Sau Tết, mong trẻ tiểu học được đến trường dù 1-2 buổi/tuần
Một số phụ huynh cho biết con đã chán nản, mệt mỏi khi phải học online lâu ngày hoặc “thèm” cảm giác đến trường.
Sau Tết Nguyên đán, các đại học cho sinh viên đến trường. Chị Kim Dung (quận Hoàng Mai, Hà Nội) và chị Thu Hằng (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) sẽ trở lại với việc dạy học trực tiếp.
Tuy nhiên, con của họ tiếp tục chuỗi ngày ngồi trước màn hình khi UBND thành phố Hà Nội mới chỉ cho phép học sinh lớp 7 đến lớp 12 ở vùng xanh và vùng vàng đi học.
Con trai chị Kim Dung từng rất hào hứng với việc học online nhưng vì kéo dài, con cảm thấy chán nản dần. Ảnh: K.D.
Gần nửa năm, mẹ dạy online, con học trực tuyến
Là giảng viên một trường đại học lớn ở Hà Nội, từ đầu tháng 5, công việc của chị Kim Dung và chị Thu Hằng gần như chuyển sang trực tuyến. Với họ, sự thay đổi này khó khăn nhưng vẫn thích nghi được vì từ năm 2020, việc dạy online đã được áp dụng dưới ảnh hưởng dịch Covid-19.
Chuyển sang dạy học trực tuyến, theo chị Kim Dung, là sự thay đổi cách tiếp cận, xây dựng bài giảng khác. Chị Thu Hằng cũng phải tìm cách để sinh viên tương tác, trao đổi, tự học nhiều hơn.
Qua một thời gian, nữ giảng viên nhận thấy sinh viên đáp ứng tốt, tinh thần tự học, tự nghiên cứu cao hơn và nhiệt tình hơn trong giờ học.
Tuy nhiên, ở vai trò người mẹ, họ gặp khó khăn hơn vì con còn nhỏ. Con trai chị Kim Dung mới học lớp 2 trong khi chị Thu Hằng chăm lo cho 2 con (con trai lớn học lớp 5 và con gái mới 5 tuổi).
Nói về năm 2021, hai bà mẹ thừa nhận họ trải qua năm nhiều thử thách và những đứa trẻ cảm thấy bí bách khi chỉ có thể ngồi trước màn hình học bài, hạn chế ra ngoài vì dịch Covid-19.
Chị Kim Dung tâm sự thời gian đầu, con trai hào hứng học online, thích nghi ổn. Nhưng dần dần, con nản. Những tháng cuối năm, con bắt đầu không tập trung trong giờ học, không hoàn thành nhiệm vụ giáo viên giao hoặc làm với tâm thế bị ép buộc dù trước đây, con thích học và luôn tự giác làm bài.
“Con uể oải, chống đối, chia sẻ không muốn ngồi trước màn hình mà muốn đến trường gặp cô và các bạn”, chị Dung nói.
Trong khi đó, trường tư thục của con trai chị Thu Hằng cố gắng hạn chế thời gian trẻ ngồi trước máy tính. Việc dạy học trực tuyến chỉ gói gọn 2 tiếng vào buổi sáng mỗi ngày. Thời gian còn lại, học sinh làm bài tập, nhiệm vụ giáo viên giao.
Dù việc học online không quá vất vả, con vẫn cảm thấy chán nản, thèm cảm giác đến trường, học tập, vui chơi cùng bạn bè, thầy cô.
Còn con gái ở độ tuổi mầm non đang nghỉ học hoàn toàn. Con vui vẻ vì được chơi với mẹ nhiều hơn. Song việc nuôi dạy con nhỏ khiến chị Thu Hằng nhiều khi rơi vào mâu thuẫn vì muốn dành thời gian để con không phải lủi thủi chơi một mình, song lại có quá nhiều công việc phải hoàn thành.
