Sức mạnh đồng tiền giúp bà Trương Mỹ Lan ‘một tay che cả bầu trời’
Đối với nhân viên, bà Trương Mỹ Lan trả mức lương cao ngất ngưởng để nhận sự hỗ trợ đắc lực trong việc rút tiền của Ngân hàng SCB.
Đối với cán bộ Nhà nước, bà không ngại chung chi số tiền “khủng” để được bỏ qua các sai phạm.
Bà Trương Mỹ Lan và các đồng phạm đã phải ra tòa để trả giá cho hành vi phạm tội của mình. Theo cáo buộc, cuối năm 2011, Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn ( Ngân hàng SCB) được thành lập trên cơ sở hợp nhất 3 ngân hàng gồm: Ngân hàng TMCP Sài Gòn, Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa và Ngân hàng TMCP Đệ Nhất.
Do đã sở hữu phần lớn Ngân hàng TMCP Sài Gòn nên khi hợp nhất, bà Lan tiếp tục mua thêm cổ phần của SCB nên số cổ phần của bà tăng lên tới 91,5%.
Bị cáo Trương Mỹ Lan. Ảnh: Huế EX
Từ đây, bà Lan đã thao túng mọi hoạt động của SCB, sử dụng ngân hàng này như một công cụ tài chính, huy động tiền gửi và vốn từ các nguồn khác. Sau đó, bà Lan chỉ đạo rút tiền bằng cách tạo lập các khoản vay khống, phục vụ cho mục đích cá nhân. Bằng thủ đoạn này, bà Trương Mỹ Lan đã chiếm đoạt của Ngân hàng SCB hơn 304.000 tỷ đồng.
Để thực hiện hành vi phạm tội, bà Trương Mỹ Lan đã dùng tiền để mua chuộc từ nhân viên trong chính Ngân hàng SCB và các cán bộ Nhà nước.
Đối với những người giữ vị trí chủ chốt trong SCB, bà Lan tỏ ra rất rộng rãi. Bà sẵn sàng trả cho họ mức lương từ 200-500 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, dịp lễ tết còn tặng quà, tiền rất hậu hĩnh.
Như trường hợp của bị cáo Bùi Anh Dũng (nguyên Chủ tịch HĐQT SCB), dù biết rõ ngân hàng này không hề thẩm định khách hàng, thẩm định tài sản đảm bảo, không quan tâm đến phương án vay vốn… nhưng vẫn ký tờ trình thẩm định, biên bản biểu quyết, phiếu biểu quyết của HĐQT đồng ý cho khách hàng ở các công ty “ma” của bà Trương Mỹ Lan vay, gây thiệt hại cho SCB hơn 26.000 tỷ đồng.
Chính sự “ngoan ngoãn” này của bị cáo Dũng đã được bà Trương Mỹ Lan thưởng thêm 500 ngàn cổ phiếu (tương đương 5 tỷ đồng).
Bị cáo Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra – giám sát ngân hàng II, thuộc Ngân hàng Nhà nước, Trưởng đoàn thanh tra SCB. Ảnh: Huế EX
Hay như bị cáo Trương Khánh Hoàng (quyền Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB), dù biết rõ các khoản vay của bà Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đều trái quy định của pháp luật, nhưng do được trả mức lương cao và còn được bà Lan cho tới 10 triệu cổ phiếu (tương đương 100 tỷ đồng) nên bị cáo tích cực giúp sức cho bà Lan rút tiền của SCB.
Không giúp bà Trương Mỹ Lan rút tiền của SCB như các đồng nghiệp nhưng bị cáo Phạm Thu Phong (Trưởng ban kiểm soát SCB) đã không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ quy định của Ban kiểm soát trong quá trình ngân hàng này cấp tín dụng đối với khách hàng Trương Mỹ Lan, nên đã không phát hiện, ngăn chặn kịp thời, xử lý đối với các sai phạm của SCB trong hoạt động cấp tín dụng. Khi nghỉ việc, Phong được bà Lan hỗ trợ tới 20 tỷ đồng.
Video đang HOT
Bưng bít, bao che sai phạm
Không chỉ chi lương thưởng hậu hĩnh cho nhân viên, bà Trương Mỹ Lan còn chung chi rất mạnh tay khi SCB bị “sờ gáy” để được bỏ qua.
Cụ thể, theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và Văn phòng Chính phủ về thanh tra Ngân hàng SCB, bị cáo Nguyễn Văn Hưng (cựu Phó Chánh thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước) đã thành lập đoàn thanh tra và triển khai 2 đợt thanh tra vào năm 2017-2018.
Bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra – giám sát ngân hàng II, thuộc Ngân hàng Nhà nước) được cử làm trưởng đoàn thanh tra SCB.
Quá trình thanh tra, bà Nhàn và thuộc cấp phát hiện hàng loạt sai phạm tại SCB. Biết sự việc bại lộ, bà Trương Mỹ Lan đã cho Võ Tấn Hoàng Văn (nguyên Tổng giám đốc) và Đinh Văn Thành (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB – hiện đã bỏ trốn) 4 lần tới gặp bà Nhàn để “lót tay” 5,2 triệu USD (tương đương 130 tỷ đồng).
Bị cáo Nguyễn Văn Hưng cũng được bà Trương Mỹ Lan biếu 390.000 USD. Các cán bộ khác trong 2 tổ thanh tra đều nhận được quà từ bà Trương Mỹ Lan, người ít nhất là 1.000 USD và 20 triệu đồng, người nhiều là 20.000 USD và 210 triệu đồng.
Dù thực trạng tài chính của SCB rất nghiêm trọng, lẽ ra phải đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, chuyển cơ quan chức năng xem xét, xử lý, tuy nhiên, sau khi nhận tiền, bà Nhàn, ông Hưng và các thành viên 2 tổ thanh tra đã bưng bít, bao che sai phạm.
Khi kết luận thanh tra được ban hành, rất nhiều nội dung đã bị bỏ, làm thay đổi hoàn toàn bản chất hoạt động tín dụng trái pháp luật và thực trạng tài chính của SCB.
Chính điều này đã khiến sai phạm của bà Trương Thị Mỹ Lan và đồng phạm không bị ngăn chặn kịp thời, dẫn tới hậu quả vô cùng lớn.
Tiếng khóc giữa tòa vì dính 'đạn bọc đường' triệu USD của bà Trương Mỹ Lan
Bị cáo Nguyễn Văn Hưng (cựu Phó Chánh thanh tra phụ trách Thanh tra - giám sát Ngân hàng) bật khóc tại tòa, xin giảm nhẹ hình phạt cho các thành viên đoàn thanh tra 'trót' dính 'đạn bọc đường' của bà Trương Mỹ Lan.
Phần xét hỏi vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm những ngày qua tập trung làm rõ các tình tiết liên quan đến hành vi đưa, nhận hối lộ. Các bị cáo thuộc nhóm thanh tra ngân hàng đã thành khẩn nhận tội, khai báo các khoản tiền đã nhận.
Đã rõ đường đi của 5,2 triệu USD
Trả lời phần xét hỏi, bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra - giám sát ngân hàng II, thuộc Ngân hàng Nhà nước) khai, đã 4 lần nhận tiền từ Võ Tấn Hoàng Văn (nguyên Tổng giám đốc) và Đinh Văn Thành (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB - hiện đã bỏ trốn) với tổng cộng 5,2 triệu USD.
Bị cáo Đỗ Thị Nhàn. Ảnh: Nguyễn Huế
Trước đó, bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn khai tại tòa về những lần mang thùng trái cây có chứa tiền đi cùng tài xế đến nhà bà Nhàn, nhưng không rõ số tiền bên trong là bao nhiêu. Sau này khi làm việc với cơ quan điều tra bị cáo mới biết là 5 triệu USD.
Tại tòa, bà Nhàn trình bày, quá trình thanh tra không nhận tiền, quà của SCB. Bà Nhàn khai, khi hoàn thành báo cáo kết quả thanh tra, báo cáo đầy đủ sai phạm của SCB trình lên cấp trên thì Võ Tấn Hoàng Văn (nguyên Tổng giám đốc) và Đinh Văn Thành (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB) xuất hiện để đưa tiền.
Bà Nhàn khai: "Khi ông Văn đưa tiền, bị cáo không nhận.... Nhưng vì ông Văn nói "đừng làm khó Văn và tự làm khó bản thân". Bị cáo rất sợ, nên để tiền vào góc nhà, không sử dụng đến. Sau gọi cho Văn để trả lại tiền nhưng không được.
"Bị cáo định lo tang sự cho mẹ xong sẽ mang tiền tới trả Văn, nhưng sau đó bị bắt. Bị cáo nhận thức được hành vi của mình, đã làm đơn tự nguyện khai nhận và nộp lại toàn bộ số tiền 5,2 triệu USD", bà Nhàn nói.
Thực tế, Bà Nhàn đã nộp 4,8 triệu USD và 10 sổ tiết kiệm hơn 10 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.
