Ở Việt Nam đang lẫn lộn nhiều thứ trong đào tạo bậc cao đẳng!
“Điều tôi muốn nói là ở Việt Nam đã và đang có sự lẫn lộn trong công nhận giữa trình độ đào tạo với chức danh của người được đào tạo khi ra trường”.
LTS: Để có nguồn nhân lực có khả năng thích ứng với những biến đổi nhanh chóng của thị trường lao động, đáp ứng các yêu cầu của hội nhập quốc tế, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam dành cho Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam một cuộc trao đổi xung quanh việc đào tạo bậc cao đẳng để đưa ra lời cảnh báo.
Phóng viên: Thưa ông, theo thông lệ quốc tế thì cao đẳng là loại hình đào tạo gì? Đứng ở vị trí nào trong hệ thống giáo dục?
Tiên sĩ Lê Viết Khuyến: Theo thông lệ chung hiện nay để đáp ứng hội nhập quốc tế các nước cần tuân theo “Phân loại giáo dục theo tiêu chuẩn quốc tế ISCED -2011″ do UNESCO ban hành năm 2011, có hiệu lực trên toàn thế giới từ 2014, cho tất cả thành viên UNESCO, trong đó có Việt Nam, để xác định trình độ của các chương trình giáo dục và đào tạo cụ thể.
Dựa vào tài liệu này ta có thể xác định được các chương trình giáo dục của quốc gia này, quốc gia kia có tương đương với nhau hay không? Có phù hợp với thông lệ quốc tế hay không?
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến (ảnh: Tùng Dương)
Theo đó, ISCED 2011 được chia thành 9 cấp độ, cụ thể:
Cấp độ 0 là cho giáo dục mầm non.
Cấp độ 1 cho tiểu học.
Cấp độ 2 cho trung học bậc thấp, tách ra theo hai luồng là trung học cơ sở dành cho giáo dục phổ thông và một luồng theo hướng dạy nghề được gọi là sơ học nghề.
Cấp độ 3 cho trung học bậc cao (bên giáo dục phổ thông là trung học phổ thông, còn nhánh theo hướng nghề là trung học nghề).
Cấp độ 4 cho giáo dục sau trung học, nhưng chưa phải đại học.
Cấp độ 5 cho cao đẳng.
Cấp độ 6 cho trình độ cử nhân và tương đương.
Cấp độ 7 cho thạc sĩ.
Cấp độ 8 cho tiến sĩ.
Căn cứ bảng trên có thể thấy các chương trình thuộc hệ cao đẳng – cấp độ đầu tiên của giáo dục đại học- đều thuộc cấp độ 5 theo ISCED-2011 và thường được thiết kế nhằm cung cấp cho nguời học các kiến thức, kỹ năng và năng lực chuyên nghiệp.
Thông thường, những chương trình này có các nội dung định hướng thực hành, gắn với đặc thù nghề nghiệp và chuẩn bị cho người học bước vào thị trường lao động.
Video đang HOT
Tuy nhiên, những chương trình này cũng mở ra con đường chuyển tiếp lên các chương trình giáo dục đại học khác (các cấp độ 6, 7 và 8). Để vào học các chương trình này đòi hỏi người học bắt buộc phải hoàn thành cấp độ 3 (trung học phổ thông hoặc tương đương).
Các chương trình thuộc cấp độ 5 còn có nhiều tên gọi khác nhau, chẳng hạn: chương trình đào tạo thợ cả, hệ cao đẳng, hệ tú tài 2, giáo dục kỹ thuật cấp cao, cao đẳng cộng đồng, hệ đào tạo kỹ thuật kỹ thuật viên hoặc dạy nghề bậc cao…
Cần lưu ý, mỗi cấp độ có các tiêu chí đánh giá bằng số năm học tích lũy, cấu trúc nội dung chương trình … Ở Việt Nam hiện đang còn lẫn lộn quy định này.
Phóng viên: Xin ông nói thêm về sự lẫn lộn đó?
