Phép màu từ… tình thân
Với sức mạnh của tình thân, những người con sẵn sàng cho đi nửa lá gan khỏe mạnh của mình để người cha, người mẹ vượt qua cơn nguy kịch, sống trong niềm hạnh phúc vô bờ bến.
Người ta thường nói “Dâu là con, rể là khách”, ấy vậy mà ông Nguyễn Ngọc H lại được chính “vị khách” của mình tình nguyện hiến tặng nửa phần gan lành lặn mà không hề có chút e dè. Câu chuyện có hậu này đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho ê-kíp ghép gan ở Bệnh viện Đại học Y Dược (BVĐHYD) TP HCM.
Bà Đặng Thị H vui vẻ, khỏe mạnh sau ca ghép gan
Ông Nguyễn Ngọc H sinh năm 1959, ngụ tại Nha Trang, là một giáo viên về hưu. Ông mắc nhiều bệnh lý về gan, bao gồm viêm gan C (đã điều trị khỏi hẳn cách đây 4 năm), xơ gan, ung thư gan. Khối u trong gan có kích thước khoảng 3cm và nằm ở rốn gan, một vị trí rất khó điều trị. Thêm vào đó, gan xơ quá nhiều nên việc điều trị ung thư khó có hiệu quả. Tình trạng sức khỏe của ông H ngày càng giảm sút nghiêm trọng, thời gian sống ước tính chỉ còn khoảng 1 năm. Vì vậy, phương pháp ghép gan là hy vọng cuối cùng của ông H.
Người hiến gan phù hợp cho ông H cần có nhóm máu O giống người bệnh. Cả 3 người con ruột của ông H đều tự nguyện hiến gan cho cha. Tuy nhiên, các xét nghiệm cho thấy, lá gan của các con ông tương đối nhỏ, không đủ an toàn cho người hiến gan. May mắn thay, anh Trương Thanh T, sinh năm 1988, là con rể của ông H cũng là người có nhóm máu O và lá gan có kích thước phù hợp, bảo đảm cuộc sống hoàn toàn bình thường sau khi hiến. Anh T đã tình nguyện hiến gan cho bố vợ. Cuối năm 2018, ca phẫu thuật ghép gan cho ông H đã diễn ra tốt đẹp. Hiện tại, người hiến và người nhận gan đã quay lại cuộc sống bình thường, lao động như những người khỏe mạnh.
Không chỉ riêng ông H, hầu như những người thân trong gia đình khi gặp trường hợp tương tự đều tự nguyện hiến một phần thân thể của mình. Và, cả 5 trường hợp ghép gan thành công tại BVĐHYD TP HCM đều là những trường hợp như vậy, là những câu chuyện đẹp, xúc động về cuộc sống và sự chia sẻ yêu thương.
Video đang HOT
Các bác sĩ ghép gan cho bệnh nhân
“Tôi rất tự hào vì có những đứa con hiếu thảo. Tôi là người sinh ra con, nhưng đến giờ con gái tôi là người đã hồi sinh cho tôi”, ông Lê Văn Đ, người được nhận gan từ con gái ruột của mình chia sẻ.
Ông Lê Văn Đ sinh năm 1962, ngụ tại Bình Dương, bị xơ gan trên nền viêm gan C và diễn tiến đến ung thư gan đã được điều trị cách đây 2 năm. Trước đó, ông có tiền sử nôn ra máu do bệnh xơ gan giai đoạn muộn gây giãn các tĩnh mạch thực quản. Đối với người mắc bệnh xơ gan, tình trạng nôn ra máu tái phát có thể tước đi mạng sống bất cứ khi nào. Vì vậy, với trường hợp của ông Đ, ghép gan là cơ hội tốt nhất để sống khỏe mạnh.
Ca ghép gan thứ 2 tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM
May mắn, chị Lê Thị M, sinh năm 1985, con gái ruột của ông Đ, có cùng nhóm máu, tương thích các chỉ số yêu cầu trong việc hiến gan và đã tình nguyện hiến gan cho cha mình. Lòng hiếu thảo của chị M đã giúp cha chị từ cánh cửa “sinh ít, tử nhiều” được quay lại cuộc sống. Sau ghép gan 1 tuần, chị M được xuất viện và sinh hoạt bình thường. Ông Đ đến nay cũng đã có thể tự đi đứng, ăn uống và sinh hoạt cá nhân.