“Con thích ở nhà chơi với mẹ nhưng thời gian để mẹ chơi cùng, tương tác với con một cách hiệu quả, dạy con các kỹ năng lại chưa nhiều. Điều này khiến tôi cảm thấy bức bối”, bà mẹ 2 con tâm sự.
Video đang HOT
Con trai chị Thu Hằng vẫn học online trong khi con gái nghỉ học hơn nửa năm nay. Ảnh: T.H.
Hỗ trợ con nhiều hơn
Nhìn lại năm Tân Sửu, chị Thu Hằng và chị Kim Dung thừa nhận đây là năm khó khăn cho cả xã hội chứ không riêng gia đình họ. Mọi người đều học cách thích nghi. Năm 2021 đầy thử thách cũng giúp họ nhận ra nhiều điều.
Với chị Thu Hằng, đó là tầm quan trọng của giáo dục trong gia đình – điều mà chị dự định tăng cường hơn trong năm Nhâm Dần, dù con được đến trường hay tiếp tục học online.
Theo chị, năm qua, những phụ huynh ỷ lại trường trong việc dạy dỗ con cái sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhưng nếu bố mẹ cân đối được giữa công việc bản thân và con, mọi việc đỡ xáo trộn hơn.
Chị thừa nhận bản thân hiểu được điều này nhưng việc thực hiện không dễ. Vì vậy, chị đang nỗ lực để cân bằng.
Năm mới, chị Thu Hằng sẽ lên kế hoạch, định hướng mục tiêu rõ ràng. Nếu con tiếp tục ở nhà học online, chị sẽ xác định rõ giáo dục con theo trọng tâm nào, dành thời gian cho con như thế nào để có hiệu quả.
Trường hợp con đến lớp, chị sẽ đỡ “lao tâm khổ tứ” nhưng vẫn duy trì quan điểm cần cân bằng giữa công việc và nuôi dạy con cái để tham gia nhiều hơn vào quá trình giáo dục con.
Trong khi đó, chị Kim Dung đánh giá đại dịch là cơ hội để nhìn lại cần trang bị cho con kỹ năng gì. Thời đại số, trẻ tiếp xúc mạng, thiết bị điện tử sớm. Người lớn cần dành thời gian để cùng con vượt qua ác vấn đề về mặt tâm lý.
Ngoài ra, khi trẻ tiếp cận Internet, nguồn tin đa dạng trên mạng, phụ huynh cần hướng dẫn con cách sử dụng mạng an toàn.
“Con không phải là cỗ máy mà bảo học trực tuyến là con ngồi học online được. Con cũng có nhiều tâm tư, tình cảm khi buộc phải thích nghi với cuộc sống trong đại dịch”, chị Kim Dung nói.
Vì vậy, chị sẽ sắp xếp thời gian để tâm sự, chia sẻ nhằm hiểu những bí bách, lý do con mệt mỏi, chán nản để con lấy lại hào hứng, đồng thời gia đình gắn kết hơn.
Bên cạnh đó, chị Kim Dung dự định nếu con chưa thể chuyển sang học trực tiếp, chị sẽ trao đổi với cô giáo, xin giảm bớt bài tập để con không áp lực tâm lý.
Chị nói thêm không yêu cầu con học giỏi, đạt điểm cao tất cả môn học. Con chỉ cần hiểu những vấn đề cơ bản cô giảng trên lớp. Quan trọng, con cảm thấy vui vẻ, lúc nào cũng có năng lượng, rèn tính chủ động, giữ được niềm vui trong học tập. Với những kiến thức thiếu hụt, chị tin khi trường học mở cửa, cùng với sự giúp đỡ của cô giáo, con có thể bắt kịp.
Mong chờ sự linh động để trẻ đến trường
Dù vậy, 2 phụ huynh vẫn kỳ vọng sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, học sinh tiểu học có thể đến trường.
