Phở khô Gia Lai: Món ngon phố núi
Có ba món đặc sản làm nên nét độc đáo và quyến rũ của ẩm thực Gia Lai là cà phê, măng khô và tất nhiên, không thể không kể đến món phở khô – “món ruột” của người dân phố núi
Nước dùng phở khô không trong veo như món phở của các địa phương khác nhưng đậm đà và ngọt lạ nhờ những lát thịt bò non hoặc thịt bê được chọn kỹ, mềm và rất tươi ngon.Dù có nhiều điểm khác biệt với món phở Bắc vốn được xem là quốc hồn quốc túy cả trong cách chế biến lẫn thưởng thức, nhưng phở khô có một sức hấp dẫn riêng, không chỉ để thương để nhớ cho người Gia Lai xa xứ mà còn khiến du khách đến đây ăn qua một lần rồi lưu luyến mãi.
Độc đáo “phở hai tô”
Một “thổ địa” tại Pleiku đưa chúng tôi đến quán phở Hồng trên đường Nguyễn Văn Trỗi – nơi tô phở có giá 22 ngàn đồng, thuộc hàng đắt đỏ nhất tại phố núi này. Tuy đắt nhưng quán Hồng lúc nào cũng tấp nập khách ra vào, nếu phải đứng đợi một lúc để “xí bàn” thì cũng là chuyện “thường ngày ở huyện”. Bù lại, được thưởng thức những sợi phở khô hương vị đậm đà đựng trong những chiếc tô sứ trắng ngần cùng với đĩa giá trụng, rau thơm, ngò gai được nhặt rửa sạch sẽ cũng đủ làm dịu lòng những thực khách khó tính nhất. Đến Pleiku, ngoài địa chỉ này, du khách còn có thể tìm đến các quán phở ngon nổi tiếng khác như Tàu Lí (đường Trần Phú), Ngọc Linh (đường Sư Vạn Hạnh), Ngọc Sơn (đường Hùng Vương)…
Sợi phở khô khá đặc biệt, dù được làm từ bột gạo nhưng không mềm và dẹp như bánh phở thông thường mà có dáng tròn, mảnh và hơi dai.
Phở khô là tên gọi của người địa phương, nhưng với nhiều du khách từ nơi khác đến, món ăn này là một sự kết hợp độc đáo giữa hủ tiếu nam vang và… phở bò. Những ai lần đầu tiên thưởng thức món phở khô của người dân nơi phố núi thường không khỏi ngạc nhiên trước sự “hoành tráng” của món ăn này. Món phở khô được dọn lên gồm một tô bánh phở, một tô súp, đĩa rau sống nhiều loại đầy vun và một chén tương đậu thơm phức. Có lẽ vì vậy mà nhiều người gọi món ăn này với một cái tên khác, nôm na, dễ thương mà lại rất gợi hình là “phở hai tô”.
Sợi phở khô khá đặc biệt, dù được làm từ bột gạo nhưng không mềm và dẹp như bánh phở thông thường mà có dáng tròn, mảnh và hơi dai. Nhờ vậy mà khi trộn đều lên, sợi phở rất dễ thấm gia vị nhưng không bị nát. Làm thế nào để sợi phở vừa đủ mềm, vừa đủ dai cho đến nay dường như vẫn còn là bí quyết riêng của người dân phố núi, nên các quán phở khô ở Sài Gòn thường mua sợi phở từ Gia Lai chuyển xuống mỗi ngày. Sợi phở khô được trụng sơ rồi trộn với thịt băm, tỏi, hành phi và tóp mỡ. Tuy nhiên, tô phở sẽ hấp dẫn hơn nếu cho thêm ít tương pha ớt bằm (tương hột giã nhuyễn) để có chút vị mằn mặn, beo béo, cay cay. Nước dùng đi kèm tuy không trong veo như món phở ở các địa phương khác nhưng có mùi thơm và vị ngọt đậm đà của thịt bò xắt mỏng.
Video đang HOT
Phở khô “xuống núi”
Với món phở khô độc đáo của người Gia Lai, thực khách không chỉ là người thưởng thức mà đồng thời cũng là người chế biến.
Có thể nói, hiếm có món ăn nào kết hợp cùng lúc cả thịt bò lẫn thịt heo nhuần nhị như món phở khô. Thịt heo được băm nhuyễn, xào qua với hành phi thơm phức, rắc lên trên bề mặt bánh trông thật hấp dẫn. Phải chọn thịt ba chỉ để khi băm nhuyễn có cả nạc cả mỡ ăn thấy dai dai, beo béo, ngon mà không ngán. Trong khi đó, thịt bò được xắt thành từng lát mỏng cho vào tô nước dùng. Nước dùng trong món phở khô không trong veo như món phở của các địa phương khác nhưng đậm đà và ngọt lạ nhờ những lát thịt bò non hoặc thịt bê được chọn kỹ, mềm và rất tươi ngon. Từ khi món phở khô “xuống núi”, đến Sài Gòn, người ta đã làm nên những biến tấu mới. Tô nước súp không chỉ có thịt bò non xắt mỏng mà tùy theo sở thích từng thực khách còn có thêm bò viên dai dai, sừn sựt và gân bò giòn giòn.
