Nữ sinh Hải Dương tiết lộ bí quyết săn được nhiều học bổng toàn phần quốc tế
Vốn là học sinh chuyên Anh, nữ sinh Tạ Hoàng Trang luôn muốn tìm kiếm cơ hội và thử thách bản thân, “chọn đi du học để trải nghiệm môi trường mới”.
Quyết tâm du học từ ước mơ dang dở của bố
Nữ sinh Tạ Hoàng Trang (sinh năm 2003, học sinh trường Trung học phổ thông Chuyên Hưng Yên) đã xuất sắc nhận được học bổng toàn phần của các trường đại học quốc tế “top” đầu, đến từ các quốc gia: Romania, Tây Ban Nha, Indonesia, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và một số trường đại học quốc tế tại Việt Nam.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có mẹ làm công nhân, bố làm tại hợp tác xã nơi làng quê nhỏ bé thuộc xã Toàn Thắng (Kim Động, Hưng Yên), Hoàng Trang sớm đã tự ý thức được tầm quan trọng của việc học, mong muốn có cơ hội để trải nghiệm trên nhiều chuyến hành trình.
Nhận thức được điều kiện của gia đình, nữ sinh cũng xác định con đường đi du học của bản thân sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với bạn bè đồng trang lứa.
Nữ sinh Tạ Hoàng Trang đạt nhiều học bổng toàn phần của trường đại học quốc tế. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Nhắc đến niềm đam mê với môn Anh văn, nữ sinh không ngần ngại chia sẻ: “Bố mẹ không hề định hướng gì, mà bản thân em nhận thấy mình có năng khiếu. Và ngay từ những năm học trung học cơ sở, bản thân em đã có hứng thú với môn học này. Còn bố mẹ, luôn tạo điều kiện và đồng hành trên quãng đường học tập một ngôn ngữ mới là sống thêm một cuộc đời mới.
Ngoài những giờ học ở trường, em thường tham gia các lớp học tiếng Anh miễn phí, tự làm đề, luyện đề, tranh thủ thời gian ở nhà, đồng thời, thử sức bản thân ở các cuộc thi vượt cấp. Đối với em, những giờ học tiếng Anh là giây phút tuyệt vời nhất, vì khi đó, em được là chính mình…”.
Cô học trò 18 tuổi cũng tỏ ra rất hiểu chuyện: “Ngay từ nhỏ, em đã được nghe những lời thủ thỉ của bố, động viên em chăm chỉ học tập, vì ngày trước, hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, nên bố không có cơ hội đi học đại học, đã rất thiệt thòi…
Có lẽ, chính ước mơ dang dở vào đại học của bố đã trở thành động lực để em càng quyết tâm “dùi mài kinh sử”.
Mặc dù, em biết chắc chắn rằng, con đường đi du học của em cũng sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với bạn bè đồng trang lứa”.
Tận dụng khoảng thời gian nghỉ dịch ở nhà, Tạ Hoàng Trang đã trang bị cho mình khối lượng kiến thức nền tảng vững vàng, đạt điểm số IELTS 7.5 chỉ trong hơn hai tháng.
Với nữ sinh, đây là khoảng thời gian áp lực và căng thẳng nhất của bản thân khi vừa cân bằng việc học trực tuyến, tham gia hoạt động ngoại khóa và hoàn thiện hồ sơ đăng ký nhận học bổng.
Hoàng Trang tâm sự: “Em học ở trường chuyên, phải xa nhà, những lúc khó khăn bản thân bị áp lực về mọi thứ cũng là lúc em tự trấn an mình. Em không muốn lan tỏa năng lượng tiêu cực đến mọi người, đặc biệt là người thân nên em đã chọn tâm sự với bạn cùng phòng, đọc sách và nghe nhạc”.
Video đang HOT
Nữ sinh năng nổ tham gia hoạt động ngoại khóa, vì cho rằng đó là những trải nghiệm quý giá cho bản thân. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
“Gạch đầu dòng” về những dự định tương lai
Nữ sinh 18 tuổi tự nhận mình vốn là người hướng ngoại và đam mê sáng tạo, lại định hình con đường riêng cho bản thân từ khá sớm nên tích cực tham gia hoạt động ngoại khóa. Nhờ vậy, Trang đã hoàn thiện các kỹ năng mềm cho bản thân ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Không chỉ tập trung vào học tập, nữ sinh còn được bạn bè biết đến với thành tích đáng nể trong hoạt động ngoại khóa.
