Sư thầy giúp nhiều học sinh đỗ đại học
Tốt nghiệp hai đại học, sư thầy Minh Giải ở Thừa Thiên Huế mở lớp ôn thi online miễn phí suốt hơn một năm qua, giúp nhiều học sinh trúng tuyển.
Hôm 15-16/9, sau khi các trường thông báo điểm chuẩn, thầy Minh Giải ở chùa Huyền Không (phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) liên tục nhận tin nhắn báo đỗ từ tu sĩ, học sinh tham gia lớp ôn thi Văn miễn phí của thầy. “Lớp Văn khóa hai có 48 học viên và hiện 10 bạn đã thông báo đỗ. Tôi vô cùng hoan hỉ và bất ngờ với kết quả đáng khích lệ này”, thầy Minh Giải chia sẻ.
Thầy Minh Giải trong một bài giải sử dụng phương pháp trình chiếu cho học sinh khóa 2. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Kết thúc khóa hai, sư thầy đang bắt đầu khóa ba qua Zoom và Google Meet được vài tuần nay với hơn 60 học viên ở Hà Nội, Huế, Tuyên Quang, Bạc Liêu, Quảng Trị, TP HCM, Hải Dương…
Thầy Minh Giải, tên thế tục là Nguyễn Trung Kiên, 30 tuổi, tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội và Đại học Hà Nội năm 2014, từng công tác tại một cơ quan ngoại giao suốt bốn năm.
Trong một lần đi công tác, chuyến xe chở Trung Kiên và đồng nghiệp gặp tai nạn. Mọi người trên xe đều bị thương nặng, riêng Trung Kiên may mắn bình an. Sau biến cố ấy, năm 2018, Trung Kiên quyết định phát nguyện xuất gia và tu tập tại chùa Huyền Không, lấy pháp danh là Minh Giải.
Trước khi đi tu, thầy Minh Giải đã 12 năm dạy Văn tại trung tâm ôn thi đại học, gia sư và dạy cho trẻ em nghèo ở Hà Nội. Thầy từng học chuyên Sử, trường THPT chuyên Hạ Long, Quảng Ninh, nhưng đam mê Văn và mơ ước trở thành giáo viên.
Vào chùa, thầy Minh Giải được sư phụ giao việc dạy học các chú tiểu chương trình từ tiểu học đến trung học. Năm 2020, thầy Minh Giải xin phép sư phụ mở lớp học miễn phí dạy các tu sĩ và học sinh khó khăn khắp cả nước hai buổi/tuần.
Lớp học đầu tiên có hơn 40 người, trong đó khoảng 18 tu sĩ, với mục tiêu đỗ tốt nghiệp THPT. Năm ngoái, 100% học sinh đỗ tốt nghiệp, trong đó không ít trúng tuyển Học viện Phật giáo.
Những ngày đầu đứng lớp, thầy Minh Giải có cảm giác khác lạ và bối rối khi học viên ngồi dưới không chỉ có người học ngoài đời mà còn cả sư thầy, sư cô. Họ là những tu sĩ lớn tuổi, sẵn sàng theo học lại chương trình trung học.
“Khác với ngày xưa thoải mái, giờ tôi đứng giảng với phong thái chuẩn mực của người tu hành, giữ gìn oai nghi tế hạnh, y áo đầy đủ”, sư thầy tâm sự.
Lớp học của thầy diễn ra bằng hai hình thức trực tiếp và online. Bài giảng được livestream trên Facebook và phát lại trên YouTube để người học khắp nơi có thể theo dõi.
Video đang HOT
Sư thầy đang học thạc sĩ và đặt mục tiêu cuối năm thi IELTS đạt 6.5-7.0. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Khó khăn nhất là người học không cùng trình độ nên thầy phải soạn giáo án sao cho phù hợp với mọi người. Để hấp dẫn và dễ nhớ, thầy áp dụng sơ đồ tư duy, trình chiếu slide và video về tác giả, tác phẩm ở cuối bài giảng.