Chị Kim Dung cho rằng trẻ học online lâu dài gây ra vấn đề tâm lý cho cả trẻ lẫn người lớn. Trẻ không được ra ngoài, thiếu sự tương tác trong khi phụ huynh chịu áp lực từ công việc lẫn việc dành thời gian hỗ trợ con học và lo lắng về hiệu quả học trực tuyến.
Bên cạnh đó, khi được đến trường, con mới phát triển thêm các kỹ năng quan trọng khác.
Vì vậy, chị mong con sớm đến trường. Rủi ro ngoài kia vẫn còn nhưng chị Kim Dung xác định sống chung với dịch. Hơn nữa, chị cho rằng phụ huynh cũng ra ngoài đi làm, hoàn toàn có thể trở thành nguồn lây nhiễm.
“Tôi không nghĩ cứ giữ trẻ ở nhà là đảm bảo an toàn. Con ở nhà học online, về lâu dài, sẽ ảnh hưởng đến tâm lý cả trẻ lẫn phụ huynh”, bà mẹ một con nói.
Chị thừa nhận bước đầu, việc mở cửa trường học với học sinh nhỏ tuổi, chưa tiêm vaccine sẽ rất khó. Dù vậy, chị kỳ vọng trường học có thể thử nghiệm cho trẻ đến lớp 1-2 buổi/tuần để các con thay đổi môi trường, khơi gợi lại hứng thú học tập.
Chị Kim Dung cho biết thêm trước đây, chị từng sống ở nước ngoài và cho con theo học trường tiểu học bản địa. Trong thời kỳ dịch bùng phát, trường chia lớp thành nhóm nhỏ. Phụ huynh lựa chọn có cho con đến lớp hay không.
“Thời gian con tôi học ở đó, trường không có rủi ro xảy ra. Sau này, tôi nghe kể lại trường có ca mắc Covid-19 nhưng phạm vi lây nhiễm nhỏ”, chị Dung thông tin.
Chị kỳ vọng sau Tết Nguyên đán, một số trường đủ điều kiện sẽ thực hiện theo cách này, chia nhỏ lớp để học sinh luân phiên đến trường. Giáo viên chỉ dạy nội dung cơ bản nhất rồi giao bài tập hoặc Bộ GD&ĐT có bài giảng điện tử thống nhất, trẻ tự học trước và hỏi thêm giáo viên nội dung chưa hiểu.
Ngoài ra, trẻ có bệnh nền sẽ học trực tuyến. Với trẻ sức khỏe tốt, phụ huynh tự xem xét, chọn hình thức học cho con.
Trong khi đó, chị Thu Hằng thừa nhận việc mở cửa trường học còn tùy thuộc nhiều yếu tố như tình hình dịch bệnh, mức độ rủi ro đối với từng quận, phường, thậm chí từng trường. Vì vậy, chị mong thành phố linh động việc mở cửa trường học thay vì có quy định chung cho tất cả trường học.
“Với trường có quy mô nhỏ, mỗi lớp có ít học sinh, ban giám hiệu có thể linh động chia nhỏ lớp để trẻ có thể đến trường 1-2 buổi/tuần nhằm giảm bớt thời gian học online, tăng tương tác trực tiếp với giáo viên, bạn bè”, chị Thu Hằng đề nghị.
Kiểm soát cảm xúc khi dạy học trong bối cảnh dịch bệnh
Dịch bệnh kéo dài ít nhiều để lại trạng thái cảm xúc không tốt. Với GV, việc buộc phải chuyển trạng thái dạy học từ trực tiếp sang online trong bối cảnh thiếu thốn đủ thứ khiến không ít người lúng túng.
TS Lê Thị Mai Liên tư vấn trong chương trình Vắc-xin tinh thần do Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tổ chức.
Đối diện với những tình huống sư phạm chưa từng có tiền lệ, nhiều giáo viên không kiềm chế được cảm xúc và phạm lỗi ứng xử.
