Quảng Ninh: Dành 71,3 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp nhà vệ sinh trường học
Khu nhà vệ sinh trường học nhất là khối tiểu học ở Quảng Ninh luôn nhận được sự quan tâm đầu tư đồng bộ đảm bảo xanh – sạch – đẹp.
Năm học 2022 – 2023, toàn tỉnh Quảng Ninh có trên 340.000 học sinh và trẻ mầm non đến trường (tăng hơn 9.600 học sinh so với năm học trước), trong đó khối mầm non tăng thêm hơn 2.300 trẻ. Toàn tỉnh có 645 trường học và cơ sở giáo dục, trong đó có trên 88% số trường đạt chuẩn quốc gia.
Số lượng học sinh tăng đã đặt ra những áp lực về cơ sở vật chất để đáp ứng các yêu cầu về dạy và học ở các cấp học.
Để chuẩn bị cho năm học mới, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh và các địa phương trong tỉnh đã cải tạo, sửa chữa, nâng cấp các phòng học không đảm bảo an toàn.
Trong đó, xóa phòng học tạm tại 89 trường học với tổng kinh phí gần 190 tỷ đồng; cải tạo, sửa chữa, nâng cấp thư viện, phát triển văn hóa đọc cho các trường tiểu học với tổng kinh phí hơn 29 tỷ đồng; mua sắm thiết bị lớp 1, lớp 2 và lớp 6 với kinh phí hơn 218 tỷ đồng.
Không riêng việc nâng cấp, cải tạo các công trình phòng học, thư viện, tỉnh Quảng Ninh còn dành 71,3 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp các công trình nhà vệ sinh tại 87 trường học. Từ đó, đảm bảo cho học sinh có môi trường học tập, sinh hoạt thuận tiện, thoải mái và văn minh.
Ưu tiên cấp nước cho trường học, đảm bảo khu nhà vệ sinh được vận hành sạch sẽ
Theo ghi nhận của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, các trường học trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đa số đều được đầu tư sửa chữa, xây dựng khu vệ sinh đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng của học sinh.
Đặc biệt, ở khối tiểu học, với đặc trưng học sinh ăn bán trú và sinh hoạt cả ngày ở trường nên mặc dù có tên gọi là “công trình phụ” nhưng khu nhà vệ sinh lại đóng vai trò rất quan trọng.
Khu nhà vệ sinh được xây mới trong năm học 2021 – 2022 của Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt (Ảnh: Phạm Linh)
Việc đảm bảo cơ sở vật chất, giữ gìn môi trường sạch sẽ khu nhà vệ sinh có mối liên hệ chặt chẽ với vấn đề đảm bảo sức khoẻ cho học sinh và mang đến tâm lý yên tâm cho phụ huynh khi gửi gắm con ở trường cả ngày.
Điển hình tại thành phố Uông Bí, (Quảng Ninh), không chỉ đầu tư xây dựng, sửa chữa các dãy nhà học, phòng học khang trang, sạch đẹp mà khu nhà vệ sinh của trường học cũng được lãnh đạo địa phương quan tâm đầu tư đồng bộ với phương châm “xanh – sạch – đẹp”.
Tại Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt (thành phố Uông Bí, Quảng Ninh), do số lượng học sinh ăn bán trú của nhà trường là hơn 800 học sinh trên tổng số 1.122 em nên nhu cầu sử dụng nhà vệ sinh khi ở trường rất là cao.
Khu nhà vệ sinh mới có hệ thống thoát nước tốt, đảm bảo không có nước đọng trên nền nhà (Ảnh: Phạm Linh)
Cô Đào Thị Bích Thuỷ – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt cho biết: “trước đây, trường có dãy nhà A, B được xây dựng cách đây hơn 10 năm. Đến năm 2017, trường được đầu tư xây mới dãy nhà C có 3 tầng.
Video đang HOT
Do nhà vệ sinh cũ đã xuống cấp và được phá bỏ để lấy diện tích xây dãy nhà C nên sau khi hoàn thiện, học sinh từ 3 dãy nhà học đều sử dụng chung nhà vệ sinh ở dãy nhà C.
Thời điểm đó, học sinh di chuyển từ dãy nhà A, B sang khu nhà vệ sinh của dãy C khá xa, cộng thêm số thiết bị hạn chế chưa đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng của học sinh.