Một bài văn cuốn hút và được điểm cao hay không phụ thuộc nhiều ở phần mở bài, do đó thầy chú trọng hướng dẫn người học cách viết gián tiếp sáng tạo. Các học viên cũng được yêu cầu lên bảng viết để rèn tư duy, cách trình bày và nâng cao sự tự tin.
Ngoài giáo án phù hợp, sư thầy còn phải tự trang bị các kỹ năng sử dụng công nghệ, ứng dụng và phần mềm dạy học. Thầy cũng tìm hiểu và học cách quay, dựng video, thiết kế bài giảng.
Học viên có thể tìm đọc tài liệu và xem video từ khóa trước nên để khóa mới không nhàm chán, sư thầy luôn có giáo án mới. Mỗi khóa học, học sinh được luyện ít nhất 10 đề và thi thử hai lần. Ở hai khóa vừa qua, khi ra đề thi thử, sư thầy đều có những phán đoán đúng với đề thi thật, giúp các em giành điểm cao.
Bên cạnh việc tu tập ở chùa và dạy học miễn phí, thầy Minh Giải còn đang học thạc sĩ ngành Quản lý Văn hóa của Đại học Khoa học Huế vào ba ngày cuối tuần và tranh thủ học tiếng Anh online với người bản xứ. Hàng sáng, thầy dậy từ 3h30 tụng kinh, sau đó chuẩn bị giáo án, tu tập, hành thiền và tự học.
Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ vào tháng 5 năm tới, sư thầy dự định học tiếp nghiên cứu sinh về tôn giáo hoặc dân tộc học, đặt mục tiêu cuối năm 2022 thi IELTS đạt 6.5-7.0 và trở thành giảng viên phật học của Học viện Phật giáo hoặc các trường trung cấp Phật học.
Là một trong số học viên của lớp Văn khóa 2, Ninh Khánh Vân, sinh viên khoa Dược, Đại học Đại Nam, chia sẻ một tháng trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, Vân xin học lớp online của thầy Minh Giải để thi lại. Nữ sinh Tuyên Quang được 27 điểm ba môn Văn, Sử, Địa và vừa trúng tuyển khoa Văn, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn (Đại học Quốc gia Hà Nội).
“Em không nghĩ được 9 điểm Văn vì bắt đầu học khá muộn. Không có nhiều thời gian đọc sách, em chỉ nghe thầy giảng, nhớ cách gạch đầu dòng và triển khai ý”, Vân nói. Vân thích nghe thầy Minh Giải giảng bài, thích các bài học sinh động, lối trình bày mạch lạc và dễ tiếp cận. Nhờ theo học lớp sư thầy, Vân được truyền thêm tình yêu với môn Văn và vào được trường mơ ước.
Cũng là học viên có điểm Văn cao (8 điểm), sư cô Yển Nguyệt ở tịnh thất Phước Thiền (Huế), đỗ ngành Đông phương học, Đại học Khoa học Huế với 24 điểm. “Tôi hứng thú khi tham gia lớp của thầy Minh Giải và được thầy hỗ trợ rất nhiều. Kết quả đạt được khiến tôi rất hoan hỉ”, sư cô chia sẻ.
Ngoài Khánh Vân và sư cô Yển Nguyệt, điểm Văn của học viên khóa 2 đều từ 7 trở lên, thậm chí có em được 9 điểm, đỗ các trường như Đại học Sư phạm Huế, trường Sĩ quan Chính trị hay Học viện Phật giáo.
Lớp học của thầy Minh Giải có các tu sĩ và học sinh ngoài đời có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Theo Hòa thượng Pháp Tông, Ủy viên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế, chùa Huyền Không vừa là cơ sở chính của Phật giáo Nam tông Thừa Thiên Huế, vừa là cơ sở giáo dục đào tạo của hệ phái.
