Những lưu ý “vàng” khi đăng ký sơ tuyển vào các trường quân đội năm 2021
Trong năm 2021, hệ thống các trường ĐH, CĐ, học viện trong quân đội sẽ thực hiện tuyển sinh theo phương thức sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia để xét tuyển.
Không tuyển sinh 2 ngành trong năm 2021
Ban Tuyển sinh quân sự (TSQS) – Bộ Quốc phòng vừa đưa ra một số hướng dẫn về công tác tuyển sinh vào các trường trong quân đội năm 2021.
Theo đó, đối tượng tuyển sinh đào tạo đại học hệ quân sự gồm: Hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ tại ngũ theo quy định của pháp luật về nghĩa vụ quân sự, có thời gian phục vụ tại ngũ 12 tháng trở lên, tính đến tháng 4 năm tuyển sinh (quân nhân nhập ngũ từ năm 2020 trở về trước); Quân nhân chuyên nghiệp; Công nhân và viên chức quốc phòng phục vụ trong quân đội đủ 12 tháng trở lên, tính đến tháng 9 năm tuyển sinh.
Năm 2021, thời gian tổ chức sơ tuyển sẽ được kéo dài từ 1/3 đến 25/4
Các đối tượng quy định tại mục này, nếu có nguyện vọng đăng ký dự tuyển, các đơn vị tổ chức sơ tuyển, lập hồ sơ sơ tuyển những trường hợp đủ tiêu chuẩn, nộp cho các trường theo đúng quy trình, nhưng phải bảo đảm đủ quân số thực hiện nhiệm vụ và sẵn sàng chiến đấu.
Nam thanh niên ngoài Quân đội (kể cả quân nhân đã xuất ngũ và công dân hoàn thành nghĩa vụ tham gia CAND), số lượng đăng ký dự tuyển không hạn chế.
Với nữ thanh niên ngoài Quân đội và nữ quân nhân: Năm 2021, tuyển 10% chỉ tiêu cho các ngành: Bác sĩ quân y tại Học viện Quân y và các ngành ngoại ngữ tại Học viện Khoa học quân sự; tuyển không quá 6% trên tổng chỉ tiêu vào đào tạo các ngành: Công nghệ thông tin, Điện tử viễn thông, Điện tử Y sinh, Khí tài quang, Địa tin học tại Học viện Kỹ thuật quân sự.
Đối với các ngành được giao tuyển sinh thí sinh nữ, mỗi ngành tuyển ít nhất 2 thí sinh.
Đặc biệt, năm 2021, không tuyển sinh đào tạo ngành Tài chính tại Học viện Hậu cần và ngành Quan hệ quốc tế về quốc phòng tại Học viện Khoa học quân sự.
Vùng tuyển sinh của 17 trường quân độiBộ Quốc phòng cũng đưa ra các lưu ý về độ tuổi của thí sinh, tính đến năm dự tuyển. Cụ thể, với thanh niên ngoài Quân đội từ 17 – 21 tuổi; Quân nhân tại ngũ hoặc đã xuất ngũ và công dân hoàn thành nghĩa vụ tham gia công an nhân dân từ 18 – 23 tuổi.
Về vùng tuyển sinh, Trường Sĩ quan Lục quân 1 chỉ tuyển thí sinh có hộ khẩu thường trú từ tỉnh Quảng Bình trở ra phía Bắc; Trường Sĩ quan Lục quân 2 tuyển thí sinh có hộ khẩu thường trú từ tỉnh Quảng Trị trở vào phía Nam (thí sinh phải có hộ khẩu thường trú tính đến tháng 9 năm dự tuyển, phải đủ 3 năm thường trú liên tục trở lên và có ít nhất năm lớp 12 học và dự thi tốt nghiệp THPT tại các tỉnh phía Nam); xác định điểm chuẩn và chỉ tiêu tuyển sinh theo địa bàn từng quân khu (trong tổng chỉ tiêu của trường), như sau: Quân khu 4 (tỉnh Quảng Trị và tỉnh Thừa Thiên – Huế): 3%, Quân khu 5: 37%, Quân khu 7: 35%, Quân khu 9: 25%.
Học viện Biên phòng tuyển 45% chỉ tiêu thí sinh có hộ khẩu thường trú ở phía Bắc (từ tỉnh Quảng Bình trở ra), thí sinh có hộ khẩu thường trú tại các tỉnh phía Nam được xác định đến từng quân khu: Quân khu 4 (tỉnh Quảng Trị và tỉnh Thừa Thiên Huế): 4 %, Quân khu 5: 14%, Quân khu 7: 17%, Quân khu 9: 20%.
Các học viện : Quân y, Kỹ thuật quân sự, Hậu cần, Hải quân, Phòng không – Không quân và các trường sĩ quan: Chính trị, Pháo binh, Tăng – Thiết giáp, Phòng hóa, Đặc công, Công binh, Thông tin tuyển 65% chỉ tiêu thí sinh có hộ khẩu thường trú ở phía Bắc, 35% chỉ tiêu thí sinh có hộ khẩu thường trú ở phía Nam.
