Tại sao Mỹ trang bị vũ khí một cách phô trương cho Ukraine và bí mật với Israel?
Mỗi gói viện trợ vũ khí cho Ukraine đều được Mỹ công bố rầm rộ, nhưng những chuyến hàng quân sự cho Israel thì trái lại, thường diễn ra một cách thầm lặng.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu sau khi ký ban hành luật về gói viện trợ nước ngoài tại Nhà Trắng, Washington DC., ngày 24/4/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Khi chính quyền Tổng thống Biden cung cấp vũ khí tới Ukraine, họ “phát loa” về hoạt động đó. Họ công bố các chuyến hàng và ca ngợi những nỗ lực của mình “để hỗ trợ những người Ukraine bảo vệ đất nước của mình”, như Ngoại trưởng Antony Blinken nói vào tháng trước. Nhà Trắng nhấn mạnh tính minh bạch của viện trợ cung cấp cho Ukraine, nói rằng họ muốn làm rõ “số tiền đó được chi tiêu như thế nào”.
Nhưng khi điểm đến của vũ khí là Israel thì câu chuyện lại hoàn toàn khác. Một vài chi tiết bị rò rỉ trên báo chí Mỹ hay Israel, nhưng nhìn chung, khi chuyển vũ khí cho Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), chính quyền Mỹ dường như thích sự im lặng hơn.
Tính minh bạch về chuyển giao vũ khí có ý nghĩa đặc biệt khi Tổng thống Biden đã ký gói viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD, được phê duyệt sau thời gian dài trì hoãn tại Hạ viện. Gói này sẽ chi trả cho hàng tỷ USD vũ khí được chuyển tới Ukraine, Israel và các quốc gia khác. Ngay sau khi dự luật được ký trở thành luật, chính quyền Mỹ chỉ đưa ra thông báo mới về việc vận chuyển vũ khí tới Ukraine, chứ không phải về việc chuyển giao vũ khí cho Israel.
Kể từ khi cả hai cuộc chiến bắt đầu, chính phủ Mỹ đã đưa ra ít nhất 126 thông cáo báo chí hoặc thông tin cập nhật mô tả viện trợ quân sự được gửi tới Ukraine và chỉ có ba thông cáo mô tả viện trợ quân sự được gửi đến Israel.
Làm sao biết vũ khí nào đã được chuyển đi?
Trong trường hợp của Ukraine, điều đó thật dễ dàng. Bộ Ngoại giao Mỹ liệt kê phần lớn thiết bị quân sự được gửi đến Ukraine trong một tờ thông tin được cập nhật thường xuyên, gần đây nhất là vào 24/4. Nhưng cho đến nay, chỉ có hai bản tin từ Bộ Quốc phòng, vào ngày 9 và 29/12/2023, về việc phê duyệt bán thiết bị quân sự khẩn cấp cho Israel, cùng với một tờ thông tin vào tháng 10/2023 cung cấp cái nhìn tổng quan chung về lịch sử giao dịch.
Binh sĩ Israel kiểm tra vũ khí khi tham gia chiến dịch tấn công trên bộ ở Dải Gaza ngày 25/4/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Một số thông tin xuất hiện từ các cuộc họp kín. Tờ Washington Post đưa tin vào tháng trước rằng chính quyền đã thông báo với Quốc hội rằng họ đã tiến hành hơn 100 vụ chuyển giao vũ khí cho Israel, bao gồm một lượng lớn tên lửa, bom và vũ khí nhỏ. Báo chí Israel đưa tin 244 máy bay chở hàng và 20 tàu đã chuyển hơn 10.000 tấn viện trợ quân sự của Mỹ cho Israel.
Video đang HOT
Công bằng mà nói, việc vận chuyển vũ khí tới mỗi quốc gia thuộc thẩm quyền của các cơ quan khác nhau và liên quan đến các yêu cầu báo cáo khác nhau. Nhưng Josh Paul, một quan chức Bộ Ngoại giao đã có 11 năm làm làm giám đốc văn phòng giám sát việc vận chuyển vũ khí, trước khi từ chức để phản đối cuộc chiến ở Gaza, nói rằng rõ ràng Bộ Ngoại giao có sự đối xử một cách khác biệt.
“Không nghi ngờ gì nữa, Bộ đang cung cấp thông tin cho Quốc hội, họ cung cấp thông tin về Ukraine cả khi không được yêu cầu, và làm theo cách không phân loại mật, trong khi đối với Israel, bộ này cung cấp ít thông tin hơn và làm như vậy ở dạng mật”, ông Paul nói.