“Thầy là người khuyến khích giáo dục và chọn hướng đi của ngôi chùa là giáo dục. Do vậy, trong chùa có vị nào làm được công việc chia sẻ kiến thức, chia sẻ kỹ năng, kinh nghiệm cho cộng đồng, nhất là cho thế hệ trẻ thì thầy hết sức ủng hộ”, trụ trì chùa Huyền Không nhắc đến lớp học miễn phí của thầy Minh Giải.
Hòa thượng Pháp Tông cho hay lớp học là cống hiến nhỏ của nhà chùa cho xã hội trong bối cảnh dịch bệnh chưa biết tới khi nào chấm dứt, đồng thời mở ra một bước đi chuẩn bị cho tương lai đầy đủ, đáp ứng nhu cầu học tập trong tình hình bình thường mới.
Nam sinh Nghệ An vào chung kết Đường lên đỉnh Olympia
Sau khi khởi động với điểm số thấp nhất, Nguyễn Đình Duy Anh tăng tốc, rượt đuổi các thí sinh khác và bứt phá về nhất với 250 điểm.
Chiều 19/9, cuộc thi quý 4 Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 21 phát sóng với bốn thí sinh gồm: Trương Công Minh (trường THPT chuyên Lê Khiết, Quảng Ngãi), Trần Công Minh (trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam), Bùi Đức Đăng (trường THPT chuyên Hạ Long, Quảng Ninh) và Nguyễn Đình Duy Anh (trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An).
Ở các cuộc thi trước, Duy Anh có thành tích khởi động tốt nhất trong bốn thí sinh với 120 điểm, được xem là ẩn số khó đoán trong vòng thi này. Trần Công Minh giành giải nhất tháng 2 với 330 điểm - cao nhất trong 4 thí sinh của cuộc thi quý 4. Học chuyên Sử nhưng Trần Công Minh thể hiện sự xuất sắc ở nhiều lĩnh vực khi luôn giành tới hơn 100 điểm ở phần thi Khởi động và Tăng tốc.
Nguyễn Đình Duy Anh chia sẻ tiếc nuối vì gõ sai đáp án ở phần thi Tăng tốc khiến mất điểm ở những giây cuối cùng. Ảnh chụp màn hình
Ở phần thi Khởi động, Duy Anh chỉ giành 50 điểm, còn Đức Đăng và Trương Công Minh cùng giành 60 điểm. Trần Công Minh tạm dẫn đầu với 80 điểm.
Tốc độ cuộc thi bắt đầu được đẩy nhanh ở phần Vượt chướng ngại vật . Sau khi cùng hai bạn Đức Đăng và Trần Công Minh trả lời đúng hàng ngang thứ ba có 6 chữ cái (an toàn), Duy Anh có màn bứt phá ấn tượng. Khi nội dung câu hỏi chưa được người dẫn chương trình đọc hết, Trương Công Minh và Duy Anh ấn chuông nhanh nhất cho từ khóa của chương trình. Cơ hội thuộc về Duy Anh, sau khi Trương Công Minh có câu trả lời sai "phong tỏa". Với đáp án "vùng xanh", chàng trai đến từ Nghệ An có 120 điểm, vượt lên dẫn đầu.
Duy Anh giải thích, câu trả lời của em dựa vào đáp án "an toàn" của câu hỏi trước, gợi ý từ câu hỏi sau và căn cứ vào tình hình hiện tại. "Trong thời điểm dịch bệnh hiện nay, vùng đỏ là vùng nguy hiểm, vùng cam đỡ hơn còn vùng xanh là an toàn. Điều thôi thúc em bấm chuông nhất là lời dạy của một người thầy 'liều ăn nhiều", Duy Anh hài hước chia sẻ.
Phần thi Tăng tốc là màn rượt đuổi điểm số giữa Duy Anh và Trần Công Minh. Từ 90 điểm ở vòng trước, Trần Công Minh giành lại vị trí dẫn đầu với 200 điểm, theo sau là hai bạn Duy Anh và Trương Công Minh cùng 180 điểm. 150 điểm là điểm số của Đức Đăng.
