Sẽ đưa ra chỉ số để nắn chỉnh tư duy “môn chính môn phụ”
“Bộ GD&ĐT sẽ đưa ra chỉ số đánh giá nhằm nắn chỉnh tư duy của những người quản lý về quan niệm môn chính – môn phụ; các cấp quản lý tuyệt đối không phân biệt môn chính – môn phụ trong chỉ đạo; giáo viên cũng phải bước qua tâm lý này” – Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết như vậy khi chủ trì tọa đàm tìm giải pháp nâng cao chất lượng môn Lịch sử trong trường phổ thông.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Tọa đàm
Tọa đàm do Bộ GD&ĐT tổ chức diễn ra trong bối cảnh môn Lịch Sử tại Kỳ thi THPT quốc gia chỉ có điểm trung bình 4,3 – tuy kết quả có tốt hơn năm ngoái – song vẫn tiếp tục là một trong hai môn có điểm trung bình thấp nhất.
Nặng nề tâm lý “môn phụ”
Mở đầu cuộc tọa đàm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, cuộc tọa đàm được tổ chức ngay sau khi công bố kết quả thi nhằm phân tích và tìm ra giải pháp cho một vấn đề không mới nhưng bức thiết, đó là chất lượng và vị trí của môn Lịch sử trong trường phổ thông. “Đổi mới dạy và học môn Lịch sử là tất yếu nhưng đổi mới thế nào để môn học trở nên gần gũi với cả người dạy lẫn người học, thầy tâm huyết, trò hứng thú” – Bộ trưởng nêu vấn đề.
Mang đến tọa đàm tâm trạng buồn vì kết quả điểm trung bình Lịch sử lại thấp nhất trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, cô giáo Lê Thu Huyền, Trường THPT Sơn Tây (Hà Nội) cho biết, khi đọc đề thi Lịch sử năm nay, cô và các đồng nghiệp đều thống nhất nhận định đề thi chất lượng tốt, không có vấn đề gây tranh cãi, rất tường minh, “nhưng cuối cùng phổ điểm trung bình của môn Lịch sử vẫn thấp nhất” – Cô Huyền chia sẻ tâm trạng khi đón nhận phổ điểm môn Lịch sử.
Đầu tư cơ sở vật chất cho môn Lịch sử còn hạn chế. Ảnh minh họa
Lí giải vì sao dù giáo viên đã nỗ lực, có tâm huyết nhưng kết quả dạy và học môn Lịch sử vẫn chưa cao, cô Huyền cho rằng, có sự chênh lệch, không đồng đều giữa chất lượng giáo viên các vùng miền; sự quan tâm dành cho môn Lịch sử trong mỗi nhà trường cũng chưa thỏa đáng đúng như sứ mệnh, trách nhiệm của môn học.
“Tôi lấy ví dụ, các trường có thể bỏ kinh phí đầu tư phòng học bộ môn, phòng thí nghiệm hay phần mềm hỗ trợ giảng dạy cho một số môn học rất dễ dàng, nhưng khi nói đến đầu tư cho môn Lịch sử là có sự cân nhắc” – cô Huyền nói.
Chung quan điểm về việc môn Lịch sử chưa được coi trọng đúng mức nhưng cô Hoàng Thị Lan Hương, Tổ trưởng môn Lịch sử, Trường THPT Chu Văn An lại lí giải từ khía cạnh sự hứng thú của học sinh với môn học này.
Vấn đề là làm sao để đổi mới nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy, phương thức kiểm tra đánh giá cho phù hợp, thiết thực và hiệu quả. Đội ngũ giáo viên các cấp cũng cần được đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu. Khi thầy cô chuyển động – môn Sử sẽ chuyển động. Phải làm sao để học Sử phải trở thành nhu cầu tự thân của mỗi học sinh
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ
Cô Hương cho biết, ở Trường THPT Chu Văn An môn Lịch sử vẫn được coi trọng nhưng học sinh không còn hứng thú với môn học này nữa, các em lựa chọn hướng khác. Sự lựa chọn này phần nhiều đến từ sự định hướng của gia đình, mong muốn các em theo đuổi 3 môn chính là Toán – Ngữ Văn – Ngoại ngữ.
