Ôn thi môn Ngữ văn vào lớp 10: Học sinh “tự lắng kiến thức” là phương pháp hiệu quả nhất
Thạc sĩ Lê Hoài Quân – Tổ trưởng tổ Văn – Sử – Giáo dục công dân, trường THCS Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, thời gian từ nay đến lúc thi là cơ hội cho học sinh lớp 9 tự học để kiểm tra, đánh giá, rà soát lại kiến thức, kỹ năng…
Học sinh tận dụng giai đoạn “nước rút”
Thưa thầy, đối với môn Ngữ văn, ngoài thời gian được thầy cô ôn tập trực tuyến, ở nhà các em học sinh (HS) lớp 9 cần ôn luyện ra sao để có hiệu quả nhất?
- 3 tuần còn lại là giai đoạn “nước rút” để về đích trong cuộc chạy đua vào lớp 10, vì thế HS cần dành mọi tâm lực, trí lực để đạt được nguyện vọng. Ngoài thời gian học trực tuyến với các thầy cô ở 4 môn thi, thời gian còn lại là “cơ hội tuyệt vời” để HS tự kiểm tra, đánh giá, rà soát lại kiến thức, kỹ năng của bản thân mình.
Thực tế đã chứng minh, không chỉ Ngữ văn mà bất kỳ môn học nào, tự học là phương pháp hiệu quả nhất. Tôi gọi hoạt động này là “tự lắng kiến thức”, tức là HS biến các đơn vị nội dung kiến thức, kỹ năng từ sách giáo khoa, từ giáo viên thành kiến thức, kỹ năng của mình. Đây là hoạt động rất quan trọng. Trong thực tế dạy luyện thi cho thấy, những HS dành nhiều thời gian tự học, điểm số luôn cao hơn so với những em đi học thêm, học lò nhiều.
Thầy Lê Hoài Quân đang ôn tập trực tuyến môn Ngữ văn cho học sinh lớp 9 chuẩn bị tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2021 – 2022.
Việc lựa chọn thời gian trong ngày để học môn Ngữ văn phụ thuộc vào “đồng hồ sinh học” của từng HS. Các em có thể học bất cứ thời gian nào, độ dài bao lâu miễn sao thấy hiệu quả. Tuy nhiên có một điều tôi lưu ý: HS không nên mặc định học Ngữ văn là phải cần đến “cảm hứng”, “năng khiếu” hay “sở trường”. Ngữ văn là một môn học, nên trước tiên HS cần đặt ra mục tiêu “ĐÚNG”, nghĩa là trả lời đúng trọng tâm câu hỏi; viết đúng kiểu đoạn văn; diễn đạt đúng ngữ pháp, nội dung câu văn; thực hiện đúng yêu cầu tiếng Việt… Còn việc sử dụng “cảm hứng, năng khiếu, sở trường” sẽ phục vụ cho tiêu chí “HAY”.
Học càng chi tiết, càng tốt
Là giáo viên dạy môn Ngữ văn, theo thầy, các em ôn luyện môn thi này theo bài hay chủ đề?
Video đang HOT
- Trước hết, HS cần xác định: Không được học tủ, không học khoanh vùng mà cần ôn luyện với tinh thần học gì thi đấy, có nghĩa là tất cả các đơn vị kiến thức, kỹ năng trong chương trình đều có thể xuất hiện trong đề thi. Các em có thể học theo bài học, theo từng văn bản. Với mỗi bài, cần tìm hiểu, phân tích thật kỹ và chi tiết các đơn vị kiến thức. Và, càng chi tiết càng tốt vì HS phải thật hiểu thì mới ghi nhớ và diễn giải được nội dung vấn đề. Từ việc hiểu được nội dung kiến thức, HS có thể tự khái quát hóa các đơn vị kiến thức đó bằng nhiều cách như: Lập sơ đồ tư duy, hệ thống từ khóa, dàn ý sơ lược…
HS có thể ôn tập theo nhóm bài có cùng đề tài, thể loại hoặc cùng giai đoạn sáng tác… hoặc ôn tập theo chuyên đề.
Các em cũng cần phân mảng rõ ràng, phù hợp với cấu trúc của đề thi: Văn bản (phát hiện, đọc hiểu, cảm thụ), Tiếng Việt (phát hiện, phân tích tác dụng, vận dụng đặt câu…), viết đoạn văn (nghị luận văn chương và nghị luận xã hội).
Thầy Lê Hoài Quân khuyên các em học sinh ôn thi môn Ngữ văn càng chi tiết càng tốt để thật hiểu, mới ghi nhớ và diễn giải được nội dung vấn đề.
Với mỗi mảng phân loại như trên cần có kỹ năng ôn tập thành các chuyên đề. Cụ thể như sau:
Văn bản: Chuyên đề phân tích nhân vật/ phân tích chi tiết đối với truyện; phân tích đoạn thơ; phân tích tình huống, mạch cảm xúc… HS học kỹ các chuyên đề này vừa phục vụ cho huống truyện; phân tích mạch việc trả lời các câu hỏi nhỏ vừa phục vụ viết đoạn văn nghị luận văn chương trong đề thi.
