Rau sắng đất Hương Sơn
Bữa cơm tối nay có món rau sắng mẹ gửi từ quê ra. Đĩa rau xanh mướt ngọt lành làm tôi chợt nhớ đến những câu thơ của thi sĩ sành ăn Tản Đà:
“Muốn ăn rau sắng chùa Hương
Tiền đò ngại tốn, con đường ngại xa”
Rau sắng xào xanh mát – Ảnh: Tịnh Tâm
Video đang HOT
Phải đặc biệt đến thế nào, loại rau rừng mộc mạc này mới khiến cho chàng thi sĩ phải nói lên nỗi thèm thuồng trong thơ như vậy. Rau sắng vốn là loài cây thân gỗ mọc ở núi đá, chẳng riêng gì vùng Hương Sơn mà rải rác ở các vùng miền núi phía Bắc đều có. Cây sắng mọc trên núi phải sau 2, 3 năm mới ăn được. Có cây to cỡ thân người, vỏ trắng mốc, muốn hái phải trèo lên vít ngọn. Lá xanh tươi cả năm đấy, nhưng phải vào tháng ba âm lịch, khi những trận mưa xuân tưới xuống mát lành thì đọt sắng mới non mềm, thơm ngọt.
Hái rau sắng cũng phải khéo chọn loại lá nhỏ, bởi có loại rau sắng cho lá to hơn, nhìn thì thích mắt nhưng ăn xơ và cứng. Được mệnh danh là rau mì chính, nên rau sắng chỉ cần nấu xanh suông đã ngọt. Cả đọt non xanh mỡ màng ngắt thành từng đoạn ngắn, vò nhẹ phần lá cho mềm, xào lên với chút mỡ rồi nấu canh. Khi ấy, lá rau sẽ bóng mướt lên, vị ngọt thanh tao tựa như rau ngót nhưng mát hơn, đậm đà hơn. Phần cọng già cũng đừng bỏ đi mà cuộn lại thả luôn vào nồi canh cho nước ngọt
Cả năm, chỉ có một mùa rau sắng như thế. Mà một mùa cũng chỉ kéo dài vài tuần ngắn ngủi. Bởi vậy nếu không có người mến mộ gửi tặng bó rau sắng còn tươi đến tận nhà, thi sĩ Tản Đà có lẽ đành ngậm ngùi đợi đến mùa sau, hoặc chờ cuối thu về, khi những cây rau sắng trổ những chùm hoa xanh mướt như những sợi râu rồng.
Nụ hoa sắng xanh xanh, ken đầy những chiếc “râu” nhỏ vươn dài. Bấm những sợi “râu rồng” ấy về xào suông, hoặc với thịt bò, thịt lợn, cũng chẳng cần nêm nếm thêm gì mà vẫn cứ ngọt lừ trong miệng. Những chùm hoa còn sót lại nở xòe ra như hoa thiên lý, rồi kết từng chùm quả vàng ươm, to bằng ngón tay cái. Quả non mềm hái về ninh với xương cũng ngon hết ý.
Nhưng cũng chẳng mấy ai được diễm phúc thưởng thức trọn cả lá, hoa và quả của thứ rau rừng khó tính ấy bởi ngay cả các phiên chợ vùng núi cũng chỉ thường bán lá sắng. Rừng càng ngày càng thu hẹp lại, những gốc sắng cổ thụ càng thưa thớt. Người ta mang sắng về trồng. Nhưng giống cây này chỉ kiên quyết trổ lá, ra hoa ở trên núi đá. Sắng vườn nhà, dù ngay chân núi cũng chẳng còn vị ngọt đặc trưng mà nhờ đó nó được mệnh danh là rau mì chính.
Chẳng biết ngày nay, bó rau sắng ngọt lành có chắp nên mối duyên nào như thi sĩ Tản Đà và “người tình không quen biết” khi xưa. Chỉ biết rằng mỗi độ hoa đào, hoa mận bắt đầu phai sắc trên những triền núi, ấy là lúc rau sắng lại bắt đầu một mùa mới thơm lành. Người về chùa Hương trẩy hội, người ngược xuôi các phiên chợ vùng cao chẳng ai lại không mang theo về chút thơm thảo ấy của núi, của rừng.
Theo ihay
Hẹ ta gỡ rối
"Rối như canh hẹ", đó là kiểu nói mượn cảnh tả lòng của ông bà ta. Thật ra, hẹ chuyên giúp gỡ rối!
Hẹ thuộc họ hành, được dùng làm rau gia vị từ lâu đời. Trong 100gr hẹ chứa: 2.2% đạm, 1.8% đường, 0.9% chất xơ và nhiều nguyên tố vi lượng cần thiết như: calcium, sắt, natrium, kalium...
Hẹ sẻ thật mảnh mai nhưng giàu vị thuốc - Ảnh: Tạ Tri
Có lần chúng tôi ra Phú Yên, tìm hiểu các món ngon từ con dông. Cầm cuốn chả dông nóng hổi, gói cùng mớ rau vườn non mướt: chuối hột, xoài bằm, tía tô, ngò rí..., chấm ngập chén nước mắm pha đậu phộng nghe ngọt bùi thật hấp dẫn.
