Những thầy cô không bục giảng của hơn 200 học sinh mồ côi vì Covid-19 tại Trường Hy Vọng
Dù chưa một lần đứng trên bục giảng, nhưng những thầy cô này vẫn đang ngày đêm âm thầm chăm chút từng bữa ăn, giấc ngủ cho hơn 200 học sinh mồ côi vì Covid-19 tại Trường Hy Vọng (Đà Nẵng).
“Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy!”, câu tục ngữ này có lẽ đang là chủ đề được nói đến nhiều nhất trong ngày hôm nay (20/11), là bài học để nhắc nhở về truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc Việt Nam.
Nhưng, cũng có rất nhiều con người đặc biệt, dù không gắn liền với bảng đen phấn trắng, không trực tiếp dạy chữ cho học trò mà vẫn là thầy, là cô. Và tại trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông Hy Vọng (Đà Nẵng) có những nhà giáo như thế. Họ được xem như những người cha, người mẹ thứ 2 của các em và thường được gọi bằng một danh xưng đặc biệt khác – “giáo viên quản nhiệm”.
Khu nội trú của Trường Hy Vọng.
Học sinh Trường Hy Vọng từ khối 1 đến 12 được tài trợ 100% chi phí ăn học tại trường. Hàng năm, các em được về thăm nhà 3 lần (nhà trường cấp kinh phí đi lại). Người nhà được đến thăm trường 2 lần/năm.
Trường Hy vọng là dự án do ông Trương Gia Bình – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn FPT khởi xướng. Tháng 8/2022 vừa qua, ngôi trường đặc biệt này đã chính thức khai giảng năm học đầu tiên cho hơn 200 trẻ mồi côi vì Covid-19 từ 41 tỉnh, thành trên cả nước về chung sống và học tập. Dự kiến, trong thời gian tới, sẽ có thêm nhiều trẻ được đón về đây.
Cô Lê Thị Châu – Hiệu trưởng Hope School chia sẻ, hiện trường có 20 giáo viên cả khối hành chính và quản nhiệm. Dù các thầy cô với nhiều nhiệm vụ khác nhau và không đứng lớp giảng dạy, nhưng họ lại là những giáo viên thực thụ khi gần gũi với tất cả học sinh, chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ,… và lên các kế hoạch, chương trình trải nghiệm ngoại khóa giúp các em hoàn thiện kỹ năng sống.
Niềm vui của các thầy cô nội trú Trường Hy Vọng là những đứa trẻ tan học về lại chạy ùa vào lòng mình như người thân trong gia đình.
Theo cô Châu, từ sau tết Nguyên đán 2021, lứa học sinh đầu tiên được đón về trường; nhưng trước đó vài tháng, các thầy cô này đã lặn lội khắp 3 miền để vận động, thuyết phục người thân cho con em mồ côi ra Đà Nẵng nhập học. Đến khi đón các em về đây, thầy cô lại tất bật chuẩn bị chỗ ăn, chốn ngủ và chăm lo đời sống sinh hoạt, tinh thần cho lũ trẻ ngoài giờ lên lớp.
“Dạy các con làm người mới thực sự quan trọng. Các em ở Trường Hy Vọng không chỉ cần chữ, mà còn cần tình thương và hơi ấm gia đình. Các thầy cô ở đây đang nhẫn nại, học cách cương, nhu đúng lúc và nỗ lực từng ngày để đồng hành trong vai trò làm bà, làm cha mẹ, anh chị và cả bạn bè để sẻ chia, bù đắp cho các em”, cô Châu tâm sự.
Gắn bó Trường Hy Vọng từ những ngày đầu tiên, dù là trưởng phòng hành chính nhưng hằng ngày cô Vũ Thị Bích Thảo (50 tuổi) không chỉ kiểm tra email, làm các thủ tục giấy tờ mà còn đảm nhận rất nhiều công việc không tên như lo cho lũ trẻ về ăn, mặc, chỗ ngủ, tắm rửa cho các em nhỏ, thậm chí kiêm luôn “bác sĩ tâm lý” cho những học sinh đang ở lứa tuổi “ẩm ương”.