Tiếng Việt: Từ – câu – các biện pháp tu từ – hành động nói – các phương châm hội thoại…. HS học kỹ phần này để phục vụ cho câu hỏi phát hiện, nêu tác dụng và vận dụng trong yêu cầu Tiếng Việt của viết đoạn văn.
Viết đoạn văn: Rèn cho HS kỹ năng nghị luận văn chương và nghị luận xã hội. HS cần xác định rõ và chính xác nội dung nghị luận để từ đó có cách lập luận phù hợp, sáng tỏ vấn đề và thuyết phục. Riêng với mảng nghị luận xã hội, HS cần đọc báo, xem thời sự để cập nhật các nội dung, thông tin phục vụ cho bài viết.
Làm các đề thi để rèn kỹ năng
Trong đề thi câu hỏi nghị luận xã hội, yêu cầu “trình bày suy nghĩ của em về vấn đề…, về nhận định….”. Thầy có lưu ý gì đối với HS về dạng bài này để đạt điểm tối đa?
- Với dạng câu hỏi nghị luận xã hội, để đạt điểm cao, HS cần đọc kỹ yêu cầu của đề bài, xác định rõ nội dung, vấn đề cần nghị luận để từ đó phán đoán xem vấn đề, nội dung nghị luận của bài thuộc dạng nghị luận về một tư tưởng, đạo lý hay nghị luận về hiện tượng đời sống, xã hội. Sau khi xác định chính xác nội dung, vấn đề nghị luận, HS sẽ triển khai dàn ý phù hợp với mỗi kiểu bài. Tuy dàn ý của mỗi kiểu bài khác nhau nhưng ở cả hai dạng bài, HS cần chú ý đến việc diễn đạt, trình bày hệ thống luận điểm, lý lẽ, dẫn chứng… sáng rõ, thuyết phục và có quan điểm cá nhân phù hợp.
Trước khi viết, HS cần gạch đầu dòng ra nháp các ý cơ bản theo trình tự lập luận để khi viết vào bài không bị dàn trải, sa đà, nội dung lan man. Các em cũng cần chú ý đến yêu cầu độ dài của đề bài.
Thí sinh có nên làm nhiều các đề thi Ngữ văn để rèn kỹ năng và biết được khả năng của mình?
- Với đặc thù môn Ngữ văn, từ việc hiểu các đơn vị kiến thức đến việc ghi nhớ là một khoảng cách; từ việc ghi nhớ đến việc thể hiện các đơn vị kiến thức đó bằng từ ngữ, câu chữ lại là một khoảng cách nữa. Do đó việc HS luyện viết là rất cần thiết.
Việc làm đề thi của các năm trước để rèn kỹ năng là vô cùng quan trọng và cần thiết đối với HS. Tôi khuyên HS nên tự giác làm đề không sử dụng tài liệu, tự bấm thời gian, luyện tập cách trình bày, diễn đạt… thường xuyên để không bị bỡ ngỡ trong phòng thi. Khi các em làm đề xong thì tự so sánh với hướng dẫn chấm, đáp án và biểu điểm chấm của các đề đó để rút kinh nghiệm cho bản thân.
Xin cảm ơn thầy!
Ôn thi vào lớp 10: Những lỗi thường gặp trong bài văn nghị luận xã hội
Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Trang cho biết, khi làm bài văn Nghị luận xã hội, học sinh thường gặp phải sai lầm phổ biến như quan niệm rằng viết càng dài càng tốt, kiểu gì cũng có ý trúng, điều này khiến bài viết trở nên thiếu mạch lạc và logic.
Chỉ còn gần 1 tháng nữa, học sinh trên TP Hà Nội sẽ bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Đây được đánh giá là kỳ thi cam go, quan trọng không kém thi tốt nghiệp THPT, tuy nhiên, thời gian này, học sinh Hà Nội đang phải dừng đến trường do dịch Covid-19. Việc ôn tập trực tuyến với nhiều thí sinh gặp không ít khó khăn.
Trao đổi với VOV.VN về cách ôn thi môn Ngữ văn trong thời gian nước rút, đặc biệt là phần nghị luận xã hội nhằm giúp thí sinh tự tin hơn trước mùa thi, Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Trang, Giáo viên môn Ngữ văn tại HOCMAI cho biết, học sinh thường gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc do 3 lầm tưởng phổ biến như sau: "Đầu tiên là quan niệm viết càng dài càng tốt, kiểu gì cũng có ý trúng. Điều này khiến bài viết của các bạn học sinh trở nên thiếu mạch lạc và logic.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Trang chỉ ra một số lỗi học sinh thường gặp khi làm bài nghị luận xã hội.
