Quảng Nam: Cô nàng kỹ sư thực phẩm Đại học Bách khoa bỏ phố về làng làm thứ bánh quê
Sau nhiều năm bôn ba ở TP Đà Nẵng, chị Trần Thị Ánh Tuyết nhận thấy công việc hiện tại không phải là niềm yêu thích của mình nên quyết định về quê xã Tam Thành, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam khởi nghiệp với nghề làm bánh đậu xanh.
Bỏ phố về làng làm thứ bánh quê
Chị Trần Thị Ánh Tuyết (31 tuổi, trú thôn Khánh Mỹ, xã Tam Thành, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) tốt nghiệp trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng năm 2012, chuyên ngành công nghệ thực phẩm.
Thời gian sau đó, chị cố gắng bám trụ tại TP Đà Nẵng với công việc KCS (kiểm soát chất lượng sản phẩm) tại Công ty Thủy sản Vân Đồn. Nhưng dần nhận thấy đây không phải là niềm yêu thích của bản thân nên Tuyết quyết định nghỉ việc, về quê khởi nghiệp.
Chị Trần Thị Ánh Tuyết, chủ cơ sở sản xuất bánh đậu xanh Mỹ Khánh.
Chị Tuyết nhớ lại: “Đi làm tại Đà Nẵng được vài năm thì tôi cảm nhận nơi đây không thật sự phù hợp với mình. Lúc đó, tôi nhận thấy mình rất yêu thích nghề làm bánh. Tại quê nhà lại có sẵn nguồn nguyên liệu nên tôi hình thành ý tưởng khởi nghiệp. Với quyết tâm theo đuổi đam mê…”.
Chị Tuyết cố gắng vừa đi làm, vừa đi học thêm một khóa dạy làm bánh truyền thống tại TP Đà Nẵng. Sau đó, tôi tìm đến một số thợ làm bánh lâu năm ở Hội An để học hỏi thêm kinh nghiệm, rèn luyện kĩ năng làm bánh đậu xanh cổ truyền”.
Bánh đậu xanh nhân thịt được làm từ đậu xanh, đường cát, thịt heo, muối, tiêu, chao, ngũ vị hương.
Khi chị Tuyết muốn học làm bánh và dự định mở cơ sở sản xuất bánh đậu xanh thì được gia đình nhiệt tình ủng hộ. Hơn 4 sào đậu xanh của ba mẹ chồng là nguồn nguyên liệu cho chị thỏa sức thử nghiệm, sáng tạo ra những chiếc bánh đậu xanh thơm ngon, chất lượng và an toàn.
Video đang HOT
Chị Trần Thị Ánh Tuyết cho biết, dù đã có kỹ năng làm bánh đậu xanh khá vững, thành thục tay nghề nhưng khi bắt tay vào sản xuất thì vấp phải nhiều lần thất bại. Bánh đậu xanh làm ra bị vỡ nhiều, tỷ lệ bánh thành phẩm hao hụt lớn, chưa đạt được mùi vị đặc trưng. Đặc biệt, loại bánh đậu xanh nhân thịt được chị chọn làm sản phẩm chủ lực có cách chế biến rất tỉ mỉ, cần độ chính xác cao.
Quy trình làm bánh đậu xanh yêu cầu sự tỉ mỉ, chính xác và cần cái tâm tình của người thợ trong đó.
“Làm bánh đậu xanh làm không khó, nhưng để có một mẻ bánh thành công thì phải tỉ mỉ, chính xác ở một số công đoạn. Quan trọng nhất là phải chọn được nguồn nguyên liệu chính là đậu xanh tươi, sạch để ngâm tách vỏ trong 2 tiếng, đem hấp chín, ngào đường, cán và ray thành bột… Tôi chỉ dùng đậu xanh để xay thành bột làm bánh, không pha trộn với các loại bột khác. Điều này giúp tăng hương vị và giá trị dinh dưỡng cho chiếc bánh đậu xanh truyền thống. Đó là bí quyết để tôi thành công như ngày hôm nay”, chị Tuyết vừa xếp bánh vừa tâm nói.
