Nữ kỹ sư Việt được ba “ông lớn” Google, Facebook và Adobe mời làm việc
Trước khi trở thành nữ kĩ sư phần mềm làm việc tại Google Mỹ, Thái Ngọc Diễm Phương đã nhận được lời mời từ hai “ông lớn” khác là Facebook và Adobe.
Với xuất phát điểm bình thường, Thái Ngọc Diễm Phương đã từng bước đi đến thành công ấn tượng.
Sinh viên năm nhất làm bài tập lớp 6
Diễm Phương đã bắt đầu học Công nghệ thông tin từ con số 0.
Thái Ngọc Diễm Phương là cựu sinh viên chuyên ngành Kĩ thuật phần mềm, ĐH FPT. Những năm đầu đại học, Phương được xếp vào một lớp có những sinh viên giỏi, hầu như các bạn học đều là học chuyên Toán, Tin.
Thời gian đầu, Phương đã không theo kịp lớp học. Gần đến ngày thi vẫn không hiểu bài, cô đành cầu cứu một người bạn học đã học chuyên Tin từ những năm cấp 2. Chàng sinh viên đó đã “quăng” cho cô cuốn bài tập lập trình từ hồi lớp 6 của mình và bảo cô giải các bài trong đó.
May mắn, từ những kiến thức cơ bản này, Phương đã xây dựng được nền tảng vững chắc về sau.
Diễm Phương cũng nhận được sự động viên lớn lao đến từ gia đình. Đã có những lần người xung quanh khuyên cha mẹ Phương không nên cho cô học công nghệ thông tin, nói rằng: “ Con gái học IT làm gì, vừa khô khan, vừa vất vả” . Dẫu vậy, cha mẹ để cho Phương quyền quyết định con đường của mình. Mẹ cô đã nói: “Cuộc đời là của con, con phải tự quyết định. Sau này con có hối hận thì cũng là do bản thân mình. Ba mẹ lúc nào cũng ủng hộ con”.
Có gia đình và bạn bè luôn ủng hộ, Thái Ngọc Diễm Phương từ một cô gái không có nền tảng bắt đầu học công nghệ thông tin đã có thể vững vàng vượt qua nhiều giới hạn của bản thân.
Giành học bổng Đại học Stanford nhờ bài luận ví mình như cây “tầm gửi”
Sau khi tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại giỏi, Diễm Phương đi trao đổi sinh viên tại Nhật Bản. Tại đây, Phương đã tạo ấn tượng với các giáo sư bằng sự ham học hỏi và chăm chỉ. Không ít lần Phương “bám đuôi” thầy cô để hỏi về những vấn đề mình thắc mắc.
Cô gái Việt cũng hỗ trợ các thầy hướng dẫn thực hành cho sinh viên trong môn lập trình ngôn ngữ Java. Nhờ vậy, các giáo sư đã đánh giá cao và viết thư tiến cử cho Phương xin học bổng Thạc sĩ.
Video đang HOT
Bằng sự nỗ lực của mình, Diễm Phương đã được các giáo sư Nhật Bản đánh giá cao
Khi xin học bổng, Phương đã viết bài luận kể về câu chuyện lạc lõng giữa bao người giỏi khi bước chân lên đại học và cú sốc đầu đời khi lên đại học mà phải làm bài tập lớp 6. Đến vòng phỏng vấn, trước hội đồng giám khảo quốc tế, Phương tạo ấn tượng bằng cách so sánh mình với cây tầm gửi, gặp đúng môi trường sẽ vươn lên xanh tốt và mạnh mẽ hơn bất kì loại cây nào khác.
Với sự tự tin và niềm tin vào ý chí của bản thân, Phương đã chứng tỏ cho giám khảo thấy khả năng vượt lên chính mình và tinh thần sẵn sàng cống hiến cống hiến. Kết quả là, nữ sinh này đã nhận được học bổng toàn phần của Đại học La Trobe (Úc) và Đại học Stanford (Mỹ).
Khi biết tin, Phương không khỏi ngỡ ngàng. Cô chia sẻ: “Mình chỉ kì vọng vào La Trobe thôi nên khi được cả Stanford trao học bổng, mình bất ngờ lắm” . Diễm Phương đã chọn Đại học Stanford – một trong những đại học hàng đầu nước Mỹ là điểm đến tiếp theo cho con đường học vấn của mình.