Sự thiêng liêng của hai tiếng “tình thân” đã xua tan đi những nỗi đau về thể xác để đấu tranh giành lại sự sống cho chính người sinh thành ra mình, để giây phút gặp lại nhau trở thành giây phút hạnh phúc nhất đời.
Trong gia đình có 2 người con gái, nhưng chỉ có người con gái út là chị Nguyễn Ngọc L, sinh năm 1980, phù hợp các tiêu chuẩn về y học để tiến hành hiến gan cho mẹ là bà Đặng Thị H, sinh năm 1951, ngụ tại TP HCM. Bà H có tiền căn viêm gan C nặng dẫn đến xơ gan và được chẩn đoán ung thư gan cách đây nhiều năm. Trước đây, bà đã điều trị tại Singapore, được bơm chất phóng xạ để khống chế tạm thời các khối u, nhưng khối u vẫn ngầm tiến triển. Vì vậy, ghép gan là cơ hội giúp bà khỏi hẳn bệnh.
Sau quá trình tìm hiểu về các phương pháp ghép gan tại nhiều nơi và là người trực tiếp đến BVĐHYD TP HCM để được tư vấn, chị L đã hoàn toàn tin tưởng và quyết định hiến gan cho mẹ. Ngày 30-3-2019, ca ghép gan đã diễn ra thành công tốt đẹp. Sau 7 ngày điều trị hồi sức, chị L đã được xuất viện và trở vào bệnh viện thăm mẹ. Cuộc gặp gỡ không quá nhiều lời, chỉ là những cái nắm tay thật chặt với ánh mắt tràn đầy yêu thương và hy vọng về sự sống mới. Chị L chia sẻ: “Nhìn mẹ cười tươi với hy vọng sống tràn đầy. Đó là giây phút hạnh phúc nhất của cuộc đời tôi vì ước nguyện cho mẹ mình được sống khỏe mạnh đã thành sự thật”.
Không một ngôn từ nào có thể diễn tả hết được tình cảm thắm thiết của những người thân trong gia đình. Khi được hỏi về cảm nhận sau hiến gan, những người con đều cùng một chia sẻ, đau sau phẫu thuật là điều phải có, nhưng không đáng kể, bởi sự vui mừng khi biết người thân đã nhận được phần gan khỏe mạnh từ mình đã lấn át mọi cảm giác. Họ tự hào vì đã có thể cứu sống được người yêu thương nhất. Vết sẹo trên người là nét phác họa cho biểu tượng “tình thân” vững bền của gia đình.
Các bác sĩ BVĐHYD TP HCM chia sẻ, vào những ngày đầu tháng 6/2018, ê-kíp ghép gan của bệnh viện đã tập trung toàn bộ trí lực, vật lực cho đề án ghép gan từ người cho sống với hàng loạt các công việc đều phải được chu toàn như phối hợp với ê-kíp ghép gan từ bệnh viện ASAN (Hàn Quốc), chuẩn bị cho người bệnh, chuẩn bị phòng hồi sức, hồi sức sau ghép và điều trị sau ghép… Ngày 16/6/2018, ca ghép gan đầu tiên của BVĐHYD TP HCM đã diễn ra tốt đẹp, trong sự mừng rỡ, xúc động của đội ngũ hơn 50 bác sĩ hàng tháng trời căng mình trước sự sống của người bệnh. Sau ca ghép gan đầu tiên, ê-kíp ghép gan đã tự tin và trưởng thành hơn với những thành công liên tiếp của các ca ghép gan tiếp theo.
TS.BS Trần Công Duy Long – Phó trưởng khoa Ngoại gan mật tụy BVĐHYD TP HCM – cho biết: Những bối rối, căng thẳng ban đầu nay đã được thay bằng sự bản lĩnh, điềm tĩnh và kiểm soát được mọi tình huống. Sự lĩnh hội tay nghề, kiến thức từ ê-kíp ghép gan nước bạn đã tạo ra những bước tiến dài và vững chắc, hứa hẹn những thành công trong tương lai cho các bác sĩ Việt Nam.
“Thật hạnh phúc khi nhìn thấy người bệnh có cuộc sống mới, khỏe mạnh nhờ vào nửa lá gan được chia sẻ từ người thân của mình. Ghép gan không chỉ là biện pháp điều trị đỉnh cao trong y khoa mà còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong cuộc sống”, TS.BS Trần Công Duy Long chia sẻ.