Nước dùng phở khô không trong veo như món phở của các địa phương khác nhưng đậm đà và ngọt lạ nhờ những lát thịt bò non hoặc thịt bê được chọn kỹ, mềm và rất tươi ngon.
Với món phở khô độc đáo của người Gia Lai, thực khách không chỉ là người thưởng thức mà đồng thời cũng là người chế biến. Thưởng thức món đặc sản của phố núi, dù có là người bận rộn đến mấy cũng không ai cho cả tô nước súp vào bánh phở để “đánh nhanh rút gọn”, bởi cái ngon không chỉ nằm ở hương vị của món ăn mà còn ở cái cách tự mình hí hoáy vừa trộn vừa nếm cho đến khi vừa miệng rồi từ từ nhấm nháp.
Gắp một đũa bánh phở đã trộn đều với tương đậu cho vào miệng, cảm nhận vị béo của bánh, vị bùi bùi, mằn mặn của tương đậu, thêm một ít xà lách, húng quế để thấy cái tươi ngon và vị the the tan nơi đầu lưỡi. Sì sụp húp một muỗng nước súp nóng hổi, thơm phức và tận hưởng vị ngọt của miếng thịt bò non vừa chín tới thì quả không còn gì bằng. Một chút kiểu cách, một chút từ tốn, thong dong, đó là cách người sành ăn thưởng thức món ngon phố núi.
Theo Món ngon Việt Nam
Xôn xao nhiều vụ mất trộm gỗ sưa ở phố núi
Sau khi hoành hành ở Hà Nội, "sưa tặc" đã chuyển hướng sang Buôn Ma Thuột. Chỉ trong thời gian ngắn, kẻ gian đã cưa hạ nhiều cây gỗ sưa trên hè phố khiến người dân phố núi bàn tán xôn xao.
Đầu tháng 12, hàng loạt cây sưa tại các đường Lê Hồng Phong, Trần Hưng Đạo, TP. Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc) chỉ sau một đêm đã bị kẻ gian cưa ngang gốc. Các cây gỗ sưa này đều có đường kính từ 20 -30cm.
Công an các phường trên địa bàn Thành phố phải liên tục tăng cường lực lượng bố trí, canh giữ và tuần tra tại các địa điểm có cây sưa.
Cây sưa bị cưa rễ trong vườn Bách Thảo - Hà Nội.
Và tối ngày 15/12, trong khi tuần tra, Công an phường Thắng Lợi, TP Buôn Ma Thuột đã bắt quả tang 2 kẻ đang cưa trộm cây gỗ sưa mang mã số 06 trên đường Bà Triệu.
Qua điều tra ban đầu, 2 kẻ gian này chính là Nguyễn Trọng Thông, SN 1981 và Trần Văn Thuận, SN 1982 có cùng hộ khẩu thường trú tại thôn 7 xã Cẩm Vịnh, Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh), hiện tạm trú tại thị trấn Phước An, huyện Krông.
Bọn chúng khai nhận là thủ phạm của một loạt vụ cưa trộm cây gỗ sưa trên đường phố TP Buôn Ma Thuột xảy ra gần đây. Tạo và Thuận khai, sau khi đốn hạ cây, bọn chúng cắt gỗ sưa thành lóng dài khảng 1m và vận chuyển sang tỉnh Gia Lai tiêu thụ. Trung bình mỗi lóng gỗ sưa chúng bán được từ 4-5 triệu đồng.
Ngày 17/12, Công an TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắc Lắc) đã thực hiện lệnh khởi tố bị can, khởi tố vụ án đối với Nguyễn Trọng Thông và Trần Văn Thuận về tội phá hoại và trộm cắp tài sản.
Hiện vụ án đang tiếp tục điều tra làm rõ.
"Trong danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm được Chính phủ ban hành thì cây sưa hay còn gọi là Huê mộc vàng, trắc thối có tên khoa học là Dalbergia tonkinesis thuộc nhóm 1A, nhóm thực vật có giá trị đặc biệt về kinh tế, khoa học và môi trường, số lượng còn ít trong tự nhiên hoặc có nguy cơ tuyệt chủng, nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại".
G.U
Theo Bưu Điện Việt Nam