Sau thời “giải cứu”, tôm hùm tiếp tục giảm giá
So với thời điểm “giải cứu” vào giữa tháng 2, giá tôm hùm thời điểm hiện tại giảm khoảng 20%, loại 0,3 – 0,4 kg/con giá chỉ còn 269.000 đồng/con.
Loại tôm hùm baby 4-5 con/kg. Ảnh: Tri Thức Trực Tuyến
Nhà hàng bán hải sản của chị T. trên phố Trung Kính, Cầu Giấy, Hà Nội từ tuần thứ 2 của tháng 3 bắt đầu vắng khách, lượng tôm hùm, ốc hương, cá lăng, mực nháy,… bán ra giảm.
Thông tin từ chị T., cửa hàng đã chuyển sang đẩy mạnh quảng cáo các set lẩu hải sản giá 1-2,8 triệu đồng (bao gồm cua, tôm, cá, ngao và mực các loại) và nhận thấy dấu hiệu tích cực. Bên cạnh đó, giảm giá tất cả hải sản tươi sống hoặc chế biến sẵn mua mang về.
Mặt hàng được quan tâm nhất là tôm hùm baby (loại 0,3-0,4 kg/con), giá mua sống mang về giảm còn 269.000 đồng/con, trong khi giá “giải cứu” thời điểm giữa tháng 2 là 333.000 đồng/con. Nếu mua 1 kg tôm hùm baby, khách hàng giờ phải trả ít hơn trước 192.000 đồng.
Giá chế biến sẵn tôm hùm baby mua mang về (thay vì giá ăn tại nhà hàng) cũng được điều chỉnh từ 383.000 đồng/con xuống 319.000 đồng/con, giảm 17%.
Video đang HOT
Nhà hàng của chị T. kinh doanh thêm tôm hùm baby loại 4-5 con/kg, giá 169.000 đồng/con. Tuy nhiên, hiện tại đã hết hàng và không thể nhập thêm.
Tại một địa chỉ khác, cửa hàng hải sản của chị Nhung (Gò Vấp, TP.HCM), giá bán các loại tôm hùm đồng loạt giảm. Cụ thể, tôm hùm Alaska loại 1-3 kg/con mua sống mang về có giá 1,05-1,25 triệu đồng/kg, tôm hùm baby loại 4-5 con/kg có giá 169.000 đồng/con.
Theo chị Nhung, bên cạnh tôm hùm nhiều loại hải sản tươi sống khác cũng đồng loạt giảm giá khoảng 20-30% giá bán so với thời điểm giữa tháng 2.
Cụ thể, cá tầm mua sống mang về có giá 240.000-270.000 đồng/kg, tôm sú 370.000-450.000 đồng/kg, cua thịt và ghẹ mua 500.000-580.000 đồng/kg, sò huyết to loại 70-80 con/kg giá dao động 240.000-280.000 đồng/kg, cua Alaska loại 2,5-3,5 kg/con dao động 1,7-2 triệu đồng/kg.
Số liệu thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa, cho biết tính đến giữa tháng 3, toàn tỉnh Khánh Hòa còn tồn khoảng 360 tấn tôm hùm thịt chưa thể xuất bán, chủ yếu là tôm hùm xanh, giảm khoảng 220 tấn so với giữa tháng 2.
Trong đó, có khoảng 350 tấn tôm của người dân nuôi tại TP.Cam Ranh và khoảng 10 tấn tôm nuôi tại huyện Vạn Ninh.
Liên quan đến sự việc, chiều 3/4, Phó giám đốc sở Công Thương TP.Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết nguồn cung thủy hải sản hiện nay rất dồi dào. Lãnh đạo sở Công Thương đề nghị người dân thủ đô tiêu thụ giúp các doanh nghiệp mặt hàng như cá hồi, ngao, hàu và các loại thủy sản khác do xuất khẩu đi các nước gặp khó khăn.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, tỷ lệ đơn hàng bị khách yêu cầu tạm hoãn khoảng 20-40%, bị khách yêu cầu dừng hoặc hủy là 20-30%. Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho biết tính đến hết tháng 2, xuất khẩu thủy sản giảm gần 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thủy Tiên
Giá ốc hương giống giảm 50%
Các cơ sở sản xuất giống trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa cho biết hiện giá ốc hương giống đang ở mức rất thấp, chỉ còn 3 đồng/con, giảm 50% so với cùng kỳ năm trước.
Đa số người nuôi lo ngại đầu ra của ốc thương phẩm gặp khó bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên chưa thả nuôi, dù thời điểm này rất thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản dẫn đến ốc hương giống ế ẩm, nhiều cơ sở ốc giống phải tạm ngưng sản xuất.
Nhiều hộ nuôi ốc hương giống điêu đứng vì giá giảm mạnh
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa, toàn tỉnh hiện có hơn 330 cơ sở sản xuất giống nhuyễn thể, hầu hết đều sản xuất ốc hương giống bảo đảm cho 713 ha nuôi ốc hương trên địa bàn tỉnh và xuất bán đi nhiều địa phương khác trong nước. Thế nhưng, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến các cơ sở rất chật vật.
Ông Võ Khắc Én, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa, cho hay không chỉ ốc hương mà tôm hùm, cá mú, cá chẽm... và một số mặt hàng nông sản khác đều bị tác động mạnh mẽ từ dịch Covid-19. Nhiều sản phẩm không tiêu thụ được vì thị trường Trung Quốc đóng băng. Ngành thủy sản tỉnh đang phối hợp với các địa phương nắm bắt tình hình sản xuất, tiêu thụ thủy sản của người dân để có biện pháp ứng phó phù hợp. Đối với lượng tôm hùm còn tồn, trước mắt, người nuôi cần tập trung các biện pháp để nuôi lưu giữ, chăm sóc tốt; cùng với đó là theo dõi sát tình hình thị trường.
Bên cạnh đó, cần lưu ý thả nuôi đúng quy hoạch, có đăng ký, kê khai đầy đủ với cơ quan quản lý, áp dụng quy trình nuôi an toàn sinh học, phải truy xuất được nguồn gốc rõ ràng để có thể xuất sang các thị trường khác như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu. Để hỗ trợ tiêu thụ cho nông dân, các doanh nghiệp thu mua cần xúc tiến việc tìm kiếm thêm một số thị trường khác, đẩy mạnh tiêu thụ nội địa. Chi cục Thủy sản đang hướng dẫn người nuôi thành lập các tổ hợp tác hoặc hợp tác xã để liên kết với doanh nghiệp tìm đầu ra.
Theo Người lao động
Giá tôm hùm giảm mạnh, dân đổ xô "giải cứu", người nuôi vẫn khốn khó Chiến dịch "giải cứu" tôm hùm đã được rất nhiều đơn vị và người dân hưởng ứng tích cực trong những ngày qua. Tuy nhiên, do nhiều vùng đang vào vụ thu hoạch rộ, người nuôi ở các tỉnh như Khánh Hòa và Phú Yên đang đối mặt với tình cảnh đổ nợ do sức tiêu thụ chậm. Rầm rộ chiến dịch "giải...