Tại sao bệnh hay trở nặng vào ban đêm?
Những cơn đau kéo đến trong đêm có thể do tư thế bạn nằm, cách bạn ăn uống không điều độ, quá nhiều chất béo hay chất có cồn.
1. Hen suyễn
Những người bị hen suyễn thường ho rất nhiều vào ban đêm, họ cảm thấy khó thở hay thở khò khè. 61% số người bị hen cho biết không thể có một đêm ngon giấc.
“Vấn đề này có thể liên quan đến nhịp sinh học của cơ thể. Các hoóc môn stress cortisol thay đổi vào ban đêm, ảnh hưởng đến đường hô hấp. Nửa đêm là lúc nhịp thở đang ở mức thấp nhất, dẫn đến việc kém hiệu quả trong việc chuyển oxy vào máu và thải carbon dioxide ra khỏi cơ thể”, Deborah Waddell, chuyên gia nghiên cứu về hen suyễn ở Anh cho biết.
Phòng ngủ cũng có thể khiến bệnh hen suyễn trở nặng nếu có nhiều bụi trong nhà, đồ ngủ, chăn đệm… “Khi người ta nằm xuống, cơn ho có thể kéo đến do áp lực trên cơ hoành (cơ ngăn cách ngực và bụng), đặc biệt là nếu người đó đang bị thừa cân, dễ dẫn đến trào ngược dạ dày, chất nhầy chạy từ mũi xuống lưng, cổ họng”, Waddell phân tích thêm.
2. Thấp khớp
“Khi vào giấc ngủ, các cơn đau có thể nặng hơn. Chúng tôi không chắc chắn lý do tại sao nhưng có thể là chỗ nối giữa các khớp bị tắc nghẽn, chất lỏng dư thừa thấm vào các tế bào, các chất thải protein khiến khớp bất động một thời gian”, giáo sư Philip Conaghan, nghiên cứu cơ xương khớp tại ĐH Leeds cho biết.
Đó cũng có thể do ảnh hưởng của các cơ xương khớp khác như viêm bao hoạt dịch khớp vai, cụ thể là viêm các túi chứa dịch đảm nhiệm cho vận hành của các khớp xương và gân được trơn tru.
Giáo sư Conaghan khuyên, những người viêm khớp nặng vào ban đêm nên nói chuyện với bác sĩ để được tư vấn sử dụng một số loại thuốc giảm đau tác dụng ngắn, chẳng hạn như paracetamol.
Những cơn đau thường xảy ra lúc nửa đêm. Ảnh minh họa: Getty Image.
Video đang HOT
3. Thời kỳ mãn kinh
Thức dậy ướt đẫm mồ hôi là triệu chứng phổ biến của thời kỳ mãn kinh, do lúc này con người không có khả năng điều chỉnh nhiệt độ cơ thể. “Chúng tôi không chắc chắn về cơ chế nhưng có vẻ như các hormone estrogen trong thời kỳ mãn kinh đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của vùng dưới đồi”, tiến sĩ Edward Morris, một bác sĩ sản khoa tại Bệnh viện ĐH Norfolk và Norwich tiết lộ.
Đổ mồ hôi đêm cũng tương tự việc người ta cảm thấy nóng bừng vào ban ngày, nhưng họ có thể cảm thấy tồi tệ hơn. “Khi ở trên giường, bạn cách nhiệt bằng chăn bông, nên vô tình ngăn chặn sự mất nhiệt” tiến sĩ Morris cho biết. Hãy đảm bảo không gian phòng ngủ của bạn không quá nóng, quá lạnh, không bí hơi khó thở.
4. Nhức đầu
Một trong những loại khó chịu nhất của đau đầu là nhức đầu chùm thường xảy ra lúc 2h sáng. Đây là những cơn đau đầu dữ dội có thể xảy ra dồn một lúc trong đêm. “Điều này có thể liên quan đến chu kỳ ngủ, khi mọi người di chuyển giữa các giai đoạn của giấc ngủ sâu, giai đoạn ngủ REM và gần như thức dậy”, tiến sĩ Dowson, Chủ tịch Ủy ban nghiên cứu chứng bệnh đau nửa đầu cho biết.
Khu vực ở dưới cùng của bộ não, được gọi là thân não, có liên quan trong việc điều chỉnh chu kỳ ngủ này và cũng ảnh hưởng đến chứng đau nửa đầu. “Trong các thử nghiệm, chúng tôi đã phát hiện giai đoạn đầu của chứng đau nửa đầu có nguồn gốc từ vùng dưới đồi, ở thân não”, tiến sĩ Dowson nói.