Lấn át sự tỉnh táo
Để đảm bảo khung thời gian năm học, học sinh, sinh viên cả nước chính thức chuyển trạng thái học tập online từ giữa tháng 8 khi dịch ngày càng phức tạp. Trong thời gian dạy học và tương tác trên lớp học ảo vừa qua đã xảy ra nhiều vụ việc giáo viên có lời lẽ chưa phù hợp với học sinh, thậm chí vì cảm xúc tiêu cực đã có giảng viên đuổi học sinh khỏi lớp học.
Vụ việc thầy L.M.T (giảng viên Trường ĐH SPKT TPHCM) đuổi sinh viên khỏi lớp học vì yêu cầu ông giảng lại bài giảng do mưa quá to không nghe rõ là một ví dụ điển hình.
Không chỉ tức giận với đề nghị chính đáng của sinh viên, giảng viên T còn có những lời lẽ và hành động thiếu kiềm chế khi liên tục có những câu chữ không phù hợp. Đỉnh điểm của cảm xúc tiêu cực chính là việc người thầy yêu cầu tất cả sinh viên trong lớp phải lập lại nguyên văn câu nói: "Tôi tên..., có đủ miệng và tai, giác quan như người bình thường", gây bức xúc cho sinh viên và dư luận.
Ngay sau khi clip ghi lại vụ việc lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội, giảng viên T đã đưa ra lời xin lỗi; đồng thời thừa nhận đã có những câu hỏi, câu nói chưa phù hợp trong bối cảnh sư phạm.
Lý giải về sự nóng nảy, thiếu kiềm chế của mình, giảng viên T cho biết, do đặc thù môn học khó nên khi bắt đầu lớp học có sự thống nhất từ đầu là tất cả phải tập trung nghe giảng, không hiểu phải hỏi ngay. Người dạy sẽ thường xuyên đặt ra câu hỏi để nắm tình trạng tiếp thu của sinh viên. Tuy nhiên, khi hỏi đến sinh viên kia, em nói không nghe rõ và yêu cầu ông giảng lại nên ông đã mời em ra khỏi lớp.
"Thời điểm tôi cho sinh viên kia ra khỏi lớp theo ý kiến chủ quan và suy nghĩ là em đã không tập trung nghe giảng và chưa thực hiện đúng các thống nhất ban đầu của lớp học. Việc làm trên tôi nhằm gây sự chú ý và định hướng các sinh viên tập trung vào bài học, giúp tiết học chất lượng và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, do có một chút cảm xúc nên những câu từ tôi dùng chưa phù hợp", giảng viên T lý giải.
Việc chịu áp lực lớn phải đảm bảo tiết học đúng thời lượng, chuyển tải đủ nội dung, trạng thái học tập của học sinh, sinh viên phải vui tươi, hào hứng qua màn hình laptop đã khiến nhiều giáo viên rơi vào cảm xúc ức chế khi có tình huống trái ý muốn nảy sinh.
Trường hợp một giảng viên Trường ĐH Bách khoa TPHCM mắng sinh viên là đồ "óc trâu" hay một nữ giáo viên dạy Văn của Trường THPT Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị mắng học sinh là "quái thai về tâm hồn", "một loại rác thải"... xuất phát từ chính những áp lực vô hình mà không mấy người thấy và chia sẻ.
Cô T.T.H.Y, giáo viên Trường THPT Cam Lộ thừa nhận khi nghe lại đoạn clip mắng học sinh lan truyền trên mạng, cô cũng không hiểu vì sao lúc đó cảm xúc của mình lại tức giận và thiếu sự kiềm chế đến vậy. Cô Y nhận thức mình sai khi buông ra những lời lẽ không phù hợp với học sinh.
Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM. Ảnh minh họa
Giải pháp cân bằng?
