Siêu máy bay F-35B trở lại bầu trời
Nhằm chuẩn bị hoạt động ra mắt diễn ra vào tháng 7 tới của siêu máy bay chiến đấu F-35, quân đội Mỹ ngày 27/6 quyết định khôi phục các hoạt động bay đối với phi đội siêu máy bay F-35B sau vụ cháy xảy ra trên một chiếc F-35A. Đây là sự cố thứ hai xảy ra với loại chiến đấu cơ tham vọng này của Mỹ trong vòng không đầy hai tuần.
Phát ngôn viên lực lượng Hải quân Mỹ, Richard Ulsh cho biết phi đội F-35 vẫn đang tiếp tục chuẩn bị cho kế hoạch ra mắt tại Anh vào tháng tới. Theo đó, bốn chiếc F-35B đã đáp xuống sân bay quân sự bang Maryland ngày 27/6 để thực hiện chuyến bay vượt Đại Tây Dương đầu tiên. Tuy nhiên, lệnh đình bay đối với phi đội F-35A vẫn tiếp tục có hiệu lực trong lúc các cuộc kiểm tra vẫn đang tiến hành.
Trước đó, ngày 23/6, lửa đã bùng lên trên một chiếc F-35A khi một phi công đang chuẩn bị cất cánh trong một chuyến bay huấn luyện. Sự cố này đã buộc Bộ Quốc phòng Mỹ ra lệnh đình bay đối với toàn bộ phi đội F-35 đồng thời dấy lên câu hỏi về mức độ sẵn sàng của loại chiến cơ này. Hiện Không quân Mỹ vẫn chưa đưa ra thông tin chi tiết nào về kết quả cuộc điều tra. Tuy nhiên, một số nguồn tin cho biết đã phát hiện các mảnh động cơ trên đường băng ở căn cứ không quân Eglin sau sự cố, cho thấy vụ cháy có thể xảy ra ở phần động cơ.
Siêu máy bay chiến đấu F-35.
F-35 là loại máy bay đa năng, có thể thực hiện các cuộc tấn công trên đất liền, trên biển và cả nhiệm vụ do thám. F-35 có 3 phiên bản khác nhau gồm F-35A, F-35B và F-35C. Trong đó, F-35A có khả năng cất và hạ cánh như máy bay chiến đấu thông thường; F-35B cất và hạ cánh thẳng đứng như trực thăng và F-35C triển khai trên các tàu sân bay. Tất cả các phiên bản của F-35 đều được trang bị công nghệ tàng hình siêu việt, có khả năng tránh radar, đạt tốc độ siêu âm và gắn camera giúp phi công có thể quan sát 360 độ từ buồng lái xuống mặt đất. F-35 thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên ngày 15/12/2006.
Dự án F-35 được ca ngợi là kỳ tích công nghệ tạo ra sản phẩm có thể thống trị bầu trời. Tuy nhiên tới nay dự án đã bị chậm tiến độ tới 7 năm so với kế hoạch, do chi phí bị đội lên quá lớn. Ước tính, chi phí phụ trội để sản xuất F-35 đã tăng hơn hai lần so với dự toán ban đầu. Báo cáo ngày 21/8/2013 của Phòng kiểm toán chính phủ cho biết chi phí đầu tư cho sản xuất F-35 đã lên tới gần 400 tỷ USD và mỗi năm sẽ còn đội thêm khoảng 12,7 tỷ USD nữa. Các nước tham gia tài trợ dự án này gồm có Anh, Italia, Australia, Canada, Na Uy, Đan Mạch, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.
Video đang HOT
Quân đội Mỹ có kế hoạch đặt mua tổng cộng 2.443 chiếc F-35 các loại với tổng kinh phí khoảng 391 tỷ USD để trang bị cho không quân, thủy quân lục chiến và hải quân. Việc chuyển giao các máy bay này cho quân đội Mỹ dự kiến sẽ hoàn tất vào năm 2037. Nhật Bản, Israel, Singapore, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã đặt hàng mua thế hệ máy bay chiến đấu đa năng này.
Theo Tin Tức
F-35B có thể khiến đường băng "tan chảy" nếu hạ cánh thẳng đứng
Siêu tiêm kích F-35B nhiều khả năng sẽ không thể trình diễn khả năng hạ cánh thẳng đứng tại triển lãm quốc phòng tổ chức tại Anh vào mùa hè năm nay.
Sắp tới sẽ có nhiều triển lãm hàng không lớn được tổ chức tại Anh trong mùa hè này. Trong đó, mẫu chiến đấu cơ tàng hình F-35B, biến thể có thể cất và hạ cánh thẳng đứng trong dòng tiêm kích tàng hình thế hệ năm F-35, sẽ lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng bên ngoài nước Mỹ. Tuy nhiên, khán giả có lẽ phải thất vọng khi biết rằng F-35B nhiều khả năng sẽ không thực hiện động tác hạ cánh thẳng đứng, điều mà chiến đấu cơ Harrier đã thực hiện từ những năm 60 của thế kỷ trước.