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Nhìn theo chiều dài lịch sử của giáo dục đào tạo Việt Nam có thể thấy thường có sự lẫn lộn giữa các cấp độ đào tạo khác nhau.
Chẳng hạn các trường có thể đào tạo ở cấp độ này, cấp độ khác (thí dụ: sơ học, trung học, cao đẳng, đại học,…) nhưng tên chương trình lại hay được gọi theo chức danh của đối tượng đào tạo (thợ cả, kỹ thuật viên, sơ cấp, trung cấp, cao cấp, …).
Ví dụ, chúng ta đã từng có hệ trung cấp y có thể tuyển học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở để học trong thời gian 3 năm để đạt cấp độ 3, cũng có thể tuyển học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông (cấp độ 3) nhưng cũng yêu cầu thời lượng học kéo dài 3 năm. Điều này cho thấy, trình độ học vấn của người tốt nghiệp của hai đối tượng hoàn toàn khác nhau lẽ ra phải thuộc về các cấp độ khác nhau nhưng trước đây đều gọi chung là trung cấp.
Trong ngành sư phạm, trước khi có Luật Giáo dục năm 2019 thì trình độ chuẩn của giáo viên mầm non, tiểu học là trung cấp sư phạm, trình độ chuẩn của giáo viên trung học cơ sở là cao đẳng sư phạm còn trình độ chuẩn của giáo viên trung học phổ thông là đại học sư phạm. Đến khi Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực thì quy định trình độ chuẩn giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đều là cử nhân.
Hay trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, trước đây đòi hỏi trình độ chuẩn của kỹ thuật viên là trình độ trung học nhưng khoảng 10 năm trở lại đây một số ngành nghề đã nâng nâng chuẩn trình độ đào tạo kỹ thuật viên của mình lên cao đẳng.
Rõ ràng, việc nâng chuẩn trình độ đào tạo cho các chức danh nhân lực lao động cụ thể là cần thiết và phụ thuộc vào trình độ phát triển của khoa học công nghệ và sự phát triển của xã hội và phải được khẳng định tại các văn bản Nhà nước.
Không nhất thiết mỗi loại nhân lực cụ thể chỉ gắn với một trình độ đào tạo mà hoàn toàn có thể gắn với những trình độ đào tạo khác nhau. Do đó không được phép nhầm lẫn để đi tới đồng nhất trong cách gọi giữa trình độ đào tạo với chức danh của nhân lực được đào tạo.
Điều tôi muốn nói là ở Việt Nam đã và đang có sự lẫn lộn trong công nhận giữa trình độ đào tạo với chức danh của người được đào tạo khi ra trường, chính vì vậy dẫn tới cách xây dựng chương trình cũng như cách gọi tên bằng tốt nghiệp không thật chính xác, thậm chí còn phạm những sai phạm rất nghiêm trọng.
Phóng viên: Hậu quả của sự lẫn lộn này có ảnh hưởng đến cơ cấu nhân lực để phát triển đất nước hay không, thưa ông?
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Như tôi đã nói, để đào tạo ra một loại chức danh nhân lực cụ thể nào đó thì có thể trước đây đòi hỏi chỉ đào tạo trình độ trung học nhưng hiện nay do nhu cầu phát triển của xã hội, khoa học công nghệ buộc phải nâng lên trình độ cao đẳng.
Rõ ràng, việc nâng chuẩn trình độ đào tạo này là cần thiết nhưng khi triển khai có 2 điểm cần đặc biệt lưu ý.
Thứ nhất, khi nâng chuẩn trình độ đào tạo lên mà vẫn giữ nguyên tên gọi cũ của cơ sở đào tạo thì sẽ gây thiệt hại cho người học.
Thí dụ, đáng lẽ, người học chương trình đó phải được công nhận đạt cấp độ cao đẳng nhưng nếu vẫn học trong các trường trung cấp thì mọi người vẫn mặc định người đó vẫn tốt nghiệp hệ trung học chứ không phải hệ cao đẳng.