Là người trả lời đầu tiên ở phần Về đích , Trần Công Minh chọn gói câu hỏi 10-20-10. Thí sinh chọn ngôi sao hy vọng cho câu đầu tiên và trả lời đúng ở hai câu hỏi 10 điểm, giúp nâng điểm số lên 230.
Trương Công Minh trình bày một tiết mục văn nghệ trước phần thi Về đích. Ảnh chụp màn hình
Duy Anh là người tiếp theo tiến tới vị trí về đích và lựa chọn câu hỏi 20-20-10. Nam sinh chọn ngôi sao hy vọng ở câu cuối cùng và ngôi sao đã giúp em tăng lên 220 điểm.
Đến lượt mình, Trương Công Minh thành công ở câu hỏi 10 điểm nhưng trả lời sai ở câu thứ hai và nhường lại 30 điểm cho Duy Anh. Trương Công Minh sau đó quyết định chọn ngôi sao cho câu hỏi cuối cùng để giành được 40 điểm, giúp cải thiện điểm số thành 190.
Đức Đăng trả lời cuối cùng, nhận được tràng pháo tay cổ vũ của khán giả và các thí sinh khác khi chọn gói 30-30-30. Có phần Khởi động thuận lợi nhưng sau đó Đăng bị lùi lại phía sau và vài lần mất bình tĩnh. Chàng trai đến từ trường THPT chuyên Hạ Long thở phào khi giành trọn 30 điểm ở câu hỏi đầu tiên.
Sau khi Đức Đăng sai ở câu tiếp theo, Trần Công Minh ấn chuông xin trả lời. Nếu có đáp án đúng, nam sinh trường Hà Nội - Amsterdam sẽ có 260 điểm, vượt Duy Anh 10 điểm. Tuy nhiên, chàng trai Hà Nội đã không thành công.
Đức Đăng không kiềm được tiếc nuối, liên tục lấy tay lau nước mắt và ôm mặt. Ở những nỗ lực cuối cùng, em đặt ngôi sao hy vọng và vui sướng khi may mắn đã mỉm cười.
Nguyễn Đình Duy Anh giơ cao kỷ niệm chương sau khi giành vòng nguyệt quế cuộc thi quý 4 Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 21. Ảnh chụp màn hình
Chiến thắng cuối cùng thuộc về thí sinh Nguyễn Đình Duy Anh, với 250 điểm, theo sau là Bùi Đức Đăng với 230 điểm, Trần Công Minh 215 điểm và Trương Công Minh 190 điểm.
Cuộc thi kết thúc với nhiều cảm xúc, trong tiếng vỗ tay của khán giả và cái ôm động viên của thí sinh giành cho nhau. Nguyễn Đình Duy Anh là cái tên cuối cùng góp mặt trong cuộc thi chung kết năm Đường lên đỉnh Olympia.
Trận chung kết năm sẽ diễn ra vào ngày 14/11, gồm bốn thí sinh Nguyễn Hoàng Khánh (trường THPT Bạch Đằng, Quảng Ninh), Nguyễn Việt Thái (trường THPT chuyên Ngoại ngữ, Đại học Ngoại Ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội), Nguyễn Thiện Hải An (trường THPT chuyên Khoa học Tự Nhiên, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) và Nguyễn Đình Duy Anh (trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An).
Nữ sinh lớp 9 ở Nghệ An đạt 8.0 IELTS trong lần thi đầu tiên Trần Ngọc Vân Trang (SN 2006) đạt 8.0 IELTS khi đang học lớp 9, ngay lần thi đầu tiên. Trong đó, giành điểm tuyệt đối 9.0 ở kỹ năng Reading và Listening. Trần Ngọc Vân Trang đạt 8.0 IELTS, trong đó đạt 9.0 ở kĩ năng Reading và Listening khi còn là học sinh lớp 9 ở Trường THCS Đặng Thai Mai (Vinh,...