Mới 18 tuổi, nhưng cô học trò năng động đã có rất nhiều trải nghiệm, trở thành Phó Chủ tịch câu lạc bộ Reporter của trường, là học viên của Trại hè Toán và Khoa học (MaSSP 2019) và trở thành thực tập sinh trẻ nhất tại Ivy Prep Education (đơn vị cung cấp chương trình du học, học bổng Mỹ) đồng sáng lập dự án IVYMUN nằm trong chiến dịch của công ty.
“Em vẫn luôn tâm niệm, cơ hội chia đều và đến với tất cả mọi người, và để chạm đến thành công, trước tiên, mình phải dám thử và có trách nhiệm với mục tiêu của bản thân.
Đứng trước mọi tình huống, mọi cơ hội, chỉ suy nghĩ không thì không đủ, mà mình phải kết hợp vừa suy nghĩ và vừa hành động.
Vì lẽ đó, em chưa bao giờ có suy nghĩ rằng “việc này khó quá mình không làm được”, mà luôn luôn là “I can do it!”. Đó là “thần chú” để tiến bước…”, nữ sinh chia sẻ.
Mỗi hoạt động ngoại khóa mà Hoàng Trang tham gia đều hướng đến đam mê, chuyên ngành sau này theo học.
Nữ sinh cởi mở chia sẻ: “Những hoạt động em có cơ hội được trải nghiệm, được thử sức đều “vừa vặn” với chính con người của mình và với chính hồ sơ xin học bổng sau này. Sự nỗ lực và cố gắng của em sẽ không thể trọn vẹn nếu không có sự giúp đỡ của mọi người”.
Hoàng Trang luôn nỗ lực tìm kiếm con đường riêng. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Trước khi nhận được kết quả học bổng của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và trở thành sinh viên ngành Quản trị kinh doanh (Trường Đại học Anadolu University), Tạ Hoàng Trang đã nhận được học bổng toàn phần đến từ các nước: Romania, Tây Ban Nha, Indonesia, Thái Lan, từ Fullbright Việt Nam.
Việc đăng ký hồ sơ nhận học bổng của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ là một điều quý giá khi cô nàng đã đợi hơn nửa năm để có thể nhận kết quả học bổng.
Thông tin về học bổng không được công khai nhiều trên mạng, càng khiến cho cô học trò lo lắng và hoang mang, nhưng rồi, cô lại bật cười: “Tại sao cơ hội đến mà mình không thử?!”.
Xác định con đường riêng cho bản thân cũng là lúc Hoàng Trang “gạch đầu dòng” về những dự định trong tương lai: “Em luôn suy nghĩ nếu bản thân mình không có định hướng, không vạch ra con đường đi trong những ngày tháng tiếp theo thì đường đến mục tiêu sẽ chậm và lâu hơn rất nhiều”.
Nhớ lại khoảng thời gian hoàn thiện hồ sơ học bổng, nữ sinh tâm sự: “Hành trình đi tìm học bổng du học rất khó khăn, đặc biệt sẽ càng khó khăn hơn với một học sinh đến từ “trường làng” như em.
Nhiều lúc bản thân em còn không biết mình nên làm gì tiếp theo để hoàn thiện mục tiêu mà mình đã đề ra… Những lúc như vậy, em lại tự đặt câu hỏi cho chính mình: “Liệu mình có nên tiếp tục hay không?”. Rồi từ đó, lại tìm được câu trả lời ngay tắp lự…”.
Sẽ có cơ hội gắn bó với đất nước Thổ Nhĩ Kỹ 5 năm, song, hiện tại Hoàng Trang chưa nghĩ tới việc sẽ ở lại “đất nước thảm bay” mà cho biết, cô luôn tìm kiếm cơ hội tốt nhất cho bản thân. “Sau này, ở Việt Nam có cơ hội tốt, em sẽ trở về làm việc và cống hiến hết mình”, Trang khẳng định.