Ngược lại, khi trình độ người lao động chỉ là trung học nghề nhưng nếu cơ quan quản lý lại ồ ạt nâng các trường trung cấp nghề lên thành cao đẳng trong khi chương trình vẫn không thay đổi theo chuẩn thì sẽ dẫn tới tình trạng thí dụ như “tốt nghiệp trung học cơ sở, học 3 năm sẽ có bằng cao đẳng”.
Đây là hiện tượng chạy đua theo danh ảo để rồi tạo ra nguồn lực không tương xứng với trình độ đào tạo, không phù hợp với thông lệ chung của thế giới và hậu quả là nguồn nhân lực của ta sẽ không được thế giới công nhận.
Do đó cần phải làm rõ, khi nâng trình độ học vấn của chương trình đào tạo thì cần song song thực hiện nâng đẳng cấp của trường, cấp độ đào tạo lên để bằng tốt nghiệp phù hợp với trình độ đào tạo. Còn nếu chỉ cố gắng chạy theo “mốt” lên cao đẳng để “câu kéo” người học nhưng không đảm bảo thời gian học và nội dung học thì đương nhiên sẽ đào tạo ra loại nhân lực rởm, gây tổn hại cho uy tín và chất lượng của nguồn nhân lực do chúng ta đào tạo ra.
Thứ hai, thời gian qua có sự nhầm lẫn nghiêm trọng giữa Cao đẳng nghề với Cao đẳng chuyên nghiệp về mục tiêu đào tạo.
Cao đẳng nghề đào tạo nguồn lao động trực tiếp sản xuất nên chương trình có thể có tỷ lệ thời gian học lý thuyết – thực hành khoảng 30:70, nhưng cao đẳng chuyên nghiệp đào tạo ra các kỹ thuật viên thì đòi hỏi phải có tỷ lệ tương xứng giữa thời gian học lý thuyết và thực hành của người học chứ không phải giống như cao đẳng nghề.
Theo thông lệ chung (cả Việt Nam và thế giới) thì Giáo dục nghề đào tạo nhân lực trực tiếp tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, tức là đào tạo thợ và nhân viên, trong khi Giáo dục chuyên nghiệp đào tạo chuyên gia (kỹ thuật viên, cán sự, giáo viên, kỹ sư, chuyên viên, bác sĩ, luật sư,..).
Việc nhầm lẫn mục tiêu đào tạo dẫn tới quy định hợp nhất giữa Giáo dục nghề với Giáo dục chuyên nghiệp để thành cái gọi là “Giáo dục nghề nghiệp” như chỉ đạo vừa qua của Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp dẫn tới thủ tiêu nguồn nhân lực “kỹ thuật viên”, làm méo mó cơ cấu nguồn nhân lực cần cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông.
Rất nhiều nguy cơ đang bủa vây trường cao đẳng sư phạm, đại học địa phương
Hiện nay các trường cao đẳng sư phạm địa phương đang gặp phải những khó khăn rất lớn, có nguy cơ bị giải thể.
Theo Luật Giáo dục 2019 tại các địa phương (Tỉnh/Thành phố trực thuộc Trung ương) hiện chỉ có 2 loại hình cơ sở giáo dục đại học địa phương là trường cao đẳng sư phạm địa phương và trường đại học địa phương (đều do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý).
Các trường cao đẳng khác thuộc Giáo dục nghề nghiệp, do Bộ Lao động,Thương binh và Xã hội quản lý.
Tại Việt Nam, hệ thống các trường cao đẳng sư phạm được hình thành từ rất lâu (gần 60 năm), trực thuộc chính quyền địa phương và được giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở, đáp ứng yêu cầu của địa phương.
Trong khi đó, các trường đại học sư phạm trước đây chỉ đào tạo giáo viên trung học phổ thông và một số năm gần đây mới được giao thêm nhiệm vụ đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở ở trình độ đại học với số lượng hạn chế.