Cụ thể, dãy nhà C có 3 tầng, mỗi tầng có 2 phòng vệ sinh dành cho nam, nữ riêng nhưng mỗi phòng chỉ có 2 thiết bị vệ sinh nên khu vệ sinh thường xuyên ở trong tình trạng quá tải vào các giờ giải lao.
Từ thực tế trên, nhà trường đã có đề nghị tới lãnh đạo địa phương được xây bổ sung một khu nhà vệ sinh riêng để đáp ứng nhu cầu sử dụng của học sinh.
Được sự quan tâm của lãnh đạo địa phương, năm học 2021 – 2022, Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt được đầu tư xây mới khu nhà vệ sinh.
Sau khi được đưa vào sử dụng từ tháng 2/2022, học sinh có thể thoải mái sử dụng nhà vệ sinh, không còn tình trạng quá tải vào giờ giải lao nữa.
Thiết kế mới có hệ thống thoát nước rất tốt, không có tình trạng nước đọng trên sàn. Bên cạnh đó, bồn rửa tay được lắp riêng phía bên ngoài nên đảm bảo an toàn vệ sinh hơn.
Ngoài ra, để phục vụ cho học sinh ăn bán trú, mỗi tầng của dãy nhà A, B, C đều được lắp đặt bồn rửa. Các con ăn bán trú sẽ rửa tay, rửa mặt ngay tại mỗi tầng (đầu dãy và cuối dãy) chứ không cần phải đi xuống khu nhà vệ sinh”.
Phía ngoài khu nhà vệ sinh có khung treo cây xanh tạo cảnh quan xanh mát (Ảnh: Phạm Linh)
Không chỉ sạch sẽ, đảm bảo an toàn vệ sinh, khu nhà vệ sinh của các trường ở thành phố Uông Bí đều có chung mẫu thiết kế, được lắp đặt giá cây xanh làm tăng cảnh quan cho khu vực này.
Cô giáo Thủy cho biết thêm: “Mặc dù gọi là “công trình phụ” nhưng khu nhà vệ sinh đặc biệt quan trọng với các nhà trường nhất là khối tiểu học.
Nếu mất nước một ngày hoặc thậm chí chỉ một giờ thôi là cả một vấn đề lớn. Nhu cầu sử dụng nước của học sinh, giáo viên rất nhiều như các con bán trú rửa tay, rửa mặt, nhà vệ sinh rồi giáo viên vệ sinh lớp học,…
Theo đó, nhà trường đã có đề nghị với nhà máy nước tại khu vực ưu tiên cấp nước để các con lúc nào cũng có nước sử dụng khi đến trường.
Thông thường, cách ngày nhà máy mới bơm nước nhưng nhà trường được ưu tiên bơm nước mỗi ngày để đảm bảo đủ nước cho khu nhà vệ sinh và tất cả các tầng”.
Tạo nền nếp giữ gìn khu vệ sinh chung cho học sinh ngay từ khối lớp 1
Để giữ gìn môi trường sạch sẽ, đảm bảo trang thiết bị tại khu nhà vệ sinh sau khi được đầu tư xây mới cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nói chung và tại thành phố Uông Bí nói riêng.
Các nhà trường chú trọng việc rèn nền nếp, hướng dẫn học sinh sử dụng nhà vệ sinh đúng cách ngay từ khi khối lớp 1 nhập học. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nội quy cho học sinh.
Học sinh Trường Tiểu học Lê Lợi được rèn nền nếp sử dụng nhà vệ sinh đúng quy định ngay từ lớp một (Ảnh: Phạm Linh)
Tại Trường Tiểu học Lê Lợi (thành phố Uông Bí, Quảng Ninh), năm học 2017 – 2018, trường được đầu tư xây dựng khu nhà vệ sinh ngay sau khi thành phố triển khai Đề án trường học xanh – sạch – đẹp.
Năm học này, toàn trường có 1.298 học sinh. Theo đó để đảm bảo việc duy trì khu nhà vệ sinh sạch, đẹp và các thiết bị đều sử dụng tốt, nhà trường thường xuyên tiến hành rà soát, thay mới thiết bị và kiểm soát nghiêm việc dọn vệ sinh.
