Tái tạo vú trong ung thư vú
Ung thư vú là loại ung thư hàng đầu của phụ nữ. Trên toàn thế giới, hàng năm có trên 400 ngàn phụ nữ chết vì ung thư vú, chiếm 1,6% tất cả các nguyên nhân tử vong của phụ nữ. Tại Việt Nam, ung thư vú cùng với ung thư cổ tử cung là hai loại ung thư mà phụ nữ thường gặp nhất.
Một số người dùng chữ “ung thư ngực” để chỉ bệnh lý ung thư của cơ quan tiết sữa ở phụ nữ. Có lẽ trong tiếng Việt thì chữ “vú” nghe không được thanh tao bằng chữ “ngực”. Nhưng trong thuật ngữ y khoa thì chữ “ngực” (chest) dùng để chỉ những bộ phận của thành ngực và bên trong nó như xương sườn, bắp thịt, phổi… nên chúng ta phải dùng chữ “ung thư vú” (breast cancer) để chỉ bệnh lý u ác tính của hai “gò bồng đảo”.
Để điều trị ung thư vú cần phải phối hợp nhiều phương thức điều trị: phẫu thuật, hóa trị (vô thuốc), xạ trị (chiếu tia), nội tiết (uống thuốc). Trong đó phẫu thuật là phương tiện quan trọng nhất và thường được dùng đến đầu tiên.
Đối với bệnh nhân ung thư vú, điều làm các chị em phụ nữ sợ hãi nhất là việc nghĩ đến bác sĩ sẽ dùng dao mổ để cắt hết một bên vú. Thuật ngữ chuyên môn gọi đây là phẫu thuật đoạn nhũ nạo hạch. Viễn cảnh mất đi một bên “biểu tượng của giới tính” khiến nhiều bệnh nhân ngần ngại đi khám chữa bệnh. Nỗi sợ này thậm chí còn lớn hơn cả bản thân căn bệnh, làm cho nhiều bệnh nhân chỉ chịu đi khám bệnh khi bệnh đã ở giai đoạn rất trễ.
Thật ra, tuy phẫu thuật đoạn nhũ nạo hạch (cắt bên vú bị bệnh và lấy đi hạch nách) vẫn còn được sử dụng trong nhiều trường hợp, nhưng hiện nay người ta còn có nhiều cách thức mổ khác đảm bảo chữa bệnh tốt mà vẫn giữ được thẩm mỹ cho người phụ nữ: đó là phẫu thuật bảo tồn và các phẫu thuật tái tạo tuyến vú sau khi đoạn nhũ.
Bài viết này nhằm cung cấp thông tin cho bạn đọc về các kỹ thuật mổ hiện nay để điều trị ung thư vú, nhất là các phẫu thuật tái tạo tuyến vú.
Video đang HOT
Ảnh minh họa.
Đoạn nhũ nạo hạch (Mastectomy and axillary dissection)
Đây là loại phẫu thuật kinh điển thường được sử dụng nhiều nhất. Bác sĩ sẽ cắt bỏ toàn bộ tuyến vú và nạo hạch nách cùng bên. Mặc dù khối bướu có thể nhỏ, chỉ chiếm một phần tuyến vú nhưng cần phải cắt bỏ toàn bộ tuyến vú để đảm bảo mức độ an toàn cần thiết. Việc lấy đi hạch nách cũng cần vì giúp đánh giá xem tế bào ung thư đã chạy đến hạch chưa, từ đó đánh giá được mức độ nặng nhẹ của bệnh (từ chuyên môn gọi là xếp giai đoạn) và hoạch định được kế hoạch điều trị tiếp theo: có cần phải xạ trị – tức chiếu tia, hay hóa trị (vô thuốc) không.
Phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ vú đem lại kết quả điều trị tốt cho bệnh nhân nhưng cũng để lại dư chứng nặng nề về mặt thể xác và tâm lý cho người bệnh. Do đó, từ thập niên 1980, người ta áp dụng phương pháp phẫu thuật bớt tàn phá hơn đối với những trường hợp bướu còn nhỏ: đó là cắt rộng khối bướu và xạ trị vào vú bên cạnh việc nạo hạch nách. Nhiều công trình nghiên cứu trên thế giới cho thấy đối với những trường hợp bướu nhỏ thì phương pháp này (từ chuyên môn gọi là liệu pháp bảo tồn vú) cũng có kết quả tốt tương tự như phẫu thuật đoạn nhũ nạo hạch mà người bệnh vẫn giữ lại được tuyến vú của mình.
Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có thể áp dụng liệu pháp bảo tồn được. Những trường hợp kích thước bướu khá lớn so với tuyến vú thì khi cắt rộng khối bướu sẽ để lại một tuyến vú méo mó kém thẩm mỹ. Mặt khác không ít trường hợp người bệnh vẫn từ chối liệu pháp bảo tồn do lo sợ rằng phương pháp này không đủ an toàn (mặc dù đã được bác sĩ giải thích rõ).
Đối với những trường hợp như vậy, vẫn có một giải pháp để đáp ứng nhu cầu của người bệnh vừa bảo đảm an toàn về mặt ung thư, vừa đem lại một kết quả thẩm mỹ tốt đẹp. Đó là phương pháp tái tạo vú sau phẫu thuật đoạn nhũ nạo hạch.
