Sáng tạo với chương trình mới
Cô Phạm Ngọc Hoài Ngân, trường Tiểu học Mê Linh (quận 3, TP HCM) treo tranh dòng suối, quả bưởi rồi hỏi học sinh đây là gì trong bài học vần “uôi – ươi”.
Ngày 21/1, trong buổi học môn Tiếng Việt tuần thứ hai của học kỳ II, tại lớp 1A, sau khi cô Ngân chỉ vào tranh, học sinh đồng thanh “dòng suối”, “quả bưởi”. Từ đó, cô chỉ các tiếng mới là “suối”, “bưởi” rồi rút ra vần “uôi”, “ươi”.
Học vần từ hình ảnh, video trực quan là hình thức cô Ngân thấy hiệu quả nhất sau một học kỳ thực hiện chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới. Hình ảnh trực quan thường được học sinh tiếp cận dễ dàng hơn bằng vốn hiểu biết đã đó, các em có thể biết quả bưởi trước khi biết đọc, viết từ này.
Để học sinh nhớ lâu một vần mới, cô Ngân thường mô hình hóa các vần. Với vần “uôi”, cô sẽ phân tích thành âm đôi “uô” đứng trước, âm “i” đứng sau. Cách này sẽ giúp các em không bị lẫn giữa các vần khác nhau, tránh học trước quên sau.
Giờ học Tiếng Việt của học sinh lớp 1A trường Tiểu học Mê Linh, quận 3, TP HCM. Video: Mạnh Tùng.
Năm nay, trường Tiểu học Mê Linh chọn sách Toán, Tiếng Việt ở bộ Cánh diều, các môn còn lại rải rác ở các bộ khác. Trong một lớp, khả năng tiếp thu của học sinh khác nhau. Để em yếu “đuổi” kịp bạn, sau khi hướng dẫn chung, cô sẽ phân nhóm để em giỏi hướng dẫn em yếu. Tiếp đó, cô sẽ đến kèm từng em. “Với Tiếng Việt, em nào đọc tốt, tôi sẽ bảo các em đọc trơn tru. Với các em đọc yếu, tôi để đánh vần, âm, vần, bỏ dấu thanh rồi ghép lại”, cô kể.
Mới hơn bốn năm trong nghề nhưng được dạy lớp 1 trong giai đoạn chuyển giao giữa chương trình mới và cũ, cô Ngân cảm nhận sự khác biệt lớn nhất là giáo viên được chủ động hơn. Không chỉ việc chọn ngữ liệu dạy học, giáo viên còn được chủ động sắp xếp thời gian môn học trong một buổi sao cho hợp lý, đảm bảo chương trình và sự tiếp thu của học sinh.
“Những bài đơn giản, tôi sẽ đẩy nhanh tốc độ, chừng 30 phút. Nhưng với các bài đọc khó hoặc bài Toán khó, tôi có thể kéo dài thời gian để học sinh luyện tập, không cần cứng nhắc”, cô Ngân nói.
Cô giáo trẻ cũng tham gia các nhóm giao lưu chuyên môn của đồng nghiệp cả nước trên mạng xã hội để học hỏi. Cô thấy rõ, có cùng một vấn đề nhưng ở nơi này sẽ làm tốt, nơi khác chưa hoặc ngược lại. Từ những trao đổi này, cô đúc rút kinh nghiệm để bài giảng trở nên tốt hơn.
Cô Phạm Ngọc Hoài Ngân và học sinh lớp 1A trường Tiểu học Mê Linh trong tiết học ngày 21/1. Ảnh: Mạnh Tùng.
Nhận thấy trẻ thường chỉ tập trung 10-15 phút, cô Đinh Duyên Thịnh, giáo viên lớp 1, trường Tiểu học – THCS Victoria Thăng Long (huyện Thanh Oai, Hà Nội) thường tổ chức trò chơi ở đầu mỗi tiết để tạo sự hào hứng.