Nhà ở quận Hải Châu nên mỗi ngày, cô Thảo phải dậy từ 5h sáng, chạy xe máy hơn chục km sang khu nội trú của trường tại quận Ngũ Hành Sơn. Điểm đến đầu tiên của cô là vào khu nhà ăn kiểm tra thực phẩm nhập về, thực đơn cho bọn trẻ,…
Rồi có em bị mất sách vở, em thì bị thất lạc đồ cá nhân, em khác cảm thấy không khỏe, chán ăn hay bị bạn trêu chọc,… đều nhờ cô Thảo giúp.
Đặc biệt, nhiều em nhỏ hay khóc vì nhớ nhà, nhớ cha mẹ nên các cô thường phải bầu bạn, tìm mọi cách dỗ dành.
“Giáo viên quản nhiệm” là chức danh đặc thù chỉ một số trường nội trú mới có. Đây là những thầy, cô luôn theo sát và chăm lo đời sống sinh hoạt, tinh thần cho học sinh ngoài giờ lên lớp.
Cô Thảo (áo cam) là người hằng ngày chăm lo chu đáo việc ăn uống cho tụi nhỏ.
Cô Thảo tâm sự, trước khi về Trường Hy Vọng, mình là nhân viên tại một công ty phần mềm. Dù đã mường tượng trước công việc tại nơi nuôi dạy trẻ, tuy nhiên tuần đầu tiếp xúc, cô khá lo lắng vì không biết các con có vượt qua được không.
Video đang HOT
“Hơn 200 học sinh ở nhiều độ tuổi, hoàn cảnh sống cũng không giống nhau nên đòi hỏi giáo viên quản nhiệm phải làm tốt nhiều vai trò; khi là cô giáo, có lúc lại như mẹ, người bạn của các em. Thậm chí có trẻ còn nghiện game, em khác dù lớn vẫn không biết cài nút áo vì trước đây được bố mẹ làm thay, em khác thì cứ đến giờ đi học lại buồn ngủ, em thì tự ti học yếu và lười đến lớp. Nhưng rất mừng là sau một thời gian các em đều tiến bộ rõ rệt”, cô Thảo trải lòng.
Từng tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ nên ngoài “nhiệm vụ” được giao, cô Thảo còn tình nguyện dạy kèm cho những em yếu môn Tiếng Anh sau giờ học chính.
Coi tụi trẻ như con nên niềm vui của cô Thảo cũng giản đơn là được nghe học sinh tíu tít khoe được điểm cao mỗi khi đi học về.
Dù có vẻ ngoài khá lạnh lùng nhưng suốt 8 tháng qua, kể từ ngày về với Hope School, thầy Thân Thiên Thanh (25 tuổi) luôn là địa chỉ tin cậy để các nam sinh có thể tâm sự những câu chuyện về cuộc sống trong thời gian sống xa nhà.
Từng là bộ đội nghĩa vụ tại Sư đoàn Phòng không 375 và quen với lối sống tập thể, sinh hoạt kỷ luật nên các kỹ năng như gấp chăn màn và bài thể dục, ăn ngủ đúng giờ trong quân ngũ được Thanh ứng dụng với học sinh của mình.
Theo quy định, các em nhỏ sẽ có 90 phút sử dụng điện thoại vào ngày cuối tuần, tuy nhiên thầy Thanh cũng linh động “thưởng” thêm 1 giờ nếu em nào hoàn thành tốt các bài tập trong buổi sáng.