Học viện Khoa học quân sự: Ngành Trinh sát kỹ thuật tuyển 75% chỉ tiêu thí sinh có hộ khẩu thường trú ở phía Bắc, 25% chỉ tiêu thí sinh có hộ khẩu thường trú ở phía Nam; các ngành đào tạo ngoại ngữ: Không phân chia theo vùng miền (thực hiện một điểm chuẩn chung cho cùng một đối tượng thí sinh nam hoặc đối tượng thí sinh nữ trong cả nước).
Trường Sĩ quan Không quân: Không phân chia theo vùng miền, thực hiện một điểm chuẩn chung cho thí sinh nam trong cả nước.
Thí sinh có hộ khẩu thường trú phía Nam được tính từ Quảng Trị trở vào. Thời gian được tính hộ khẩu thường trú phía Nam tính đến tháng 9 năm dự tuyển phải đủ 03 năm thường trú liên tục trở lên và có ít nhất năm lớp 12 học và dự thi tốt nghiệp THPT tại các tỉnh phía Nam.
Ban tuyển sinh quân sự các đơn vị, địa phương lập danh sách những thí sinh có hộ khẩu thường trú phía Nam nhưng không đủ điều kiện được tính điểm chuẩn theo khu vực phía Nam, bàn giao cho các học viện, trường cùng với hồ sơ đăng ký sơ tuyển của thí sinh.
Hồ sơ sơ tuyển cần những gì?
Mỗi thí sinh phải làm 2 loại hồ sơ riêng biệt: 1 bộ hồ sơ đăng ký sơ tuyển do Ban TSQS – Bộ Quốc phòng phát hành, 1 bộ hồ sơ đăng ký dự kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia do Bộ GD&ĐT phát hành. Mẫu biểu hồ sơ sơ tuyển do Ban TSQS – Bộ Quốc phòng phát hành thống nhất như năm 2020.
Về thời gian tổ chức sơ tuyển, Ban TSQS các đơn vị, địa phương cấp tỉnh và tương đương tổ chức triển khai nhiệm vụ công tác tuyển sinh, sơ tuyển năm 2021 xong trong tháng 2 năm 2021. Thời gian tổ chức sơ tuyển từ ngày 1/3 đến 25/4/2021.
Nữ thủ khoa “kép” và ước mơ trở thành cô bộ đội
Mơ ước trở thành một nữ sĩ quan QĐND Việt Nam nên cô gái Nguyễn Thị Thùy (SN 1998, Hải Phòng) không ngừng nỗ lực học tập, rèn luyện để gặt hái thành tích xuất sắc trong học tập.
Ước mơ dẫn lối
Nguyễn Thị Thùy là học viên khóa 27, chuyên ngành Ngôn ngữ Anh của Học viện Khoa học Quân sự. Thùy không chỉ là thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc, mà còn là thủ khoa khối D đầu vào với số điểm 29,25 điểm. Hoàn thành chương trình học tập 4 năm, Thùy được nhận bằng tốt nghiệp vào tháng 8-2020. Em cũng vinh dự góp mặt vào danh sách 88 thủ khoa tiêu biểu của các trường ĐH trên địa bàn Hà Nội được tuyên dương và ghi danh sổ vàng năm 2020.
Nhà ở sát một doanh trại quân đội nên từ những năm tháng tuổi thơ, Thùy đã có ước mơ sau này lớn lên trở thành cô bộ đội. Thùy yêu màu xanh áo lính, ngôi sao vàng lấp lánh trên vai, những buổi bước đều bước của các chiến sĩ, và cả những ca khúc về người lính kiên trung với tình yêu lớn lao với quê hương, đất nước.
Khát khao thực hiện ước mơ ngày càng lớn đã thôi thúc Thùy thi vào Học viện Khoa học Quân sự. Với lợi thế tiếng Anh vượt trội, cô thi đậu vào chuyên ngành Ngôn ngữ Anh của Học viện, thậm chí còn dành luôn danh hiệu thủ khoa đầu vào. Trong 4 năm học tập tại trường, Thùy không ngừng nghiên cứu, học hỏi, tìm tòi để vững vàng về chuyên môn, đồng thời tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của Đoàn, Hội.
Thủ khoa Nguyễn Thị Thùy trong lễ vinh danh Thủ khoa của Hà Nội
Vì theo đuổi chuyên ngành Ngôn ngữ Anh nên Thùy không ngừng trau dồi khả năng giao tiếp, phát âm, học từ mới, ghép câu... Thùy luôn tâm niệm: "Đường đến thành công có thể có bước chân của kẻ lười biếng nhưng không bao giờ có dấu chân của những kẻ yếu đuối". Chính sự quyết tâm ấy đã giúp Thùy luôn cố gắng vươn lên, gặt hái được nhiều thành công trong học tập.
