“Siêu F1″ cách ly cả tháng, công ty “vườn không nhà trống”, liệu đã đến lúc bỏ khái niệm F0 và F1?
Nữ nhân viên văn phòng là F1 phải cách ly cả tháng trời vì các thành viên trong gia đình lần lượt mắc Covid-19.
Hôm trước, chị được đồng nghiệp gửi bức ảnh cả văn phòng “vườn không nhà trống”, “ai cũng thông báo 2 vạch”.
“Siêu F1″ cách ly cả tháng, văn phòng “vườn không nhà trống”
Chị Nguyễn Thanh Hương, 28 tuổi, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy sau 7 ngày cách ly tại nhà vì là F1, ngày 28/2 đến văn phòng làm việc nhưng “không một bóng người”. Hôm đó, toàn bộ văn phòng chỉ có đúng 5 người. Từ đầu tháng 2 đến nay, công ty chị Hương có 27 F0, số F1 “đếm không xuể”. Để đảm bảo năng suất, ban lãnh đạo yêu cầu nhân viên vừa trực tiếp đến văn phòng vừa làm việc online.
Chị Hương là F1, sống cùng nhà với F0, nhưng may mắn sau 5 ngày cách ly vẫn âm tính và sức khoẻ ổn định. Căn phòng trọ khá nhỏ, không chia phòng, chung nhà vệ sinh và không gian sinh hoạt, nên ban đầu chị hơi lo lắng.
Để không bị lây nhiễm chéo, chị đeo khẩu trang, sát khuẩn nhà và đồ vật, tránh dùng chung đồ và hạn chế tiếp xúc. Nữ nhân viên văn phòng còn uống vitamin C, ăn nhiều hoa quả, sát khuẩn họng hàng ngày nhằm tăng cường sức đề kháng.
“Mình nghĩ F1 không triệu chứng, xét nghiệm âm tính, nên được đi làm trở lại mà không nhất thiết cách ly 5 ngày như quy định của Bộ Y tế. Nghỉ việc ảnh hưởng nhiều đến thu nhập và chất lượng công việc”, chị Hương nói.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, F1 đã tiêm đủ ít nhất 2 liều vaccine hoặc đã khỏi Covid-19 trong vòng 3 tháng, cách ly y tế 5 ngày tại nhà/ nơi lưu trú. Những người này sẽ được kết thúc cách ly nếu xét nghiệm PCR hoặc test nhanh kháng nguyên âm tính vào ngày cách ly thứ 5.
Tuy nhiên, cũng có những người được mệnh danh là “siêu F1″ phải kéo dài thời gian cách ly do người thân trong gia đình lần lượt mắc Covid-19.
Gia đình chị Nguyễn Quỳnh An, 33 tuổi, trú quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đầu tháng 2 có ba thành viên lần lượt mắc Covid-19, riêng chị tự nhận là F1 “bất tử”. Đến ngày 18/2, ngỡ tưởng sắp hoàn thành cách ly khi 3 F0 đã âm tính, chị bất ngờ test nhanh lên “hai vạch”. Các thành viên trong nhà đùa sẽ “nhốt” F0 mới vào nhà vệ sinh để tự cách ly.
Văn phòng chị An “vườn không nhà trống” vì nhân viên đều mắc Covid-19 (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
“Tôi đang dự định khi mọi người âm tính, kết thúc cách ly, sẽ làm việc và đi học bằng lái xe, nhưng lại phải ở nhà thêm một tuần do bản thân nhiễm bệnh. Vậy là từ mùng 5 Tết đến nay, tôi phải ở nhà, chắc phải cách ly đến hết tháng”, chị nói.
Sau 7 ngày điều trị, chị An test nhanh 3 lần đều âm tính với SARS-CoV-2. Cơ quan yêu cầu phải có kết quả xét nghiệm PCR mới được đến văn phòng. Ngày 27/2, chị đến bệnh viện lấy mẫu xét nghiệm, hôm sau nhận kết quả dương tính với chỉ số CT 24.
“Không còn cách nào khác, tôi phải tiếp tục ở nhà cách ly thêm 7 ngày”, chị nói.
Hôm trước, chị được đồng nghiệp gửi bức ảnh cả văn phòng “vườn không nhà trống”, “ai cũng thông báo 2 vạch”. “Đây là kỳ nghỉ Tết dài nhất của tôi. Mọi người nghỉ 5-7 ngày, còn tôi cả tháng trời. F chồng F đến lúc nghĩ rằng bất tử lại lên đời F0″, chị hài hước nói.
