Singapore muốn sống chung với COVID-19 như thế nào?
“Tin xấu là có thể COVID-19 không bao giờ biến mất, còn tin tốt là chúng ta có thể chung sống bình thường với nó” – các bộ trưởng Singapore đánh giá khi họ vạch ra lộ trình để chuyển sang trạng thái bình thường mới.
Từ trái sang: Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong, Bộ trưởng Thương mại và công nghiệp Gan Kim Yong, và Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung của Singapore – Ảnh: STRAITS TIMES/MCI
Hôm 24-6, báo Straits Times (Singapore) đăng bài viết chung của Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Gan Kim Yong, Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong và Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung – 3 bộ trưởng thuộc lực lượng liên bộ phụ trách ứng phó dịch COVID-19 của chính phủ Singapore – về lộ trình dự kiến sống chung với đại dịch COVID-19.
“Đã 18 tháng kể từ khi dịch bệnh bắt đầu, người dân của chúng ta mệt mỏi. Mọi người đều đặt câu hỏi: Đến khi nào và bằng cách nào dịch bệnh sẽ chấm dứt? Tin xấu là có thể COVID-19 không bao giờ biến mất, còn tin tốt là chúng ta có thể chung sống bình thường với nó” – ba vị bộ trưởng đặt vấn đề.
Họ cho rằng virus gây bệnh COVID-19 sẽ tiếp tục biến đổi và tồn tại trong cộng đồng. Các bộ trưởng lấy ví dụ về bệnh cúm. Hàng năm có rất nhiều người bị cúm và đa số phục hồi mà không phải nhập viện.
Nhưng một bộ phận thiểu số, đặc biệt người già và người mắc nhiều bệnh cùng lúc, có thể trở nặng và không chống chọi được.
Như ở Mỹ, hàng trăm ngàn người phải nhập viện mỗi năm vì bệnh cúm, và hàng chục ngàn người tử vong. Nhưng vì khả năng bị bệnh nặng do cúm rất thấp, nên mọi người phải sống chung với nó.
Họ tiếp tục các hoạt động hàng ngày của mình ngay cả trong mùa cúm, thực hiện các biện pháp phòng ngừa đơn giản hoặc tiêm ngừa cúm mỗi năm.
“Chúng ta có thể hướng tới một điều tương tự đối với COVID-19. Chúng ta không thể loại trừ nó, nhưng chúng ta có thể biến đại dịch thành một thứ ít đe dọa hơn nhiều, như cúm, bệnh tay chân miệng hoặc thủy đậu, và tiếp tục cuộc sống của chúng ta. Đó là ưu tiên của chúng tôi trong những tháng tới” – 3 bộ trưởng Gan Kim Yong, Lawrence Wong và Ong Ye Kung cho biết.
Họ đã đưa ra một “kế hoạch rộng”, gồm những phần sau:
Trước hết, tiêm phòng là chìa khóa. Bằng chứng chỉ ra rõ ràng: Vắc xin có hiệu quả cao trong việc giảm nguy cơ nhiễm bệnh cũng như lây nhiễm. Ngay cả khi bạn bị mắc bệnh, vắc xin sẽ giúp ngăn ngừa các triệu chứng nghiêm trọng do COVID-19.
Video đang HOT
Kinh nghiệm của Israel cho thấy tỉ lệ lây nhiễm ở những người được tiêm vắc xin thấp hơn 30 lần so với những người không tiêm. Tỉ lệ nhập viện với những người được tiêm vắc xin cũng thấp hơn 10 lần.
Ở Singapore, trong số hơn 120 người đã được tiêm vắc xin đầy đủ song vẫn bị mắc COVID-19, có một số người trên 65 tuổi, tất cả đều không có, hoặc có triệu chứng nhẹ. Ngược lại, khoảng 8% số người chưa được tiêm phòng đã phát triển các triệu chứng nghiêm trọng.
Để duy trì mức độ bảo vệ cao và chống lại các biến thể mới kháng với các loại vắc xin hiện tại, có thể cần phải tiêm nhắc lại trong tương lai. Có thể chúng ta phải duy trì một chương trình tiêm chủng toàn diện, kéo dài nhiều năm.
Người dân đeo khẩu trang khi đi sang đường ở Singapore hồi giữa tháng 5 – Ảnh: REUTERS
Thứ hai, xét nghiệm sẽ dễ dàng hơn . Họ cho rằng cần tiếp tục xét nghiệm và giám sát, nhưng trọng tâm sẽ khác. Theo đó, vẫn kiểm tra nghiêm ngặt ở biên giới để ngăn ca bệnh, nhất là các biến thể đáng lo ngại.