Tiếp đến là học sinh lầm tưởng đưa thật nhiều dẫn chứng, thể hiện sự hiểu biết của bản thân. Tuy nhiên, việc đưa nhiều dẫn chứng nhưng không phân tích dẫn đến hệ quả bài viết lan man, thiếu tính thuyết phục. Và cuối cùng là lầm tưởng đưa càng nhiều liên hệ thực tế vào bài thì bài càng trở nên sinh động. Khi học sinh làm dụng liên hệ thực tế như vậy sẽ khiến nội dung sa vào ý kiến chủ quan, đánh mất tính khách quan cần có của một bài văn nghị luận xã hội", cô Trang chia sẻ.
Những lầm tưởng kể trên dẫn đến việc học sinh dễ mắc phải một số lỗi khi làm bài văn nghị luận xã hội ôn thi vào lớp 10.
Theo cô Thu Trang, lỗi thường gặp khi làm đề văn nghị luận xã hội là không xác định đúng dạng đề nghị luận xã hội. Việc xác định dạng đề nghị luận xã hội chính là nền tảng cơ bản để học sinh xây dựng bài làm của mình theo đúng hướng. Trên thực tế, dù đề văn nghị luận xã hội có đa dạng, phong phú như thế nào thì cũng sẽ quy về hai dạng với các cách triển khai bài khác nhau. Trong đó, dạng 1 là nghị luận về hiện tượng đời sống (hiện tượng, sự việc xảy ra trong đời sống có tính cấp bách, mang tính thời sự, tác động tới đời sống thường nhật). Ví dụ như hiện tượng bạo lực học đường, nghiện game hoặc các phong trào từ thiện hiến máu nhân đạo, tham gia từ thiện trong đợt dịch Covid-19.
"Đối với dạng bài nghị luận về hiện tượng đời sống, học sinh cần triển khai theo các bước như giải thích khái niệm, nêu biểu hiện, thực trạng vấn đề, lập luận về vai trò, tác động của vấn đề, giải pháp, liên hệ thực tế", cô Trang lưu ý.
Cũng theo cô Nguyễn Thị Thu Trang, dạng bài nghị luận xã hội thường gặp thứ 2 là nghị luận về tư tưởng đạo lý như các vấn đề thuộc về ứng xử, lối sống, phẩm chất, đạo đức của con người trong đời sống hàng ngày. Ví dụ như lòng khiêm tốn, đức tính lạc quan, lý tưởng sống của thế hệ trẻ; hòa bình thế giới, quyền trẻ em...
Với bài nghị luận về tư tưởng đạo lý, cô Trang lưu ý học sinh cần tuân thủ các bước sau: Giải thích tư tưởng, đánh giá về tư tưởng, nêu vai trò ý nghĩa tư tưởng (dẫn chứng), phản đề, bài học nhận thức hành động và liên hệ.
Bên cạnh xây dựng nội dung thì cách trình bày, giáo viên ngữ văn cho rằng, diễn đạt đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên một bài văn nghị luận xã hội hoàn thiện. Trong quá trình giảng dạy, cô Thu Trang cho biết, học sinh thường gặp phải những lỗi trình bày như chưa đúng bố cục, hay sắp xếp ý lộn xộn, triển khai luận điểm thiếu mạch lạc, diễn đạt lan man, dài dòng không đúng trọng tâm. Để khắc phục lỗi này, cô Thu Trang lưu ý thí sinh nên tuân thủ các bước làm bài. Trong quá trình triển khai bài làm, học sinh cần chú ý diễn đạt rành mạch, rõ ý, kết hợp cân bằng giữa lý lẽ và dẫn chứng.
Trong bài văn nghị luận xã hội, cô Thu Trang cũng nhấn mạnh các thí sinh cần tránh việc thiếu dẫn chứng cụ thể, đưa chung chung hay dẫn chứng không tiêu biểu, dẫn chứng chủ quan, cảm tính, không thuyết phục cho luận điểm.
"Để đạt được kết quả tốt nhất cho phần văn nghị luận xã hội, các em cần có sự cân nhắc khi chọn dẫn chứng để đảm bảo về cả số lượng và chất lượng. Các em cũng cần đặc biệt chú ý việc đưa ra dẫn chứng cụ thể, khách quan và có nguồn trích dẫn rõ ràng để tăng hiệu quả cho bài văn nghị luận xã hội", cô Thu Trang nhắc nhở./.
Bài thi Ngữ văn tốt nghiệp lớp 12 phải trúng, đúng, đủ ý, tránh lan man Văn học bắt nguồn từ đời sống xã hội, khi làm văn đừng nghĩ rằng chỉ là những câu từ trên trang giấy mà cần phải đưa nó trở lại với cuộc sống, phục vụ đời sống. Sắp bước vào kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021, để giúp học sinh có phương pháp ôn tập tốt và làm bài...