Kết quả học tập trung bình các năm của Thùy đều đạt trên học lực giỏi. Kết quả bảo vệ khóa luận tốt nghiệp đạt 9.7, điểm tốt nghiệp toàn khóa đạt 8.48. Thùy tham gia nghiên cứu khoa học và là chủ biên của 02 đề tài khoa học cấp Học viện. Bên cạnh đó, còn tích cực tham gia hội thao, hội thi do Học viện tổ chức, đạt giải nhất đồng đội trong hội thi Olympic các môn Khoa học Mác-Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh... Với thành tích đạt được, Thùy được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: 03 năm liên tiếp đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua, 03 năm nhận nhiều bằng khen, giấy khen của lãnh đạo cấp trên và của Thường vụ Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện.
Thùy cho biết môi trường Học viện Khoa học Quân sự đã giúp em phát triển được tối đa khả năng của bản thân, trong đó, các thầy cô đã giúp đỡ, khai phá những tiềm năng mà Thùy chưa bao giờ nghĩ đến mình có thể làm được.
Thủ khoa Nguyễn Thị Thùy sẽ cố gắng hết mình để cống hiến cho sự nghiệp phát triển của đất nước Ảnh: NVCC
Nếu khát khao đủ lớn, thành công sẽ mỉm cười
Không chỉ chăm chỉ học tập, Thùy còn luôn chú trọng đến các hoạt động ngoại khóa. Em thường đi đầu trong các hoạt động, phong trào của đơn vị, là thành viên tích cực hoạt động trong CLB tiếng Anh của trường. Thùy chia sẻ tham gia các hoạt động ngoại khó giúp bản thân có thêm nhiều trải nghiệm quý giá, sống năng động, có trách nhiệm và hoài bão hơn. Được sống, học tập trong môi trường quân sự kỷ luật, với lý tưởng cách mạng cao cả, Thùy càng thấm nhuần những giá trị của đức tính siêng năng, giản dị, khiêm nhường, tiết kiệm, đoàn kết với bạn bè, đồng chí. Trong mọi hoạt động, Thùy luôn đề cao tinh thần tập thể, lắng nghe những đóng góp, ý kiến của bạn bè, đồng chí, sẵn sàng giúp đỡ mọi người cùng tiến bộ. Với Thùy, ngôi trường Học viên Khoa học Quân sự chính là ngôi nhà thứ hai đầy ắp tình yêu thương, sự sẻ chia, thắp sáng tinh thần học tập, sự cầu thị, sống có lý tưởng, hoài bão cho những người trẻ.
Trong mắt thầy cô, bạn bè, Thùy là một học trò, một người đồng đội tài năng, bản lĩnh, cá tính, luôn cháy hết mình trong học tập cũng như các hoạt động, chương trình. Chính Thùy đã truyền cho bạn bè nguồn năng lượng sống tích cực, ý chí vươn lên để đạt được những mục tiêu trong cuộc sống. Với các thầy cô, bạn bè, danh hiệu thủ khoa "kép" của Thùy không hề bất ngờ. Đó là thành quả xứng đáng cho những nỗ lực, vươn lên trong quãng thời gian sinh viên của "bông hồng" thép này.
Trở thành thủ khoa kép, Thùy trở thành tấm gương sáng cho các bạn trẻ noi theo. Nữ thủ khoa khuyên các bạn trẻ hãy tự tin thực hiện ước mơ của mình. Sẽ có những lúc mệt mỏi, áp lực nhưng hãy luôn nhớ lý do mình bắt đầu để bước tiếp. Nếu khát khao đủ lớn thì chúng ta sẽ vượt qua mọi trở ngại để chạm đến ước mơ. Khi ấy, thành công chúng ta gặt hái được sẽ ngọt ngào hơn rất nhiều lần.
Vậy là ước mơ của cô gái đất Cảng đã trở thành sự thật. Em đã trở thành một nữ sĩ quan của QĐND Việt Nam với một tương lai rộng mở nhưng cùng nhiều thách thức. Kết thúc một hành trình này thì một hành trình mới sẽ mở ra và Thùy sẽ luôn dùng sự bản lĩnh của một người lính để chinh phục những thử thách mới. Cho dù có nhiều khó khăn, vất vả trên con đường đi ấy, Thùy tự tin mình sẽ vượt qua. Thùy hy vọng trong tương lai, mang xứ mệnh của một người lính, em sẽ cống hiến hết mình cho sự nghiệp phát triển của Quân đội, của đất nước.
Trong học tập, Thùy luôn đặt mục tiêu rõ ràng ngay từ ngày bước chân vào giảng đường ĐH. Em hướng đến phương pháp học chủ động, sáng tạo, học đến đâu nắm chắc đến đó. Thùy thường soạn bài kỹ lưỡng trước khi lên lớp, chú ý nghe thầy cô giảng bải, ghi chú đầy đủ những điều thầy cô nhấn mạnh, nếu chưa hiểu rõ, em mạnh dạn đề nghị thầy cô giảng lại.
Xét tuyển khối ngành quân đội 2021: Tránh 'trượt' do không đọc kỹ yêu cầu Dưới đây là lưu ý về quy định tuyển sinh và những điều cần biết về tuyển sinh đại học, cao đẳng của một số trường khối ngành quân đội. Học viện Phòng không - Không quân (Bộ Quốc Phòng) cho biết trong các phương thức xét tuyển sẽ có những tiêu chí phụ mà học sinh cần phải đọc kỹ đề án...