Rùng mình vì bị hoại tử trên da sau khi ăn tiết canh
Đang khỏe mạnh, bỗng dưng thấy sốt đùng đùng nhưng anh V.V.N chỉ nghĩ là chắc cảm mạo thường. Nhưng đến ngày sốt thứ hai, anh thấy thấy trên tay, chân và toàn thân xuất hiện rất nhiều nốt ban hoại tử da và người dần mệt lả.
Quá hoảng sợ trước những nốt ban như đã thối, cảm tưởng chỉ móc nhẹ là thịt da bung ra nên gia đình đã đưa anh tới thẳng Bệnh viện Nhiệt đới TƯ mới biết anh bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn.
Biểu hiện của liên cầu khuẩn lợn gây nhiễm trùng huyết ở người rõ ràng nhất là sốt cao, sốc, rồi xuất hiện các ban hoại tử trên toàn thân, bốc mùi khó chịu.
BS Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện nhiệt đới TƯ cho biết, bệnh nhân V.V.N (47 tuổi, quê ở Phú Xuyên) hiện đang làm bảo vệ cho một cửa hàng trên phố Hai Bà Trưng được chuyển đến viện hôm 18/10 trong tình trạng sốt cao, sốc và trên tay, chân xuất hiện nhiều nốt ban hoại tử. “Nhìn triệu chứng lâm sàng, chúng tôi đã chẩn đoán bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn và kết quả cấy bệnh phẩm cho thấy bệnh nhân dương tính với liên cầu khuẩn lợn. Tuy vào viện ngay từ ngày thứ hai sau sốt nhưng tình trạng bệnh nhân đã rất nặng với các biểu hiện sốt cao, suy đa phủ tạng…”, BS Cấp nói.
Video đang HOT
Người nhà của bệnh nhân này cho biết, làm bảo vệ trên Hà Nội, anh N chủ yếu ăn cơm bụi, không trực tiếp chế biến thức ăn. Tuy nhiên, anh lại có thói quen dăm ba hôm lại uống rượu lòng lợn tiết canh vào buổi sáng. Trước thời điểm phát bệnh, anh không nhớ cách đó mấy ngày đã ăn tiết canh. Đến nay, sau 4 ngày điều trị, hiện anh N vẫn đang điều trị hồi sức tích cực do bị suy đa phủ tạng, nhiễm trùng huyết.
“Tôi cũng có nghe nói đến bệnh liên cầu khuẩn lợn nhưng chưa bao giờ hình dung nó lại kinh khủng đến thế. Nhìn thấy những nốt ban đỏ mọng rồi dần thâm xì, bốc mùi khó chịu xuất hiện trên toàn thân khiến tôi vô cùng hoảng loạn. Cứ nghĩ ăn tiết canh không sạch sẽ, ai đường ruột không tốt cùng lắm bị đi ngoài, không ngờ nó lại có thể gây hậu quả khủng khiếp vậy”, anh N. thều thào nói.
Theo BS Cấp, bệnh liên cầu khuẩn lợn hầu như không có mùa dịch cụ thể, mà vẫn gặp rải rác quanh năm. Tại bệnh viện Nhiệt đới TƯ, thỉnh thoảng lại có bệnh nhân biểu hiện nhiễm liên cầu khuẩn nhập viện. Ngoài trường hợp bệnh nhân N. đang phải nằm điều trị tích cực, tại bệnh viện Nhiệt đới TƯ từ cuối tháng 9 đến nay vẫn liên tục tiếp nhận bệnh nhân liên cầu khuẩn lợn. Thống kê của bệnh viện, từ đầu năm tới nay đã có khoảng 40 ca mắc bênh này và nhiều bệnh nhân có tiền sử tiếp xúc như giết mổ lợn, ăn các đồ tái chín từ lợn như nem chạo, tiết canh…
BS Cấp cho biết thêm, bệnh liên cầu khuẩn không chỉ gây ra hiện tượng nhiễm trùng huyết khiến người bệnh sốt cao đột ngột, nhanh chóng tụt huyết áp, sốc rồi gây suy đa phủ tạng và xuất hiện những nốt ban đặc trưng hoại tử trên da mà liên cầu khuẩn lợn còn gây viêm màng não giống như các viêm màng não mủ khác. Khi bị viêm màng não, bệnh nhân có hiện tượng sốt, đau đầu, nôn, buồn nôn, tri giác lơ mơ dần dẫn đến hôn mê. Ngoài ra, có những người, vi khuẩn liên cầu lợn còn gây ra cả hai thể bệnh này, khiến tình trạng bệnh thường rất nặng, nguy kịch.
Liên cầu khuẩn bị tiêu diệt hoàn toàn khi nấu chín
BS Cấp cho biết, bình thường vi khuẩn này vẫn cư trú ở họng một số con lợn mà không gây bệnh. Nhưng ở những con lợn yếu, dịch bị suy giảm khiến liên cầu khuẩn tấn công thì vi khuẩn này không còn khu trú nguyên ở vòm họng nữa mà nó tấn công sang các các cơ quan phủ tạng khác, gây viêm phổi, nhiễm trùng huyết và biểu hiện trên da lợn. Đó là lý do khi ăn tiết canh, nem chạo thì dễ dàng “nạp” vào người số lượng lớn vi khuẩn liên cầu có trong đó và gây bệnh cho người.
Vi khuẩn liên cầu lợn gây bệnh nặng nề trên con người, nó làm người bệnh sốc, nhiễm trùng huyết, suy đa phủ tạng, viêm não… đe dọa tính mạng người bệnh.
