Phòng ngừa bệnh lý tim mạch
Bệnh lý tim mạch ngày càng gia tăng ở các nước phát triển, đang phát triển. Bệnh tỷ lệ thuận cùng quá trình đô thị hóa, lực lượng lao động trí óc tăng, lối sống công nghiệp ít vận động, chế độ ăn uống, sinh hoạt không hợp lý…
Ảnh minh họa: internet
Số liệu thống kê tại Mỹ năm 2006 cho thấy, có đến 6,5 triệu người mắc bệnh mạch vành mãn tính; 7,2 người bị nhồi máu cơ tim; 500.000 người tử vong do bệnh mạch vành; tiêu tốn 142,5 tỉ đô la cho việc điều trị bệnh mạch vành. Theo WHO, năm 2004 Việt Nam có 69.849 trường hợp bị tử vong do bệnh mạch vành.
Xơ vữa động mạch là tình trạng phổ biến nhất của các bệnh lý về tim mạch, nó thể hiện ở nhiều vị trí khác nhau trong hệ thống mạch máu. Cụ thể, ở mạch máu tim (mạch vành), tình trạng xơ vừa gây bệnh tim thiêu máu cục bô, đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim…; ở mạch máu não gây bệnh thiêu năng tuân hoàn não, tai biến mạch máu não; mạch máu ngoại biên: thuyên tắc mạch chân, tay; mạch máu thận.
BS Lê Cao Phương Duy, Trưởng đơn vị Tim mạch học can thiệp, BV Nguyễn Tri Phương (TP.HCM), cho biết: Những đối tượng có yếu tố nguy cơ cao sẽ bị mắc các bệnh lý tim mạch nói chung và mạch vành nói riêng gồm: người bệnh cao huyết áp, tiểu đường (bệnh càng lâu và không được điều trị đúng, khả năng mắc bệnh mạch vành càng cao), cholesterol trong máu tăng, hút thuốc lá, tiền căn gia đình đã từng có người mắc bệnh tim sớm (bố mẹ, anh chị em ruột; nam nhỏ hơn 55, nữ nhỏ hơn 65 tuổi). Do vậy, việc phòng bệnh đóng vai trò hết sức quan trọng và có thể hạn chế được tối đa các bệnh lý về tim mạch.
Sống lành mạnh: Tuyệt đối không hút thuốc lá, kể cả hút thụ động; nhiều người lý giải là hút nhưng không hít vào hoặc chỉ dùng loại rất nhẹ nên không có hại, điều này hoàn toàn sai lầm. Chỉ nên dùng rượu bia ở mức có lợi cho sức khỏe (các loại rượu có nồng độ cao như rượu đế, rượu thuốc, rượu mạnh: 30ml/ngày; bia, rượu vang: 200ml/ngày). Tập thể dục ít nhất 3 lần/tuần, mỗi lần ít nhất 15 phút; lưu ý nên tập vừa sức, phù hợp với cơ thể, sức khỏe, không nên cố sức, nhất là người lớn tuổi.
Video đang HOT
Chế độ ăn uống: Không nên ăn mặn, hạn chế ăn món kho mỗi ngày và chan nước mắm vào cơm. Ăn đầy đủ các nhóm thực phẩm nhưng giảm lượng mỡ, đặc biệt là mỡ động vật. Ăn nhiều rau quả và các sản phẩm từ ngũ cốc. Chất xơ có trong trái cây, rau, đậu… giúp làm giảm cholesterol trong máu.
Với những người có nguy cơ hoặc đã có bệnh, nên chọn thực phẩm chứa đạm ít mỡ như cá, gia cầm bỏ da; nếu có thể, nên hạn chế ăn thịt. Ưu tiên dùng cá, đậu nành và các sản phẩm từ đậu để cung cấp lượng đạm tốt cho cơ thể.
Tinh thần: Thường xuyên căng thẳng, mất ngủ là một trong những nguyên nhân gây bệnh. Do vậy, cần có sự sắp xếp, điều hòa tốt để giải tỏa áp lực công việc, học hành, gia đình; có thể chia sẻ với người thân, bạn bè, đồng nghiệp để làm giảm bớt những căng thẳng của cá nhân. Mỗi ngày cần ngủ đủ và sâu ít nhất 6 tiếng đồng hồ. Giữa hai buổi làm việc nên nằm nghỉ khoảng 15 phút. Tránh ngồi lì một chỗ trong thời gian làm việc, nên đứng lên vận động đi lại để khí huyết lưu thông tốt.