“Do học sinh ở đây nhiều độ tuổi khác nhau nên phải có cách ứng xử phù hợp. Với các trẻ nhỏ, tính tập trung chưa cao thì mình phải nói nhỏ nhẹ và hướng dẫn nhiều lần từ cách gấp chăn màn, áo quần, để giày đúng vị trí quy định… để các con dần hình thành thói quen. Riêng với các em lớn hơn phải nghiêm khắc ngay từ đầu, thường xuyên nhắc nhở để các em chuyên tâm vào việc học. Tôi muốn tạo năng lượng tích cực để các em biết sống yêu thương nhau và ngày một trưởng thành, vững vàng hơn”, thầy Thanh chia sẻ.
Thầy Thanh (áo xanh) đang hướng dẫn các nam sinh về nề nếp trong trường.
Các em nhỏ được tập luyện cách gấp gọn chăn, màn như trong quân ngũ, ăn, học, ngủ đúng giờ.
Các thầy cô theo dõi lịch nhóm để phân công việc lao động và vui chơi của các em sau giờ học trên trường.
Buổi tối, các em được học võ hoặc tham gia văn nghệ.
Tại khu nội trú, hơn 200 trẻ mồ côi được sắp xếp thành tiểu đội và trung đội, tách riêng nam, nữ theo từng tầng. Cứ 3 đến 4 em ở nhiều độ tuổi sẽ sống chung một phòng để có thể hỗ trợ nhau. Mỗi tối đều có các thầy cô trực ở từng tầng để nhắc nhở các em ngủ đúng giờ, không làm phiền các bạn khác…
Đúng 5h30′ mỗi buổi sáng, các thầy cô quản nhiệm sẽ đánh kẻng gọi học sinh dậy. Các em sau đó tập hợp dưới sân để tập thể dục bằng việc khởi động và chạy 2 đến 5 vòng quanh khu mình sống, ra vườn tưới rau, lên phòng tắm rửa, ăn sáng. Đến 6h20′, các trung đội lại tập hợp để thầy cô điểm danh trước khi đi học tại hệ thống FPT School.
Tranh thủ thời gian học sinh đến trường, các thầy cô lại đi kiểm tra từng phòng, dọn dẹp, tắt điện nếu các con quên. 16h30′ các em tan học về, các thầy cô theo dõi lịch nhóm nào đi làm rau thì chia lịch để ra vườn; quán xuyến các nhóm khác chơi thể thao, trò chơi dân gian, múa hát, học võ hay đọc sách,… Đúng 18h, tất cả học sinh vào tắm rửa và nửa giờ sau ăn cơm tối.
Việc giúp các em dần quên đi quá khứ buồn, thôi nhớ nhà, chuyên tâm học tập là cả một nghệ thuật giáo dục.
Đúng như tên gọi của ngôi trường, “Hy Vọng” không chỉ là nơi các em được học tập và phát triển toàn diện, mà còn là ngôi nhà tràn ngập tình yêu thương ấm áp dành cho những em nhỏ phải chịu mất mát vì Covid-19.
Hy Vọng – Đó không là câu chuyện ở tương lai, mà ngay hiện tại, những hành động, sự quan tâm, chăm sóc mỗi ngày của thầy cô sẽ thắp lên tin yêu, sức mạnh cho các em trưởng thành.
Khi các em lên phòng, giáo viên quản nhiệm lại phân công nhau dạy kèm vì nhiều em bị hổng kiến thức sau thời gian dài học online và trải qua biến cố gia đình.
Mặc dù làm giáo viên quản nhiệm mới 3 tháng nay, song với tính cách thân thiện, cởi mở nên hiện cô giáo trẻ Lữ Thị Thùy Linh (24 tuổi, quê huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An) đã trở thành người chị, người bạn thân thiết với các em nhỏ tại trung đội nữ từ lớp 1 đến lớp 4.
Là người dân tộc Thái, có kinh nghiệm 7 năm sống nội trú, xa nhà từ lớp 6 để theo đuổi ước mơ làm cô giáo như mẹ và thoát cảnh “con gái đôi mươi đã 2, 3 mặt con” như nhiều bạn ở quê. Sau khi Tốt nghiệp ngành Giáo dục mầm non Đại học Vinh (Nghệ An), Linh trở thành cô giáo tại trường mẫu giáo gần nhà. Tuy nhiên, khi đọc được tin về Trường Hy Vọng, Linh đã nộp hồ sơ ứng tuyển.