Trong nước, xét nghiệm sẽ không còn là công cụ để khoanh vùng và cách ly những người tiếp xúc với ca bệnh. Thay vào đó, nó sẽ là công cụ để đảm bảo các sự kiện, hoạt động xã hội và các chuyến đi nước ngoài có thể diễn ra an toàn cũng như để giảm nguy cơ lây lan dịch.
Bộ trưởng Gan Kim Yong, Lawrence Wong và Ong Ye Kung cho rằng không thể chỉ dựa vào xét nghiệm PCR – vốn có thể gây khó chịu và mất nhiều giờ để đưa ra kết quả. Họ nhấn mạnh cần xét nghiệm COVID-19 nhanh chóng và dễ dàng.
Singapore đã triển khai các xét nghiệm nhanh kháng nguyên, gồm cả tự xét nghiệm. Cũng có những bộ kit xét nghiệm thậm chí nhanh hơn, chẳng hạn qua khí thở, mất khoảng 1-2 phút để đưa ra kết quả và không cần ngoáy mũi họng.
Khi đó, các sân bay, cảng biển, tòa nhà văn phòng, trung tâm thương mại, bệnh viện và các cơ sở giáo dục có thể sử dụng các bộ công cụ này để sàng lọc nhân viên và khách.
Thứ ba, cải thiện phương pháp điều trị. Các nhà khoa học trên khắp thế giới đang nghiên cứu phương pháp điều trị COVID-19.
Hiện Singapore đã có các phương pháp điều trị hiệu quả và đó là một trong những lý do tại sao tỉ lệ tử vong do COVID-19 ở Singapore nằm trong hàng thấp nhất thế giới.
Các chuyên gia y tế Singapore đang tích cực tham gia vào việc phát triển các phương pháp điều trị mới.
Thứ tư, trách nhiệm xã hội vẫn quan trọng. “Chúng ta có thể sống chung với COVID-19 hay không phụ thuộc vào việc người dân Singapore chấp nhận rằng COVID-19 là một căn bệnh thông thường và dựa vào hành vi tập thể của chúng ta” – các bộ trưởng Gan Kim Yong, Lawrence Wong và Ong Ye Kung chỉ ra.
Họ cho rằng nếu tất cả mọi người chia sẻ gánh nặng, thì xã hội sẽ trở nên an toàn hơn. Chẳng hạn, người lao động nghỉ ở nhà khi bệnh để giúp đồng nghiệp được an toàn và cơ quan thông cảm với họ.
Hướng tới tình trạng bình thường mới
Với việc tiêm vắc xin, xét nghiệm, điều trị và trách nhiệm xã hội, có thể trong tương lai gần, khi ai đó mắc COVID-19, phản ứng của mọi người có thể rất khác so với bây giờ. Tình trạng bình thường mới có thể như sau:
Đầu tiên , một người bị nhiễm bệnh có thể phục hồi tại nhà, bởi vì khi đã tiêm vắc xin, các triệu chứng chủ yếu sẽ nhẹ. Với những người khác xung quanh người bị nhiễm bệnh cũng đã được tiêm phòng, nguy cơ lây truyền sẽ thấp. Chúng ta sẽ bớt lo lắng về việc hệ thống y tế bị quá tải.
Thứ hai, có thể không cần truy vết và cách ly ở quy mô lớn mỗi khi phát hiện một ca bệnh. Mọi người có thể tự xét nghiệm thường xuyên bằng nhiều cách nhanh chóng và dễ dàng. Nếu dương tính, họ có thể xác nhận kết quả bằng cách xét nghiệm PCR và sau đó tự cách ly.
Thứ ba, thay vì theo dõi số lượng ca mắc COVID-19 mỗi ngày, Singapore sẽ tập trung vào kết quả: Bao nhiêu người bị ốm nặng, bao nhiêu người trong phòng chăm sóc đặc biệt, bao nhiêu người cần được đặt nội khí quản để thở oxy. Điều này giống như cách giám sát bệnh cúm hiện nay.
Thứ tư, Singapore có thể dần nới lỏng các quy định quản lý an toàn và tiếp tục các cuộc tụ tập và các sự kiến lớn, như diễu hành ngày quốc khánh hoặc đếm ngược đón năm mới. Các doanh nghiệp sẽ biết chắc chắn được rằng hoạt động của họ sẽ không bị gián đoạn.