Trường Victoria Thăng Long sử dụng bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống cho tất cả môn. Với Tiếng Việt, sách thường đưa một bức tranh ở đầu mỗi bài học nhằm gợi mở từ ngữ chứa âm hoặc vần của bài học hôm đó. Cô giáo tận dụng bức tranh này để tổ chức trò chơi cho học sinh bằng cách chia tranh thành bốn phần và che lấp hoàn toàn. Học sinh sẽ trả lời câu hỏi liên quan đến bài học hôm trước, các lỗi chính tả thường gặp để lật mở từng ô tranh. Sau khi bức tranh được mở hoàn toàn, cô mới cùng học trò bước sang bài học mới.
Để lôi cuốn học sinh, cô Thịnh tổ chức cuộc thi với mô phỏng chương trình “Rung chuông vàng”, câu hỏi xoay quanh bài học cũ, điền từ còn thiếu… Bên cạnh những trò chơi do chính mình sáng tạo, cô cũng tận dụng những hoạt động có sẵn trong sách. Đến trưa, cô và đồng nghiệp trong tổ thường tranh thủ họp, trao đổi kinh nghiệm, triển khai thêm nhiều phương pháp giảng dạy tích cực.
Luôn chủ động trong tiết dạy cũng là kinh nghiệm cô Đỗ Thị Trang, giáo viên trường Tiểu học Danh Thắng (huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang). Lớp cô Trang chủ nhiệm đa số đã đọc thông viết tốt. Dù mới một tuần chuyển qua viết chữ nhỏ, các em đã viết khá nhanh. Tuy nhiên, chữ viết nhiều em chưa đẹp do việc học viết ở giai đoạn này ít được chú trọng hơn chương trình cũ.
Cô Trang dành nhiều thời gian ở các buổi chiều để cho học sinh luyện viết. Với những bài dài, cô cắt ra, dạy ở các tiết sau. Theo chương trình mới, môn Tiếng Việt có 12 tiết một tuần, nhiều hơn trước hai tiết để giáo viên có thể linh hoạt sắp xếp, dạy lại các bài khó, rèn luyện cho những em chậm hơn.
Ngoài sử dụng hai tiết ôn luyện và buổi chiều, giáo viên này còn giao phiếu bài tập vào mỗi cuối tuần và nhờ phụ huynh hỗ trợ con ôn luyện. Cô thiết kế một bảng âm, vần riêng mà ở đó các vần gần giống nhau như “on”, “ôn” cùng một cột, giúp học sinh dễ ghi nhớ. Bảng này được cài sau sách, giáo viên sẽ nhắc phụ huynh cho con đọc lại vào buổi tối.
Ở Tây Nguyên, cô Thu, giáo viên một trường tiểu học ở TP Pleiku (Gia Lai) chú trọng dạy học sinh yếu, kém để không tạo ra các “khoảng trống” trong lớp. Bởi theo kinh nghiệm 20 dạy học, nếu cô mải chạy theo tiến độ, “khoảng trống” này lâu ngày rộng ra, giáo viên muốn khắc phục sẽ vất vả hơn rất nhiều.
Theo cô Thu, muốn học tốt nhất chương trình mới, trẻ vào lớp 1 cần được đầu tư nền tảng tốt từ bậc mẫu giáo. “Điều đó không có nghĩa là phải học chữ, nhồi nhét, học thêm trước khi vào lớp 1. Các em chỉ cần biết những kiến thức cơ bản thông qua việc tập vẽ, sao chép, nhận diện chữ cái, tập đếm…”, cô nói.
Lớp học của cô Đỗ Thị Trang, trường Tiểu học Danh Thắng, Bắc Giang trong tiết Toán sáng 19/1. Ảnh: Dương Tâm
Ở góc độ quản lý, ông Bạch Đăng Khoa, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang, cho rằng để triển khai tốt việc dạy theo chương trình mới, địa phương cần đảm bảo học sinh học hai buổi mỗi ngày. Hai yêu cầu đặt ra là tỷ lệ giáo viên đạt 1,5 trên lớp và mỗi lớp có một phòng học.
Tại Bắc Giang, tỷ lệ giáo viên đang đạt 1,43; các lớp 1 đều đước bố trí phòng học riêng. Tất cả học sinh lớp 1 toàn tỉnh được học hai buổi trên ngày. Với các lớp 2-5, tỉnh đang xây dựng kế hoạch để đáp ứng tiêu chí trên.