“Thấy thương hoàn cảnh các con quá, như em mình ở nhà vậy, nên tôi muốn vào đây làm việc để được chia sẻ cuộc sống với các học sinh kém may mắn”, Linh phân trần về quyết định chuyển việc vào nơi “đất khách quê người”, cách nhà đến hơn 600 cây số.
Linh cho biết thêm, buổi tối là lúc các thầy cô tại Trường Hy Vọng bận rộn nhất, khi vừa làm gia sư, vừa giữ nề nếp cho khu nội trú. Mỗi tầng đều bố trí phòng để các thầy cô có ca trực ngủ lại. Thầy ngủ ở khu nam, cô ngủ ở khu nữ.
Cô giáo Linh tổ chức vui chơi cho học sinh Trường Hy Vọng.
Các em nhỏ thi nhau nhổ tóc sâu cho thầy Hoàng Quốc Quyền – Giám đốc dự án Trường Hy Vọng.
Ngày nào cũng vậy, các thầy cô nội trú làm những công việc không tên một cách đầy tâm huyết.
Dù không đứng trên bục giảng nhưng thầy cô nội trú chính là nơi ươm lên khát vọng để đến một khởi đầu mới, một tương lai tươi sáng cho những đứa trẻ bỗng chốc mồ côi vì đại dịch.
Mỗi đêm, các giáo viên quản nhiệm cũng thường chỉ ngủ vài giờ. Bởi, khi nào các em yên giấc thì thầy cô mới đi ngủ, thỉnh thoảng thức dậy vài lần kiểm tra xem có em nào vung tay, chân ra khỏi màn, em nào nằm co ro mà không đắp mền hoặc để ý xem một vài em nhỏ có thói quen đi vệ sinh ban đêm để tránh trượt ngã,…
“Mỗi tuần, thầy cô sẽ được nghỉ một ngày. Dù công việc vất vả hơn so với dạy mầm non, nhưng tôi cảm giác mình dần trưởng thành hơn khi chăm lo cho những đứa trẻ chịu mất mát quá lớn sau đại dịch Covid-19. Có lúc thấy trống vắng vì nhớ nhà, tôi lại càng thông cảm với các học sinh của mình hơn”, Linh trải lòng.
Họ – những giáo viên không cầm phấn, nhưng đã gắn bó với ngôi trường nhân văn này từ những ngày đầu tiên. Và hôm nay, những người thầy, người cô ấy cũng cần được tôn vinh bởi những đóng góp thầm lặng, nhưng đã thắp lên ngọn lửa tương lai cho những đứa trẻ mồ côi, để nhân lên những điều nhân ái, tử tế và tốt đẹp trong cuộc sống này.
Nhà trường phải đặt quyền lợi giáo viên, học sinh lên trên hết
Nghề giáo hiện nay có nhiều áp lực, nhà trường cần tạo môi trường giáo dục tốt, đặt quyền lợi giáo viên và học sinh lên trên hết.
Trước thực trạng nhiều nhà giáo xin nghỉ việc, PV Người Đưa Tin có cuộc trò chuyện cùng Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du Tp.HCM. Thầy Phú cho rằng, thầy cô cần được tạo điều kiện tối đa để giảng dạy tốt hơn.
Cần đặt quyền lợi giáo viên lên trên hết
PV : Trong bối cảnh có nhiều giáo viên nghỉ việc vì cho rằng áp lực nghề nghiệp cao, thầy đánh giá như thế nào về thực trạng này?
