Quá tải trường, lớp: Vẫn là bài toán quy hoạch
Câu chuyện trường mầm non Hoàng Liệt (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) phải tổ chức cho các phụ huynh học sinh (lứa 3-4 tuổi) bốc thăm để giành suất học năm học 2022-2023 cho con vẫn là câu chuyện buồn nhất của Thủ đô Hà Nội những ngày đầu năm học mới này.
Tuy nhiên, việc thiếu trường lớp đang là vấn đề thời sự ở nhiều quận, huyện tại Hà Nội.
Thiếu trường học tại các khu đô thị
Hiện trên địa bàn quận Hoàng Mai có 89 trường (trong đó mầm non 48, tiểu học 23, THCS 18) với 2.048 lớp học. Tổng số học sinh là hơn 98.500, trong đó hơn 79.600 học sinh học công lập, tăng gần 3.800 so với năm ngoái. Với tổng số học sinh mầm non, tiểu học và THCS công lập năm học mới như trên, nếu chiếu theo quy định về sỹ số học sinh trong điều lệ của Bộ Giáo dục & Đào tạo thì quận Hoàng Mai còn thiếu khoảng 36 trường (mầm non 22, tiểu học 13 và THCS 1).
Nhiều trường học của quận Cầu Giấy đã giảm được sĩ số học sinh nhưng vẫn chưa đạt chuẩn.
Việc thiếu trường, thiếu lớp không chỉ diễn ra tại quận Hoàng Mai, mà còn diễn ra tại nhiều quận, huyện khác – nơi có tốc độ đô thị hóa nhanh. Tại Khu đô thị Thanh Hà (huyện Thanh Oai) có 23 ô đất quy hoạch để xây dựng trường học nhưng vẫn bị bỏ không.
Tại quận Hà Đông, mỗi năm số học sinh trên địa bàn tăng 6.000-7.000 học sinh. Sự gia tăng nhanh chóng này đã kéo theo sĩ số học sinh một lớp học trên địa bàn khá cao, trung bình 60 học sinh/lớp, nhóm trẻ. Theo quy hoạch, quận Hà Đông có 22 dự án trường học trong các khu đô thị mới, nhưng đến nay chỉ có 8 trường hoàn thành, đưa vào sử dụng. Việc chậm trễ trong đầu tư xây dựng khiến nhiều khu đô thị mới của quận thiếu trường học. 4 nhà đầu tư được giao làm chủ đầu tư 22 dự án trường học trong các khu đô thị, gồm: khu đô thị mới Lê Trọng Tấn (khu đô thị Geleximco), khu đô thị mới Phú Lương, khu đô thị mới Dương Nội, khu đô thị mới Văn Khê, nhưng việc đầu tư xây dựng trường học chưa theo kịp tiến độ xây dựng công trình nhà ở, chưa đáp ứng được nhu cầu về trường học trên địa bàn…
Tập đoàn Geleximco được giao xây dựng 10 trường học tại khu đô thị mới Lê Trọng Tấn. Qua nhiều năm, đến nay, có 4 trường đưa vào hoạt động, 2 trường đang chờ nghiệm thu, 4 trường đang chờ thiết kế để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt nên chưa thể xây dựng ngay trong giai đoạn 2021-2023.
Trường Mầm non Hoàng Liệt quá tải học sinh khiến phụ huynh phải bốc thăm cho con đi học.
Tại Khu đô thị mới Phú Lương, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Việt được giao xây dựng 2 trường mầm non và trung học cơ sở, song việc thi công cũng chậm. Công ty cổ phần Sông Đà Thăng Long cũng có dự án xây dựng Trường Mầm non Sao Khuê tại Khu đô thị mới Văn Khê nhưng đến nay vẫn bị đình trệ. Phóng viên đã liên hệ nhiều lần với UBND quận Hà Đông nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi về thực trạng quá tải trường, lớp cũng như việc chậm trễ xây dựng trường học ở các khu đô thị.