Nguyên nhân phổ biến là nhiều người thường bỏ qua các bữa ăn, các loại thực phẩm nhất định, để đèn sáng hoặc nhấp nháy. Tuy nhiên, người ta cũng có thể đau đầu do thời tiết thay đổi… Khi cơn đau bắt đầu, nhóm thuốc gọi là triptans có thể giảm bớt đau.
5. Bệnh tim
Nhồi máu cơ tim thường xảy ra vào sáng sớm, liên quan đến việc các tiểu cầu trong máu trở nên dính hơn và dễ dẫn tới bị đông máu. Điều này có thể do những thay đổi nội tiết tố trong cơ thể hoặc nhịn ăn qua đêm, tác dụng của thuốc uống trước đó cũng có thể phát huy tác dụng phụ vào thời điểm này.
Dùng aspirin hàng ngày sẽ giúp làm cho tiểu cầu ít dính, dùng thuốc cao huyết áp vào ban đêm có thể giúp bạn tránh được những cơn đau liên tiếp. Nhưng tốt hơn hết là nên nói chuyện với bác sĩ trước khi thay đổi các thói quen.
6. Trào ngược dạ dày
Trào ngược axit dạ dày là nguyên nhân phổ biến của chứng khó tiêu và ợ nóng. Nó xảy ra khi cơ thắt dưới thực quản giãn quá nhiều, trào ngược dịch dạ dày lên thực quản.
Trào ngược có thể tồi tệ hơn vào ban đêm vì lực hấp dẫn theo hướng nằm ngang, dễ dàng cho thức ăn từ dạ dày trào ngang vào cổ họng. Theo bác sĩ Tim Worthington, một bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa tại Bệnh viện Royal Surrey County, Guildford, để tránh hiện tượng này, nên gối đầu trên một cái gối có độ cao vừa phải.
Bạn cũng nên thay đổi cách ăn uống, không ăn quá muộn vào ban đêm, ăn đồ ít chất béo, hạn chế cà phê, rượu và các loại thực phẩm có tính axit. Trong trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân có thể phải phẫu thuật thắt chặt cơ vòng.
7. Bệnh zona/cảm lạnh
“Hiện chưa rõ lý do tại sao bệnh zona đau nặng hơn vào ban đêm, nhưng có thể do mức độ dẫn truyền thần kinh liên quan đến nhận thức đau tăng dần vào ban đêm”, John Oxford, giáo sư nghiên cứu về virus học tại ĐH Queen Mary cho biết.
Theo ông, mọi người có thể lo lắng hơn vào ban đêm, khuếch đại cảm giác đau đớn. Bệnh zona có thể dẫn đến việc giảm cân, mất ngủ, trầm cảm và thậm chí tàn tật.
Giải thích về việc con người hay cảm lạnh vào ban đêm, giáo sư Oxford phân tích: “Lớp niêm mạc của đường hô hấp liên tục mang các mảnh vụn và chất lỏng ra khỏi phổi vào cổ họng. Quá trình này trở nên khó khăn hơn khi bạn đang nằm ngang, gây tắc nghẽn và khiến bạn bị ho”.
Đối với zona, bệnh nhân có thể dùng kem bôi calamine và thuốc chống dị ứng để ngăn chặn ngứa, nếu quá đau đớn các bác sĩ sẽ kê liều paracetamol thích hợp để giảm đau.
Theo VNE
Đột tử về đêm - căn bệnh khó chữa
Hội chứng Brugada còn được gọi bằng một số thuật ngữ như "hội chứng đột tử ban đêm", "hội chứng đột tử chưa rõ nguyên nhân"... là bệnh có tính chất di truyền, với biểu hiện chủ yếu là những bất thường về hệ thống dẫn truyền của tim dẫn tới rối loạn nhịp tim.
Hiện nay, người ta đã tìm ra nguyên nhân của những rối loạn về dẫn truyền của hệ thần kinh tim là đột biến ở gen SCN5A, nằm tại nhiễm sắc thể 3p21. Gen này điều hoà kênh natri ra vào tế bào. Khi bị đột biến, natri ra vào tế bào bị ảnh hưởng dẫn tới những rối loạn dẫn truyền trong cơ tim.