1. Tái tạo vú trì hoãn (delayed breast reconstruction)
Việc tái tạo vú sau phẫu thuật đoạn nhũ đã được người ta nghĩ đến và áp dùng từ cuối thế kỷ xix. Tuy nhiên lúc đầu kết quả thẫm mỹ đem lại không được như ý nên kỹ thuật này bị quên lãng trong một thời gian dài. Khoảng những năm 1960 thì việc phát triển của các túi độn (implant) đã làm sống lại kỹ thuật này. Nhưng từ thập kỷ 1980 đến nay thì tái tạo vú mới thật sự phát triển mạnh và ngày càng hoàn thiện.
Lúc đầu, do e ngại tuyến vú tái tạo sẽ ngăn cản việc phát hiện tái phát của ung thư nên người ta chủ trương phải đợi bệnh thật ổn định, nghĩa là sau khi đã đoạn nhũ nạo hạch, xạ trị, hóa trị xong rồi 2, 3 năm sau mới nghĩ đến việc làm lại tuyến vú mới. Thuật ngữ chuyên môn gọi đây là tái tạo vú trì hoãn. Tuy nhiên việc tái tạo trì hoãn này có nhược điểm là kết quả thẩm mỹ không thực sự hoàn hảo. Đó là do trong lần mổ ban đầu, da của tuyến vú đã bị lấy đi nhiều, thời gian mổ giữa hai lần mổ cách nhau khá xa. Những điều này sẽ gây khó khăn cho việc tạo nên một tuyến vú cân xứng với bên lành.
2. Tái tạo vú tức thì (immediate breast reconstruction)
Từ thực tế trên, người ta đặt vấn đề là nên tái tạo ngay tức thì sau khi đoạn nhũ nạo hạch trong một lần mổ duy nhất. Các nghiên cứu trong thời gian qua cho thấy phương pháp này vừa an toàn về mặt ung thư, vừa đem lại kết quả thẩm mỹ cao, người bệnh lại chỉ chịu một lần mổ, không phải chịu đựng một thời gian 2, 3 năm bị mất một bên vú.
Trong kỹ thuật này, bác sĩ sẽ không đoạn nhũ như bình thường mà áp dụng kỹ thuật đoạn nhũ tiết kiệm da (skin-sparing mastectomy). Đó là thay vì lấy da thật rộng như bình thường thì bác sĩ sẽ chừa lại nhiều da hơn (mà vẫn bảo đảm an toàn về mặt ung thư), do đó sẽ đạt được kết quả thẩm mỹ tốt hơn.
Khuynh hướng hiện nay là người ta thường chọn lựa tái tạo vú tức thì. Những trường hợp tái tạo trì hoãn thường rơi vào các trường hợp: 1. Bệnh nhân chưa dứt khoát tư tưởng chọn lựa việc điều trị tái tạo. 2. Sức khỏe bệnh nhân chưa cho phép một phẫu thuật kéo dài nên phải đoạn nhũ trước, rồi sau khi bệnh đã ổn định, thể trạng tốt hơn mới tái tạo.
Nhìn chung hầu hết các trường hợp ung thư vú có chỉ định đoạn nhũ nạo hạch đều có thể được tái tạo vú nếu muốn. Tuy nhiên, thường người ta sẽ ưu tiên cho những trường hợp ung thư giai đoạn còn tương đối sớm, vì những trường hợp bệnh giai đoạn trễ thì khả năng khỏi bệnh kém sẽ không đáng để đánh đổi một phẫu thuật lớn như vậy.
Những bệnh nhân có kèm theo nhiều bệnh mãn tính, thể trạng kém cũng có thể không chịu đựng nổi một phẫu thuật tái tạo với thời gian kéo dài.
Bác sĩ ung thư có kinh nghiệm trong kỹ thuật điều trị này sẽ xem xét và tư vấn cho từng trường hợp bệnh nhân cụ thể để đưa ra kế hoạch điều trị hợp lý cho từng bệnh nhân.
Theo SKDS
Insulin và bệnh ung thư vú
Ung thư vú là loại ung thư thường gặp nhất và gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ nhiều nước công nghiệp.
Ảnh minh họa.
Các nhà khoa học thuộc trường Cao đẳng Y Albert Einstein (Mỹ) cho biết hàm lượng insulin trong máu cao có thể làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh ung thư ở phụ nữ hậu mãn kinh.
Nghiên cứu trên loài động vật cho thấy insulin kích thích việc phân chia tế bào cũng như sự tăng trưởng của các khối u. Từ phát hiện này, các chuyên gia cho rằng hàm lượng insulin trong máu tăng cao, thường thấy ở phụ nữ hậu mãn kinh, có thể góp phần gây bệnh ung thư vú, theo UPI. Cũng theo các nhà khoa học, một chế độ ăn uống hợp lý và năng tập thể dục sẽ giúp kiểm soát lượng insulin trong cơ thể.
Theo SKDS
Phòng tránh bệnh ung thư vú, một bước đơn giản - Phần cuối Năm 2010, bệnh ung thư vú đã tấn công gần 1,5 triệu người trên toàn thế giới. Chỉ có 1/3 trường hợp mắc bệnh có thể sống sót, với điều kiện được phát hiện và điều trị sớm. Đừng "đánh đu" với cơ hội mong manh ấy và hãy bắt đầu tiến hành những thay đổi rất nhỏ và đơn giản trong cuộc...