Thu lãi hơn 100 triệu đồng/năm
Năm 2018, cơ sở bánh đậu xanh Mỹ Khánh do chị Trần Thị Ánh Tuyết làm chủ được thành lập. Lúc này, giá cả và thị trường trở thành một bài toán khó đối với chị. Bởi bánh đậu xanh là mặt hàng phổ biến ở nhiều nơi, giá thành lại rẻ hơn vì đậu xanh chiếm không nhiều trong thành phần, khiến bánh của cơ sở chị Tuyết chật vật tìm đầu ra.
Bánh đậu xanh phải có hình dáng đẹp mắt, vị ngọt bùi, giòn tan, có chút béo và thơm mùi đậu xanh.
Chị Tuyết chia sẻ: “Khi những mẻ bánh đậu xanh thịt của tôi đã đạt được vị ngọt bùi, giòn tan, có chút béo và thơm mùi đậu xanh thì sản phẩm lại gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, mỗi người thợ làm bánh có một tay nghề khác nhau, dẫn đến sản phẩm của họ cũng có hương vị khác. Bánh làm ra dù rất ngon, chất lượng nhưng giá cả có phần cao hơn một số nơi khác thì hàng sẽ khó bán, hoặc bán không nhiều”.
Bằng sự kiên trì, nỗ lực phấn đấu để hoàn thiện mà thương hiệu bánh đậu xanh Mỹ Khánh đã được người tiêu dùng yêu thích và lựa chọn. Những gói bánh đậu xanh đại diện cho miền quê xứ Quảng có mặt ở khắp các cửa hàng, đại lý, chợ lớn, siêu thị ở: Quảng Nam, TP Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh… và trở thành một món quà đặc sản gây thương nhớ cho nhiều du khách.
Bánh đậu xanh Mỹ Khánh trở thành món quà đặc sản gây thương nhớ cho nhiều du khách khi đến thăm xứ Quảng.
Mỗi ngày, cơ sở sản xuất bánh đậu xanh Mỹ Khánh sử dụng khoảng 80kg đậu xanh tươi, làm ra 100kg bánh, bán với giá 100.000 đồng/kg. Tạo việc làm cho 5 lao động cố định, với mức lương từ 120.000-150.000 đồng/người/ngày, tùy vào công đoạn và tay nghề. Bên cạnh đó, chị Tuyết còn tạo việc làm thời vụ cho một số học sinh trong thôn, tăng cường sản xuất vào mùa cao điểm. Sau khi trừ mọi chi phí, cơ sở sản xuất bánh đậu xanh Mỹ Khánh thu lãi khoảng hơn 100 triệu đồng/năm.
Bà Huỳnh Thị Tân (58 tuổi, nhân công tại xưởng Mỹ Khánh) vui vẻ nói: “Tôi thấy làm bánh tại đây vừa nhẹ nhàng, thoải mái, lại thuận tiện đi lại nên tôi gắn bó từ khi thành lập cho đến nay. Các lao động ở đây đều phải tuân thủ quy trình chế biến đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt là khâu chế biến thịt heo để làm bánh đậu xanh nhân thịt, phải rửa sạch bằng nước muối, cắt nhỏ, ướp gia vị theo tỷ lệ phù hợp để cho ra một chiếc bánh thơm ngon nhất”.
Được mùa, giá lên cao, nông dân Phú Ninh "trúng đậm" mùa dưa hấu
Đầu mùa, nghe tin dưa hấu rớt giá nhưng người dân ở huyện Phú Ninh (Quảng Nam) vẫn "liều" xuống giống. Nào ngờ chỉ 2 tháng sau, mọi người phấn khởi khi dưa được mùa và giá lên cao từng ngày.
Người dân xã Tam Phước phấn khởi vì vụ dưa hấu được mùa, giá cao.
Ông Huỳnh Mười (xã Tam Phước) cho biết, khoảng mùng 4 Tết Nguyên Đán, ông xuống giống vụ dưa hấu đầu tiên trong năm. Lúc ấy nghe thông tin về dịch Covid-19 đang phức tạp, trong khi dưa hấu ở Quảng Ngãi lại rớt giá thê thảm nên ông rất lo bởi trồng dưa hấu nếu muốn có lời thì giá dưa bán được phải từ 4.000-5.000 đồng/kg.
"Có nhiều người không dám đầu tư phân bón vì sợ bán không được. Nghe tin dưa hấu ở Quảng Ngãi lại rớt giá, chỉ có 1.500 đồng/kg nên ai cũng hoang mang, không muốn làm. Tuy nhiên, bỏ đồng trống thì không được, bởi người dân nơi đây quanh năm chỉ biết trồng dưa, vì thế tôi 'liều' xuống giống", ông Mười kể.