Tầm soát: Với những người có yếu tố nguy cơ, ngoài tuân thủ những hướng dẫn phòng bệnh như trên, nên tầm soát bệnh mỗi năm một lần. Cụ thể, cần tầm soát các chỉ tiêu sau: mỡ máu, đường huyết, huyết áp, cholesterol trong máu; siêu âm tim hai năm một lần (không cần thiết thực hiện mỗi năm vì thời gian biến chuyển của tim khá lâu). Nếu các chỉ số kiểm tra có những bất thường, dù chỉ một đơn vị, cũng cần gặp bác sĩ để được tư vấn chi tiết. Trường hợp những người gầy nhưng mỡ trong máu cao càng phải chú ý.
BS Lê Cao Phương Duy lưu ý, khi kết quả siêu âm tim là “hở hai lá ” cũng không nên hốt hoảng vì một phần có thể do hở sinh lý, hoặc nhiễu thông tin siêu âm, song cũng cần gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn thêm. Người bệnh cũng tránh mất bình tĩnh nếu kết quả điện tâm đồ ghi “thiếu máu cơ tim” vì đây không phải là tiêu chuẩn vàng, chỉ là gợi ý. Để xác định bệnh tim, cần làm thêm một hoặc một số các bước: siêu âm tim, điện tâm đồ gắng sức, siêu âm tim gắng sức, chụp cắt lớp MV, chụp MV bằng DSA, tùy từng trường hợp. Khi phát hiện bệnh, cần điều trị tích cực, tránh nửa vời.
Nếu đã được chẩn đoán có bệnh, phải uống thuốc, tái khám, có chế độ ăn uống luyện tập theo hướng dẫn của bác sĩ; không dùng toa thuốc cũ để mua uống thêm. Những người bệnh tim cần đợc tư vấn cụ thể cả về việc gắng sức trong vấn đề quan hệ tình dục. Nếu đang sử dụng thuốc điều trị mạch vành, nên hết sức thận trọng, thậm chí chống chỉ định với những loại thuốc điều trị rối loạn dương cương. Điều trị bệnh tim mạch khá tốn kém, vì vậy nên mua bảo hiểm y tế để giảm bớt chi phí.
Nên né tránh những tình huống tạo nên cảm xúc quá vui, quá buồn (ví dụ như theo dõi, cổ vũ cho các chương trình thi đấu như đá banh…; tham gia các lễ hội…); tránh thức quá khuya, nên ngủ đủ giấc. Những biến cố về tim mạch dễ xảy ra ở thời điểm từ 4-7 giờ sáng vì huyết áp tăng cao nhất trong thời gian này.
Luyện tập thể dục thể thao có ý nghĩa quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị các bệnh lý tim mạch, nhưng trên thực tế, có nhiều trường hợp bị đột tử khi chơi thể thao. Nguyên nhân phần nhiều là do người bệnh biết có bệnh nhưng không chữa trị đến nơi đến chốn; hoặc do không biết có bệnh; phần khác có thể do không tầm soát bệnh hoặc tầm soát không đúng. Nếu mắc bệnh tim mạch, không được chơi những môn thể thao có tính chất đối kháng. Tâm lý thắng thua dễ khiến cơ thể quá sức chịu đựng…
Theo VNE
Ung thư tuyến mồ hôi
Cùng với các phần phụ khác của da như nang lông, các tuyến bài tiết chất bã, tuyến mồ hôi rất ít khi tạo bướu, ung thư (UT) lại càng hiếm gặp. Tuy nhiên, UT tuyến mồ hôi lại là một thách thức trong việc chẩn đoán và khó khăn trong điều trị.
Khó chẩn đoán, di căn nhanh
UT tuyến mồ hôi là một loại bệnh lý do sự phát triển quá mức và mất kiểm soát của tuyến mồ hôi, có khả năng xâm lấn ra mô xung quanh và di căn. Đến nay, y học thế giới vẫn chưa biết chính xác nguyên nhân trực tiếp gây UT tuyến mồ hôi. Qua nhiều nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy bệnh có liên quan đến tia cực tím (UV - khi tia này tiếp xúc với phần da gây ra hiện tượng suy giảm miễn dịch của da nơi tiếp xúc); hoặc bệnh nhân sử dụng thuốc kháng viêm, thuốc điều trị viêm khớp trong thời gian dài.