Lý do Mỹ kín tiếng về vũ khí cho Israel
Một lý do, theo tờ New York Times, là Tổng thống Biden thường xuyên phải đối mặt với những lời chỉ trích vì không gửi thêm thiết bị đến Ukraine, vì vậy, ông muốn Bộ Ngoại giao chú ý đến những chuyến hàng đó. Các thông báo cũng khuyến khích các đồng minh châu Âu gửi thêm vũ khí cho Ukraine. Ngược lại, Đảng Dân chủ bị chia rẽ sâu sắc bởi cuộc chiến ở Gaza, với một số đảng viên Đảng Dân chủ tại Hạ viện và Thượng viện kêu gọi ông gửi ít bom hơn tới Israel, và những thông báo về việc chuyển giao vũ khí có thể khuếch đại cuộc tranh luận đó.
Daniel C. Kurtzer, cựu đại sứ Mỹ tại Israel, nhận xét: “Tôi nghĩ chính quyền đảm bảo rằng cộng đồng thân Israel sẽ được thông báo rằng những thứ này đã được chuyển giao nhưng không muốn gây phẫn nộ cho cộng đồng không thân Israel”.
Binh sĩ Israel tham gia chiến dịch tấn công trên bộ ở Dải Gaza ngày 25/4/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Cả Ukraine và Israel đều phụ thuộc vào các chuyến hàng vũ khí của Mỹ. Ukraine đang yếu thế trên chiến trường một phần vì nước này đang cạn kiệt cả binh sĩ và đạn dược. Israel thì đang nhăm nhe tấn công vào thành phố Rafah ở miền nam Gaza và có nguy cơ xảy ra chiến tranh với Hezbollah ở Liban hoặc với Iran.
Nhưng có một sự khác biệt đáng chú ý. Ukraine đang sử dụng vũ khí của Mỹ chủ yếu để chống lại quân đội nước ngoài. Israel đã phải đối mặt với một cuộc tấn công tàn bạo ngày 7/10, nhưng kể từ đó, nước này đã sử dụng vũ khí của Mỹ làm chết hàng nghìn dân thường, bao gồm phụ nữ và trẻ em. Hàng trăm nhân viên cứu trợ, nhân viên y tế và nhà báo nằm trong số những người thiệt mạng ở Gaza, và Nhà Trắng có lẽ không muốn nêu bật vai trò của mình trong thực tế đó.
Chúng ta biết rất ít về cách sử dụng vũ khí của Mỹ khi chúng đến tay quân đội Israel. Chúng có được sử dụng ở Gaza không và bằng cách nào và liệu chúng có bị tuồn tới Bờ Tây?
Tờ New York Times cho rằng, vì lý do minh bạch, Nhà Trắng quan tâm giải thích cách chi tiền của người nộp thuế để hỗ trợ quân sự cho Ukraine, và chính quyền cũng cần phải công khai về việc cung cấp vũ khí cho Israel, ngay cả khi họ thấy việc tiết lộ là không thoải mái về mặt chính trị.
Politico: EU dự kiến chi 1 tỷ euro để mua đạn pháo cho Ukraine
Châu Âu muốn đảm bảo ngân sách 1 tỷ euro dành riêng cho các loại đạn pháo mà Ukraine đang rất cần để chống lại Nga.
Pháo binh Ukraine nã lựu pháo M777 về phía vị trí Nga ở tiền tuyến miền đông, ngày 23/11/2022. Ảnh: AFP/Getty Images
Trong một kế hoạch chi tiết mới về hỗ trợ quân sự cho Ukraine, Liên minh Châu Âu (EU) sẽ đề xuất dành riêng 1 tỷ euro cho đạn dược, đặc biệt là đạn pháo 155mm - theo một tài liệu mà tờ Politico xem được.
EU đang giúp cung cấp vũ khí cho Ukraine thông qua một quỹ tiền mặt liên chính phủ ngoài ngân sách có tên là Cơ chế Hòa bình châu Âu (EPF), được sử dụng để hoàn trả cho các quốc gia gửi vũ khí sang Ukraine. Cho đến nay, EPF đã giải ngân 3,6 tỷ euro viện trợ quân sự cho Ukraine, với các quốc gia thành viên đã quyết định vào tháng 12 năm ngoái để tăng tài trợ thêm 2 tỷ euro vào năm 2023.
Cho đến nay, nhu cầu chi tiêu đã được xác định nhưng EU hiện đang tập trung nhiều vào đạn dược, vì các lực lượng Ukraine đang bị mắc kẹt trong các trận chiến tiêu hao bằng lựu pháo với lực lượng của Nga ở miền đông, xung quanh các thành phố điểm nóng như Bakhmut.
Nhà ngoại giao hàng đầu của EU là Josep Borrell dự định đề xuất một "gói hỗ trợ đặc biệt" trị giá 1 tỷ euro tập trung vào việc cung cấp đạn dược - theo tài liệu của EU, được soạn thảo bởi cơ quan ngoại giao của khối, Ủy ban châu Âu và Cơ quan Quốc phòng châu Âu.