Vẫn quá tải học sinh các quận nội thành
Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội cho biết, năm học 2022 – 2023, thành phố có 2.835 trường, trên 70.000 lớp học với trên 2,2 triệu học sinh các cấp mầm non, phổ thông. Trong năm 2022, Hà Nội đã xây dựng thêm 51 phòng học mới, với kinh phí trên 2.800 tỉ đồng; cải tạo, sửa chữa 605 trường học, với kinh phí trên 5.000 tỉ đồng. Tình trạng quá tải lớp học phần nào đã được giảm so với các năm trước nhưng so với quy định vẫn cao hơn, chủ yếu ở bậc tiểu học. Sĩ số học sinh tiểu học ở Hà Nội khoảng 42 học sinh/lớp. Có nơi thấp hơn, khoảng 38 – 39 học sinh/lớp, nhưng vẫn có những trường sĩ số lên tới 50 – 55 học sinh/lớp.
Trường Tiểu học Mễ Trì, Nam Từ Liêm những ngày đầu năm học 2022 cũng trong tình trạng quá tải. Cụ thể, năm học 2022-2023, trường được phép tuyển sinh 380 chỉ tiêu, tuy nhiên số lượng học sinh lớp 1 đến hiện tại là 371 em, chia đều cho 7 lớp, mỗi lớp từ 52 – 54 em.
Video đang HOT
Tổ hợp chung cư HH Linh Đàm vẫn là điểm nóng về quá tải dân số, trường học.
Theo bà Nguyễn Thanh Thủy, Phó Phòng giáo dục quận Nam Từ Liêm, quá tải trường lớp là tình trạng chung của các quận nội thành Hà Nội. Quận Nam Từ Liêm có hơn 200 chung cư hoạt động nên tạo áp lực cho hệ thống giáo dục. Hai điểm nóng nhất là khu đô thị ở Đại Mỗ, Tây Mỗ. Trong khu này có trường dân lập, nhưng không phải gia đình nào cũng có điều kiện cho con đi học nên nhiều người xin cho con về các trường tiểu học công lập gần đó, gây ra tình trạng quá tải học sinh.
“UBND quận rất sát sao trong việc này và Phòng Giáo dục cũng đã tham mưu đưa ra nhiều giải pháp để giảm tải học sinh. Năm nay số lượng học sinh 1 lớp đã giảm hơn so với năm ngoái. Bên cạnh việc phân tuyến nghiêm ngặt từ khâu tuyển sinh đầu cấp với mầm non, lớp 1, lớp 6, còn cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy và học; ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giảng dạy; tập huấn, nâng cao kỹ năng sư phạm cho giáo viên, nhờ đó, giáo viên có nhiều thời gian quan tâm đến các em học sinh hơn, dù lớp đông. UBND quận cũng đã dành quỹ đất để xây trường học. Tháng 12-2022 sẽ có 1 trường tiểu học đi vào hoạt động. Năm 2023-2025 sẽ xây thêm 1 trường tiểu học, 1 trường mầm non, 1 trường THCS, đáp ứng nhu cầu của học sinh”, bà Thủy cho biết.
Một lô đất xây trường bị bỏ hoang ở khu đô thị Pháp Vân – Tứ Hiệp.
Lý giải về việc quận Cầu Giấy luôn trong tình trạng quá tải học sinh, ông Đoàn Tiến Trung, Phó phòng Giáo dục quận Cầu Giấy cho biết, nguyên nhân là do chất lượng giáo dục và do di dân cơ học. Quận Cầu Giấy nhiều năm là đơn vị dẫn đầu về giáo dục. Cầu Giấy xuất hiện nhiều chung cư, nhiều trường đại học, nhiều cơ quan ban ngành nên dân cư tập trung về đông khiến cho trường học quá tải.
“Hiện nay UBND quận đang có nhiều giải pháp để giảm tải trường học. Thứ nhất là tăng cường cải tạo, xây dựng trường mới. Giai đoạn 2022-2025 sẽ xây dựng thêm 8 trường học mới. Trong đó chuyển tiếp từ 2020 sang 4 trường (mầm non Nam Trung Yên, mầm non tại ô đất B9 khu đô thị Nam Trung Yên, Tiểu học Nguyễn Viết Xuân) và xây mới 4 trường (1 mầm non, 1 tiểu học và 2 trường THCS). Giai đoạn 2021-2025 sửa chữa, cải tạo 2 trường mầm non và 2 trường tiểu học. Ngoài ra từ 2024 đến 2025, quận đang tiếp tục nghiên cứu để cải tạo 8 trường (4 trường tiểu học, 3 trường THCS, 1 trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên”, ông Trung cho biết.