Thầy Huỳnh Thanh Phú: Phải nói rằng, đầu năm học 2022-2023, khi thực hiện đồng thời cùng một lúc hai chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở khối 10 và chương trình giáo dục phổ thông cũ ở khối 11, 12, sẽ có chuyện thầy cô cảm thấy áp lực. Tuy nhiên, đến thời điểm này đã gần hết học kỳ 1, chúng tôi nhận thấy không có gì khó khăn. Thực tế, chỉ thay đổi sách giáo khoa, còn phương pháp giảng dạy tương tác với học sinh, cách tổ chức giờ học, thay đổi kỹ năng cho học sinh thì thầy cô trong trường làm rất tốt.
Nói về áp lực công việc nghề giáo, tôi cho rằng, do nhìn nhận riêng của từng giáo viên, còn công việc thì vẫn thực hiện theo phân công, theo giờ hành chính mỗi ngày nên không có gì nặng nề.
Tuy nhiên, trên cương vị là người đứng đầu nhà trường, tôi cho rằng, áp lực của thầy cô phần nhiều do nhà trường, chứ không phải do cơ chế. Hiệu trưởng phải linh động triển khai các văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo đến thầy cô, phải biết được năng lực làm việc từng thầy cô, từ đó phân công khối lượng công việc phù hợp, khoa học...
Thầy Huỳnh Thanh Phú chia sẻ về trăn trở của ông về nghề giáo hiện nay.
Chúng ta phải biết sắp xếp thời khóa biểu một cách khoa học, làm sao thầy cô có thời gian làm thêm công việc khác khi rảnh rỗi, nhằm tăng thu nhập, giảm áp lực về tài chính cho thầy cô.
PV: Giải bài toán áp lực nghề giáo cho các giáo viên, là Hiệu trưởng một ngôi trường theo mô hình tiên tiến tại Tp.HCM, thầy chọn phương pháp nào?
Thầy Huỳnh Thanh Phú: Tôi cho rằng, nhà trường phải đặt quyền lợi giáo viên lên trên hết. Muốn vậy, lãnh đạo nhà trường phải đối xử với giáo viên tốt, phải tạo cơ hội để làm sao cho thầy cô và lãnh đạo nhà trường trên dưới một lòng thì công tác giảng dạy mới được tốt.
Tôi cũng luôn mong rằng, giáo viên đặt quyền lợi của học sinh lên trên hết. Chúng ta có đan xen như vậy, mới chia sẻ hết tình cảm với nhau. Thầy cô xem nhà trường như gia đình, thì mọi người trong trường đều cư xử chan hòa, tạo bầu không khí vui tươi, lúc đó làm việc hiệu quả, mang lại nguồn năng lượng tích cực cho học sinh. Chúng ta không nên tạo bầu không khí căng thẳng, vội vã, áp lực... tạo không khí nặng nề với giáo viên và học sinh.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Du trong một sự kiện tổ chức tại trường.
Ngoài ra, khi có sự cố về bạo lực học đường xảy ra, thì hiệu trưởng phải là người đứng mũi chịu sào, chịu trách nhiệm về sự cố đó chứ không thể đẩy cho giáo viên bước ra ngoài để đôi co, đương đầu với một phụ huynh nào đó.... Hiệu trưởng phải bản lĩnh, có trách nhiệm, để cho thầy cô an tâm trong những sự cố xảy ra. Chúng ta làm như vậy để gánh bớt khó khăn cho thầy cô, không tạo áp lực cho thầy cô.
PV : Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển hiện nay, nghề giáo được phát huy tối đa nhất là trong dạy học, điều gì khiến ông trăn trở nhiều nhất?
Thầy Huỳnh Thanh Phú: Công nghệ thông tin ngày nay giúp thầy cô linh hoạt vận dụng hiệu quả cao. Nhưng có một vấn đề mà tôi luôn trăn trở là hiện nay, làm sao Bộ Giáo dục và Đào tạo có nguồn ngân sách tạo cho mỗi thầy cô một máy tính xách tay để giảng dạy. Vì nó là tư liệu giảng dạy. Hiện, nhiều thầy cô chưa có đủ kinh tế để tự trang bị cho mình một máy tính xách tay. Nếu trang bị cho thầy cô phương tiện giảng dạy tốt, sẽ giúp lan tỏa tốt không chỉ trong giáo dục mà cả trong lĩnh vực, kinh tế văn hóa, xã hội.