Tuy nhiên, hiện nay các trường cao đẳng sư phạm địa phương đang gặp phải những khó khăn rất lớn, có nguy cơ bị giải thể.
Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục (Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) chỉ ra một số nguyên nhân rằng:
Thứ nhất, do sự thay đổi trình độ chuẩn của giáo viên phổ thông theo Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019 nên chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo giáo viên tiểu học và trung học cơ sở (nguồn tuyển sinh chính của trường cao đẳng sư phạm trước đây) bị cắt chuyển hẳn cho khoảng 10 trường đại học sư phạm trong khi hầu hết các trường này lại chưa có bề dày kinh nghiệm trong việc đào tạo các loại giáo viên đó.
Nhiều năm nay Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh (ảnh: Báo Gia Lai)
Thứ hai, do định hướng quy hoạch hệ thống trường sư phạm của Bộ Giáo dục và Đào tạo nên một số trường cao đẳng sư phạm địa phương đã được sáp nhập vào các trường đại học sư phạm trọng điểm quốc gia.
"Đây là một sự gán ghép khiên cưỡng giữa các trường khác đẳng cấp, gây thiệt thòi lớn cho những trường địa phương có đẳng cấp thấp hơn khi phải chấp nhận tiêu chuẩn của trường đẳng cấp cao hơn trong việc bố trí sử dụng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý", ông Khuyến nói.
Thứ ba, ở một số địa phương trường cao đẳng sư phạm sau khi đã teo tóp do bị cắt giảm nhiệm vụ (chỉ còn đào tạo giáo viên mầm non) có khả năng trở thành một khoa trong trường dạy nghề, chịu sự điều chỉnh theo hướng "nghề hóa" như chỉ đạo hiện nay của Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
Từ các nguyên nhân trên, qua khảo sát thực tế, có thể thấy nguy cơ tiêu vong hệ thống trường sư phạm địa phương -một hệ thống sư phạm đã được xây dựng và tồn tại từ gần 60 năm qua- là rõ ràng.
Còn về các trường đại học địa phương, theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, trong thời gian vừa qua, có một hiện tượng rất đáng lo ngại là xu hướng lãnh đạo ở không ít địa phương đang cố gắng vận động sáp nhập trường đại học của địa phương mình vào một số đại học trọng điểm quốc gia để hy vọng các trường này được trở thành trường thành viên của các đại học đó.
Theo Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đây là một động thái rất nguy hiểm, có thể dẫn đến nguy cơ làm suy yếu nghiêm trọng hệ thống giáo dục đại học đất nước.
Kinh nghiệm thế giới cũng như thực tiễn Việt Nam nhiều năm qua cho thấy một nền giáo dục đại học tốt cần có sự phân tầng, một nền giáo dục đại học phân tầng hoàn toàn không thừa nhận những cơ sở giáo dục đại học chất lượng thấp.
Phân tầng ở đây chỉ có nghĩa là chấp nhận sự đa dạng về sứ mệnh của các trường đại học. Trên thế giới phân tầng giáo dục đại học chủ yếu nhằm 2 mục đích:
Một là, thực hiện sự phân cấp quản lý hợp lý đối với hệ thống giáo dục đại học nhằm khắc phục những hạn chế của một hệ thống giáo dục tập trung cồng kềnh vốn là sản phẩm của thời kỳ tập trung quan liêu bao cấp .
Hai là, mở ra sự công bằng hơn trong giáo dục đại học, tạo thuận lợi cho các vùng miền có mức độ phát triển kinh tế - xã hội khác nhau, nhất là ở những địa phương kinh tế-xã hội còn chậm phát triển, sớm đạt được sự phát triển đồng đều nhờ có nguồn nhân lực trình độ cao bám sát nhu cầu đặc thù của chính địa phương đó, do người dân của địa phương đó có thêm cơ hội thuận lợi được tiếp cận với giáo dục đại học .