Không những được giá, dưa hấu hái đến đâu đều có thương lái đến lấy luôn nên lượng tiêu thụ dưa cũng rất nhanh.
Đánh cược với thị trường trong bối cảnh dịch bệnh, ông Mười bỏ công đầu tư, chăm sóc. Nào ngờ chỉ 2 tháng sau, hơn 5 sào dưa của ông thu về khoảng 9 tấn. " Rất may vụ dưa này không bị rớt giá, ngược lại giá ngày càng tăng, có thời điểm giá dưa hấu lên đến 7.200 đồng/kg. Sau khi bán hết dưa, trừ chi phí đầu tư mỗi sào gần 2 triệu đồng, tôi thu về khoảng 40 triệu đồng. Trong thời điểm dịch như thế này thì đó là số tiền lớn, không chỉ riêng tôi mà bà con ai cũng phấn khởi", ông Mười vui vẻ nói.
Cùng niềm vui với ông Mười, anh Phạm Nguyên Tương cũng ở xã Tam Phước cho hay, vụ vừa rồi anh trồng 12 sào dưa hấu, tổng thu nhập khoảng 80 triệu đồng. Phấn khởi vì dưa được mùa và được giá, anh Tương tiếp tục làm đất chuẩn bị cho vụ mới.
Do thời tiết tốt nên dưa hấu cho quả to và đều.
"Lúc mới xuống giống chúng tôi ai cũng lo lắng vì dịch Covid-19, còn giá dưa hấu thì thấp. Có lúc cũng chán lắm nhưng mình làm nông nên phải trồng thôi. Nào ngờ vụ này dưa được giá lại cho năng suất cao. Đầu vụ tôi hái bán với giá 4.000 đồng/kg, nhưng sau đó giá dưa tăng dần lên 6.000-7.000 đồng/kg", anh Tương kể.
Theo người dân địa phương, năm nay nắng nóng nhiều, mưa ít phù hợp cho cây dưa hấu phát triển, đặc biệt là sâu bệnh ít nên cho quả to và đều. Dưa được mùa, người nông dân càng phấn khởi khi giá liên tục lên. Tưởng vụ dưa thất thu nhưng lại cho thu nhập khá, nỗi lo lúc mới xuống giống của người dân nơi đây giờ đã nhẹ nhõm.
Sau vụ dưa đầu năm bội thu, người dân phấn khởi làm đất chuẩn bị cho vụ dưa tiếp theo.
Ở huyện Phú Ninh, dưa hấu được bà con trồng tập trung nhiều nhất là tại các xã Tam Phước, Tam Lộc Tam Thành, Tam An, Tam Vinh... Theo thông tin từ huyện Phú Ninh, với mức giá như hiện nay là 4.000 đồng/kg cho đến cuối vụ thì tổng thu từ dưa hấu của nông dân Phú Ninh trên 40 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí và công chăm sóc nông dân thu lợi trên 20 tỷ đồng.
Trao đổi với PV, ông Võ Thanh Anh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Phú Ninh, cho biết, vụ dưa này toàn huyện trồng 388ha, tập trung 9/11 xã, thị trấn. Dưa cho năng suất trung bình 27 tấn/ha, giá bán khoảng 7.000-8.000 đồng/kg, thời điểm cuối vụ có lúc giá cao hơn.
"Người dân rất phấn khởi với giá bán như vậy, hơn nữa chất lượng dưa năm nay tốt hơn năm ngoái, rất được thị trường ưa chuộng", ông Anh thông tin thêm.
Hồ Ca
Kinh nghiệm chi tiêu tiền ăn chỉ hết 4 triệu/tháng cho gia đình 3 người lớn, 1 con nhỏ ở Thanh Xuân, Hà Nội Nếu biết khéo vén và linh hoạt trong chi tiêu thì tiền ăn của mỗi gia đình 3-4 người sẽ khá thoải mái mà vẫn chỉ trong khoảng 4 triệu/tháng. Như câu chuyện chi tiêu tiền ăn của gia đình anh Nguyễn Duy Quang, 35 tuổi và chị Trần Như Nguyệt, 28 tuổi ở Nguyễn Quý Đức, Thanh Xuân, Hà Nội là một...