Không dấu hiệu báo trước
Vào những năm 1980, đột tử về đêm không giải thích được là một hội chứng có tần suất cao ở các nước Đông Nam Á, người ta phát hiện những người đàn ông trẻ di cư từ các nước này sang Mỹ bị chết đột ngột trong lúc ngủ nhưng trước đó hoàn toàn khoẻ mạnh và không có bệnh tim thực thể. Sau đó, ở đầu thập niên 1990 bệnh này được mô tả ở Thái Lan, Philippines, Nhật... Do đó, bệnh lý này có tên Lai Tai theo tiếng Thái hoặc Bangunguttheo theo ngôn ngữ Philippines, hoặc Pokkuri theo tiếng Nhật - đều mang nghĩa là "chết đột ngột khi ngủ đêm". Hội chứng này được xem là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở đàn ông trẻ Thái Lan và là thách thức lớn đến nền y tế và xã hội nước này. Sau nhiều năm nghiên cứu, người ta thấy rằng đột tử về đêm xảy ra ở khắp nơi trên thế giới.
Tần suất mắc hội chứng Brugada hiện chưa có con số chính xác nhưng theo một số báo cáo, tỷ lệ mắc hội chứng này vào khoảng 5/10.000 dân. Tỷ lệ này cao hơn ở người Nhật Bản, vùng Đông Nam Á như Lào, Thái Lan. Về giới tính, nam giới mắc hội chứng Brugada nhiều hơn nữ 8 - 10 lần.
Hội chứng đột tử chưa rõ nguyên nhân"... là bệnh có tính chất di truyền
Nhiều người mắc hội chứng Brugada do không có triệu chứng nên không được chẩn đoán phát hiện, cho đến khi có biểu hiện loạn nhịp hoặc ngất khi làm điện tâm đồ. Biểu hiện của bệnh thường là những cơn đánh trống ngực, nhịp tim không đều. Những cơn ngất không rõ nguyên nhân, không theo một chu kỳ nào, đôi khi là những biểu hiện sớm và duy nhất khiến bệnh nhân phải đến khám bệnh. Nhiều trường hợp bệnh nhân ngừng tim đột ngột dẫn đến tử vong khi đang làm việc và cả khi nghỉ ngơi. Như vậy, hội chứng Brugada hết sức nguy hiểm nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời.
Cho đến nay, việc xác định xem bệnh nhân hay có những cơn ngất hoặc đánh trống ngực có phải do hội chứng này gây ra hay không thường không có gì khó khăn. Trong đa số các trường hợp, bệnh nhân sẽ được làm điện tim để xác định hình ảnh tổn thương đặc trưng của hội chứng Brugada cũng như loại trừ loạn nhịp tim do các nguyên nhân khác. Siêu âm tim cũng có thể được kết hợp để chẩn đoán các bệnh lý khác của tim có thể gây loạn nhịp. Trong trường hợp hình ảnh điện tim không rõ ràng, một số test như tiêm thuốc có thể được dùng để xác định chẩn đoán. Một số bệnh nhân có thể được chỉ định theo dõi điện tim 24 giờ liên tục để tìm kiếm những cơn loạn nhịp xuất hiện đột ngột ở bất cứ thời điểm nào trong ngày.
Khó điều trị, không thể dự phòng
Mặc dù cơ chế bệnh sinh đã được hiểu rõ, nhưng cho tới nay, việc điều trị triệt căn hội chứng Brugada vẫn bất khả. Bởi hội chứng này làm xuất hiện những cơn loạn nhịp tim, ngừng tim do rung thất nên các phương pháp điều trị tập trung vào việc cho các thuốc chống loạn nhịp hoặc cấy máy phá rung tự động. Máy phá rung được cấy trên ngực bệnh nhân sẽ tự nhận biết khi có hiện tượng rung thất xảy ra và phá rung bằng xung điện (sốc điện) theo một lập trình cài đặt sẵn để đưa nhịp tim về bình thường. Khi đã được cấy máy phá rung (nhất là các thế hệ máy hiện đại), hiện tượng đột tử ở bệnh nhân mắc hội chứng Brugada giảm nhiều.
Dự phòng hội chứng Brugada là điều không thể vì đây là bệnh có tính di truyền. Việc có thể làm là kiểm tra những người có thân nhân cùng huyết thống có hội chứng Brugada hoặc đột tử không rõ nguyên nhân. Những bệnh nhân có những cơn ngất bắt buộc phải được khám, làm điện tim và các phương pháp cận lâm sàng khác nếu cần để loại trừ bệnh tim mạch trong đó có hội chứng Brugada.
Theo VNE
Ăn uống giúp ngủ ngon Cơ thể sẽ tràn đầy năng lượng và tinh thần tỉnh táo nếu có một giấc ngủ sâu vào ban đêm. Để làm được điều này, cần điều chỉnh chế độ dinh dưỡng bằng cách tăng cường tiêu thụ các loại trái cây, rau và một số thảo mộc. Cải xoăn, nước ép anh đào, trà hoa cúc - Ảnh: Shutterstock Nước ép...