Hoàng Trang nhắn nhủ đến các bạn học sinh chuẩn bị đứng trước “ngưỡng cửa” đại học trong năm học tiếp theo: “Chọn lọc và tiếp thu những điều tích cực và phù hợp với bản thân. Việc tìm cơ hội không khó nhưng nắm bắt cơ hội mới là điều quan trọng!”.
Nữ sinh 19 tuổi giành học bổng du học Mỹ
Mặc dù mới 19 tuổi nhưng Ánh Tuyết đã viết 2 bài báo đăng trên tạp chí khoa học quốc tế. Nhờ có thành tích xuất sắc, nữ sinh nhận được học bổng toàn phần tại Đại học Minerva (Mỹ).
Ánh Tuyết khi học THPT đã là nhà sáng lập của Road to Fulbright University Vietnam.
Vươn lên trong cuộc sống
Nguyễn Thị Ánh Tuyết, cựu học sinh chuyên Anh, Trường THPT chuyên Nguyễn Chí Thanh (tỉnh Đắk Nông) sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông. Bố mẹ Tuyết tần tảo sớm hôm để lo cho 3 chị em Ánh Tuyết ăn học. Hiểu được sự khó khăn của gia đình, Ánh Tuyết luôn cố gắng trong học tập để đạt được học bổng, đỡ đần bố mẹ.
Sau khi tốt nghiệp THPT, nhờ thành tích học tập xuất sắc của mình, Ánh Tuyết nhận được học bổng tại Trường Đại học Kinh tế TPHCM. Tuy nhiên, kết thúc học kỳ I, em nhận được học bổng toàn phần tại Đại học Minerva (Mỹ) nên quyết định dừng việc học tập tại Việt Nam.
Ánh Tuyết chia sẻ: Là học sinh chuyên Anh, em thường xuyên tham gia các hoạt động xã hội và làm quen với du học sinh Việt Nam đang theo học tại Đại học New York Abu Dhabi (UAE).
Tháng 4/2020, được một người bạn giới thiệu, Ánh Tuyết biết đến nhóm giáo sư đang thực hiện dự án nghiên cứu về Covid-19 cần tuyển trợ lý là sinh viên, thạc sĩ cùng thực hiện nghiên cứu.
Mặc dù đang học lớp 12 nhưng Tuyết đã viết thư cho nhóm nghiên cứu bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình. May mắn, sau một thời gian Tuyết được nhận làm trợ lý và niềm đam mê nghiên cứu khoa học cũng bắt đầu từ đây. Trong quá trình làm trợ lý, Tuyết có thêm nhiều kinh nghiệm và được định hướng trong việc nghiên cứu khoa học.
Đến tháng 10/2020, Ánh Tuyết nghiên cứu độc lập, sau đó 2 tháng có bài báo khoa học đầu tiên "Đặc khu kinh tế về truyền thông Twofour54: Thúc đẩy ngành truyền thông ở quốc gia kiểm duyệt cao".
Sau đó, nữ sinh trường chuyên tiếp tục nghiên cứu và hoàn thành tác phẩm thứ 2 trong 20 ngày. Bài báo khoa học này, Ánh Tuyết và 1 sinh viên đồng tác giả "Nghiên cứu sơ bộ về thái độ xã hội đối với sự tham gia của trí tuệ nhân tạo vào giáo dục kiến thức Thiên Chúa giáo ở Việt Nam: Thúc đẩy công nghệ trí tuệ nhân tạo cho giáo dục tôn giáo".
Ánh Tuyết cho hay: Khi gửi bài báo thứ 2, em khá lo lắng vì chưa nhận được phản hồi. Tuy nhiên, sau gần 50 ngày, bài báo của nữ sinh 18 tuổi được xuất bản. Bởi vấn đề nghiên cứu của Tuyết rất mới nên phải mời thêm 3 giáo sư để xem xét.
Khi đang học 12, Ánh Tuyết (bên trái) đã có 2 bài báo được đăng trên tạp chí khoa học quốc tế.
Đưa nghiên cứu khoa học đến gần mọi người
2 bài viết được đăng tải, Ánh Tuyết là tác giả nhỏ tuổi nhất trong lịch sử của 2 tạp chí khoa học quốc tế là Religions (thuộc Scopus Q1) và tạp chí Journal of legal, Ethical and Regulatory Issues (thuộc Scopus Q2).