Tài liệu này cho biết khoản tiền trị giá 1 tỷ euro nên được tập trung vào đạn dược, "đặc biệt là loại đạn pháo 155mm", ngay sau khi khoản bổ sung 2 tỷ euro cho EPF được "kích hoạt". Theo một quan chức EU, điều này có nghĩa là một nửa số tiền của quỹ này trong năm nay sẽ được dành riêng cho đạn dược, chủ yếu là đạn pháo.
Binh sĩ Ukraine chuẩn bị đạn pháo cho lựu pháo L119. Ảnh: AFP/Getty Images
Tài liệu của EU cũng dự kiến đẩy mạnh sản xuất công nghiệp của châu Âu, vốn đang trong tình trạng căng thẳng để có thể đảm bảo sản xuất đạn dược với tốc độ mà chiến sự ở Ukraine đòi hỏi.
Đề xuất cũng trích dẫn "một tỷ lệ hoàn trả thuận lợi, chẳng hạn như lên tới 90%... do tính cấp bách cực độ và sự cạn kiệt nguồn dự trữ của các quốc gia thành viên."
Tỷ lệ cao như vậy có thể nhằm trấn an các nước thành viên cung cấp trợ giúp quân sự lớn. Vào năm ngoái, khi tỷ lệ hoàn trả giảm xuống dưới 50%, điều này đã gây ra vấn đề cho một số quốc gia EU, đặc biệt là Ba Lan, một trong những nhà tài trợ vũ khí lớn nhất của EU cho Ukraine.
Đề xuất tài trợ cũng cung cấp một giải pháp khả thi như "đóng góp tài chính tự nguyện" cho các quốc gia không tham gia, chẳng hạn như Áo, quốc gia trung lập; hoặc quốc gia miễn cưỡng cung cấp vũ khí như Hungary.
Văn bản trên nhấn mạnh rằng các ràng buộc pháp lý cụ thể của một số quốc gia "sẽ được xem xét", trong đó đề cập đến khả năng "từ bỏ mang tính xây dựng đối với các biện pháp viện trợ sát thương".
Về việc mua sắm chung, cụ thể là đề xuất các nước EU hợp tác mua vũ khí, Cơ quan Quốc phòng châu Âu cùng với các nước thành viên sẽ sử dụng một kế hoạch mới nhằm mua "bảy loại vũ khí từ cỡ vũ khí nhỏ cho đến nòng 155mm".
Dự án này sẽ được "tiến hành trong thời hạn 7 năm" và cho đến nay, 25 quốc gia thành viên EU cộng với Na Uy đã xác nhận mong muốn tham gia.
Đặc biệt, việc mua sắm đạn pháo 155mm nên được đẩy nhanh "thông qua thủ tục nhanh chóng để đàm phán trực tiếp" với một số nhà cung cấp. Loại đạn này đặc biệt có nhu cầu cao do được các lực lượng Ukraine sử dụng trong các trận địa pháo chính xác, tầm xa.
Theo văn bản, thời gian là điều cốt yếu: "Do tính cấp bách, Thỏa thuận Dự án cần được ký kết chậm nhất là vào tháng 3". Và các hợp đồng nên "được ký kết sơ bộ từ cuối tháng 4 đến cuối tháng 5."
Tài liệu cũng chỉ ra sự cần thiết phải tăng cường hỗ trợ để đẩy mạnh sản xuất, vì các nhà máy vũ khí ở châu Âu gần như đã hoạt động hết công suất và chi phí tăng vọt. Các biện pháp có thể bao gồm "xác định và giúp loại bỏ các nút cổ chai trong sản xuất ở EU" cũng như "tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác của các công ty có liên quan trong nỗ lực chung của ngành nhằm đảm bảo tính sẵn có và nguồn cung".
Tài liệu nói trên sẽ được các bộ trưởng quốc phòng EU thảo luận tại một cuộc họp không chính thức ở Stockholm vào tuần tới và sau đó dự kiến sẽ được các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng chính thức thông qua vào ngày 20/3. Các nhà lãnh đạo châu Âu cũng dự kiến sẽ phê chuẩn lần cuối tại cuộc họp vào ngày 23 và 24/3.
Khả năng Nga giành được pháo đài phòng thủ Chasiv Yar của Ukraine Quân đội Nga được cho là đặt hy vọng sẽ chiếm được Chasiv Yar trước ngày Chiến thắng 9/5, nhưng liệu họ có đạt được điều đó? Khói bao trùm Chasiv Yar, gần Bakhmut, ngày 7/4/2023. Ảnh: EPA-EFE Giao tranh ở Ukraine vẫn tiếp diễn không suy giảm và lực lượng Nga vẫn tiếp tục tiến công ở nhiều điểm dọc theo phòng...