Phép màu đã xuất hiện từ tình thân trong gia đình, từ những trái tim ấm nóng, yêu nghề, yêu người của đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế chuyên môn cao. Thành công của 5 ca phẫu thuật ghép gan đầu tiên tại BVĐHYD TP HCM đã góp phần mang lại chất lượng sống tốt đẹp hơn cho chính người bệnh và gia đình họ. Người bệnh Việt Nam đã có thể thụ hưởng dịch vụ y tế tiên tiến với chất lượng điều trị ngang tầm thế giới ngay tại Việt Nam. Ghép gan trong nước giúp người bệnh và gia đình tiết kiệm nhiều chi phí, thuận tiện cho việc đi lại, ăn ở, giao tiếp trong quá trình chuẩn bị, chăm sóc và tái khám sau ghép.
Thành công của 5 ca phẫu thuật ghép gan đầu tiên tại BVĐHYD TP HCM đã góp phần mang lại chất lượng sống tốt đẹp hơn cho chính người bệnh và gia đình họ. Người bệnh Việt Nam đã có thể thụ hưởng dịch vụ y tế tiên tiến với chất lượng điều trị ngang tầm thế giới ngay tại Việt Nam.
Nam Phương
Theo petrotimes
Tìm ra kỹ thuật biến nhóm máu A thành nhóm máu O
Bằng cách thêm hai loại enzyme, các nhà khoa học có thể biến nhóm máu A thành nhóm máu O, truyền được cho mọi nhóm máu khác.
Mỗi năm, thế giới có khoảng 117,4 triệu đơn vị máu được hiến tặng. Con số này nghe có vẻ nhiều nhưng thật ra vẫn không đủ vì máu được chia làm nhiều nhóm, ảnh hưởng đến việc truyền và nhận máu. Nhóm máu O được coi là nhóm máu phổ thông, tương thích với mọi nhóm máu Rh nên dễ dàng truyền cho người có nhóm máu A , B , AB , O , tương đương ba phần tư thế giới.
Trên Nature Microbiology, các nhà khoa học từ Đại học British Columbia cho biết nhóm máu A có thể trở thành nhóm máu phổ thông, truyền được cho tất cả nhóm máu cùng loại Rh như nhóm máu O. Bằng cách thêm hai loại enzyme vào nhóm máu A, các tác giả loại bỏ được những thành phần chính của kháng nguyên A, biến nó trở thành kháng nguyên H trung tính.
Ảnh: British Society for Immunology.
Nhóm máu phụ thuộc vào kháng nguyên, cấu trúc tạo ra phản ứng miễn dịch, trên bề mặt hồng cầu. Nói một cách đơn giản nhất, máu nhóm A có kháng nguyên A và kháng thể chống B, trong khi nhóm máu B lại có kháng nguyên B và kháng thể chống A. Vì vậy, nếu truyền máu nhóm B cho người nhóm máu A, kháng thể chống B của người nhận sẽ được kích hoạt, gây ra phản ứng miễn dịch có thể đe dọa tính mạng. Nhóm máu O phù hợp với cả hai nhóm vì không chứa kháng nguyên A, B mà có kháng nguyên H trung tính.
Hiện tại, kỹ thuật chuyển nhóm máu A thành nhóm máu O mới chỉ được tiến hành trên đĩa petri trong phòng thí nghiệm nên cần thời gian trước khi đưa vào thực tế. Tuy nhiên, nhóm A là nhóm máu phổ biến sau O nên kỹ thuật này có thể trở thành cuộc cách mạng trong y khoa, cải thiện việc cung cấp và tiếp cận truyền máu.
Minh Nguyên
Theo IFL Science/VNE
Hai mẹ con sản phụ ung thư vú giai đoạn cuối chưa được gặp nhau Bé Đỗ Bình An và chị Nguyễn Thị Liên, sản phụ ung thư giai đoạn cuối, vẫn chưa thể gặp nhau như dự kiến ban đầu. Hiện, bé Bình An điều trị tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, sức khỏe tiến triển tốt, ăn 8 bữa mỗi ngày với lượng sữa tăng lên. Bác sĩ cho biết các chỉ số sinh tồn...