Ánh Tuyết cho hay, vào năm 2019 em đã biết đến Trường Đại học Minerva (Mỹ). Khi đó em rất yêu thích và mong muốn sau này được học tập tại trường. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu thì tỉ lệ chấp thuận của trường quá thấp khiến em hơi e ngại. Nhưng sau một thời gian tích lũy kiến thức và trải nghiệm, em quyết định tham gia kì thi đánh giá ứng viên. Sau 8 ngày nộp hồ sơ, Ánh Tuyết nhận được giấy báo trúng tuyển của Đại học Minerva.
Nữ sinh tâm sự, khi em quyết định sang Mỹ để học ngành kinh tế, bố mẹ cũng khá bất ngờ, xen lẫn lo lắng. Bởi sức khoẻ của em khá yếu. Bên cạnh đó, hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ lo cho Ánh Tuyết một thân, một mình bên nước bạn.
Tháng 8 này Tuyết sang Mỹ để học năm đầu tiên. 3 năm sau đó em sẽ theo học tại 6 quốc gia khác nhau. Để chuẩn bị hành trang và trau dồi thêm học thuật trước khi du học, Ánh Tuyết đang làm việc tại một công ty về giáo dục tại TPHCM.
"Hiện em cố gắng ăn uống để có sức khoẻ tốt nhất khi đi du học. Bên cạnh đó, em cũng dành nhiều thời gian hơn cho gia đình mình, để bố mẹ bớt lo lắng. Bên cạnh đó, em đang triển khai một dự án, đào tạo ra những người dẫn đầu. Khi đó, mỗi người dẫn đầu sẽ tạo ra một dự án khác nhau, sẽ có sức ảnh hưởng lớn hơn để có thể giúp đỡ nhiều học sinh khó khăn", Ánh Tuyết chia sẻ.
Nói về mục tiêu sắp tới của mình, Ánh Tuyết cho biết: Sau khi hoàn thành chương trình đại học, em dự định trở thành nghiên cứu sinh và tham gia vào lĩnh vực kinh tế. Bên cạnh đó, em tiếp tục học thêm khoảng 6 năm hoàn thành tiến sĩ.
"Khi còn ngồi trên ghế nhà trường em mong muốn mình trở thành giáo viên để dạy học, hỗ trợ cho các em học sinh. Tuy nhiên, sau khi học xong đại học tại Mỹ em sẽ tiếp tục học lên tiến sĩ kinh tế. Khi đó em có thể triển khai các dự án đến nhiều khu vực khác nhau. Có thể hỗ trợ nhiều học sinh, sinh viên tiếp cận gần hơn với nghiên cứu khoa học. Bởi em mong muốn mọi người đều có thể đọc, hiểu và ứng dụng thực tế từ nghiên cứu khoa học", Ánh Tuyết chia sẻ.
Cô Nguyễn Thị Phượng - giáo viên chủ nhiệm của Ánh Tuyết tại Trường THPT chuyên Nguyễn Chí Thanh nhận xét: Ánh Tuyết là học sinh giỏi và luôn cố gắng, nỗ lực trong học tập. Nhờ thành tích học tập xuất sắc, trong 3 năm học THPT Ánh Tuyết đều nằm trong đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia.
Khi còn học tập tại Trường THPT chuyên Nguyễn Chí Thanh (tỉnh Đắk Nông), Ánh Tuyết là nhà sáng lập của Road to Fulbright University Vietnam. Sau này trở thành trang tuyển sinh chính thức của Đại học Fulbright Việt Nam.
Ông bố Hà Nội bật mí loạt tips "nhỏ mà có võ" giúp các em học sinh trung học vượt vũ môn thành công, chinh phục học bổng toàn phần Singapore Theo anh Phương, vòng phỏng vấn là nơi các bạn thể hiện bản thân mình là "Phiên bản giới hạn" chứ không phải từ một lò luyện nào bước ra, vì thế, cần lưu ý những vấn đề sau. Được đánh giá thuộc top 10 học bổng giá trị nhất ở khu vực Châu Á, chương trình học bổng ASEAN / A*STAR của...