Thứ năm, chúng ta sẽ có thể đi du lịch trở lại, ít nhất là đến các quốc gia cũng đã kiểm soát được dịch và biến nó thành một căn bệnh thông thường.
Singapore và các nước sẽ công nhận giấy chứng nhận tiêm vắc xin của nhau. Khách du lịch, đặc biệt là những người đã tiêm vắc xin, có thể tự xét nghiệm nhanh trước khi khởi hành và được miễn cách ly nếu có kết quả xét nghiệm âm tính khi đến nơi.
Các bộ trưởng trên cho biết Singapore đang vạch ra một lộ trình để chuyển sang trạng thái bình thường mới trên, song song với việc đạt được các cột mốc tiêm chủng.
Trong lúc đó, Singapore vẫn cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa và bảo vệ cần thiết, để ngăn ngừa các ca nhiễm và nhập viện.
Singapore có thể triển khai tiêm vaccine Novavax trước cuối năm nay
Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, Bộ trưởng Y tế Singapore (MOH) Ong Ye Kung chiều 24/6 cho biết nước này có thể sẽ đưa vaccine của công ty công nghệ sinh học Novavax (Mỹ) vào chương trình tiêm chủng quốc gia trước cuối năm nay.
Vaccine phòng COVID-19 của hãng Novavax. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Ong Ye Kung cho biết Bộ đã và đang tìm kiếm các loại vaccine có chất lượng tốt, an toàn và hiệu quả để đưa vào chương trình tiêm chủng quốc gia, đồng thời lưu ý rằng vaccine Novavax gần đây đã cho thấy những kết quả đáng khích lệ.
Vaccine Novavax đã được chứng minh là có hiệu quả hơn 90% đối với một loạt biến thể của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, dựa trên dữ liệu giai đoạn cuối thử nghiệm lâm sàng ở Mỹ. Công ty Novavax cho biết có thể nộp đơn xin cấp phép sử dụng khẩn cấp ở Mỹ và các nơi khác trong quý III năm nay. Giống như vaccine Pfizer/BioNTech và Moderna, vaccine Novavax cũng yêu cầu hai mũi tiêm cách nhau.
Tháng 1/2021, MOH đã ký các thỏa thuận mua hàng với công ty Novavax nhằm đảm bảo có được nguồn cung vaccine này trước cuối năm nay.
Hiện chỉ có vaccine Pfizer-BioNTech và Moderna, sử dụng công nghệ mRNA, được cung cấp trong chương trình tiêm chủng quốc gia của Singapore. Novavax là loại vaccine dựa trên protein. Vaccine dựa trên protein là phương pháp tiếp cận thông thường sử dụng các mảnh protein vô hại của virus thay vì toàn bộ mầm bệnh để kích thích phản ứng miễn dịch của cơ thể. Các vaccine phòng bệnh ho gà và bệnh zona sử dụng phương pháp này.
Cùng ngày, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Kato Katsunobu cho biết nước này đã đạt mục tiêu tiêm 1 triệu liều vaccine ngừa COVID-19/ngày sớm hơn so với kế hoạch đề ra.
Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Kato Katsunobu cho biết mục tiêu này đạt được vào ngày 9/6, sớm hơn so với yêu cầu mà Thủ tướng Suga Yoshihide đề ra là vào giữa tháng 6.
Đến nay, 8,7% trong tổng số 120 triệu dân ở Nhật Bản đã được tiêm 2 mũi vaccine trong khi 19,5% đã tiêm 1 mũi vaccine.
Tuy nhiên, trong bối cảnh chỉ còn 1 tháng nữa sẽ diễn ra Olympic Tokyo, số người đã tiêm phòng ở Nhật Bản vẫn thấp hơn so với nhiều quốc gia phát triển khác. Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu đến tháng 11 tới, tất cả người dân Nhật Bản sẽ được tiêm vaccine phòng COVID-19.
Singapore lập lộ trình chung sống với Covid-19 Singapore sẽ coi Covid-19 như một phần của cuộc sống và người dân có thể thoải mái sinh hoạt không lo phong tỏa, cách ly dù dịch có bùng phát. Ba bộ trưởng Singapore phụ trách lực lượng ứng phó Covid-19 của chính phủ hôm 24/6 nhận định khi đủ lượng người tiêm chủng vaccine, Covid-19 sẽ được kiểm soát giống các bệnh...