Phát hiện “nguồn sống” gây sốc ở Sao Hỏa
Một phát hiện “không thể tin nổi” ở xích đạo Sao Hỏa có thể định hướng lại các sứ mệnh thám hiểm hành tinh này.
Hai tàu vũ trụ của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đang bay trên quỹ đạo Sao Hỏa là ExoMars Trace Gas Orbiter (TGO) và Mars Express đã cùng xác nhận sự hiện diện của một lớp sương giá kỳ quặc trên đỉnh ngọn núi lửa cao nhất hệ Mặt Trời và hàng loạt núi lửa khác ở khu vực Tharsis.
Núi lửa cao nhất hệ Mặt Trời – Olympus Mons của Sao Hỏa – chứa băng giá ngay trên đỉnh – Ảnh: ESA
Khu vực Tharsis là lãnh địa núi lửa lớn nhất Sao Hỏa, trong đó cái cao nhất là Olympus Mons nổi tiếng, với độ cao khoảng 2,5 lần đỉnh Everest của Trái Đất.
TS Adomas Valantinas từ Đại học Brown (Mỹ) và các cộng sự đã xác định được lượng sương giá mong manh, khó lý giải này khi phân tích tỉ mỉ dữ liệu quan sát của 2 tàu ESA.
“Chúng tôi nghĩ rằng sương giá không thể hình thành xung quanh xích đạo của Sao Hỏa, vì sự kết hợp giữa ánh nắng và bầu không khí mỏng giữ nhiệt độ tương đối cao ở cả bề mặt và đỉnh núi” – TS Valantinas giải thích.
Video đang HOT
Vì vậy, nhóm nghiên cứu cho rằng sự tồn tại của sương giá rất thú vị và gợi ý rằng có những quá trình đặc biệt, không thể thấy ở Trái Đất, đang diễn ra nơi hành tinh đỏ.
Lớp sương giá này cực kỳ mỏng, với độ dày tương đương với độ dày của sợi tóc người (khoảng 1/100 mm).
Tuy nhiên, bất chấp điều này, các mảng băng giá bao phủ một khu vực rộng lớn của mỗi ngọn núi lửa.
Núi lửa trên Sao Hỏa lại rất khổng lồ, nên tổng lượng nước từ lớp sương giá này có thể lấp đầy khoảng 60 bể bơi Olympic, với tổng thể tích gần 111 triệu lít nước.
Nước này cũng liên tục hoán đổi giữa bề mặt và bầu khí quyển của Sao Hỏa mỗi ngày – kéo dài khoảng 24,5 giờ Trái Đất – trong mùa lạnh của hành tinh.
Vùng Tharsis là nơi có nhiều ngọn núi lửa khổng lồ nằm giữa một vùng đồng bằng rộng lớn nơi xích đạo Sao Hỏa.
Cùng với Olympus Mons, cụm núi lửa này còn có 3 núi lửa “anh em” Tharsis Montes, bao gồm các ngọn Ascraeus, Arsia Mons và Pavonis. Pavonis cao tương đương Everest.
Sự tồn tại của sương giá không chỉ là bằng chứng cho thấy hành tinh đỏ là thế giới còn nhiều bí ẩn.
Đó còn là tin vui lớn cho nhiều cơ quan vũ trụ, bao gồm ESA, những người từ lâu đã lên kế hoạch cho căn cứ ngoài hành tinh ở Mặt Trăng và Sao Hỏa.
Lượng sương giá này chính là nguồn sống, nguồn nhiên liệu cho tên lửa, thiết bị… có thể khai thác tại chỗ, giúp các kế hoạch này trở nên dễ dàng hơn rất nhiều so với việc phải đem theo mọi thứ từ Trái Đất.
Hai "kẻ xâm lăng" từ rìa hệ Mặt Trời đang bay quanh Sao Hỏa?
Khác với vệ tinh mang tên Mặt Trăng vốn là một phần của Trái Đất, 2 mặt trăng Phobos và Deimos của Sao Hỏa có bản chất hết sức "tăm tối".
Theo Live Science, một nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi GS Sonia Fornasier từ Đại học Paris Cité (Pháp) đã phân tích một loạt hình ảnh chưa từng được công bố của tàu vũ trụ thăm dò Sao Hỏa Mars Express - Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA).
Đó là 300 bức ảnh ghi lại một cách tinh xảo các đặc điểm của Phobos, mặt trăng lớn trong 2 mặt trăng của Sao Hỏa.
Hai mặt trăng Sao Hỏa có thể là "kẻ xâm lăng" từ vùng rìa hệ Mặt Trời - Ảnh: NASA/BBC SKY AND NIGHT MAGAZINE
Các phép đo quang cho thấy bề mặt của Phobos có thể xốp, giống như cát và không có khí quyển. Ngoài ra bề mặt này có thể bị che phủ bởi một lớp dày các hạt bụi có rãnh kỳ dị, dẫn đến sự phản chiếu ánh sáng Mặt Trời không đồng đều.
Những đặc tính này không hề giống các mặt trăng khác trong hệ Mặt Trời, mà lại giống các sao chổi thuộc họ Sao Mộc, tức các sao chổi có quỹ đạo bị điều chỉnh bởi lực hấp dẫn của Sao Mộc.
Ngoài ra, các nghiên cứu trước đó cũng cho thấy Phobos của Sao Hỏa không hề có nguồn gốc giống Mặt Trăng của Trái Đất.
Mặt Trăng được cho là kết tụ từ những mảnh vỡ từ cú va chạm giữa Trái Đất sơ khai và hành tinh giả thuyết Theia, do đó mang thành phần tương đồng với Trái Đất hiện tại. Nhưng thành phần của Phobos hoàn toàn khác hành tinh mẹ của nó, do vậy nó là một "mặt trăng bị bắt cóc". Và trong kịch bản hợp lý nhất, Phobos phải là một sao chổi ngụy trang thành mặt trăng.
Những phát hiện này cũng có ý nghĩa đối với Deimos. Nếu Phobos từng là sao chổi thì Deimos cũng có thể là một sao chổi.
Trên thực tế, nhóm tác giả cho rằng 2 mặt trăng có thể đã từng là một sao chổi duy nhất gồm 2 thùy lớn, nhỏ khác nhau, bị xé nát bởi Sao Hỏa, sau đó bị mắc kẹt vào quỹ đạo và trở thành mặt trăng của hành tinh này.
Nói các mặt trăng Sao Hỏa có nguồn gốc "tăm tối" là bởi vì hầu hết sao chổi trong Thái Dương hệ đều đến từ Vành đai Kuiper hoặc Đám mây Oort, là các cấu trúc xa xăm ở vùng rìa âm u của hệ sao.
Phát hiện này vẫn cần một bằng chứng xác nhận cuối cùng. Rất may, tàu vũ trụ MMX của Nhật Bản - dự định sẽ được phóng năm nay trong một sứ mệnh hợp tác với NASA - sẽ tiến tới Phobos và Deimos để lấy mẫu, hứa hẹn đem về câu trả lời thú vị.
Phát hiện sốc từ Sao Hỏa: "Nhện" khổng lồ cạnh Thành phố Inca Tàu Mars Express của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) vừa chụp được thứ mà các nhà khoa học gọi là "nhện Sao Hỏa". "Thay vì là những con nhện thực sự, "nhện Sao Hỏa" hình thành khi ánh nắng mùa xuân chiếu lên các lớp carbon dioxide lắng đọng trong những tháng mùa đông đen tối" - tờ Sci-News dẫn lời...