Bắt đầu cuộc sống ở một vùng đất mới, đây vừa là cơ hội vừa là thử thách cho bản thân Phương. Cô đã học được nhiều điều, trải nghiệm nhiều công việc mà trước đây chưa từng thử qua.
Có lần bị ốm, Phương không nói với gia đình vì sợ ba mẹ lo lắng, cũng không dám đi khám bác sĩ. “Mình lên mạng tìm qua các triệu chứng, “chị Google” kết luận là “ung thư”. Sợ quá nên mình đành phải tìm đến phòng khám của trường. May mà chỉ là cảm nhẹ”, Phương kể lại.
Cuộc sống du học ở Mỹ đã khiến Diễm Phương trưởng thành hơn.
Phương chia sẻ, cuộc sống khắc nghiệt ở Mỹ đã tôi luyện cho cô trở nên tự lập và trưởng thành hơn rất nhiều: “Ở Việt Nam, cái gì cũng có cha mẹ giúp nên mình chỉ biết học và học. Sang đây, nhổ cỏ, làm vườn, lắp bàn ghế giường tủ, cái gì cũng tự làm hết, riết thấy mình đa-zi-năng ghê luôn. Sống trong môi trường mọi người đều nỗ lực, chỉ cần đứng lại là đã tụt xa so với mọi người rồi, nên mình chỉ có một con đường là cố gắng, cố gắng và cố gắng nhiều hơn nữa”.
“Thành tựu tự hào nhất là có thể tự đứng trên đôi chân của mình”
Học bổng của ĐH Stanford mở ra cho Diễm Phương cơ hội bước chân vào thung lũng công nghệ Silicon và các tập đoàn quốc tế. Cô nhận được lời mời làm việc từ Google, Facebook và Adobe. Trước ba lời mời làm việc hấp dẫn từ các “ông lớn”, Phương đã chọn tập đoàn Google vì cô nhận thấy nơi đây sẽ cho cô nhiều cơ hội học hỏi hơn.
Với cô gái Việt Nam, khó khăn lớn nhất khi làm việc trong môi trường quốc tế chính là sự khác biệt văn hóa. Do Google có nhiều nhân viên đến từ khắp nơi trên thế giới nên mỗi người cần có sự khéo léo trong khi làm việc nhóm.
Phương chia sẻ kinh nghiệm cá nhân của mình: “Nếu làm việc với các bạn Âu – Mỹ thì ta có thể thoải mái tranh luận. Với các bạn châu Á, khi cần góp ý ta nên nhẹ nhàng. Các bạn Ấn Độ thường hơi gay gắt thì ta nên thể hiện qua kết quả công việc, không tranh chấp. Nhìn chung, mọi người đều rất nhiệt tình và ta có thể học hỏi từ họ nhiều điều” . Theo Phương, để làm tốt công việc thì ” đừng ngại hỏi khi mình không biết “.
Diễm Phương luôn cố gắng đầu tư kiến thức, kĩ năng để có thể làm được những điều mới mẻ hơn trong tương lai.
Dù làm việc trong những doanh nghiệp lớn với tầm cỡ quốc tế như vậy, Phương vẫn cảm thấy mình đang còn nằm trong vùng an toàn của bản thân. Cô luôn cố gắng đầu tư kiến thức, kĩ năng để có thể làm được những điều mới mẻ hơn trong tương lai.
Tháng 10/2020, Diễm Phương cùng 50 kĩ sư phần mềm người Việt đang làm việc tại nhiều nơi trên thế giới đã làm ra website cứu hộ miền Trung. Trang web đã trở thành cơ sở dữ liệu quan trọng lúc bấy giờ về dữ liệu cứu hộ cứu nạn cho miền Trung Việt Nam với hơn 1,5 triệu lượt truy cập, 2.500 tình nguyện viên, gần 2.000 ca cứu hộ được thực hiện.
Tại Olympic Tokyo 2020, Diễm Phương đã đăng ký và trở thành Ban tổ chức, làm các công việc quản lý nhân sự của thế vận hội. Theo cô, những công việc này có vẻ không liên quan đến chuyên ngành nhưng lại mang đến cho Phương nhiều kinh nghiệm quý giá.
