và DN cung cấp dịch vụ OTT để qua đó không chỉ tạo điều kiện cho sự hợp tác này phát triển, đem lại lợi ích cho các bên và khách hàng, mà còn từ đó xác định vai trò, trách nhiệm của DN OTT.
Tất nhiên, để ra được những quy định là không dễ với cơ quan quản lí, về việc tìm ra mô hình hợp tác cũng là không đơn giản với cả nhà mạng và nhà OTT (vì thực tế OTT đang "kí sinh" trên mạng di động và "cướp" doanh thu của nhà mạng),... Về vấn đề này, lãnh đạo Cục Viễn thông cho biết, các chính sách quản lí dịch vụ OTT cần tiếp tục được xem xét, thảo luận trước khi cơ quan nhà nước đưa ra quyết định cụ thể.
Theo Hà Nội Mới
Khi nào Việt Nam sẽ triển khai 4G? "Đây là một bài toán tổng hợp nhiều yếu tố chứ không đơn thuần là bài toán về công nghệ", Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Lê Nam Thắng nói khi đề cập tới việc lựa chọn thời điểm để triển khai dịch vụ 4G tại Việt Nam. Bài toán phức tạp Khái niệm 4G LTE đang dần trở nên...