Tỷ lệ mắc bệnh UT tuyến mồ hôi chỉ khoảng 5,1/một triệu dân/một năm. Nam giới thường mắc bệnh nhiều hơn nữ (song cũng chưa rõ nguyên nhân), người da trắng mắc bệnh cao hơn người da màu (5,1/một triệu dân so với 2,5/một triệu dân), người cao tuổi (70-80 tuổi) mắc bệnh cao hơn so với trẻ tuổi (20-30 tuổi). Bệnh thường gặp từ độ tuổi trung niên, khoảng 50-60 tuổi.
TS-BS Trần Thanh Phương, Trưởng khoa Ngoại 3, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, cho biết: UT tuyến mồ hôi thường biểu hiện bằng một (hoặc nhiều) khối bướu nhỏ dưới da, sượng cứng, bề mặt da trên bướu sậm màu hoặc có màu hồng, giới hạn bướu không rõ ràng. Bướu có thể đau, lớn nhanh và xâm lấn mô xung quanh, trong bướu có thể chứa dịch do hoại tử một phần bướu. Bướu xuất hiện không có dấu hiệu chuyên biệt nào nên rất khó để chẩn đoán hay chẩn đoán đúng loại UT. Vì vậy, để chẩn đoán chính xác, cần phải khám chuyên khoa và dùng phương pháp chọc hút tế bào từ mô bướu hay hạch, hoặc lấy mẫu sinh thiết để có kết quả mô học chắc chắn (có phải UT hay không, UT loại nào).
Một đặc trưng nữa là loại UT này di căn rất nhanh đến hạch bạch huyết. Thông thường, đây là những triệu chứng chính khiến người bệnh đến khám và điều trị. Những khối hạch thường tròn, cứng, có thể rời rạc hoặc dính chùm với nhau. Các hạch này thường không gây đau đớn. Gan, phổi hay xương là những vị trí thường bị di căn nhất, cần phải dùng đến các phương tiện chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, X-quang phổi để phát hiện.
Đến nay, tại Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM ghi nhận được bốn trường hợp mắc bệnh UT tuyến mồ hôi song các bác sĩ cũng chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh. Cả bốn bệnh nhân đều không có tiền sử bệnh đặc biệt trước đó hay có liên quan gì đến việc tiếp xúc với tia UV quá mức. Vị trí tổn thương khi phát hiện bệnh của bốn người nằm ở phần chi dưới và thân mình.
Dễ tái phát sau phẫu thuật
Theo TS-BS Bùi Chí Viết, Trưởng khoa Ngoại 2, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, với UT tuyến mồ hôi, phương pháp điều trị hiệu quả nhất hiện nay là phẫu thuật, đặc biệt là khi bệnh còn khu trú tại chỗ, tại vùng chưa có di căn. Dẫu vậy, vùng bướu nguyên phát cũng cần được phẫu thuật cắt rộng đồng thời với việc nạo vét sạch các hạch di căn. Những sẹo để lại sau khi sinh thiết cũng cần phải cắt bỏ.
Diễn tiến của bệnh là phá hủy cấu trúc tại chỗ dữ dội và khả năng tái phát cao. Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ tái phát sau khi phẫu thuật cắt rộng tại chỗ lên đến 47-59%. Do vậy, sau phẫu thuật bệnh nhân cần được theo dõi chặt chẽ và đều đặn nhằm phát hiện sự tái phát hoặc sự xuất hiện một UT da khác. Khi bướu tái phát, dẫu chưa sờ thấy hạch, bệnh nhân vẫn được chỉ định nạo hạch phòng ngừa vì những trường hợp này thường có nguy cơ di căn rất cao. UT tuyến mồ hôi thường không đáp ứng với xạ trị, hóa trị.
Để tiên lượng diễn tiến bệnh, thông thường bác sĩ sẽ dựa vào các yếu tố liên quan như kích thước bướu, loại mô học, tình trạng di căn hạch hoặc di căn xa, song thực tế điều này cũng rất khó. Nếu chưa có hạch di căn, khoảng 56% bệnh nhân sẽ sống được thêm 10 năm (chưa gây bệnh cho các cơ quan khác). Nếu bệnh đã di căn hạch hoặc di căn xa đến các cơ quan khác trong cơ thể, tỷ lệ này chỉ còn 9%.
Theo PNO
Cẩn trọng với rối loạn tiêu hóa Rối loạn tiêu hóa (rLTH) là một hội chứng thường gặp. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết hội chứng này còn là biểu hiện của nhiều bệnh lý nguy hiểm, thậm chí cho biết một bộ phận, cơ quan khác trong cơ thể đang có vấn đề. 50% bệnh nhân tới khám bị rối loạn tiêu hóa Theo BS Hồ Tấn Phát,...