Theo các chuyên gia tâm lý, bất cứ công việc nào trong cuộc sống hiện đại đều có áp lực, nghề giáo cũng vậy. Trong bối cảnh dịch bệnh, các phương thức giao tiếp và dạy học phải chuyển đổi trạng thái như thời gian vừa qua, việc cảm xúc tiêu cực chi phối đến hoạt động dạy học là điều khó tránh khỏi.
Theo TS tâm lý Đào Lê Hòa An, áp lực vừa đủ là động lực giúp cá nhân phấn đấu vươn lên để hoàn thiện bản thân và phát triển nghề nghiệp. Tuy nhiên, nếu áp lực quá lớn sẽ dẫn đến ức chế, làm việc kém hiệu quả. Ức chế tích lũy, dồn nén ở mức độ nào đó dẫn đến hành vi bộc phát, tiêu cực.
"Thời gian qua tình hình dịch bệnh tại TPHCM và các tỉnh phía Nam thật sự căng thẳng. Đội ngũ giáo viên hàng ngày phải đối mặt với những thông tin tiêu cực của dịch bệnh, rồi khó khăn của cuộc sống, áp lực khi phải sống trong khu phong tỏa cách ly, có trường hợp người nhà giáo viên và giáo viên bị nhiễm bệnh... Bản thân giáo viên cũng kỳ vọng phải dạy thật tốt, tiết dạy phải thật vui và sinh động để hút học sinh... Khi những cố gắng của bản thân không như kỳ vọng, sự thất vọng, cảm xúc lao dốc nơi giáo viên là khó tránh khỏi. Việc học sinh không tập trung học, có ứng xử không tốt... sẽ gián tiếp làm cảm xúc tiêu cực nơi giáo viên bùng phát", TS An phân tích.
TS Lê Thị Mai Liên - giảng viên Bộ môn Tham vấn - trị liệu, Khoa Tâm lý học Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TPHCM cũng cho rằng, để giảm áp lực, giáo viên cần chăm sóc bản thân trước khi lên lớp, đặc biệt là sức khỏe tinh thần. Khi rơi vào trạng thái mệt mỏi, cảm xúc không tốt, giáo viên cần làm những điều khiến mình cảm thấy thoải mái và vui vẻ. Bởi chính điều đó sẽ giúp thầy cô khơi dậy được cảm hứng và giảng bài hay hơn.
"Thầy cô cần quan sát nội tâm, cảm xúc, ngôn ngữ cơ thể của mình và tiến hành "quét" cảm xúc, tâm trạng của mình mỗi ngày trước khi lên lớp. Nếu cảm thấy căng thẳng, khó chịu, thầy cô có thể dành 2 - 3 phút thực hành hít thở để xoa dịu cảm xúc, kích hoạt năng lượng tích cực, niềm vui sống. Đại dịch "đóng" chúng ta với thế giới bên ngoài nhưng cũng là cơ hội để "mở" ra cái bên trong. Quay về với bản thân, lắng nghe cơ thể, lắng nghe tiếng nói bên trong nội tâm có thể giúp chính nội tâm an yên và tích cực", TS Liên nói.
Niềm vui là yếu tố giúp người học hứng thú với lớp học và duy trì sự tập trung. Thầy cô nên giảm kỳ vọng về mức độ tiếp thu; kiểm tra, đánh giá cho phù hợp với điều kiện học trực tuyến để tránh gây căng thẳng và áp lực cho người học và bản thân. - TS Lê Thị Mai Liên
Hà Nội: Chuẩn bị đón học sinh trở lại trường học sau kỳ nghỉ Tết Theo thông tin từ Sở GD&ĐT Hà Nội, các quận, huyện, thị xã và các trường học trên địa bàn TP đã và đang khẩn trương hoàn thiện các phần việc cuối cùng trong công tác chuẩn bị, sẵn sàng đón học sinh trở lại trường học theo kế hoạch. SKĐS - Theo thông tin từ Bộ GD&ĐT, dự kiến đến ngày 7/2,...