“Nhiều phụ huynh cách kỳ thi tốt nghiệp THPT 2-3 tháng đến gặp chúng tôi để nhờ phụ đạo cho con môn Lịch sử, để mong cháu đủ điểm qua tốt nghiệp. Thời gian trước đó các em dành cho các môn xét tuyển đại học, chủ yếu là khối thi 3 môn Toán – Ngữ Văn – Ngoại ngữ” – Cô Hương chia sẻ.
Đây cũng là thực tế diễn ra tại Trường THPT Việt Đức (Hà Nội). Theo cô giáo Phạm Thị Thanh Huyền, giáo viên dạy tốt, học sinh có hứng thú với môn học nhưng dù có thích thì môn Lịch sử cũng hầu như không liên quan đến lựa chọn nghề nghiệp của các em, nên các em chỉ học đủ điểm để qua môn.
Đồng cảm với những khó khăn của giáo viên dạy bộ môn Lịch sử, song Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu, không thể để tâm lý “môn phụ” – “môn chính” tiếp tục tồn tại trong các nhà trường phổ thông. Bộ trưởng khẳng định, Lịch sử là môn học có vị trí quan trọng ở bậc phổ thông, tỷ lệ học sinh lựa chọn Lịch sử để dự thi THPT quốc gia ngày càng tăng trong những năm qua đã cho thấy sự quan tâm của học sinh với môn học này.
Video đang HOT
Nhiều chuyên gia tâm huyết đã dành sự quan tâm cho cuộc Tọa đàm tìm giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học môn Lịch sử
Phải làm cho học sinh thích Sử
Là nhà nghiên cứu Lịch sử nổi tiếng, GS.TS Vũ Minh Giang nhận định, bản thân môn Sử rất có sức hấp dẫn nhưng trong một thời gian dài nền giáo dục của chúng ta tiếp cận nội dung nên dạy cụ thể, diễn biến, ngày tháng… dẫn đến học sinh rất sợ, khó nhớ. “Chúng ta dạy Sử theo lối không đối xử với nó như một môn khoa học nên cứng nhắc, giáo điều, mất tính khách quan, học thuộc lòng quá nhiều. Cách dạy của chúng ta tương đối nghèo nàn, khô cứng, trong khi môn học này rất cần bổ trợ bằng nhiều hình thức sinh động” – GS Giang nhìn nhận.
Cho rằng, đổi mới là cần thiết nhưng GS Vũ Minh Giang cũng thừa nhận, đổi mới dạy và học không thể nhanh được, nhất là đối với môn Sử, “nó có độ trễ, sự “đông cứng” trong chính các thầy cô giáo, chúng ta phải kiên quyết bỏ lối tư duy “không sự kiện làm sao thành Sử”, chương trình giáo dục phổ thông mới tới đây phải làm được điều này, phải làm cho học sinh thích Sử”.
Để nâng cao vị trí của môn Lịch sử, GS Vũ Minh Giang cho rằng, đã đến lúc phải tính lại để làm sao kiến thức Lịch sử cần cho tất cả mọi người, nhất là với cán bộ lãnh đạo, trở thành một tiêu chí lựa chọn cán bộ lãnh đạo. Ngoài ra, tính hấp dẫn phải có, đổi mới sách giáo khoa phải làm điều này, chữ nghĩa ít thôi, không trói buộc học sinh phải nhớ mà là để học sinh tự tìm tòi.
Theo GS Vũ Minh Giang, cách học và cách thi môn Lịch sử hiện nay có độ chênh đáng kể. Ông lí giải, kết quả cao hay thấp từ một kỳ thi chưa chắc đã do trình độ học sinh mà còn do đề thi. Việc ra đề thi Lịch sử mấy năm qua đã tiếp thu rất nhanh, chạy rất nhanh đổi mới nhưng người học có độ trễ vì vẫn học theo cách cũ nên chưa thích ứng ngay được với đề thi này. Cần phải có lộ trình từng bước một.
GS.TS Phạm Hồng Tung, Tổng chủ biên môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới, gợi mở, nên có sự thay đổi các môn trong tổ hợp tuyển sinh, môn Lịch sử cần được đưa vào trong nhiều tổ hợp xét tuyển hơn so với hiện nay. Ví dụ những ngành như du lịch, khách sạn, lữ hành… cần được xét tuyển bằng môn Lịch sử. Khi Lịch sử là một quan trọng trong lựa chọn nghề nghiệp, ví trí của môn học sẽ nâng cao hơn.
