Quán bánh canh ghẹ trong biệt thự Pháp cổ ở Hà Nội
Bát bánh canh có giá lên tới 60.000 đồng nhưng nhiều khách vẫn lựa chọn vì hương vị thơm ngon và không gian quán nhiều cây xanh.
Cách đây vài năm, thực khách không dễ để tìm được nơi ăn bánh canh ở Hà Nội. Theo thời gian, nhiều người đã đưa món ăn đặc trưng của miền Trung, miền Nam về Hà Nội. Nước dùng đúng chuẩn thường có vị ngọt đậm nên khi ra Bắc, nhiều chủ quán đã nêm nếm, bớt ngọt theo sở thích của người dân địa phương.
Bát bánh canh có lượng vừa đủ với những người không ăn được nhiều.
Hai địa chỉ được thực khách biết tới nhiều nhất là quán trên phố Quang Trung và Xã Đàn. Gần đây, nhiều người còn rỉ tai nhau về tô bánh canh được bán trong ngôi biệt thự Pháp trên phố Ngô Tất Tố.
Chị chủ quán ở tuổi trung niên, làm với một vài người phụ việc cùng lứa tuổi. Người thổi hồn cho quán cũng từng nấu ở bếp bánh canh có tiếng tại Sài Gòn và Vũng Tàu. Bát bánh canh quen thuộc nhưng nguyên liệu và cách nấu, cách phục vụ được một số du khách đánh giá cao.
Khác với sợi bánh của các hàng khác ở Hà Nội thường làm từ bột năng, bánh canh của quán này làm bằng bột gạo theo công thức riêng. Sợi to, màu trắng trong, ăn mát thanh trong miệng, không có vị men chua của bún, ăn dai hơn so với bún. Nước dùng hơi sánh, vị ngọt sâu do ninh từ xương và rau củ, cùng với nước sốt thịt ghẹ, hải sản.
Quán bố trí trong một ngôi nhà có kiến trúc đẹp thu hút thực khách.
Các nguyên liệu chính đều được vận chuyển từ Sài Gòn ra. Một bát có lượng bánh canh vừa phải với càng, thịt ghẹ, bề bề, chả ghẹ, chả cá, nước dùng thơm nhẹ, vị rất vừa. Bạn sẽ muốn húp cho đến hết nước, bụng đã no mà không ngán, không đầy. Với người ăn nhiều, bát hơi nhỏ, bạn nhớ yêu cầu nhiều bánh canh.
Giá một bát bánh canh cao hơn trung bình (60.000 đồng) nhưng vẫn được nhiều người lựa chọn. Bởi ngoài chất lượng thơm ngon của món ăn, khách có thể vừa ăn vừa nói chuyện trong một không gian yên bình, nhiều cây xanh, tiếng nhạc êm dịu tại một biệt thự Pháp cổ.
Viet Nguyen
Theo VNE
Bánh canh Khmer - món chưa ăn chưa tới An Giang
Bánh canh Vĩnh Trung có sợi dẹt nhỏ, hơi giống bánh phở, khi ăn có cảm giác trơn và dai mềm.
Bánh canh Vĩnh Trung (tên một xã ở huyện Tịnh Biên) có sợi dẹt nhỏ chứ không tròn to như ở nhiều vùng khác của Việt Nam. Nhìn qua, sợi bánh hơi giống sợi phở nhưng không dẹt phẳng mà đầy lẳn, trắng nõn, khi ăn có cảm giác trơn tuột và dai mềm, lạ miệng.
Người dân vùng này kể lại, loại bánh canh này được một phụ nữ Khmer tên là Neang Oanh Na chế biến ra cách đây hàng chục năm, vì mê hương vị gạo Neang Nhen. Phiên bản đầu tiên là món bánh canh cá lóc đồng, sau này thêm thịt bò, gà, heo, tôm theo nhu cầu. Nước lèo được ninh chắt từ cá đồng, xương heo, xương gà và tôm nên ngọt thơm. Món ăn còn tận dụng nguồn thịt ngon và sạch ngay tại địa phương là thịt bò, gà, heo nuôi tự nhiên ở vùng Bảy Núi, cá, tôm đánh bắt từ nguồn nước sông Mekong. Về sau, nhiều người tại vùng đã học cách làm loại bánh đặc biệt này từ cô Neang Oanh Na và biến nó thành món ăn đặc trưng của vùng.
Bánh canh Vĩnh Trung nổi tiếng ở vùng biên giới An Giang. Video: Di Vỹ.
Trên trục đường Lê Lợi đi từ trung tâm Tịnh Biên đến biên giới Campuchia, du khách sẽ nhận ra có nhiều quán bánh canh đông khách. Nhưng bạn sẽ dễ ấn tượng bởi khu bếp nghi ngút hơi nóng và tủ thịt đầy ắp ngay mặt đường của quán ăn gia đình cô Mỹ Tiên (43 tuổi). Quán mở từ năm 1998. Bánh canh ở đây do nhà tự làm, mang nét đặc trưng của bánh canh vùng Vĩnh Trung.
Theo chủ quán, nhờ có thương hiệu bánh canh ra đời từ loại gạo thơm mà nhiều du khách không ngại đường xa đến vùng biên giới để thưởng thức.
"Chúng tôi phục vụ người địa phương lẫn du khách ở nơi khác tới. Lâu lâu cũng có người nước ngoài", cô Tiên nói.
Về thành phần nhân, một tô thập cẩm tại địa chỉ này gồm khoanh giò heo, bò viên, cá lóc, tôm ăn cùng rau giá. Ngon nhất phải kể đến viên bò được cắt làm đôi, bên trong còn nguyên màu thịt nâu hồng, ăn có cảm giác như thịt bò xay nhuyễn chứ không xốp như thịt viên trộn phụ gia khác.
Sợi bánh được trụng chín để trong tô, chủ quán đặt nhân giò heo, bò viên, miếng cá lóc đều trên mặt bánh rồi rưới ngập nước lèo trong vắt, rắc thêm nhúm hành ngò phi thơm lừng. Khi ăn cần chế thêm một chén mắm nhỏ kèm ớt chưng để chấm phần nhân, làm tăng vị ngon tối đa cho tô bánh canh.
Thạch, con trai cô Mỹ Tiên hàng ngày phụ mẹ bán hàng, cho biết, gia đình không thuê nhân viên, chỉ có ba má làm đồ, em và các anh chị bưng phụ. "Hôm nào đông khách thì gia đình nhờ thêm các anh chị em họ giúp", Thạch nói.
Quán mở cửa từ 7h đến 19h mỗi ngày. Một tô bánh canh thập cẩm hoặc một món nhân đều có giá 30.000 đồng một tô, nếu chỉ có cá thì 20.000 đồng.
"Bánh canh ngon dễ ăn lắm. Tôi thường ăn sáng ở đây, rồi tối đi làm về lười nấu cũng lại ra làm thêm một tô chứ ít khi ăn thứ khác", anh Quang, sống gần quán chia sẻ.
Linh Sea
Theo VNE
Cuối tuần rảnh rang thử lượn lờ khu Nguyễn Cảnh Chân để khám phá ra hàng loạt món ngon này xem Từ món chính đến tráng miệng, các quán ăn đường Nguyễn Cảnh Chân đều có thể "chiều lòng" bạn. Đôi khi cứ xách xe chạy vòng vòng các con đường Sài Gòn là bạn lại khám phá ra nhiều địa chỉ ăn uống hấp dẫn. Chẳng hạn như các quán ăn đường Nguyễn Cảnh Chân này, tuy trông bình dân, đơn giản thế...