Ấn tượng hơn là, mấy cọng hẹ "tí hon" mà xanh mượt, "nép mình" trong ấy. Chúng bé tẹo, dân địa phương thường gọi hẹ sẻ. Tuy nhỏ bé nhưng hẹ thơm lạ, không nồng the và hăng mạnh như hẹ ở chợ Sài Gòn, "to xác rẻ tiền". Nhai lâu, nghe nhựa hẹ tiết ra ngòn ngọt nơi vòm họng, khiến lượng nước bọt trào tuôn càng mạnh. Cảm giác thèm ăn được dịp quật khởi!
Một số người sành ăn gốc "nẫu" vào TPHCM lập nghiệp, có người tỉ mỉ di thực vài củ hẹ sẻ vào trồng trong chậu kiểng. Lúc thảnh thơi, họ vuốt ve chiếc lá hẹ nhỏ nhoi, ngắm nghía màu xanh đồng nội như đồng vọng về mảnh vườn xưa, nơi quê cha đất tổ! Những tiệc giỗ chạp, gặp mặt đồng hương thân thiết, món chả đùm nướng thơm điếc mũi được dọn ra. Gắp chả mời nhau mà thiếu mấy lá hẹ bé tẹo, xấp bánh tráng gạo Hòa Đe (Đa) còn kẹp mấy cọng lá chuối xanh sẽ trở nên thật đơn điệu.
Gặp nắng trưa đổ lửa hoặc buổi tối se lạnh, bữa cơm gia đình có đĩa dưa chua giá hẹ "góp vui" thì nồi cá bống kèo kho quéo hoặc đĩa thịt ba rọi kho tiêu mau vơi lắm!
Mê say hoa hẹ xào gân bò! - Ảnh: Tạ Tri
Thời sinh viên, còng lưng đạp chiếc xe đạp già đi dạy thêm mỗi tối. Chạy ngang xe hủ tiếu gõ quen, chẳng dám ngước nhìn vì chưa được lãnh lương. Vậy mà, mùi tiêu sọ kết bè với hẹ tươi vẫn không tha, nó níu kéo, tra tấn không thương tiếc người... vô sản. Lúc ấy, tôi chỉ lén nuốt nước bọt khan, ước ngày tháng qua nhanh, để "trả thù" tô hủ tíu khô bóng lưỡng nhờ "tắm" chút nước mỡ heo, cạnh chén súp "đại dương" lõng bõng mấy khúc hẹ xanh, vài tép mỡ vàng vàng, bốc khói nhè nhẹ đẩy đưa hương vị cay nồng của tiêu sọ... Ôi yêu quá đi thôi!
Ông Nguyễn Phúc Ưng Viên, sành y thực ở Gò Vấp, TPHCM còn bày các món ngon giúp sáng mắt, trợ thận như sau: canh hẹ nấu với rau sam và ốc lác (ốc nướng sơ rồi đập vỏ lấy phần đầu cho vào canh). Hoặc nhét mớ lá hẹ, lá gừng non và vài trái ớt hiểm đập giập vào bụng con cá lóc đồng, quấn kín 3 lớp lá chuối tươi. Nướng lửa than hồng. Chấm muối hột rang giầm ớt chim.
Lương y Thái Hòa cũng kê hẹ làm rau gia vị cho các món canh, hấp hải sản phòng ngừa bệnh bạch đới (ở phụ nữ). Cụ thể các món canh tôm hẹ, ăn ngày 1 lần, suốt 20 ngày. Hoặc con trai nước ngọt mang luộc sơ, lấy ruột, rửa sạch cát, hấp cách thủy với hẹ xắt khúc vừa gắp. Ăn 1 lần/ngày, liên tiếp 20 ngày. (Tóm lược từ sách "Thủy Hải Sản Món Ăn Phòng Chữa Bệnh", trang 213 - 214, Lương y Thái Hòa, NXB. Hà Nội)
TS.Võ Văn Chi ghi: "Nhiều bộ phận của hẹ được sử dụng để làm thuốc..." Theo đó, hột hẹ chữa các chứng mộng tinh, di tinh, đái ra huyết, đau lưng gối mỏi, viêm tiền liệt tuyến. Lá và củ hẹ dùng trị ho suyễn nặng, chứng đổ mồ hôi trộm, sưng cổ họng, viêm tai giữa, chảy máu cam... "Rễ hẹ là vị thuốc tẩy giun kim rất hiệu nghiệm" ( "Hẹ", trang 68 - 69, sách "Dinh Dưỡng & Chữa Bệnh Bằng Rau - Củ - Quả", NXB. Phụ Nữ)
Hẹ, ít khi vắng mặt trong các bữa tiệc giúp nồng ấm chuyện gối chăn. Cụ tổ Hải Thượng Lãn Ông tổng kết về hẹ: "Cay đắng chua mà vít lại, mạnh cho khí và thêm cho dương sự, lại cầm máu, vít tinh, chữa chứng đau lưng nhưng không nên dùng nhiều".
Theo 24h
Kèo nèo - rau ngon vùng sông nước Có ăn thử mới biết tại sao người miền Tây "kết" loài rau bình dị này đến vậy. Trong vô số loài rau mà đất trời ban tặng cho vùng sông nước Nam bộ, không thể không nhắc đến kèo nèo, loài cây cỏ tên nghe yếu ớt, nhưng lại có một sức sống mãnh liệt. Loài cây được coi như một thứ...