Ngoài cơ sở vật chất, nhân sự, tỉnh có những yêu cầu riêng đối với các trường. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt 46 đầu sách ở năm bộ sách giáo khoa lớp 1 thì tất cả trường phải mua mỗi đầu sách năm cuốn. Từ đó, giáo viên có cơ sở tham khảo, lựa chọn ngữ liệu phù hợp nhất.
Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang trao quyền cho các trường và giáo viên. Thầy cô được phép điều chỉnh tiết học, nội dung kiến thức và ngữ liệu sao cho phù hợp với tình hình thực tế, năng lực học tập của từng học sinh.
“Tôi đi kiểm tra ở nhiều trường, nhận thấy học sinh rất hào hứng học, nắm bắt được nội dung yêu cầu về kiến thức, năng lực phẩm chất. Có trường 100% học sinh là người dân tộc, nhưng khi tôi đọc và bảo viết theo thì các em đều viết rất thuần thục”, ông Khoa kể.
Sơ kết học kỳ I vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang đã làm phiếu khảo sát tất cả giáo viên dạy lớp 1 nhằm đánh giá kết quả dạy và học, triển khai các bước chuẩn bị chọn sách giáo khoa lớp 2 và 6.
Với 40 năm dạy và làm công tác quản lý, ông Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng trường Tiểu học Mê Linh (TP HCM) cho rằng, muốn chương trình mới được áp dụng suôn sẻ, nhà trường và giáo viên rất cần sự đồng thuận của phụ huynh. Các trường cần phổ biến rộng cho phụ huynh biết những điểm mới của chương trình, sách giáo khoa mới. Trong năm, trường có thể tổ chức các buổi học để phụ huynh dự giờ.
“Nhờ có sự tương tác này, trường cũng hiểu khó khăn khi dạy con ở nhà của cha mẹ, ngược lại cha mẹ cũng học hỏi được kinh nghiệm để chỉ bảo con. Ban giám hiệu cần tạo điều kiện tốt nhất để giáo viên được chủ động trong phương pháp dạy học, thường xuyên họp, trao đổi chuyên môn”, ông Hùng nói.
Giáo viên đánh giá trẻ lớp 1 năm nay ‘học nhanh hơn’ 67Bất ngờ vì con đọc thông, viết thạo sau một học kỳ 112
Việc thực nghiệm SGK chưa được lấy ý kiến phản hồi rộng rãi
Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình (CT), sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông (GDPT) giai đoạn 2015-2020, đặc biệt đối với việc triển khai SGK lớp 1 năm học 2020-2021 vừa qua, gây nhiều bức xúc trong dư luận.
Diễn đàn Quốc hội cũng rất nóng về vấn đề này. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (sau đây gọi tắt là Ủy ban) vừa có báo cáo về kết quả giám sát đối với nội dung này.
Học sinh Trường Tiểu học Kim Ngọc (TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) học SGK môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều
Giá SGK ảnh hưởng trực tiếp tới kinh tế của một bộ phận dân cư
Theo báo cáo giám sát, qua theo dõi việc triển khai thực hiện CT, SGK lớp 1 đầu năm học 2020-2021 (tháng 9, 10-2020), do thay đổi về phương thức giảng dạy, nhiều ý kiến của phụ huynh, cử tri, dư luận phản ánh chương trình còn nặng, đặc biệt môn Tiếng Việt "nặng và khó hơn" so với chương trình cũ; yêu cầu phải học thuộc chữ và vần trong thời gian ngắn, gây áp lực cho giáo viên và học sinh.
Đối với SGK, báo cáo cho rằng, việc biên soạn SGK theo chương trình mới vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, đơn cử như Bộ GD-ĐT chưa tổ chức, biên soạn được một bộ SGK GDPT. Quốc hội đã thống nhất với đề nghị của Chính phủ tiếp tục thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK, không sử dụng ngân sách nhà nước.