Không chỉ lây qua ăn uống khi ăn đồ chưa nấu chín mà bệnh liên cầu khuẩn lợn còn lây qua tiếp xúc. Vì thế, nguy cơ lây nhiễm bệnh xuất phát ngay từ quá trình chế biến, thái, rửa thịt lợn (vì chân tay có thể có những xước xát không phát hiện và vi khuẩn liên cầu lợn có thể xâm nhập vào cơ thể qua những vết tổn thương này). Hầu như các bệnh nhân bị nhiễm căn bệnh này đều có tiếp xúc trực tiếp với lợn bệnh.
“Đáng nói là rất khó nhận biết con lợn nhiễm vi khuẩn liên cầu do người nông dân có tập quán, lợn vừa ốm (khi chưa kịp xuất hiện các ban hoại tử trên da, nhưng đã có viêm phổi, nhiễm trùng huyết) là lập tức bán tống, bán tháo. Vì thế, để phòng nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn liên cầu thì người tiêu dùng hãy luôn thận trọng khi chế biến thịt lợn bằng cách sử dụng găng tay ni – lon khi rửa, thái thịt rồi nấu chín. Khi thịt lợn được nấu chín, vi khuẩn liên cầu hoàn toàn bị tiêu diệt và không còn khả năng gây bệnh. Còn người giết mổ thịt lợn cũng cần bảo vệ cho mình bằng các trang phục bảo hộ lao động, phòng nguy cơ lây nhiễm căn bệnh nguy hiểm này”, BS Cấp cảnh báo.
Theo Dân Trí
Cách xoa huyệt đạo chữa cảm, nhức đầu
Những người bị các chứng nhức đầu do căng thẳng tâm lý, suy nhược thần kinh... cũng có thể tự thực hiện phương pháp chữa bệnh đông y này.
Khi sức đề kháng của cơ thể suy yếu, phong hàn xâm nhập, dễ gây nên cảm mạo. Cảm mạo xâm phạm vào phần biểu của cơ thể thường gây ra các chứng hắt hơi, sổ mũi, sợ gió, sợ lạnh, nhức đầu, đau mình.
Nguyên tắc đối trị cảm mạo
Chủ yếu là làm việc nhẹ, nghỉ ngơi hợp lý, ăn uống đủ chất, nhất là những thực phẩm góp phần tăng sức miễn dịch của cơ thể như xúp gà, tỏi, gừng, hành, hải sản, các loại rau quả sậm màu, màu đỏ, vàng, tím.
Ngoài ra, trong đông y còn có những phương huyệt toàn thân với những cách châm cứu hoặc day bấm. Hầu hết các phương pháp phải do thầy thuốc thực hành tuy nhiên người bệnh cũng có thể tự tác động vào một số huyệt vị trên vùng đầu, mặt để làm nhẹ đi các triệu chứng hoặc rút ngắn thời gian bệnh.
Việc phòng chống cảm nhiễm về lâu dài cần dựa vào chế độ ăn uống đủ chất bổ dưỡng và năng vận động. Những người có cơ địa hư hàn, dương khí suy, hay sợ gió, sợ lạnh thường dễ bị cảm mạo tái đi tái lại. Những trường hợp này có thể dùng thêm những phương dược bổ tỳ thận dương hoặc kiện tỳ ích khí của đông y để tăng sức đề kháng.
Cách "điểm huyệt"... cơn đau
Những liều thuốc cảm hoặc những cách day ấn hoặc xoa dầu có thể giúp người bệnh giảm nhẹ các triệu chứng và dễ vượt qua cảm cúm, nhức đầu.
Cách đơn giản nhất để người bệnh tự chữa cho mình khi bị bệnh là xoa dầu nóng vào vùng huyệt. Phương pháp này không đòi hỏi những cách day bấm phức tạp, chỉ cần một lọ dầu cù là hoặc dầu nóng.
Dùng đầu ngón tay chạm vào dầu và xoa nhẹ vài vòng vào từng huyệt một, sau huyệt này đến huyệt khác, không cần để ý thứ tự trước sau giữa các huyệt.
Phương huyệt bao gồm những huyệt vị dễ xác định, chủ yếu là những chỗ lõm dễ nhận thấy trên vùng đầu, mặt như chỗ lõm ở phía sau dái tai (ế phong), sau gáy (phong trì và phong phủ), chỗ sũng cuối chân mày (thái dương), chỗ lõm bên cạnh chân cánh mũi (nghênh hương) hoặc dưới môi dưới (thừa tương).
Các huyệt này đều có tác dụng sơ phong thông lạc, giảm đau, chống khí nghịch, cải thiện lưu thông khí huyết ra ngoại biên để tăng sức đề kháng.
Phương pháp này cũng dùng chữa các chứng nhức đầu do căng thẳng tâm lý, do suy nhược thần kinh hoặc do rối loạn nội tiết, rối loạn vận mạch sau mãn kinh.
Xoa dầu vào những huyệt được chỉ định cũng giúp những người có cơ địa thần kinh mẫn cảm với những thay đổi của thời tiết dễ vượt qua những thời điểm có áp thấp nhiệt đới hoặc những trận bão từ.
Theo SGTT
Xoa huyệt đạo chữa cảm mạo, nhức đầu Những người bị các chứng nhức đầu do căng thẳng tâm lý, suy nhược thần kinh... cũng có thể tự thực hiện phương pháp chữa bệnh đông y này. Người bệnh có thể tự tác động vào một số huyệt vị trên vùng đầu, mặt để làm nhẹ các triệu chứng hoặc rút ngắn thời gian bệnh. Ảnh: Đức Nguyễn Khi sức đề...