Do đó, việc sáp nhập các trường đại học địa phương vào các đại học trọng điểm quốc gia về hình thức theo một số người được xem là một giải pháp quan trọng góp phần nâng cao đẳng cấp và năng lực tài chính cho các trường này (vốn hiện đang gặp khó khăn về nguồn lực huy động) nhưng trên thực tế điều kỳ vọng đó sẽ không đạt được, thậm chí còn làm cho các trường địa phương dễ có nguy cơ bị tiêu vong hơn.
Theo đó, Tiến sĩ Khuyến minh chứng:
Một là, việc đưa trường đại học địa phương trở thành một trường thành viên của đại học trọng điểm quốc gia là một sự hợp nhất khiên cưỡng do hai loại trường này có sứ mệnh khác nhau, chuẩn mực kiểm định khác nhau, cơ cấu trình độ nhân lực khác nhau; nói khác đi, có đẳng cấp khác nhau.
Do đó khi trở thành trường thành viên của đại học trọng điểm quốc gia trường đại học địa phương để được mang thương hiệu đẳng cấp quốc gia thì buộc phải xem xét lại nhiệm vụ của mình, kiện toàn lại trình độ đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý, đổi mới trang thiết bị và cơ sở vật chất, thay đổi lại ngành nghề và chương trình đào tạo, trong khi trường đại học địa phương còn chưa phù hợp trước những thay đổi như vậy.
"Tôi được biết hiện nay trên thế giới không hề có kiểu gán ghép trường như vậy", chuyên gia này nhấn mạnh.
Hai là, trong một đại học đa lĩnh vực trọng điểm quốc gia, các trường thành viên đều là những trường chuyên ngành, trong khi trường đại học địa phương vốn là trường đa lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực đa dạng chủ yếu phục vụ nhu cầu địa phương.
Ba là, khi trường đại học địa phương trở thành thành viên của đại học trọng điểm quốc gia thì sứ mệnh phục vụ nhu cầu đa dạng về nguồn nhân lực trình độ cao cho chiến lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và để giúp cho người dân của địa phương được thêm cơ hội tiếp cận với giáo dục đại học sẽ không còn nữa. Đây là một thiệt thòi lớn cho cộng đồng người dân tại địa phương.
Hiện nay một số tỉnh đang gặp khó khăn trong việc huy động ngân sách hoạt động cho các đơn vị hành chính sự nghiệp công lập tại địa phương , trong đó có các trường đại học địa phương.
Do đó, xuất hiện xu hướng muốn sáp nhập trường đại học địa phương vào các đại học trọng điểm quốc gia để hy vọng các đại học này sẽ hổ trợ giúp nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu khoa học, đồng thời cung cấp ngân sách dồi dào cho các trường đại học địa phương.
Tuy nhiên thông qua thực tế đã và đang diễn ra hiện nay, các trường địa phương đã sáp nhập hầu như không nhận được sự hổ trợ về ngân sách từ các đại học trọng điểm quốc gia trong khi lại phải thay đổi sứ mệnh, chương trình đào tạo, cơ cấu nhân lực ... cho phù hợp với sứ mệnh mới của mình .
Ở một số nơi có tình trạng trường "thành viên địa phương" còn phải có nghĩa vụ đóng góp cho "trường mẹ".
Thực hiện kế hoạch hoạt động của Hiệp hội trong năm 2020, ngày 8/10, thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phối hợp với Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ các trường cao đẳng sư phạm đã tổ chức tọa đàm với chủ đề "Đào tạo, Bồi dưỡng giáo viên và nhiệm vụ của trường cao đẳng sư phạm".
Những điều cần biết về du học Canada Canada là một điểm đến du học phổ biến đối với nhiều sinh viên quốc tế, có thể cung cấp các lựa chọn học tập rẻ hơn so với hầu hết các quốc gia nói tiếng Anh. Quy trình đăng ký du học tại Canada đơn giản hơn và nhiều so với các quốc gia khác và cơ hội để tìm được việc...