Rước ổ vi khuẩn, viêm hô hấp vì sử dụng sai cách thiết bị làm mát này trong nhà
Theo các kỹ sư điện dân dụng, nếu sử dụng không đúng cách, các thiết bị quạt hơi nước, quạt đá, quạt phun sương có thể gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.
Nắng nóng kéo dài khiến nhà chị Dung (Hai Bà Trưng, Hà Nội) mệt mỏi. Trước đây, nhà chị đã lắp một điều hoà nhưng với cường độ nóng năm nay, chiếc điều hoà này không đủ công suất làm mát cho căn hộ của chị.
Do điều kiện kinh tế và giá điện tăng, việc lắp thêm điều hoà là giải pháp không khả thi với gia đình chị. Tháng trước, chị Dung quyết định mua thêm một quạt hơi nước về dùng.
Nhiều người bị viêm hô hấp vì dùng quạt hơi nước, quạt phun sương không đúng cách. Ảnh minh hoạ
Những ngày đầu, quạt hơi nước giúp gia đình chị giải quyết được vấn đề nóng. Tuy nhiên, hơn nửa tháng nay, các con chị đều bị viêm họng. Riêng chị liên tục bị mẩn ngứa, dị ứng. Triệu chứng bệnh kéo dài không thuyên giảm dù đã uống thuốc.
Sau nhiều phán đoán, khoanh vùng, chị phát hiện ra nguồn bệnh từ việc sử dụng chiếc quạt hơi nước, sau khi tái khám bác sĩ. Chị gặp khá nhiều người mắc bệnh đến khám cho biết họ bị viêm hô hấp do lạm dụng quạt hơi nước và quạt đá, điều mà trước đây ít gặp phải khi chưa dùng.
Anh Quang (Nam Từ Liêm, Hà Nội), một người sử dụng quạt đá cho biết, ban đầu khi sử dụng, hơi nước, hơi đá từ quạt khiến mọi người cảm thấy mát rượi, dễ chịu. Tuy nhiên, vào những ngày nóng ẩm, quạt lại khiến anh và người nhà thấy oi bức, ngột ngạt và mệt mỏi, khó chịu hơn.
Gia tăng nấm mốc, vi khuẩn, hỏng thiết bị điện tử
Theo các kỹ sư điện dân dụng, nếu sử dụng không đúng cách, quạt hơi nước, quạt đá, quạt phun sương có thể gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.
Video đang HOT
Quạt hơi nước giúp làm mát nhanh nhưng cũng khiến nấm mốc và vi khuẩn có điều kiện sinh sôi trong môi trường độ ẩm cao. Ảnh minh hoạ.
Những thiết bị trên có thể làm không khí trong căn phòng mát rất nhanh, nhưng do chúng sử dụng hệ thống làm mát bằng hơi nước nên khi quạt hoạt động, độ ẩm trong không khí sẽ tăng lên, tạo điều kiện cho nấm mốc, vi khuẩn, vi trùng có hại cho sức khỏe phát triển.
Dưới tác động của quạt, độ ẩm trong phòng tăng cao, các thiết bị điện tử bị ẩm, các chi tiết kim loại bị ôxy hóa và ăn mòn, các mối hàn han rỉ, các tụ hóa, điện trở và linh kiện trong mạch điện bị hỏng hóc, tình trạng chập mạch cũng dễ xảy ra.
Trong khi, không khí có nhiệt độ và độ ẩm cao là môi trường lý tưởng để các nấm mốc, vi khuẩn gây bệnh sinh sôi, hoành hành thì ngược lại, sức đề kháng chúng ta giảm đi rõ rệt. Nhiều người già và trẻ em dễ ốm, đặc biệt là những người có bệnh về đường hô hấp như hen, bệnh phổi thường xuyên phải uống thuốc, nhập viện.