Luôn thả mình vào những thử thách, trải nghiệm mới chính là cách Thái Ngọc Diễm Phương định nghĩa thành công cho mình.
Học tập và làm việc ở xa quê hương, đã nhiều lần Phương trăn trở về việc quay về nước. Cô là con một trong gia đình, ba mẹ cũng đã có tuổi. “Cứ nhẩm tính một năm gặp được ba mẹ mấy ngày thì thời gian còn ở bên ba mẹ sẽ được bao lâu là mình lại muốn bỏ hết để về nhà”, Phương bùi ngùi.
Khi được hỏi về điều bản thân tự hào nhất, Phương đã trả lời: “Thành tựu tự hào nhất mà mình đạt được cho đến hiện tại là có thể tự đứng trên đôi chân của mình, có thể lo cho ba mẹ và dùng kĩ năng của mình đóng góp cho xã hội”.
Cô nghĩ rằng, mọi giải thưởng hay thành tích đều chỉ là nhất thời, có thể lúc đạt được thì rất vui, sau cũng phai nhạt. “Lúc nào cũng có người giỏi hơn mình, nên không cần phải quá quan trọng thành tích. Chỉ cần mình của ngày hôm nay là phiên bản tốt hơn mình của ngày hôm qua là được rồi” , Diễm Phương chia sẻ.
Chàng trai nhút nhát trưởng thành từ trải nghiệm SV
"Lăn lộn" trong các trải nghiệm thời đại học, chàng sinh viên nhút nhát hướng nội ngành CNTT đã lột xác ngoạn mục để tự tin và được tuyển dụng thẳng ngay sau khi tốt nghiệp, không phụ công sức định hướng của mẹ.
Mẹ dày công chọn ĐH trải nghiệm mong con "lột xác"
Hoàng Văn Thắng là con trai đầu của cô Minh Huệ (Giáo viên, TP Vinh, Nghệ An). Cậu học giỏi, có năng khiếu Tin học ở bậc phổ thông, nhưng tính cách khá nhút nhát. Học ĐH sẽ là cơ hội đầu tiên cô Huệ để con bước vào cuộc sống tự lập, cô mong muốn ngoài tập trung học hành, cậu con trai có phần nội tâm của mình sẽ được học ở trường học nhiều trải nghiệm, được nhiều bạn bè "rủ tham gia các hoạt động" cho dạn dĩ, tự tin hơn.
"Gia đình chăm chút và bao bọc suốt thời phổ thông khiến con nhút nhát, vốn sống ít. Lên ĐH, phải sống xa nhà nhưng mình quyết dằn lòng, động viên để con tự khám phá, va vấp với cuộc sống." Cô Huệ chia sẻ.
Để tâm đến việc tìm môi trường vừa giúp con học tốt vừa giúp con bước ra khỏi vỏ bọc nhút nhát của mình, cô Huệ tốn không ít tâm sức. "Trong quá trình con chọn trường, mình và con từng tham quan môi trường học tập ở một số trường khác nhau. Mình quan tâm đến những ngôi trường có nhiều hoạt động trải nghiệm, sự kiện sinh viên. Nhìn các bạn SV năm 2, năm 3 năng động, tự tin, tham gia sự kiện nhiệt tình, mình mong con trai cũng được như các anh chị khóa trên."
Cuối cùng, Thắng chọn học Kỹ thuật phần mềm của ĐH FPT. Động viên con ngoài giờ học tích cực tham gia các hoạt động sự kiện của trường, cô Huệ tin rằng trải nghiệm ở ĐH sẽ cho con mình nhiều vốn sống, kỹ năng thực tế hữu ích.
Tích cực trải nghiệm, có bản lĩnh được tuyển dụng ngay sau tốt nghiệp
Thắng (áo kẻ caro) tham gia thuyết trình cho sản phẩm của nhóm mình trong Hội nghị Sinh viên Nghiên cứu Khoa học FPT Edu 2019
Ở ĐH FPT, Thắng cũng như các sinh viên khác được trải nghiệm nhiều hoạt động xoay quanh 6 nhóm trải nghiệm cốt lõi: trải nghiệm công nghệ, trải nghiệm các hoạt động và khóa học kỹ năng thế kỷ 21, trải nghiệm văn hóa Việt Nam và văn hóa Á Đông, trải nghiệm các xu thế xã hội và văn hóa tương lai, trải nghiệm thế giới đa văn hóa. Hơn 40 CLB với hàng trăm hoạt động sự kiện mỗi năm chờ đón sinh viên ĐH FPT tham gia.