Nan giải bài toán quy hoạch
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng thiếu trường, lớp hiện nay chủ yếu vẫn do quy hoạch phát triển giáo dục chưa hợp lý, chưa phù hợp nên dẫn đến tình trạng nhiều địa phương quá tải ở một số điểm trường. Khi phê duyệt các dự án chung cư cao tầng, về nguyên tắc đều có đất dành cho giáo dục, tuy nhiên, có những lúc, có nơi, có giai đoạn chủ đầu tư ít để ý, người phê duyệt chưa sâu sát.
Khu đô thị Thanh Hà vẫn chưa có trường học.
Việc cấp phép cho xây dựng các chung cư cao tầng trong nội đô khiến cho hạ tầng xã hội không đáp ứng được tốc độ tăng dân số cơ học. Chưa kể các chủ thể được giao đất không có trách nhiệm, lờ đi những tiêu chuẩn, quy chuẩn của trường học mà tập trung vào bất động sản cũng là nguyên nhân dẫn đến thiếu trường lớp ở các khu đô thị.
Theo PGS.TS.NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ GD&ĐT, để tháo gỡ, khắc phục tình trạng này, các địa phương cần nghiêm túc, quyết liệt trong xây dựng quy hoạch. Trong đó, đối với các khu đô thị mới, khu công nghiệp, bắt buộc phải có quỹ đất để xây trường; tránh tình trạng như hiện nay là nhiều khu đô thị, khu công nghiệp “quên” xây trường học. Bên cạnh đó, cũng cần có chính sách ưu đãi đối với hệ thống cơ sở giáo dục ngoài công lập trong việc tiếp cận với quỹ đất, mặt bằng để các cơ sở này có thể “chia lửa” với giáo dục công lập trong việc tiếp nhận học sinh, góp phần hạn chế tình trạng quá tải trường lớp, nhất là ở bậc mầm non và tiểu học.
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2021 – 2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022 – 2023 do Bộ Giáo dục & Đào tạo tổ chức mới đây, báo cáo tại hội nghị, ông Trần Thế Cương – Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố và một số quận nội thành, học sinh có nhu cầu học tập rất lớn. Từ đó dẫn tới tình trạng một số trường, địa bàn quá tải về quy mô trường lớp khiến dư luận quan tâm. Do vậy, để khắc phục tình trạng quá tải trường lớp, ông Cương đề xuất Bộ Giáo dục & Đào tạo cùng phối hợp các Bộ, ngành Trung ương nghiên cứu cho Hà Nội một cơ chế đặc thù, cho phép tính diện tích sàn sử dụng/ học sinh thay vì diện tích đất sử dụng/ học sinh về công nhận trường chuẩn quốc gia; cho phép nâng cao tầng các khối xây dựng và được phép xây dựng và sử dụng các tầng hầm dựa trên nguyên tắc đảm bảo an toàn cho trẻ, bố trí học sinh học ở các tầng thấp, cán bộ giáo viên làm việc tại tầng cao. Ngoài ra, cũng cần ưu tiên dành quỹ đất xây dựng trường công lập trong khu vực nội thành khi di dời trụ sở các Bộ, ngành, trường đại học – cao đẳng, cơ quan, xí nghiệp, nhà máy ra khỏi khu vực nội đô.
Mở lòng của cô giáo về chuyện dạy lớp học xóa mù chữ
Tốt nghiệp Trường trung cấp sư phạm Lạng Sơn, cô Thơm đã tình nguyện xin đi dạy lớp xóa mù chữ cho những thanh niên ở xã vùng 3 khó khăn.
Cô Đào Thị Thơm tham gia dạy học trên truyền hình. Ảnh NVCC.
Ba tháng trải nghiệm giá trị
Năm 1995, sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Sư phạm Lạng Sơn, cô giáo Đào Thị Thơm (hiện giáo viên đang công tác tại Trường Tiểu học Tam Thanh, TP. Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) được phân về giảng tại Trường Phổ thông Cơ sở 1 xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn.
