Số ca mắc mới, tử vong do ung thư ngày càng tăng
Theo ước tính, Việt Nam có hơn 180.000 ca mắc mới và khoảng hơn 120.000 ca tử vong do ung thư. Hơn một nửa số bệnh nhân tử vong trong một năm là thách thức của ngành y tế.
Chia sẻ tại lễ ký kết nhằm nâng cao chất lượng quản lý và phòng chống bệnh ung thư diễn ra tại Bệnh viện K sáng 2/10, GS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K (Hà Nội), cho biết, bệnh ung thư là bệnh tương đối đặc biệt với nhiều khía cạnh.
Về mặt tâm lý, việc mắc bệnh ung thư cũng khiến bệnh nhân dễ bức xúc vì không biết tương lai như thế nào.
“Bệnh cũng ảnh hưởng đến kinh tế của người bệnh, điều trị dài ngày, thuốc mới, kỹ thuật mới đều rất đắt tiền. Ngoài ra, sau điều trị, việc hòa nhập cộng đồng của bệnh nhân như thế nào, có làm ra tiền không. Đó là gánh nặng với cả bệnh nhân và cộng đồng”, GS Quảng chia sẻ.
GS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K (Ảnh: N.B).
Theo ông, bệnh ung thư luôn đi đôi với vấn đề tâm thần, tâm lý bệnh nhân ung thư khác nên việc điều trị bệnh nhân rất đặc thù, đặc biệt. Tâm lý bệnh nhân thay đổi từng ngày, từng giờ, đây là điều khó trong ngành ung thư.
Vì thế, việc luôn cập nhật kiến thức, đào tạo qua hội nghị, hội thảo, chương trình đào tạo là việc hết sức cần thiết. Hoạt động này cần duy trì liên tục trong tương lai để bệnh nhân ung thư được hưởng kỹ thuật mới, thuốc mới, tiến bộ mới khác.
Video đang HOT
Cũng theo GS Quảng, bệnh viện sẽ đầu tư, xây dựng Bệnh viện K cơ sở 4 để phát triển kỹ thuật cao như xạ trị proton, những kỹ thuật xạ trị tiên tiến nhất trên thế giới. Dự án này cũng phải mất 10-15 năm mới có kết quả nhưng chúng ta phải bắt đầu từ bây giờ.
Trong năm nay, bệnh viện cũng đã đưa cơ sở 1 vào hoạt động, dự kiến đến quý 1/2025 sẽ đưa toàn bộ cơ sở K1 vào hoạt động.
Buổi lễ ký kết nhằm nâng cao chất lượng quản lý và phòng chống bệnh ung thư (Ảnh: N.B).
Ung thư luôn là thách thức và là gánh nặng của hệ thống y tế trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Theo ước tính của Tổ chức Ung thư toàn cầu năm (GLOBOCAN) 2022, Việt Nam có đến hơn 180.000 ca mắc mới và khoảng hơn 120.000 ca tử vong do ung thư.
Mỗi năm tại Việt Nam số ca tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm tới 77% tổng số tử vong, trong đó bệnh ung thư là nguyên nhân đứng thứ 2.
Ở nước ta, ung thư đại trực tràng nằm trong 4 bệnh ung thư thường gặp. Bệnh đang có xu hướng gia tăng, theo GLOBOCAN năm 2022, số ca mắc mới là 16.800 và khoảng 8.400 ca tử vong hàng năm.
Bên cạnh đó, cũng theo dữ liệu GLOBOCAN năm 2022, ung thư tuyến giáp đứng thứ 6 với 6.122 ca mắc mới, trong khi năm 2020 ung thư tuyến giáp đứng thứ 10 về số ca mắc mới tại Việt Nam. Dữ liệu này đã cho thấy sự gia tăng nhanh chóng của bệnh lý ung thư tuyến giáp.
PGS.TS Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện K, cho biết thêm, hiểu được bệnh ung thư, tâm lý của người bệnh sẽ góp phần nâng cao chất lượng điều trị. Điều trị ung thư là điều trị đa mô thức, phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, dinh dưỡng, tâm lý và các phương pháp khác.
Theo PGS Bình, vấn đề đào tạo đóng vai trò rất quan trọng, bác sĩ trẻ chính là sức mạnh của bệnh viện trong tương lai, còn kiến thức kinh nghiệm của các thầy là bước đệm.
“Số mắc mới ung thư, số tử vong ngày càng tăng. Trong thời gian qua chúng ta nỗ lực rất nhiều trong công tác phòng chống để con số này không tăng lên, nhưng thực tế lại ngược lại. Vì thế, chúng ta cần cố gắng hơn.