Mới vào trường, Thắng nhìn các CLB Guitar, CLB Vovinam hay văn hóa Nhật Bản mà "mê lắm". Nhưng cậu học trò thành Vinh khi ấy chưa dám tham gia, chỉ len lén đăng ký thành viên CLB Kỹ sư cầu nối Nhật Bản vì "Liên quan đến lập trình, mà cái đấy mình tự tin hơn." Thắng kể.
Trở thành thành viên CLB, sự kiện nào bạn bè cũng kéo Thắng tham gia, có khi chẳng liên quan đến lập trình. "Mình thấy tự tin hơn hẳn, không ngại gặp người lạ hay tham gia vào những công việc mới. Chạy sự kiện, có nhiều khâu tưởng chừng vớ vẩn nhưng cũng thử thách khả năng xoay sở, ứng biến tình huống của mình. Nó cho mình thêm kỹ năng sống, kinh nghiệm và nhiều mối quan hệ bạn bè mà sách vở không dạy được." Thắng chia sẻ.
Một trong những trải nghiệm sự kiện mà Thắng thích nhất ở ĐH FPT đó là tham gia các sân chơi lập trình dành cho sinh viên toàn quốc. Đúng sở trường, được giao lưu với bạn bè cùng sở thích và thoải mái tạo ra những sản phẩm công nghệ theo sáng tạo của mình khiến Thắng hào hứng. Ngoài ra, nam sinh này còn nhiều trải nghiệm mới: "Mình tự học thêm được nhiều kỹ năng sống như là tranh luận thế nào cho thuyết phục, thuyết trình ra sao cho tự tin, hay là đi chợ "Trời" mặc cả kiểu gì để mua được linh kiện tốt và rẻ nhất." Thắng hóm hỉnh kể.
Thắng cùng nhóm phát triển sản phẩm giành giải Nhất tại Hội nghị Sinh viên Nghiên cứu Khoa học FPT Edu 2019
Có vốn sống, khả năng thích nghi, sự tự tin toát ra từ tri thức và kỹ năng, lại thêm thành tích nhiều lần "chinh chiến" các cuộc thi, tốt nghiệp ĐH, Thắng trúng tuyển ngay vào một doanh nghiệp công nghệ lớn với vị trí sở trường. Nhìn lại con trai mình sau 4 năm học và trải nghiệm tại ĐH FPT, cô Minh Huệ xúc động: "Quãng thời gian học ĐH khiến con tự tin, năng động và quyết định đến cả thành công tương lai của con. Đúng là có những thứ sách vở không dạy được, chỉ có thể có được qua khám phá, trải nghiệm."
Ngoài ra, cô Huệ cũng chia sẻ: "Các hoạt động trải nghiệm của sinh viên ĐH FPT đều được thầy cô, cán bộ theo sát hỗ trợ nên mình yên tâm rằng con luôn có trải nghiệm phù hợp, tích cực. Trường có đầy đủ tiện ích: ký túc xá, nhà ăn, khu luyện tập thể thao... trong khuôn viên nên đời sống sinh viên của con lành mạnh, thoải mái lắm."
Sau khi Thắng tốt nghiệp, cô Huệ quyết định cho con trai thứ 2 của mình đăng ký học ở trường của anh với mong muốn nam sinh này cũng có được đời sống sinh viên nhiều trải nghiệm và có quá trình trưởng thành đáng nhớ như anh trai.
Phương thức tuyển sinh của đại học tư thục có tiếng ở Hà Nội Đại học Phenikaa, Thăng Long hay FPT tuyển hàng nghìn sinh viên bằng nhiều phương thức, trong đó ưu tiên thí sinh có chứng chỉ quốc tế. Ảnh minh họa Đại học Phenikaa tuyển 3.760 chỉ tiêu cho 32 ngành và chương trình đào tạo theo ba phương thức, gồm: Xét tuyển thẳng (dự kiến 10% chỉ tiêu), xét theo điểm thi tốt...