Anh Trần Đông, 29 tuổi, quận Hoàng Mai nêu quan điểm nên “bỏ khái niệm F1″ vì nhiều công ty sẽ không đủ nhân lực lao động.
“F1 cách ly 5 ngày, xong đi làm lại F1, thêm 5 ngày nữa. Và hoàn toàn có thể lại F1 tiếp, nghỉ thêm 5 ngày. Vậy một công ty nếu cứ phải cho F1 ở nhà thì lấy ai làm việc, trong tình hình mà Hà Nội gia tăng F0 như hiện nay”, anh nói.
Đã đến lúc nên bỏ khái niệm F0, F1?
Video đang HOT
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, người dân cần phân biệt chính xác như thế nào được xem là những người tiếp xúc gần (F1).
Theo quy định của Bộ Y tế, F1 là người có tiếp xúc cơ thể trực tiếp (bắt tay, ôm, hôn, tiếp xúc trực tiếp với da, cơ thể…) với ca bệnh xác định trong thời kỳ lây truyền. Người đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp trong vòng 2 mét hoặc trong cùng không gian hẹp, kín và tối thiểu trong thời gian 15 phút với ca bệnh xác định khi đang trong thời kỳ lây truyền.
Người không đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp gần trong vòng 2 mét hoặc ở trong cùng không gian hẹp, kín với ca bệnh xác định trong thời kỳ lây truyền. Hoặc người trực tiếp chăm sóc, khám và điều trị ca bệnh xác định khi đang trong thời kỳ lây truyền mà không sử dụng đầy đủ các phương tiện phòng hộ cá nhân (PPE).
Theo ông Nga, trong bối cảnh Hà Nội gia tăng F0 như hiện nay, tuỳ vào hoàn cảnh, nếu F1 xét nghiệm âm tính, không có triệu chứng, có thể tiếp tục đi làm. “F1 cách ly hàng loạt sẽ ảnh hưởng lực lượng lao động. Do đó, Bộ Y tế nên ban hành, sửa đổi quy định để tạo điều kiện cho người dân”, ông Nga nói.
Theo vị chuyên gia, Việt Nam nên tiến tới xem Covid-19 là bệnh đặc hữu bình thường, từ đó giảm gánh nặng cho Nhà nước. Trong trường hợp Covid-19 không còn là bệnh truyền nhiễm nhóm A, theo ông Nga, người dân nên chi trả tiền khám, điều trị.
Cụ thể, việc thanh toán tiền khám, chữa bệnh Covid-19 cũng cần ứng xử như với các bệnh lý khác. Nghĩa là có thể do bảo hiểm y tế chi trả hoặc khám dịch vụ do người dân tự chi trả khi đến các bệnh viện. Hệ thống tư nhân cũng có thể tham gia điều trị Covid-19 và thu phí.
Những văn phòng “không bóng người” tại Hà Nội mùa này (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Dịch Covid-19 tại Hà Nội tiếp tục diễn biến phức tạp khi ngày 2/3 đã vượt 15.000 ca nhiễm. Số bệnh nhân thể nhẹ, không triệu chứng chiếm đa số 96% (trong đó 95% tổng số ca nhiễm điều trị tại nhà), kiểm soát số ca điều trị chuyển tầng 2 và 3.
Theo các chuyên gia, nửa tháng nữa số ca mắc ở Hà Nội vẫn sẽ tiếp tục tăng cao và khả năng có thể đạt đỉnh tùy vào các biện pháp phòng, chống dịch. Thành phố đánh giá đây là thách thức, áp lực và khó khăn rất lớn đối với hệ thống y tế cơ sở nếu không kịp thời đưa ra các giải pháp công nghệ và ý thức người dân.
Trong cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Hà Nội ngày 27/2, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh thông tin, Hà Nội đang khẩn trương giải trình tự gene để đánh giá mức độ chủng Omicron (chờ kết quả từ Viện Vệ sinh dịch tễ).
Tuy chưa có kết quả giải trình tự gene, nhưng trên thực tế, có thể nhận định, hiện Hà Nội đã lưu hành chủng Omicron song hành với chủng Delta và có thể đã chiếm đa số bởi tốc độ lây lan Covid-19 hiện rất nhanh.
Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, người dân không nên hoang mang và lo lắng khi “đếm số ca” mỗi ngày. Trên thực tế, độ bao phủ vaccine của Hà Nội lớn, người dân thậm chí đã được tiêm mũi 4. Ngoài ra, chủng Omicron tuy lây lan nhanh, nhưng triệu chứng bệnh nhẹ hơn. Tuy nhiên, cơ quan y tế vẫn phải quan tâm những người sức khoẻ yếu, người già, người có bệnh nền vì họ có thể chuyển nặng.
Ông Nga khuyến cáo người dân nên bỏ ngay tâm lý “ai rồi cũng là F0″, vì điều này có thể gây quá tải y tế khiến các F0 nặng không được chăm sóc tốt nhất, có thể dẫn đến tử vong.
“Khi là F0, người ta đăng lên Facebook, có thể xem đây là cảnh báo với những người khác nếu lỡ tiếp xúc cần có biện pháp phòng, chống bệnh. Mặt khác, tâm lý “ai rồi cũng là F0″ rất nguy hiểm. Chúng ta làm sao khẳng định được mình hoàn toàn khoẻ mạnh, tỷ lệ tử vong không rơi vào mình. Chúng ta không nên đánh cược sức khoẻ của bản thân”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Ông lưu ý người dân nên tuân thủ thật nghiêm quy định 5K của Bộ Y tế, đặc biệt đeo khẩu trang và tránh tụ tập đông người. Ngoài tiêm chủng, người dân cũng cần tăng cường nâng cao sức khoẻ, ăn uống đầy đủ dưỡng chất, bổ sung vitamin, tập thể dục.
“Hiện nay 90% người bệnh không có triệu chứng, do đó nhiều F0 có thể đi lại trong cộng đồng, chúng ta cần hạn chế đến những nơi đông người”, ông Nga nói.
Người dân xếp hàng tại trạm y tế phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) xin giấy xác nhận khỏi Covid-19 (Ảnh: Đinh Huy)
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn Khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho rằng, khái niệm F0, F1 không còn giá trị trong bối cảnh ca mắc tăng lên 100.000 ca/ngày như hiện nay. Ngoài ra, các địa phương cũng không còn truy vết được những trường hợp tiếp xúc của F0 như giai đoạn trước. Tương tự, khi có F1 thì cũng không xác định những trường hợp F2.
“Nếu tiếp tục thực hiện cách ly tại nhà 5 ngày với F1 sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống và công việc của người dân”, ông Khanh nói.
Vị bác sĩ đề xuất chỉ nên quy định “những người mắc bệnh”, “những người không mắc bệnh”, không quy định F0 và F1 nữa. Người dân cần đảm bảo thực hiện quy định 5K khi ra ngoài, đến công ty hay nơi công cộng.
“Nếu họ có triệu chứng thì tự test và điều trị tại nhà, khỏi bệnh lại tiếp tục đi làm. Ngành y tế chỉ cần tập trung cho những bệnh nhân nặng, bệnh nhân phải thở máy để hạn chế ca tử vong”, bác sĩ Khanh nói.
Ông cũng đồng tình quan điểm nên coi Covid-19 là bệnh đặc hữu thông thường, vì hầu hết người mắc nhẹ, ít triệu chứng. Ngành y tế và chính quyền địa phương cần “bảo vệ” những người lớn tuổi, nhóm nguy cơ cao có bệnh nền. Khi các hoạt động đã được mở cửa thì không cần phải truy vết hay phân loại như giai đoạn trước.
Đồng thời ông cũng đề xuất điều chỉnh lại chiến lược xét nghiệm hiện nay. Không cần phải xét nghiệm đại trà trong khu dân cư, trường học… gây tốn kém và lãng phí, nên xét nghiệm trọng tâm trọng điểm như với những người có triệu chứng, người bệnh vào bệnh viện.
Căng thẳng điều trị bệnh nhân Covid-19 nguy kịch tại ICU lớn nhất miền Bắc
Từng có thời gian chi viện, chống dịch tại Bình Dương, PGS.TS Hải cho biết, F0 nặng, nguy kịch giai đoạn này khác với giai đoạn dịch bùng phát trước đây.
Vì vậy phương pháp điều trị cũng thay đổi để phù hợp, hiệu quả hơn.