Bên cạnh đó, không khí ẩm khiến đồ đạc, chăn gối, đệm… trong nhà cũng dễ nhiễm nấm, nhiễm khuẩn và gây bệnh ngoài da cho những người tiếp xúc. Hơi nước ở các thiết bị quạt đá, quạt hơi nước cũng khiến đồ đạc trong nhà giảm tuổi thọ, nhất là đồ điện tử.
Những lưu ý khi dùng quạt hơi nước, quạt đá
- Để bảo vệ sức khỏe khi mua quạt hơi nước, quạt đá, quạt phun sương, người tiêu dùng cần lựa chọn những thương hiệu có uy tín.
- Để tránh nấm mốc và vi khuẩn gây bệnh phát triển, ngay từ đầu, khi mới mua về tốt nhất nên chạy quạt không nước từ 1-2 giờ, sau đó mới cho nước hoặc đá vào.
- Chỉ dùng quạt hơi nước trong những ngày không khí thiếu độ ẩm. Không nên bật quạt trong phòng kín mà cần để ở không gian thoáng, rộng, tạo điều kiện cho không khí lưu thông.
- Thường xuyên thay nước và lau rửa định kỳ lưới lọc chắn bụi, màn thấm nước, bình đựng nước để giảm sự phát triển của vi sinh vật gây bệnh, khiến chúng ta hít phải khi quạt phát tán.
- Không nên dùng quạt thổi hơi nước trực tiếp vào người trẻ nhỏ và để gần các vật dụng khác vì hơi ẩm tỏa ra có thể bám vào gây hư hỏng đồ vật.
- Tránh làm đổ nước gây chập điện, không được di chuyển quạt khi quạt đang chạy.
Không nên dùng quạt hơi nước trong phòng chứa nhiều đồ điện tử, hoặc đừng để chiếc quạt thổi về hướng những thiết bị đó. Nếu dùng thường xuyên, tốt nhất là cất các thiết bị trên vào phòng khác không sử dụng quạt hơi nước, hoặc bọc chúng lại bằng túi nylon.
Mai Anh
Theo giadinh.net
5 nguyên tắc "bỏ túi" khi đưa con đi khám bệnh
Khi đưa con đi khám không phải bố mẹ nào cũng hiểu rõ cần kể cho bác sĩ các dấu hiệu gì, bắt đầu từ đâu, hỏi bác sĩ những gì trong qua trình khám bệnh.
Ảnh minh họa
Trên thực tế, có rất nhiều gia đình cầm đơn thuốc về rồi mới nghĩ ra là muốn hỏi bác sĩ về tác dụng phụ của thuốc ra sao. Hoặc có những gia đình vừa khám xong 30 phút lại quay lại hỏi bác sĩ về vấn đề này vấn đề kia, một giờ sau lại quay lại kể tiếp và xin làm thêm xét nghiệm cho con, hoặc khi về đến nhà rồi lại gọi đường dây nóng của bệnh viện để hỏi về thuốc...
Để khắc phục tình trạng này, cha mẹ cần lưu ý ghi sẵn ra giấy những vấn đề của con mình, những vấn đề mình băn khoăn để khi gặp bác sĩ sẽ trực tiếp trao đổi một cách tỉ mỉ.
Sau đây là 5 nguyên tắc "bỏ túi" được điều dưỡng Tạ Duyên, Khoa Thận, Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ giúp cha mẹ chuẩn bị cho con đi khám sẽ không quên phối hợp với nhân viên y tế một cách tốt nhất để giúp cho việc chẩn đoán, điều trị bệnh cho bé hiệu quả hơn:
- Nguyên tắc 1:
Trường hợp bé mắc bệnh cấp tính, cha mẹ nên tập trung mô tả những triệu chứng bệnh xuất hiện gần đây nhất, liên quan tới lý do mà cha mẹ cho con đi lần khám này. Tránh kể lan man về những chuyện đã xảy ra rất lâu và không liên quan tới lần bệnh này.