Đưa ra ví dụ ở Canada khi muốn nhập quốc tịch cần phải biết lịch sử của nước họ, PGS.TS Vũ Quang Hiển, Giảng viên khoa Lịch sử, trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội đặt câu hỏi, bên cạnh đổi mới chương trình, phương thức đánh giá, có cách nào đổi mới vị thế đặc thù môn Lịch sử được không?
Toàn cảnh buổi Tọa đàm
Xóa bỏ tâm lý “môn chính – môn phụ”!
Là người có nhiều năm phụ trách bộ môn Lịch sử cấp THCS và THPT, ông Xuân Trường, chuyên viên Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho rằng, cần có một cuộc “cách mạng” trong nhận thức từ cán bộ quản lý, sở, phòng, hiệu trưởng, tổ bộ môn để chỉ đạo sát sao hơn với môn Lịch sử trong nhà trường, tạo động lực cho giáo viên. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào thiết kế bài giảng, tăng tính hấp dẫn cho bài giảng; đổi mới mới phương pháp dạy học với định hướng nghề nghiệp của học sinh.
Không đặt nặng yêu cầu về nội dung chương trình môn Lịch sử, theo cô giáo Lê Thu Huyền, Trường THPT Sơn Tây (Hà Nội), nội dung chương trình chỉ là một phần, quan trọng là giáo viên biết lựa chọn kiến thức nào để truyền tải đến học sinh, cách truyền tải, cái hồn của thầy cô giáo được gửi gắm trong bài giảng.
Mong mỏi lớn nhất của cô Huyền cũng như nhiều giáo viên dạy môn Lịch sử hiện nay là được trang bị các thiết bị hỗ trợ, phần mềm dạy học cần thiết và được tạo môi trường thuận lợi để giáo viên Lịch sử có động lực giảng dạy.
Ghi nhận các ý kiến tại Tọa đàm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, đây sẽ là những gợi mở cần thiết để Bộ GD&ĐT có những điều chỉnh, chỉ đạo trong thời gian tới về cả cách dạy, cách học, cách thi của môn Lịch sử.
“Trong khi chưa áp dụng chương trình mới thì ngay trong dịp hè này cần rà soát lại chương trình môn Lịch sử ở bậc phổ thông, những gì bất cập phải bỏ, tiếp cận với chương trình mới, đẩy mạnh đổi mới phương pháp để hạn chế “độ trễ, độ vênh” giữa học và thi, hạn chế thầy cô giảng theo cách cũ trong khi thi đang đổi mới” – Bộ trưởng chỉ đạo các vụ, cục chuyên môn của Bộ.
Theo Bộ trưởng, đổi mới môn Lịch sử không thể nóng vội, mà từng bước một tạo ra sự nhìn nhận mới về môn Lịch sử. Đổi mới trước hết phải từ đội ngũ giáo viên, tạo động lực cho giáo viên, nếu giáo viên còn tâm lý “môn chính – môn phụ” thì khó đổi mới được.
“Bộ GD&ĐT sẽ đưa ra chỉ số đánh giá nhằm nắn chỉnh tư duy của những người quản lý về quan niệm môn chính – môn phụ; các cấp quản lý tuyệt đối không phân biệt môn chính – môn phụ trong chỉ đạo; giáo viên cũng phải bước qua tâm lý này” – Bộ trưởng nêu rõ.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, trong Hội nghị Giám đốc Sở GD&ĐT toàn quốc, những giải pháp nhằm nâng chất lượng dạy và học, nâng cao vị thế của môn Lịch sử sẽ được chỉ đạo và thực hiện tới từng địa phương, để ngay trong năm học tới sẽ có chuyển biến rõ nét đối với môn Lịch sử.
Minh Thu
Theo GDTĐ
"Cô dạy hay đấy, nhưng quá rủi ro!"
Khi tôi tham gia cuộc thi giáo viên dạy giỏi, học sinh nói với tôi rằng: "Cô cứ yên tâm, bọn con diễn giỏi lắm". Nhưng tôi đã nói với các em: "Nếu các con đưa cho cô một kịch bản, cô sẽ là người đầu tiên quên lời".