Đây là cuộc chạy đua, mỗi mắt xích liên quan phải cố gắng hết sức để sàng lọc, phát hiện sớm bệnh. Phát hiện sớm bệnh là chìa khóa để việc điều trị có hiệu quả, giá trị cao nhất cho bệnh nhân và thầy thuốc”, PGS Bình nói.
Nghiên cứu: Ung thư ở nam giới có thể tăng đột biến vào năm 2050
Theo một nghiên cứu được công bố hôm 12/8, số ca mắc và tử vong do ung thư ở nam giới dự kiến sẽ tăng đột biến vào năm 2050, trong đó tỷ lệ ở nam giới từ 65 tuổi trở lên sẽ tăng vọt.
Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cancer, các nhà nghiên cứu từ Úc đã phân tích các ca mắc và ca tử vong do 30 loại ung thư ở 185 quốc gia và vùng lãnh thổ vào năm 2022 để đưa ra dự báo cho năm 2050.
Nghiên cứu dự đoán rằng tổng số ca ung thư ở nam giới sẽ tăng từ 10,3 triệu vào năm 2022 lên 19 triệu vào năm 2050 (tăng 84%). Số ca tử vong do ung thư dự kiến sẽ tăng từ 5,4 triệu vào năm 2022 lên 10,5 triệu vào năm 2050 (tăng 93%). Số ca tử vong ở nam giới từ 65 tuổi trở lên dự kiến sẽ tăng 117%.
Nghiên cứu mới dự đoán số ca mắc và ca tử vong do ung thư ở nam giới sẽ tăng trên toàn cầu vào năm 2050, đặc biệt là ở những người từ 65 tuổi trở lên. Ảnh: GI
Các quốc gia thu nhập và tuổi thọ thấp hơn cũng được dự đoán sẽ chứng kiến sự gia tăng lớn hơn về số ca tử vong do ung thư ở nam giới. "Trong khoảng thời gian từ năm 2022 đến năm 2050, ở châu Phi và Đông Địa Trung Hải, số ca mắc và tử vong dự kiến sẽ tăng gấp 2,5 lần. Ngược lại, châu Âu dự kiến gia tăng khoảng một nửa", các nhà nghiên cứu viết.
Nam giới có nhiều khả năng tử vong vì ung thư hơn phụ nữ do các hành vi như hút thuốc và uống rượu - điều kiện tiếp xúc với chất gây ung thư. Họ cũng ít có khả năng tiếp cận các chương trình sàng lọc.
Cũng giống như năm 2022, ung thư phổi được dự đoán là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư và tử vong do ung thư ở nam giới vào năm 2050. Các loại ung thư có mức tăng cao nhất ở nam giới vào năm 2050 dự kiến là u trung biểu mô (về số ca mắc) và ung thư tuyến tiền liệt (về số ca tử vong).
Các nhà nghiên cứu cho biết cần phải tăng cường khả năng tiếp cận và cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe để cải thiện kết quả điều trị ung thư hiện tại và chuẩn bị cho sự gia tăng dự kiến vào năm 2050.
Họ viết rằng việc mở rộng phạm vi bảo hiểm y tế toàn dân trên toàn thế giới có thể củng cố "các lựa chọn chăm sóc ung thư cơ bản", đồng thời lưu ý rằng các quốc gia thu nhập thấp bị ảnh hưởng không cân xứng bởi kết quả điều trị ung thư kém và phạm vi bảo hiểm y tế toàn dân thấp.
Đầu năm nay, một báo cáo của Hiệp hội Ung thư Mỹ phát hiện ra rằng sự gia tăng dân số và già hóa là những yếu tố chính tạo ra gánh nặng ung thư trên thế giới, với dân số toàn cầu khoảng 8 tỷ người vào năm 2022 và dự kiến sẽ đạt 9,7 tỷ vào năm 2050.
Khi nói đến số ca ung thư trên toàn thế giới, "chúng tôi nghĩ rằng con số đó sẽ tăng lên 35 triệu vào năm 2050, chủ yếu là do dân số già ngày càng tăng", tiến sĩ William Dahut, Giám đốc khoa học của Hiệp hội Ung thư Mỹ, từng nói trước đây.
Hiệp hội cho biết, nếu có thêm nhiều người sử dụng thuốc lá và nhiều người bị béo phì, cùng với các yếu tố nguy cơ ung thư khác, thì số ca ung thư dự kiến có thể còn cao hơn nữa, đặc biệt là ở các quốc gia thu nhập thấp.
Các con số báo động về sự phát triển của ung thư Ước tính cứ 5 người thì có 1 người bị chẩn đoán mắc ung thư trong đời. Hiện nay, ung thư phổi phổ biến nhất, chiếm hơn 12% số ca ung thư. Nghiên cứu được công bố ngày 4/4 trên tạp chí CA cho biết, toàn cầu ghi nhận 20 triệu ca ung thư mới và 9,7 triệu ca tử vong do ung...