Điều này đòi hỏi phải có chính sách khuyến khích thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK và phải ban hành cơ chế tài chính, bảo đảm công bằng trong việc biên soạn và sử dụng SGK theo quy định của Nghị quyết 88. Đến nay, các quy định này vẫn chưa được ban hành, ảnh hưởng đến giá SGK lớp 1 triển khai cho năm học 2020-2021.
Giá SGK lớp 1 mới cao hơn SGK lớp 1 hiện hành khoảng 2-3 lần; một số cơ sở giáo dục chưa thực hiện nghiêm quy định về quản lý, sử dụng sách tham khảo tạo dư luận không tốt, ảnh hưởng trực tiếp tới kinh tế của một bộ phận dân cư, trong khi nhà nước vẫn chưa có chính sách hỗ trợ về SGK cho các nhóm đối tượng khó khăn.
Về thẩm định và phê duyệt SGK, qua giám sát, Ủy ban nhận thấy, quy định của Bộ GD-ĐT chưa cụ thể trong yêu cầu về chất lượng và quy trình hoàn chỉnh bản mẫu SGK trước khi nhà xuất bản trình hội đồng quốc gia thẩm định.
Quy định về tổ chức thực nghiệm SGK chưa rõ thời lượng và quy mô thực nghiệm, chưa được lấy ý kiến phản hồi rộng rãi. Do vậy, đối với SGK lớp 1 (năm học 2020-2021) có những nội dung chưa phù hợp gây khó khăn cho giáo viên, học sinh trong quá trình thực hiện, gây băn khoăn, phản ứng trong dư luận xã hội.
Trong số các kiến nghị đưa ra sau giám sát, Ủy ban kiến nghị Bộ GD-ĐT tiếp tục chỉ đạo triển khai biên soạn, thẩm định, phê duyệt SGK từ lớp 2 đến lớp 12; phối hợp với Bộ Nội vụ rà soát, bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên phù hợp với đặc thù của ngành giáo dục; cần có giải pháp cụ thể để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên và thiếu nguồn để tuyển giáo viên dạy các môn học mới như Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số; hướng dẫn cụ thể việc thực hiện chương trình học 2 buổi/ngày đối với cấp tiểu học...
Nếu quy định cụ thể ngữ liệu trong SGK: sẽ chỉ là một cuốn sách!
Việc triển khai CT, SGK GDPT mới vừa qua, bị dư luận phản ánh nhiều vấn đề, cũng là nội dung mà Quốc hội thảo luận rất sôi nổi với nhiều ý kiến bức xúc. Trong đó, nhiều ý kiến nói, CT GDPT và SGK mới nặng hơn nhiều so với CT và SGK hiện hành.
Tiến sĩ Ngô Thị Minh, người vừa được bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho biết, qua giám sát (khi bà đang là Phó Chủ nhiệm Ủy ban) cho thấy, về môn học ở chương trình mới đã giảm rõ rệt. Về số giờ học, chương trình mới ở cấp tiểu học trung bình 1,8 giờ/lớp/buổi (CT cũ là 2,7 giờ/lớp/buổi).
Riêng môn Tiếng Việt, tổng số tiết học cho cả cấp tiểu học chương trình mới không thay đổi, đều là 1.505 tiết (từ lớp 1 đến lớp 5). Việc tăng số tiết (1 tiết/ tuần) cho lớp 1 và lớp 2 nhằm giúp học sinh phát triển kỹ năng đọc, viết, nói và nghe tiếng Việt, nhờ đó các em có được công cụ để học tốt các môn học khác, phù hợp với xu thế chung của các quốc gia trên thế giới.
Theo TS Ngô Thị Minh, Nghị quyết 88 của Quốc hội đã cho phép "mỗi môn học có một hoặc một số SGK". Đây là điểm mới căn bản theo Nghị quyết 29 của Đảng và của Quốc hội mà mỗi giáo viên, cán bộ quản lý và phụ huynh học sinh cần phải thấm nhuần. Chương trình GDPT mới đã trao quyền chủ động cho các nhà giáo trong việc lựa chọn học liệu và phương pháp phù hợp để thực hiện mục tiêu của CT. Chương trình GDPT xây dựng chuẩn đầu ra cho từng cấp học, còn sử dụng phương pháp nào, học liệu nào, tổ chức ra sao là quyền của nhà giáo và các cơ sở giáo dục. Đây là một sự thay đổi rất lớn về bản chất, vì vậy, rất cần có thời gian và sự đồng hành, đồng thuận của toàn xã hội.