Người đứng đầu lực lượng Không quân thuộc Thủy quân lục chiến Mỹ, tướng Matthew Glavy cho biết nguyên nhân là do chương trình chưa thử nghiệm xong vật liệu dùng để bảo vệ đường băng khỏi nguy cơ bị "tan chảy" do luồng khí nóng hướng thẳng xuống dưới từ động cơ máy bay. Tuy nhiên, theo tờ Daily Beast (Mỹ), lời giải thích có phần đơn giản này không che giấu được 2 vấn đề lớn: mức độ tin cậy của các thông tin liên quan đến chương trình F-35, và tính hữu dụng của khả năng hạ cánh thẳng đứng.
Tiêm kích F-35B
F-35B được thiết kế cho lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ, và Anh dự kiến cũng sẽ mua mẫu này. Nó có thể cất cánh chỉ với đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng. Những người ủng hộ chương trình cho rằng F-35B sẽ cho phép Thủy quân lục chiến Mỹ sử dụng những đường băng ngắn trên khắp thế giới, tăng khả năng yểm trợ trên không cho các lực lượng viễn chinh. Tuy nhiên, trong quá trình hạ cánh thẳng đứng, luồng phản lực từ động cơ hướng thẳng xuống mặt đất với nhiệt độ hơn 900 độ C.
Theo dữ liệu thử nghiệm của hải quân Mỹ, có 50% khả năng luồng phản lực này có thể gây bong, nứt lớp bê tông của đường băng chỉ với 1 lần hạ cánh, do nhiệt độ cao khiến độ ẩm trong bê tông bị hóa hơi và giãn nở cực nhanh. Trong khi đó, hãng Lockheed Martin, nhà thầu chính của F-35B, cho rằng sự chênh lệch nhiệt độ giữa luồng phản lực của F-35B và Harrier là không đáng kể. Tuy vậy, Hải quân Mỹ vẫn quyết định dùng loại bê tông chịu nhiệt ở những địa điểm thử nghiệm, đồng thời đặt thêm 1 tấm nhôm bên trên để bảo vệ đường băng.
Trong quá trình hạ cánh thẳng đứng, luồng phản lực từ động cơ của F-35B hướng thẳng xuống mặt đất với nhiệt độ hơn 900 độ C.
Đó không phải là lần đầu tiên Lockheed Martin có vấn đề với thông tin do mình cung cấp. Năm ngoái, RAND, một công ty nghiên cứu quốc phòng tư nhân, đã kết luận rằng việc kết hợp 3 mẫu chiến đấu cơ của 3 quân chủng, không quân, hải quân, thủy quân lục chiến, vào 1 chương trình chung Joint Strike Fighter (JSF) khiến chi phí tăng cao hơn nếu từng quân chủng phát triển máy bay riêng biệt. Đáp lại, Lockheed Martin cho rằng RAND sử dụng một số dữ liệu đã lạc hậu, mặc dù những dữ liệu này lại không được đưa vào bản báo cáo.
Một báo cáo hồi năm 2011 cho thấy chi phí vận hành của F-35A, phiên bản dùng cho không quân, cao hơn 40% so với F-16. Một quan chức cấp cao của chương trình khi đó cho rằng Lầu Năm Góc đã tính toán sai. Nhưng sau 3 năm, con số trên vẫn không thay đổi.
F-35B được thiết kế để hoạt động từ những tàu hỗ trợ đổ bộ và những sân bay dã chiến. Một tàu hỗ trợ đổ bộ chỉ có thể chứa tối đa 6 chiếc F-35B, do đó khả năng hoạt động từ những sân bay dã chiến là rất cần thiết. Nhưng nếu vấn đề liên quan đến luồng khí nóng phản lực không được giải quyết thì khả năng này rất khó khả thi.
Một giải pháp là dùng những tấm che bằng nhôm như trong quá trình thử nghiệm nhưng việc chuyên chở và lắp đặt chúng không hề dễ dàng. Mỗi tấm có kích thước 30m x 30m, nặng 30 tấn, gồm 400 bộ phận khác nhau và cần 2 người để lắp ráp.
Việc phải thêm vào những tấm chắn này sẽ làm tăng thêm gánh nặng hậu cần khi vận hành chiến đấu cơ nặng 25 tấn này, gấp đôi chiếc Harrier. Đặc biệt là trong điều kiện thời chiến, việc tiếp tế cho những sân bay dã chiến như vậy có thể rất nguy hiểm.
F-35B cất cánh trong đêm
Có thể hạn chế phần nào vấn đề trên nếu cho máy bay di chuyển với tốc độ chậm về phía trước cùng lúc với việc hạ cánh. Như vậy lượng nhiệt sẽ được phân tán ra một diện tích lớn hơn. Tuy vậy vẫn còn những vấn đề khác, như việc những mảnh vụn từ đường băng sân bay có thể bị luồng phản lực thổi tung lên và va đập vào lớp vỏ của máy bay, gây ảnh hưởng đến khả năng tàng hình của nó.
Cho đến nay, Lầu Năm Góc vẫn chưa có kế hoạch thử nghiệm cho các trường hợp trên, và điều này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đánh giá khả năng thực sự của F-35B trong thực tế, nhất là khi mà phiên bản này tiêu tốn ít nhất 21 tỷ USD trong tổng số 55 tỷ USD ngân sách phát triển cho cả 3 phiên bản A, B và C. Chi phí sản xuất trung bình của một chiếc F-35B hiện cũng cao hơn mọi chiến đấu cơ đang được sản xuất hiện nay.
Theo Tri Thức