Trong thời gian nghỉ hè chờ ngày về trường, cô Thơm đã tình nguyện tham gia giảng dạy chương trình "Ánh sáng văn hóa" (lớp học dạy xóa mù chữ cho các thanh niên vùng 3) ở thuộc xã Yên Sơn, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn.
Cô Thơm nhớ lại: "Trải nghiệm khi giảng dạy lớp xóa mù đó trong cuộc đời làm giáo viên của tôi sẽ chẳng bao giờ quên được. Những học trò đầu tiên của tôi là các chàng trai, cô gái từ 14 đến 22 tuổi; sáng đi làm nương, trưa về đến nhà văn hóa học con chữ, vất vả cực nhọc vô cùng nhưng họ vẫn quyết tâm học".
Cô Thơm kể, hồi đó, xã Yên Sơn chưa có điện vì vậy lớp học xóa mù được tổ chức vào buổi trưa từ 11h30 đến 13h30. Nắng nóng, oi bức nhưng quá trình dạy học, cô cảm nhận được sự mong mỏi của học viên muốn biết chữ đến nhường nào; đặc biệt niềm vui khi họ tự mình tự viết được tên tuổi, đọc được chữ.
Kết thúc ba tháng dạy lớp xóa mù, cô Thơm tích lũy thêm cho bản thân một ít kinh nghiệm giảng dạy thực tế. Ngày đến trường nhận công tác, cô được phân dạy học sinh lớp 4.
Mỗi ngày lên lớp ngoài cố gắng truyền cảm hứng, tình yêu con chữ cho học sinh cô còn tâm sự, hỏi han hoàn cảnh của mỗi em qua đó hiểu hơn tính cách, cuộc sống của các em.
Cô Thơm cùng học sinh nghiên cứu làm máy lọc nước. Ảnh NVCC.
Cô Thơm trải lòng thêm: "Tôi cũng thường kể cho học sinh nghe những câu chuyện về tấm gương vươn lên thành đạt trong cuộc sống nhằm giúp các em có động lực noi theo. Ngoài ra tôi cũng thường lồng ghép một số trò chơi vào các tiết dạy giúp các em giảm bớt áp lực trong việc tiếp nhận kiến thức, hứng thú hơn trong các giờ học. Cũng nhờ vậy mà nhiều học sinh tích cực, tự giác hơn trong học tập dẫu một buổi đi học, một buổi phụ giúp được bố mẹ việc nhà".
Suốt 27 năm qua, công tác ở nhiều ngôi trường khác nhau nhưng mỗi nơi cô đến, cô luôn nỗ lực sáng tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, thiết kế bài giảng để giúp học sinh hứng thú với bài học của mình.
Cô Thơm cùng học trò của mình sau lễ khai giảng năm học mới. Ảnh NVCC.
Đại dịch vừa rồi, trường học phải tạm dừng đóng cửa không vì thế mà việc học bị ngừng lại. Cô Thơm lại tự mình nghiên cứu, mày mò các phần mềm giảng dạy trực tuyến. Vừa học, vừa làm đến đâu không biết cô lại hỏi đồng nghiệp, nhờ sự trợ giúp từ bạn bè gia đình. Đặc biệt, cô còn tích cực tham gia vào công tác trên truyền hình do Đài truyền hình tỉnh Lạng Sơn thực hiện.
"Những năm 1995, điều kiện cơ sở vật chất trường lớp tại các trường học còn thiếu thốn, trang thiết bị dạy học hạn chế, bản thân tôi cũng như nhiều đồng nghiệp phải mày mò tự làm đồ dùng dạy học. Đó là các bức tranh hay các mô hình trực quan không quá cầu kì nhưng cũng đã góp phần làm các học sinh hứng thú trong giờ học", cô Đào Thị Thơm chia sẻ.
Nhớ mãi cậu học trò đặc biệt
Trong 27 năm gắn bó với nghề giáo, thế nhưng khi nhắc đến kỷ niệm đặc biệt trong nghề, cô Thơm lại rưng rưng nước mắt nhớ về cậu học trò Lý Văn Tuấn, người dân tộc Nùng mình từng dạy.