4 tháng căng mình tiếp nhận điều trị 1.000 F0 nặng
Từ buồng đệm, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Điều trị Người bệnh Covid-19 (quận Hoàng Mai, Hà Nội), cùng PGS.TS Hoàng Bùi Hải, Phó Giám đốc bệnh viện, cầm bộ đàm theo dõi sức khỏe bệnh nhân tại khu cấp cứu. Ngăn cách bởi tấm cửa kính là phòng hồi sức tích cực (ICU) - nơi các bác sĩ đang đi lại như con thoi để chăm sóc, điều trị các F0 nặng, nguy kịch.
"Phải thường xuyên liên hệ với gia đình bệnh nhân, giải thích cặn kẽ về tình trạng F0 cho người nhà", PGS.TS Hiếu nhắc bác sĩ đang trực tại buồng đệm.
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu (bên trái) cùng PGS.TS Hoàng Bùi Hải (ngoài cùng, bên phải) trao đổi về tình hình điều trị F0 tại buồng đệm của Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Điều trị Người bệnh Covid-19
"Bệnh nhân nào tỉnh lại, lập tức test nhanh. Nếu âm tính, chúng ta chuyển ngay sang khu phục hồi chức năng. Việc này để tránh trường hợp bệnh nhân tiến triển tốt nhưng nhìn xung quanh thấy các trường hợp nặng, nguy kịch khác, tâm lý sẽ bị ảnh hưởng, trở nặng trở lại", ông nói thêm.
Khi chuẩn bị rời sang khu khác, PGS.TS Hiếu dừng lại trước một nữ bác sĩ - chị là một trong số các bác sĩ từ bệnh viện ở Hà Giang và Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội), đến đây để hỗ trợ và học hỏi về điều trị F0 nặng. "Quyết tâm ở lại với chúng tôi nhé", PGS.TS Hiếu nhắn nhủ.
Đó là quang cảnh tại khu ICU của Bệnh viện Điều trị Người bệnh Covid-19 một chiều cuối năm. Bệnh viện được xây thần tốc sau 1 tháng, thuộc tầng 3 trong tháp điều trị tại Hà Nội, chủ yếu tiếp nhận F0 nặng, nguy kịch, thở máy, cần hỗ trợ về chức năng sống, lọc máu, ECMO. Việc xây dựng bệnh viện đều do các mạnh thường quân, nhà tài trợ ủng hộ, đóng góp.
Bên trong phòng điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch
"Được chứng kiến giai đoạn từ con số không, một bãi đất trống đến bệnh viện điều trị F0 lớn nhất miền Bắc như hiện tại (có thể đáp ứng hơn 500 giường điều trị các trường hợp thở máy) là may mắn trong đời những bác sĩ như chúng tôi", PGS.TS Hoàng Bùi Hải, Phó Giám đốc bệnh viện chia sẻ.
Ngày 15/9, bệnh viện nhận F0 đầu tiên. Sau 4 tháng hoạt động, nơi đây đã chăm sóc, điều trị khoảng 1.000 F0. Theo quy trình, bệnh viện chỉ tiếp nhận người đã được xét nghiệm dương tính và có liên hệ trước qua đường dây nóng. Đó là các F0 được CDC địa phương, phường đánh giá tình trạng nặng, nguy kịch.
"Có trường hợp gọi điện đến đường dây nóng, nằng nặc đòi nhập viện nhưng y tế phường đánh giá không phải trường hợp nặng, chúng tôi cũng khuyên họ nên ở lại điều trị, chăm sóc tại tuyến một", đại diện bệnh viện cho biết.
Các cơ sở, bệnh viện tuyến dưới muốn chuyển bệnh nhân đến đây đều phải gọi điện, chuyển hồ sơ trước (thông tin chi tiết về địa chỉ, tình trạng tiêm vắc xin, bệnh nền...) để các bác sĩ chuẩn bị giường thở, máy thở đón F0.
Tín hiệu khả quan trong điều trị F0 nặng tại ICU lớn nhất miền Bắc
Bệnh viện Điều trị Người bệnh Covid-19 đang có 200 nhân viên y tế, trong đó, một nửa là nhân lực từ các bệnh viện khác đến hỗ trợ và học tập. Ngoài ra, bệnh viện vẫn chia nhân lực hỗ trợ Bình Định, Thanh Hóa, Bình Dương... chống dịch.