Khu nhà vệ sinh của Trường Tiểu học Lê Lợi được dọn dẹp vệ sinh thường xuyên (Ảnh: Phạm Linh)
Nhân viên lao công đảm bảo vệ sinh sạch sẽ khu nhà vệ sinh ngay sau mỗi tiết giải lao (Ảnh: Phạm Linh)
Cô Phạm Thị Thu Hà – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Lợi cho biết: “Trong quá trình học sinh sử dụng, không tránh khỏi việc thiết bị sẽ hao mòn và hư hỏng. Theo đó, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã rà soát và thay thế những thiết bị hỏng.
Ban giám hiệu nhà trường cũng phân công một đồng chí Phó hiệu trưởng phụ trách tăng cường công tác quản lý, kiểm tra vệ sinh cùng với nhân viên y tế để kiểm soát thiết bị, xem xét các điều kiện vệ sinh trường học và ý thức của học sinh khi sử dụng nhà vệ sinh.
Để rèn nền nếp, ý thức cho học sinh, trường có nội quy chuyển về các lớp để giáo viên tuyên truyền, phổ biến cho học sinh biết cách cách sử dụng thiết bị, không được vất rác xuống bồn cầu, rửa tay đúng cách sau khi đi vệ sinh,…
Ý thức thực hiện nội quy khi sử dụng nhà vệ sinh cũng được đưa vào quy chế chấm thi đua của các lớp.
Nhà trường cũng quán triệt nhân viên lao công giữa các tiết nghỉ phải đảm bảo việc vệ sinh ngay sau khi học sinh sử dụng”.
Học sinh có ý thức giữ gìn vệ sinh và nhắc nhở bạn nếu vi phạm nội quy (Ảnh: Phạm Linh)
Hiệu trưởng nhà trường cho biết thêm: “Ngay trong tuần đầu học sinh khối lớp 1 tới nhập học, giáo viên sẽ dẫn các em xuống khu nhà vệ sinh và trực tiếp hướng dẫn từng con sử dụng thiết bị vệ sinh đúng cách và phải rửa tay sau khi đi vệ sinh.
Học sinh thường xuyên được tuyên truyền, hướng dẫn trực tiếp về việc giữ gìn vệ sinh chung. Theo đó, học sinh cũng có ý thức nếu bạn nào chưa rửa tay hay nghịch ngợm thì sẽ nhắc nhở bạn.
Hoạt động giáo dục, rèn nền nếp được diễn ra thường xuyên nên ngay khi làm quen với trường, lớp thì học sinh cũng có ý thức giữ gìn vệ sinh”.
Tích cực chuẩn bị về đội ngũ
Hiện nay, toàn ngành giáo dục Quảng Ninh có trên 21.200 cán bộ, giáo viên, nhân viên; còn thiếu hơn 1.600 giáo viên so với quy định.
Việc đào tạo nâng chuẩn cho đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên mầm non còn gặp nhiều khó khăn. Chất lượng giáo viên chưa đồng đều giữa các vùng miền cũng ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng giáo dục... Để khắc phục những tồn tại đó, ngành Giáo dục các địa phương trong tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực khi năm học mới đã cận kề.
Ngoài cơ sở vật chất hiện có, năm nay, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú TH&THCS Thanh Sơn (huyện Ba Chẽ) được tỉnh quan tâm đầu tư xây mới điểm trường Khe Pụt, với đầy đủ phòng học và phòng chức năng. Cơ sở vật chất đã sẵn sàng cho năm học mới, tuy nhiên, nhà trường vẫn thiếu giáo viên để tổ chức dạy môn tin học và ngoại ngữ bắt buộc ở lớp 3 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Tiết học tiếng Anh của học sinh Trường THCS thị trấn Tiên Yên năm học 2021-2022.
Thầy giáo Hoàng Đình Thỏa, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú TH&THCS Thanh Sơn, cho biết: Trường có 3 điểm trường, gồm 1 điểm chính và 2 điểm lẻ. Các điểm lẻ cách điểm chính khoảng 7-8 cây số. Vì vậy, việc di chuyển của giáo viên bộ môn tới các điểm trường đòi hỏi phải nhanh chóng để kịp thời gian học của học sinh. Trong khi năm học tới, nhà trường chỉ có 1 giáo viên ngoại ngữ cấp trung học cơ sở nên giáo viên này phải dạy kiêm cả cấp tiểu học. Đối với giáo viên tin học, Phòng GD&ĐT đã bố trí 1 giáo viên dạy cấp trung học cơ sở dạy kết hợp ở trường với 1 trường lân cận. Như vậy, nhà trường vẫn thiếu giáo viên tin học khối tiểu học. Trường đã đề xuất với Phòng GD&ĐT sẽ cử 3 giáo viên học thêm trình độ tin học và công nghệ ở Trường Đại học Hạ Long, thời gian học khoảng 2 tháng, dự kiến học vào đầu tháng 9 tới đây.