Nghề giáo phải kiên nhẫn, bao dung, nhẹ nhàng
PV : Theo thầy, nhà giáo cần phải xử lý học sinh cá biệt như thế nào nhằm uốn nắn kịp thời các em?
Thầy Huỳnh Thanh Phú: Việc học sinh cá biệt thì thời đại nào cũng có trường nào cũng có. Tuy nhiên, theo tôi, trước hết thầy cô phải tìm hiểu nguyên nhân vì sao học sinh có những hành vi cá biệt. Tôi cho rằng, nghề giáo phải có sự kiên trì, kiên nhẫn, và phải bao dung, nhẹ nhàng. Khi một vấn đề xẩy ra đối với học sinh, người thầy, người cô cần bình tâm thì tâm mình tịnh, tuệ mình sáng, trí mình mới thông, lúc đó, giải quyết vấn đề rất nhẹ nhàng.
Bởi vì, thứ nhất học trò là bậc con, em, là học trò của mình thì mọi vấn đề nhìn nhận cần thoáng hơn. Mình cần "giơ cao đánh khẽ", không đẩy các em vào đường cùng. Hoặc khi có sự cố, không nên ra một quyết định gì đó nặng nề, để rồi từ đó, cuộc đời của em đó trở nên bế tắc.
Tại trường tôi, đa số học sinh ngoan, nên hiếm có tình huống cá biệt của học trò xảy ra, có thể nói là từ trước đến nay chưa có. Chỉ có một số em đi học trễ nhiều lần, qua tìm hiểu nguyên nhân, cuối cùng nhà trường đã uốn nắn, chỉ bảo cho các em khắc phục, đó chỉ là vi phạm thường nhật học trò.
Học sinh được chia sẻ dạy dỗ tốt sẽ trở nên chăm ngoan.
Trên quan điểm của tôi, học trò là phải chia sẻ dạy dỗ, để cảm thông rồi từ đó giúp các em kìm hãm tính hung hăng, lười học tập.
PV : Ngày nay, với câu nói "Tiên học lễ, hậu học văn", theo thầy có còn phù hợp để dạy học sinh?
Thầy Huỳnh Thanh Phú: Dù câu này xuất phát từ xa xưa, nhưng tôi cho rằng thời đại nào trong ngành giáo dục câu đó vẫn đúng. Nếu chúng ta không tôn trọng nhau, thầy không thương yêu trò, trò không tôn kính thầy, làm sao giờ giảng tương tác diễn ra hiệu quả?.
Theo tôi, câu này đúng mãi mãi. Tôi cho rằng, "lễ" là nghi thức giao tiếp lịch sự cần có giữa người nhỏ với người lớn, giữa con người với nhau, "lễ" làm cho trật tự lớp học, xã hội ổn định. Thầy không thể giảng mà học trò nhảy tung tăng, không thể trò nói mà thầy cô bỏ ngoài tai. Giao tiếp sư phạm hết sức cần thiết. Dù cho công nghệ số phát triển, tôi nghĩ câu tục ngữ vẫn như một chân lý trong môi trường giáo dục.
Cảm ơn thầy về cuộc trò chuyện!
Học sinh 'hóa thân' thành thầy cô để hiểu hơn về nghề giáo Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) đang tổ chức cuộc thi 'Một giờ làm thầy cô' để các em học sinh hiểu hơn về nghề giáo viên. Năm học 2022-2023, Trường THPT Phan Đình Phùng tiếp tục tổ chức cuộc thi "Một giờ làm thầy cô" cho học sinh khối 12. Giúp hoàn thiện mình hơn Thời điểm này, Trường THPT Phan...