Các bị cáo thừa nhận cáo trạng truy tố đúng người, đúng tội. Ảnh: Nguyễn Huế
Bà Nhàn cũng thừa nhận, có sửa một phần trong kết luận thanh tra Ngân hàng SCB để báo cáo Chính phủ vào năm 2018. "Nợ xấu của ngân hàng SCB rơi vào nhóm 3 - 5 nhưng anh Hưng (Nguyễn Văn Hưng, cựu Phó Chánh thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước - PV) chỉ đạo là đưa vào nhóm 1", lời bà Nhàn.
Cáo trạng cáo buộc, vì động cơ cá nhân, nhận tiền, lợi ích vật chất từ SCB, ông Hưng đã chỉ đạo bà Nhàn và các thành viên trong đoàn cố tình che giấu, bưng bít, dự thảo kết luận thanh tra và các báo cáo không trung thực, không đầy đủ lên lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ, nhằm mục đích không chuyển các sai phạm sang cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật. Việc này đã tạo điều kiện cho Ngân hàng SCB tiếp tục được thực hiện đề án tái cơ cấu.
Sai phạm của ngân hàng SCB được bỏ qua như thế nào?
Tại phần xét hỏi, bị cáo Nguyễn Văn Hưng thừa nhận cáo trạng truy tố là đúng người, đúng tội. Bị cáo có nhiều lần nhận tiền, quà của Ngân hàng SCB vào những dịp lễ, tết, với tổng số tiền là 390 nghìn USD.
"Các thành viên trong đoàn thanh tra đã công tác trong ngành từ lâu năm; trước đó chưa bao giờ mắc khuyết điểm, là những cán bộ rất tốt. Mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo", bị cáo Hưng bật khóc xin cho thuộc cấp.
Bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc chi tiền hối lộ triệu USD cho các đoàn thanh tra giám sát ngân hàng, để bỏ qua hàng loạt sai phạm của Ngân hàng SCB. Ảnh: Nguyễn Huế
Cáo trạng cho rằng, ông Hưng chỉ đạo bà Đỗ Thị Nhàn, Nguyễn Thị Phụng (Phó trưởng đoàn thanh tra) và các thành viên tổ tổng hợp báo cáo không đầy đủ, không trung thực, bao che sai phạm của SCB. Việc này dẫn tới không kịp thời ngăn chặn, để bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm rút, sử dụng tiền của Ngân hàng SCB trái pháp luật, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng hơn 514 ngàn tỷ đồng.
Bị cáo Phụng thừa nhận cáo trạng truy tố là đúng. Bị cáo thừa nhận đã nhận 20 ngàn USD, 210 triệu đồng từ SCB, và đã nộp lại để khắc phục hậu quả.
Quang cảnh phiên xét xử vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm. Ảnh: Nguyễn Huế
Các bị cáo khác thuộc nhóm thanh tra ngân hàng cũng thành khẩn nhận tội, thừa nhận cáo trạng truy tố là đúng. Những bị cáo này thừa nhận sai khi làm theo chỉ đạo của cấp trên.
Trong vụ án này, có 7 thành viên của đoàn thanh tra không bị xem xét trách nhiệm hình sự mà chỉ bị xử lý về mặt Đảng, chính quyền. 7 người này bị cho là có sai phạm trong quá trình thanh tra và nhận tiền từ Ngân hàng SCB. Tuy nhiên, họ chỉ tham gia 1 phần việc do cấp trên giao, khi ký biên bản, họp đoàn thì chỉ được tham gia ý kiến trong phần việc của mình; một số nội dung thanh tra đã bị các thành viên tổ tổng hợp cắt gọt, chỉnh sửa theo chỉ đạo của cấp trên.
Quá trình làm việc với cơ quan điều tra, những người này thành khẩn nhận tội, khai là thực hiện theo chỉ đạo cấp trên, đã nộp lại số tiền nhận của SCB.
Họ đã hợp tác tích cực giúp cơ quan điều tra nhanh chóng làm rõ vụ án và đồng thời có nhiều thành tích trong công tác, được cơ quan chủ quản khen thưởng.
Món quà 20 tỷ đồng lúc nghỉ việc không "nuốt trôi" Khi nghỉ việc, bị cáo Phạm Thu Phong, cựu Trưởng Ban Kiểm soát Ngân hàng SCB được Trương Mỹ Lan "tặng" hậu hĩnh 20 tỷ đồng. Trong khi đó, Phong đã gây thiệt hại cho Ngân hàng SCB số tiền 90.317.083.032.112 đồng. Bị cáo Lan tại phiên tòa xét xử. Trả lời thẩm vấn, Phong thừa nhận hành vi của mình như cáo...