Ông Nguyễn Đắc Vinh: Phải xử lý nghiêm giáo viên thiếu gương mẫu
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nói anh hưởng của người thầy đối với học trò là vô cùng lớn.
Do đó, phải yêu cầu, quy định sự chuẩn mực, gương mẫu, đề cao sự tâm huyết, trách nhiệm…
Tại hội nghị đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường chiều 22/8, ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, 2 trọng tâm lớn để xây dựng văn hóa học đường là xây dựng môi trường trường học lành mạnh và con người chuẩn mực (bao gồm nhà quản lý, nhà giáo, học sinh, sinh viên, người lao động tỏng cơ sở giáo dục).
Riêng với giáo viên, ông Vinh cho rằng, người thầy luôn được xã hội ghi nhận, tôn vinh và coi là tấm gương về trí tuệ, đạo đức, lối sống.
“Ảnh hưởng của người thầy đối với học trò là vô cùng lớn. Do đó, phải yêu cầu, quy định sự chuẩn mực, gương mẫu, đề cao sự tâm huyết, trách nhiệm với nghề và giỏi phương pháp sư phạm. Giáo viên thiếu gương mẫu phải được xử lý nghiêm”, ông Vinh nói.
Video đang HOT
Ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. Ảnh: Thanh Hùng
Đối với học sinh, sinh viên, theo ông Vinh, phải được rèn luyện, bồi dưỡng trong các giờ học, trong các hoạt động của nhà trường, để hình thành các phẩm chất đạo đức, nhân cách. Những việc này phải bắt đầu từ những việc nhỏ, hằng ngày như ứng xử lễ phép, đúng mực, đúng giờ, học tập nghiêm túc,…
Ông Vinh cho rằng, xây dựng văn hóa học đường cũng cần đi kèm với chống và kiên quyết chống lại các biểu hiện phi văn hóa, phản văn hóa trong nhà trường và ngoài xã hội.
Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, văn hóa học đường- người hưởng thụ không chỉ là học sinh mà cả các thầy cô giáo và cả cộng đồng.
“Có một môi trường mà văn hóa học đường tốt thì các thầy cô cũng yên tâm gắn bó, cống hiến”, ông Sơn nói.
Nhấn mạnh vai trò văn hóa học đường, Bộ trưởng Sơn cũng nhắc đến một trong những vấn đề khiến số không nhỏ các nhà giáo phải bỏ việc, chuyển việc ngoài chuyện thu nhập, đó là môi trường làm việc.
“Trong đó, yếu tố dân chủ trong môi trường cơ sở giáo dục đang còn nhiều vấn đề”, ông Sơn nói.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: Nguyễn Mạnh.
Để xây dựng văn hóa học đường, ông Sơn cho rằng không chỉ phó thác trách nhiệm của nhà trường, các nhà giáo mà cần sự chung tay của toàn xã hội, phụ huynh.
“Mỗi người lớn cần phải là một tấm gương trung thực cho học sinh noi theo. Mỗi một phụ huynh cần phải là một tấm gương lương thiện cho con em noi theo. Mỗi một thầy cô giáo phải là một tấm gương sáng, đẹp cho học trò. Không thể chỉ phó thác cho một số thầy cô làm gương. Bởi có thể trong nhà trường, các thầy cô làm gương tốt, nhưng ra khỏi cổng trường, các em lại gặp đầy rẫy những gương xấu thì hiệu quả của giáo dục cũng trở nên mong manh”, ông Sơn nói.
Ông Sơn cũng bày tỏ mong muốn, trong các quy định, đòi hỏi về phía xã hội cần có sự công bằng và yêu cầu các phía cùng vào cuộc trong công cuộc lớn này.
Đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường
Chiều 22/8, Bộ GD&ĐT phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức Hội nghị 'Đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường'.
Hội nghị tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 64 điểm cầu trong cả nước. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn và Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Bộ GD&ĐT. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn chủ trì hội nghị tại điểm cầu Quảng Ngãi.
Các đại biểu dự hội nghị đã nghe và thảo luận các tham luận về xây dựng văn hóa học đường góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Công tác chỉ đạo triển khai các giải pháp phối hợp của đoàn, hội, đội với ngành giáo dục trong xây dựng văn hóa học đường. Một số định hướng của ngành VH-TT&DL trong phối hợp xây dựng văn hóa học đường. Công tác xây dựng văn hóa học đường ở địa phương. Đại diện các sở GD&ĐT, giáo viên đã trao đổi về thực tế triển khai công tác văn hóa học đường và giải pháp tại từng địa phương, cơ sở giáo dục...
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thế Đại/ Báo Giáo dục và Thời đại
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, giáo dục nhân cách cho thế hệ trẻ là nhiệm vụ quan trọng. Nhà trường là nơi tuổi trẻ tu dưỡng, rèn luyện để trở thành người có hoài bão, lý tưởng tốt đẹp. Vì vậy, phải xây dựng trường học thực sự là trung tâm văn hóa, giáo dục, rèn luyện con người về phẩm chất, đạo đức, lối sống... Trong thời gian tới, ngành giáo dục phải đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức bồi dưỡng đạo đức lối sống và phát huy vai trò của nhà trường trong tạo dựng giá trị văn hóa, các chuẩn mực đạo đức, lấy con người làm trung tâm giáo dục...
Cần hướng dẫn các chuẩn mực về văn hóa đạo đức trên không gian mạng Một trong những giải pháp được đưa ra tại hội nghị 'Đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường' do Bộ GD&ĐT phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức chiều 22/8 là cần tập trung xây dựng và hướng dẫn thực hiện các chuẩn mực về văn hóa đạo đức, hành vi ứng xử...