Cô Thơm kể lại, Tuấn sinh ra trong một gia đình hộ nghèo, bản thân bị chậm phát triển trí tuệ, hạn chế trong giao tiếp; vì vậy, khi đến lớp Tuấn thường không chơi với bạn nào. Có lần Tuấn nghỉ học mấy ngày liền, cô Thơm đã phải vào tận nhà để tìm hiểu nguyên nhân, động viên Tuấn quay lại trường học.
Qua chuyện với gia đình, cô Thơm mới biết cậu học trò của mình ở nhà cũng sống nội tâm, ít trò chuyện chia sẻ cùng bố mẹ. Những buổi nghỉ học, Tuấn thường cùng bố mẹ đi làm nương phụ gia đình. "Lý do Tuấn không muốn đi học nữa vì thấy khó, các bạn hay chê cười", cô Thơm kể.
Cô Thơm luôn cố gắng gần gũi với học sinh. Ảnh NVCC.
Để động viên cậu học trò nghèo của mình quay trở lại trường học, cô Thơm đã dành cả ngày cuối tuần đó tâm sự, cùng làm việc và gỡ rối những khó khăn, ưu tư mà Tuấn đang giữ trong lòng.
"Khi tôi nhận được cái gật đầu đồng ý đi học trở lại của Tuấn tôi hạnh phúc vô cùng, đó là món quà vô giá đối với người giáo viên", cô Thơm nghẹn ngào kể lại.
Ngày Tuấn đi học trở lại, để giúp Tuấn hòa đồng với các bạn, cô Thơm đã chủ động chia sẻ hoàn cảnh của Tuấn với hai học sinh ngồi cùng bàn; nhờ hai học sinh đó thường xuyên chuyện trò, động viên và hỗ trợ Tuấn trong các tiết học.
Bên cạnh đó, cuối mỗi buổi học, cô Thơm lại dành thời gian hướng dẫn, phụ đạo thêm bài cho Tuấn. "Cảm nhận được sự quan tâm của tôi và các bạn, Tuấn đã bớt tự ti và cũng có những tiến bộ trong học tập. Những tiến bộ của Tuấn dù rất nhỏ nhưng tôi cũng thường biểu dương để khích lệ em, đó cũng là một bài học về tình yêu thương mà tôi ghi nhớ mãi", cô Thơm trải lòng.
Theo chia sẻ của cô Phạm Tố Quyên - Phó hiệu Trưởng Trường Tiểu học Tam Thanh (TP. Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn): "Cô Thơm là người tận tụy với học trò, yêu nghề. Với mỗi học sinh, cô luôn cố gắng gần gũi, tìm hiểu gia cảnh để kịp thời động viên, giúp đỡ các em rất nhiều học sinh lớp cô Thơm chủ nhiệm sau này đã trưởng thành và đạt được kết quả cao trong các kỳ thi.
Trong công tác giảng dạy, cô Thơm luôn cố gắng nghiên cứu phương pháp dạy mới, ứng dụng công nghệ thông tin trong soạn bài giảng để tạo sự hấp dẫn cho học sinh. Đồng thời, cô cũng là người khuyến khích học sinh ứng dụng những kiến thức học được vào cuộc sống".
"Học sinh ở huyện miền núi rất khó khăn, bố mẹ vì mưu sinh ít có thời gian chăm sóc cũng như sát sao với việc học của con. Do đó, để học sinh không bỏ học giữa chừng tôi luôn khơi gợi để học sinh phấn đấu, biết vun đắp ước mơ cho mình", cô Đào Thị Thơm chia sẻ.
Thu hồi văn bản ủng hộ quỹ nhân đạo định kỳ tại trường THCS ở Hà Nội Sau khi bị phản ứng vì ban hành văn bản 'phát động ủng hộ quỹ nhân đạo định kỳ', lãnh đạo Trường THCS Nguyễn Du - Hà Nội đã lên tiếng xin lỗi và xin thu hồi văn bản. Trao đổi với Gia đình Việt Nam ngày 22/9/2022, bà Nguyễn Thị Lý - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (Nam Từ Liêm, Hà...