"Tôi cũng buồn rất nhiều và thấy tổn thương"
Tôi là một giáo viên dạy "môn phụ". Trong khi các giáo viên "môn chính" có thể đi dạy thêm tại các trường dân lập với mức tiền 14 - 15 triệu một tháng thì lương của tôi chỉ vỏn vẹn 5 triệu đồng.
Tôi đã từng nhận được rất nhiều câu hỏi "Em dạy môn gì?". Khi tôi nói rằng mình dạy môn Công nghệ, họ đồng loạt kể rằng: "Nhiều cô giáo dạy môn phụ chỉ thích bắt bẻ học sinh".
Thậm chí, những đồng nghiệp của tôi - vốn là giáo viên dạy "môn chính" - cũng thường nhắc nhở rằng: "Môn ấy có quan trọng gì đâu mà cô cứ khó khăn. Cô cho chúng nó 10 điểm hết cho xong".
1001 câu nói khiến tôi - dù là người hiếm khi để tâm tới lời người khác - cũng cảm thấy chạnh lòng.
Cô Trần Thị Minh Ngọc là giáo viên dạy môn Công nghệ của Trường THPT Xuân Đỉnh, Hà Nội.
Phải nói thật rằng tôi không quá áp lực với nghề này mặc dù đôi khi cũng cảm thấy hơi thất vọng. Những năm trước đây, ngoài giờ lên lớp tôi vẫn làm thêm rất nhiều việc. Tôi nhận tắm cho em bé, đi bán hàng thuê, dọn dẹp và trông trẻ theo giờ.
Những việc này tôi hoàn toàn làm giấu chồng. Tôi nói mình đi gia sư nhưng thực chất là đến nhà người ta để giặt giũ, nấu cơm, dọn dẹp.
Tôi chưa từng cảm thấy xấu hổ khi làm những công việc ấy, càng không bao giờ nghĩ đến việc sẽ bỏ nghề. Từ lâu, tôi đã tìm cách tự giải tỏa cho bản thân.
Tôi học cách nhìn nhận khác đi. Khi thấy rằng môn phụ thực chất là như thế, vai trò là gì rồi, tôi cố gắng thay đổi để học sinh thích thú hơn trong mỗi tiết dạy. Giờ đây tôi không còn "tổn thương" khi nghe những câu môn của mình là môn phụ nữa.
Nhiều đồng nghiệp cho rằng tôi "lập dị, ngang tàng". Nhưng quan điểm về nghề của tôi không giống với mọi người. Do vậy tôi cũng gặp phải nhiều khó khăn trên hành trình thay đổi.
Nhưng tôi vẫn cố gắng áp dụng những phương pháp giảng dạy sáng tạo, cho học trò làm việc theo nhóm nhiều hơn, tăng cường tính tương tác giữa cô và trò để khiến các em thêm hứng thú với môn học. Từ đó tôi bắt đầu nhận được những phản hồi tích cực từ học trò.
"Chưa bao giờ tôi mất ăn mất ngủ vì cuộc thi giáo viên giỏi"
Tôi bắt đầu không gò ép mình chạy theo những thành tích, danh hiệu. Nhiều thầy cô muốn thi giáo viên dạy giỏi chỉ để lấy danh hiệu trưng như một bộ quần áo đẹp chứ không phải xuất phát từ thực tâm mong muốn. Nhưng giáo dục là cả một quá trình. Thầy cô không thể giỏi chỉ thông qua một tiết dạy.
Tôi quan sát thấy các giáo viên đi thi đều rất căng thẳng và áp lực mặc dù Ban Giám hiệu luôn động viên, tạo điều kiện và không hề đặt áp lực về thành tích. Nhưng có những giáo viên vẫn phải mất cả tháng trời để chuẩn bị, dạy thử rất nhiều lần rồi lại thay đổi giáo án,... và đến những ngày gần thi thì mất ngủ, sụt cân. Thậm chí có những cô giáo cứ mỗi lần thi là đau dạ dày và chỉ mong kỳ thi qua mau.