"Chúng tôi hoàn toàn hiểu và chia sẻ với những băn khoăn của các đại biểu Quốc hội, các thầy cô giáo, cha mẹ học sinh đang gặp khó khăn khi tiếp cận SGK mới, vì chúng ta trước đây đều dạy và học theo SGK là pháp lệnh, chưa từng dạy và học bám theo CT mới, nên đã cho rằng, SGK là tối thượng, bất biến; chưa quen với cách nghĩ SGK chỉ là một trong nhiều học liệu, công cụ, phương tiện để thực hiện CT. Do đó, chưa quen với việc mỗi nhóm tác giả có quyền chủ động sử dụng các nguồn dữ liệu khác nhau mà họ tin là có thể giúp thầy và trò thực hiện tốt nhất mục tiêu CT đặt ra", TS Ngô Thị Minh nói.
Đồng thời, TS Ngô Thị Minh cho rằng, nếu Bộ GD-ĐT quy định cụ thể cả dữ liệu đưa vào SGK để yêu cầu Hội đồng thẩm định quốc gia sử dụng nó làm phương tiện thẩm định, thì nhiều SGK trên thực tế sẽ chỉ là một sách, sẽ mất ý nghĩa và mục đích mà CT mới đang hướng tới theo Nghị quyết 88 của Quốc hội là một môn học có thể có nhiều SGK. Như vậy, mục tiêu xã hội hóa trong biên soạn SGK sẽ không thể đạt được.
PGS Nguyễn Lân Hiếu Đại biểu Quốc hội: Đủ an toàn mới triển khai đại trà
Theo tôi, cách làm và thẩm định SGK vừa qua là nguyên nhân sâu xa sự phản ứng dữ dội của toàn xã hội. Ngay sau khi ban hành CT GDPT mới (cuối năm 2018), Bộ GD-ĐT đã tổ chức đấu thầu tuyển chọn tác giả, nhưng hầu hết các chuyên gia có kinh nghiệm đã sớm ký hợp đồng với các nhà xuất bản và triển khai biên soạn SGK. Tới thời điểm Bộ GD-ĐT mời thầu, các nhà xuất bản đã có một số bản mẫu SGK lớp 1 được chuẩn bị gần như hoàn tất, sẵn sàng để thẩm định và phê duyệt đưa vào sử dụng. Như vậy, ngay sau khi CT GDPT mới được ban hành, đã có ngay bản mẫu SGK lớp 1 chờ thẩm định. Điều đó cho thấy, công tác làm SGK quá gấp gáp với hậu quả là xã hội nghi ngại về chất lượng của các bộ sách không qua thử nghiệm bài bản.
Các bản mẫu SGK lần này được quy định dạy thử nghiệm 10% số tiết học của mỗi môn học, sau khi được hội đồng thẩm định thông qua là áp dụng đại trà. Như vậy là đã bỏ qua giai đoạn thực nghiệm ứng dụng. Lần thay sách này, với thời lượng thử nghiệm ít, đặc biệt trong bối cảnh việc chuẩn bị thay sách, việc tập huấn giáo viên bị ảnh hưởng do thời gian nghỉ dịch Covid-19, càng cần cẩn trọng hơn khi đưa SGK vào sử dụng rộng rãi, cần có sự thử nghiệm trên diện hẹp trước, đủ độ an toàn mới nên đưa ra đại trà.
Đến giờ chưa triển khai chương trình mới lớp 2 và 6, giáo viên sao kịp tiếp thu? Năm học 2021 - 2022, chương trình mới sẽ được triển khai đối với lớp 2, lớp 6. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, giáo viên vẫn mơ hồ .... Thời gian qua, dù mới là năm đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, bắt đầu từ lớp 1. Tuy nhiên, đã có nhiều vấn đề này sinh...