Việc sắp xếp, bố trí đội ngũ giáo viên đứng lớp đáp ứng yêu cầu dạy học khi năm học mới sắp bắt đầu đang là bài toán nan giải ở khá nhiều trường học ở các địa phương trong tỉnh, nhất là các huyện miền núi. Bà Hoàng Thị Oanh, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ba Chẽ, cho hay: Hiện nay, toàn huyện Ba Chẽ đang thiếu 44 giáo viên so với quy định. Đáng chú ý, tất cả các trường có cấp tiểu học trên địa bàn đều thiếu giáo viên tin học. Nhiều trường thiếu giáo viên tiếng Anh, giáo viên văn hóa. Trong khi đó, từ năm học 2022-2023, tiếng Anh và tin học chính thức trở thành môn học bắt buộc với học sinh lớp 3.
Phòng GD&ĐT huyện Bình Liêu tổ chức tập huấn cho giáo viên cấp THCS dịp hè.
Nếu như ở các địa phương như Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Đông Triều, Quảng Yên... việc thiếu hàng nghìn giáo viên chủ yếu do chưa được tuyển dụng thì ở các huyện vùng cao như Ba Chẽ, thiếu giáo viên chủ yếu do không có nguồn tuyển. Năm 2021, địa phương này đăng ký tuyển dụng 39 chỉ tiêu, tuy nhiên chỉ 10 vị trí có người đăng ký thi tuyển.
Ghi nhận tại các địa phương như Bình Liêu, Tiên Yên, Đầm Hà... việc giao biên chế giáo viên đang được tính toán theo định mức số học sinh/lớp, tuy nhiên ở các huyện miền núi này dân cư thưa, giao thông đi lại khó khăn, có nhiều điểm trường, nên số học sinh/lớp không đảm bảo theo định mức. Do vậy, số lớp tăng lên nhưng chỉ tiêu biên chế giáo viên lại không đáp ứng yêu cầu.
Để đảm bảo giáo viên đứng lớp theo quy định, chuẩn bị cho đội ngũ trong năm học mới, hiện nay, ngành Giáo dục các địa phương đang chủ động cân đối, điều tiết, bố trí giáo viên, đồng thời khẩn trương tổ chức thi tuyển viên chức giáo viên trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch. Một số phòng GD&ĐT huyện miền núi còn phối hợp với phòng GD&ĐT ở các thành phố cử giáo viên cốt cán, có nhiều thành tích trong công tác ôn thi học sinh giỏi cấp trung học cơ sở về trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn. Không chỉ vậy, các địa phương đều đã cử giáo viên tham gia chương trình tập huấn sách giáo khoa lớp 3, lớp 7, lớp 10 năm học 2022-2023 đúng quy định.
Giờ hoạt động thể chất của các bé Trường Mầm non Đồng Chanh (TP Uông Bí).
Theo Sở GD&ĐT, đến nay, trình độ giáo viên đạt chuẩn trên địa bàn tỉnh theo Luật Giáo dục 2019 với cấp học mầm non là 77%, cấp tiểu học là 70%, cấp trung học cơ sở là 85%, trung học phổ thông là 99% và giáo dục thường xuyên là 99%. Tỷ lệ đạt trên chuẩn đều tăng so với năm học trước. Dẫu vẫn còn nhiều thách thức song tin tưởng với nỗ lực của toàn ngành cùng những giải pháp thiết thực, đội ngũ cán bộ, nhà giáo của tỉnh trong năm học mới sẽ không ngừng phát huy trí tuệ, sáng tạo, đoàn kết để nâng cao chất lượng giảng dạy, tất cả vì học sinh thân yêu.
Quảng Ninh: Phấn đấu lọt tốp 15 của cả nước Chiều 25/8, tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm 2022-2023 và tuyên dương học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh cấp quốc gia, quốc tế năm học 2021-2022. Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh trao Bằng khen và tiền thưởng 300 triệu đồng cho em...