Các bác sĩ đang áp dụng phương án 2 ca 3 kíp, mỗi ca kéo dài 12 giờ. Tuy nhiên sau 4 giờ làm trực tiếp tại các ICU, các bác sĩ lại được thay đồ bảo hộ ra làm việc tại phòng đệm, để nhóm khác vào thay. "Số lượng nhân viên y tế đảm bảo nhưng chúng tôi phải cân đối nhân sự có kinh nghiệm về hồi sức tích cực", PGS.TS Hải nói.
PGS.TS Hoàng Bùi Hải, Phó Giám đốc bệnh viện giải quyết công việc tại khu vực buồng đệm.
"Căng thẳng" là điều PGS.TS Hoàng Bùi Hải nói về tình hình điều trị F0 hiện tại khi số mắc của Hà Nội và các tỉnh tăng cao. Bệnh viện đang điều trị khoảng 200 ca, trong đó 60- 70% bệnh nhân tình trạng nặng (từ thở oxy trở lên).
Công việc của các bác sĩ khá vất vả, đặc biệt do số F0 nặng chưa thể xuất viện, bệnh nhân mới lại liên tục bổ sung. "Bệnh nhân nặng ngày càng nhiều hơn. Có trường hợp thở máy 5-6 tuần vẫn chưa thể ra viện", PGS.TS Hải tiếp tục thông tin.
"Có nhiều cụ bị bệnh Alzheimer's, thường xuyên đòi về nhà, không hợp tác; có cụ khác lại bị tai biến, nằm liệt giường... Các cụ có hệ miễn dịch kém, vì nhiều lý do chưa được tiêm vắc xin", Phó giám đốc bệnh viện nói. Vì vậy, công tác chăm sóc, điều trị của các bác sĩ, điều dưỡng cũng gặp nhiều khó khăn.
Từng có thời gian chi viện, chống dịch tại Bình Dương, PGS.TS Hải cho biết thêm, F0 nặng, nguy kịch giai đoạn này khác với giai đoạn dịch bùng phát trước đây.
Cụ thể, giai đoạn bùng dịch ở TP.HCM, Bình Dương, các F0 nặng, nguy kịch đa dạng ở lứa tuổi, với điểm chung là chưa được tiêm vắc xin. Ca nặng, tử vong có cả người trẻ, khoảng 30-40 tuổi. Ở giai đoạn hiện nay, do được phủ vắc xin nên các trường hợp nặng, nguy kịch chủ yếu là người già, có bệnh nền và phần lớn chưa tiêm vắc xin.
Bệnh viện Điều trị Người bệnh Covid-19 đang có 200 nhân viên y tế, trong đó, một nửa là nhân lực từ các bệnh viện khác đến hỗ trợ và học tập.
Vì vậy phác đồ điều trị cũng thay đổi để thích ứng tình hình. Hiện tại, phác đồ điều trị được cá nhân hóa tùy theo thể trạng, bệnh nền của từng bệnh nhân.
Cũng theo PGS.TS Hải, nhờ thuốc điều trị, máy móc phương tiện và nhân lực được đảm bảo hơn nên kết quả điều trị F0 được nâng cao, tỷ lệ tử vong giảm so với đợt trước. "Cụ thể, giai đoạn 1 tháng đầu tiên khi vừa đi vào hoạt động, bệnh viện điều trị 20 bệnh nhân thở máy, tỷ lệ tử vong là một nửa. Nhưng thời gian gần đây, tỷ lệ này giảm xuống từ 50% xuống khoảng 40-45%. Ca nặng tăng nhưng tỷ lệ tử vong giảm", PGS.TS Hải chia sẻ thêm.
Tín hiệu lạc quan này chính là động lực đối với các nhân viên y tế trong giai đoạn khó khăn khi số ca mắc, số ca nặng tại các tỉnh, thành liên tục tăng.
Hà Nội lập đỉnh ca Covid-19, dân chi chục triệu trữ thuốc, máy tạo oxy Số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội liên tục lập đỉnh mới khiến người dân lo lắng. Một số gia đình tìm cách tích trữ thuốc, kit test nhanh dù tốn khoản tiền không hề nhỏ. Liên tục nhiều ngày thấy số ca mắc tại Hà Nội tăng vọt cùng với tin tức bạn bè, người thân báo mắc Covid-19 khiến gia đình...