Có những giáo viên vì danh hiệu giáo viên giỏi đã phải dàn dựng kịch bản, huy động một nhóm học sinh trường mình đến để diễn, làm sẵn báo cáo và giao cho học sinh đến tiết trình bày như một sản phẩm cá nhân. Ngày đi thi, có cô công phu tới mức chở cả ô tô dụng cụ đến diễn giảng.
Tôi đã từng nghe rất nhiều câu nói của học sinh như: "Cô ơi, lớp con đóng kịch siêu cao thủ", "Cô ơi, lớp con toàn diễn viên". Còn học sinh một lớp khác thì nói:"Cô giáo con làm hết cho bọn con rồi, con chỉ việc lên diễn thôi",...
Tôi thấy sao mà khổ thế!
Mới đây tôi cũng tham dự kỳ thi này. Tôi nói với mọi người rằng mình thi chỉ để thử nghiệm phương pháp khi áp dụng trong một môi trường khác, ở những đối tượng khác sẽ ra sao?
Vì thế tôi không cảm thấy áp lực. Tôi luôn luôn giữ cho mình hai nguyên tắc. Thứ nhất, không dàn dựng. Thứ hai, không dạy thử.
Khi tôi đi dự thi ở một ngôi trường hoàn toàn xa lạ, học trò có nói với tôi rằng:"Cô cứ yên tâm, bọn con diễn giỏi lắm". Nhưng tôi đã nói với các em: "Nếu các con đưa cho cô một kịch bản, cô sẽ là người đầu tiên quên lời. Cho nên tiết học bình thường diễn ra như thế nào thì tiết học lần này của chúng ta cũng sẽ học y như vậy. Tuyệt đối không dàn xếp hay cắm gài gì cả".
Học trò cũng không quên nhắn nhủ ngay: "Cô đừng ân hận, cô nhé!". Thực chất là bởi nếu để học như bình thường, chúng sẽ nói chuyện rất ồn ào và quậy phá.
Trước khi bước vào buổi thi, tôi chỉ gặp học trò đúng một lần. Đó cũng là lần để chúng tôi gặp gỡ, làm quen với nhau. Tôi hoàn toàn liên lạc với các em qua nhóm trao đổi học tập trên Facebook. Tôi đặt chủ đề để học sinh tìm hiểu trước bài học và đăng tải bài ngay trên Google Docs. Nhờ vậy cả cô và trò có thể quan sát những thông tin mọi người tìm kiếm được để xây dựng bài giảng hợp lý hơn.
Tôi muốn tiết học của mình sẽ diễn ra thật thoải mái. Học trò có thể đi lại và trao đổi tự do nếu chúng cảm thấy thực sự cần.
Tôi thống nhất với học trò rằng tiết học sẽ chỉ có một người nói. Cô nói, trò nghe hoặc trò nói, cô nghe. Tôi luôn muốn tạo ra không khí lớp học phải khiến học trò cảm thấy thoải mái, không ngột ngạt nhưng vẫn có kỷ luật.
Tôi thường nói với các học trò của mình rằng: "Các con làm như thế nào thì điểm sẽ như thế. Cô không có điểm mà cho." Trên nhóm trao đổi học tập, tôi đưa sẵn "barem" để học sinh có thể tự chấm điểm cho mình.
Cách dạy của tôi được nhiều giám khảo đánh giá: "Cách dạy hay đấy nhưng mới quá nên sẽ có những rủi ro".
Nhưng nếu thấy rủi ro mà không làm thì ai sẽ làm?
Với tôi, quan trọng là giờ học vui, trò vui, cô giáo vui. Tôi chỉ mong như thế.
Thúy Nga (Ghi theo lời kể của cô giáo Trần Thị Minh Ngọc, Trường THPT Xuân Đỉnh, Hà Nội)
Theo vietnamnet
Bạn đọc viết: Khi bố mẹ "được voi đòi tiên" Kết thúc học kì 1, con hớn hở về thông báo cho mẹ biết điểm kiểm tra tất cả các môn phụ của con đều đạt 9, 10. Nghe vậy, tất nhiên tôi rất vui nhưng đến khi biết kết quả 3 môn chính Toán, Văn, Ngoại ngữ chỉ được 8 thì tôi lập tức chuyển thái độ ngay. Ảnh minh họa Nhìn...