- Nguyên tắc 2:
Bình tĩnh liệt kê tất cả các vấn đề khiến cha mẹ còn băn khoăn để bác sĩ đánh giá tổng quát toàn thể. Đừng thấy con mình đang khám bác sĩ chuyên khoa Thận mà ngại ngùng không dám hỏi những vấn đề khác như con bị mẩn ngứa, đi ngoài, nổi u cục... Trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ hội chẩn hoặc giới thiệu bé tới bác sĩ chuyên khoa liên quan.
- Nguyên tắc 3:
Mang theo toàn bộ hồ sơ khám chữa bệnh, kết quả xét nghiệm, đơn thuốc và các loại thuốc đang điều trị (nếu có) để bác sĩ đánh giá quá trình diễn biến của bệnh và đưa ra liệu trình điều trị phù hợp nhất.
Không ít trường hợp cha mẹ giấu kín kết quả và kết luận khám chữa bệnh tại cơ sở y tế trước đó, với hy vọng bác sĩ khám lại từ đầu xem kết luận có trùng khớp không. Một số cha mẹ khác thì vì sợ bác sĩ "mắng" do tự ý cho con uống thuốc nên không dám nói ra. Kết quả là bác sĩ phải mất thời gian làm lại các xét nghiệm, kê lại cho bé những loại thuốc mà gia đình đã sử dụng nhưng không hiệu quả. Và tai hại hơn nữa, trường hợp cha mẹ sử dụng thuốc sai cách, bác sĩ sẽ không biết để tư vấn giúp cha mẹ tránh phạm sai lầm trong tương lai.
- Nguyên tắc 4:
Khi bạn có băn khoăn chưa muốn thực hiện xét nghiệm. Hãy trao đổi trực tiếp để bác sĩ giải thích rõ vì sao bé cần làm xét nghiệm này, giữa lợi ích và nguy cơ nếu không làm xét nghiệm thì vấn đề gì sẽ xảy ra. Khi đã hiểu rõ những lợi ích của các xét nghiệm cần thiết cha mẹ sẽ đưa ra được quyết định phù hợp nhất cho con.
Đừng vì sợ bé đau khiến bạn từ chối làm xét nghiệm cho con dẫn đến hiệu quả điều trị không được như mong muốn.
- Nguyên tắc 5:
Khi bác sĩ kê đơn và tư vấn, người có trách nhiệm chính (bố/mẹ) cần trực tiếp vào phòng khám để nghe bác sĩ giải thích về bệnh trẻ đang bị mắc, cách sử dụng đơn thuốc và phương pháp chăm sóc trẻ tại nhà cũng như hướng dẫn các dấu hiệu cảnh báo cần đưa trẻ đến khám lại ngay.
Nhiều em bé đi khám cùng rất nhiều người thân trong gia đình. Khi bác sĩ giải thích bố/mẹ không vào nghe mà cô/dì/chú/bác hoặc người giúp việc vào, lúc sau mẹ lại vào hỏi "Con em bị sao ạ?". Bác sĩ phải giải thích lại. Mẹ nghe xong gật gù đi ra, lúc sau lại bố chạy vào...
Bác sĩ sẽ vô cùng mệt mỏi và những bệnh nhân khác đang chờ khám cũng bị mất thêm rất nhiều thời gian.
Theo vtv.vn
Mắc bệnh lạ, bé gái 5 tuổi không thể tiếp xúc với ánh nắng mặt trời bởi điều khủng khiếp này sẽ xảy ra Căn bệnh kì lạ này khiến cô bé suốt ngày phải ở trong bóng râm và thậm chí còn có nguy cơ không thể ăn uống hay tự đứng được như người bình thường. Vào mùa hè năm 2016, một vài phát ban nhỏ bắt đầu lan rộng khắp cơ thể của bé Kaia Ettingoff. Cha mẹ của Kaia, cô Kate và anh...