Những món ăn vặt “cả thèm chóng chán” ở Hà Nội
Cực hot, được phần đông giới trẻ Hà Thành “lăng xê” và săn lùng nhưng lại chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, đó là kết cục của nhiều món ăn vặt từng làm mưa làm gió ở Hà Nội.
Sự “cả thèm chóng chán” “giết chết” cơn sốt Nama chocolate
Thời điểm từ năm 2011 đến giữa năm 2012 là khoảng thời gian cực thịnh của loại chocolate tươi đến từ Nhật Bản – Nama chocolate. Với giá thành khoảng 200.000 – 350.000/hộp, vị ngọt và thơm nhưng lại thanh mát, không gây ngấy của thứ chocolate này đã “phá đảo” toàn bộ thị trường đồ ăn vặt khi ấy. Bắt nguồn từ các đại lý nhỏ lẻ mang hàng xách tay về, bán online qua mạng xã hội như Facebook, sau đó Nama mới được bán ở cửa hàng lớn. Đó quả thực là cơn sốt làm mưa làm gió trên khắp các diễn đàn và các trang mạng xã hội.
Nhớ lại thời còn đang “thịnh”, Quỳnh Như – một chủ hàng bán Nama – kể: “Hồi đầu, một ngày mình đẩy đi được 100 hộp, ăn lãi khoảng 10 triệu. Có những lúc hàng không đủ, khách hỏi liên tục. Người ăn mê nhất là vị trà xanh, dâu, rượu vang. Có khách “nghiện”, cứ 2 ngày lại đặt 10 hộp trà xanh cho cả nhà ăn”. Theo Như, đó chưa phải là số lãi khổng lồ vì ở các đại lý bán buôn, một ngày phải tiêu thụ tới 500 hộp.
Nama chocolate.
Hồi ấy, cứ lên mạng xã hội là người ta hoa mắt với hàng đống quảng cáo Nama chocolate, người bán thì quảng cáo hàng, người ăn thì quảng cáo vị và post ảnh khoe món chocolate hấp dẫn. Nhiều khi cung không đủ cầu vì hàng toàn nhập theo đường xách tay, dân “cuồng chocolate tươi” khi đó đã chuyển sang nghiên cứu cách chế biến, tự làm Nama. Làn sóng chuộng Nama tiếp tục được hâm nóng bởi hàng hoạt cửa hàng bán Nama tươi 100% tự làm, giá cả rẻ hơn khiến dân tình càng say mê thưởng thức.
Video đang HOT
Thế nhưng, chỉ tồn tại ở Việt Nam được một năm nhờ các trang mạng xã hội, cuối năm 2012, cơn sốt Nama giảm dần và chỉ đến đầu năm 2013, ít ai còn hào hứng nhắc tới món chocolate tươi này nữa. Các chủ hàng có lẽ đoán được độ sốt nên đã nhanh chóng “nhả” hàng từ giữa năm ngoái. Giải thích cho sự ra đi im ắng của cơn sốt Nama, trái ngược hẳn lúc mới được “lăng xê” tại Hà Nội, Quỳnh Như cho biết: “Chắc vì ăn nhiều nên chán, đồ tươi tự làm thì không ngon bằng hàng xách tay, hàng nhập lại đắt đỏ nên khách hàng – phần lớn là giới trẻ nhanh chán. Họ có nhiều sự lựa chọn khác nên cả thèm chóng chán. Từ 100 hộp một ngày, mình chỉ còn tiêu thụ được khoảng 30 hộp, rồi ít dần và cuối cùng thì bỏ luôn nghề”.
Dù không còn được ưa chuộng, nhưng cơn sốt Nama khi ấy đã đem lại lợi nhuận khổng lồ cho những chủ shop online, và là món ăn vặt “tuổi thọ ngắn” tồn tại lâu nhất (khoảng 1 năm), ồn ào nhất so với những món ra đời sau này.
Phô mai que “làm mưa làm gió” chỉ một mùa
Năm 2012 cũng là thời điểm làm mưa làm gió của món ăn khá độc đáo: phô mai que. Đây là sản phẩm chế biến từ một loại phô mai nổi tiếng của Ý, chiên giòn bằng lớp bột mì vàng rộm. Nhìn bề ngoài có vẻ giống nem chua rán nhưng phô mai que dài hơn, to hơn, màu sắc bắt mắt hơn và hương vị cũng hoàn toàn khác. Lớp bột ngoài khá giòn, bên trong là lớp nhân phô mai mềm dai, lại béo ngậy. Món này ăn kèm tương ớt hoặc tương cà chua.
Thứ ăn vặt lạ miệng nhanh chóng được giới trẻ Hà Nội săn lùng. Với giá cả khá mềm: 7.000 – 10.000 đồng/cái, xuất hiện đầu tiên ở con phố nổi tiếng đông đúc và trung tâm ở Hà Nội là phố Tạ Hiện nên phô mai que dễ dàng tạo thành cơn sốt. Năm ngoái, đi tới đâu cũng nghe thấy giới trẻ nói về phô mai que, con phố Tạ Hiện chiều nào cũng chật cứng khách hàng tuổi teen tới thưởng thức món ăn đặc biệt này.
Phô mai que.
Tháng 10 năm ngoái, tin đồn trên một số diễn đàn khẳng định phô mai que được làm từ… cao su lại càng khiến món ăn này nổi như cồn. Tin đồn xuất phát từ một thành viên trên diễn đàn X: “Cái phô mai que các bác hay ăn là do Trung Quốc làm, họ lấy phô mai được trộn với nước, bột và cao su rồi làm thành phô mai que đóng hộp xuất sang Việt Nam (các bác không tin có thể nhìn những hộp phô mai que đóng theo thùng ở các hàng bán món đấy), rồi bán cho các cửa hàng ăn uống”. Khi đó, từ cư dân mạng tới báo chí sôi sục tìm hiểu và phân tích thành phần, xuất xứ của phô mai que, khiến món ăn này càng hot hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, cũng chỉ tồn tại đến cuối năm 2012, sang đầu năm 2013, ít ai còn nhắc tới món ăn này. Vụ ồn ào “phô mai cao su” cũng không có cuộc kiểm tra nghiêm túc để đưa ra kết quả chính xác, mà dần chìm vào quên lãng. Trên các forum, mạng xã hội, người ta không í ới rủ nhau đi ăn phô mai que nữa, những cửa hàng bán phô mai que đều chuyển sang kinh doanh thức ăn vặt khác hợp thời hơn. Phô mai que chính thức bị xóa sổ khỏi list ăn vặt được ưa thích hiện nay của giới trẻ Hà thành.
Còn số phận của việc kinh doanh Tiramisu online và chè khúc bạch?
Tiramisu là loại bánh ngọt có xuất xứ từ Ý, một món bánh tráng miệng được yêu thích trên khắp thế giới. Bánh Tiramisu không còn xa lạ gì ở các tiệm bánh, thế nhưng đầu năm 2013, nó mới tạo thành cơn sốt thực sự trên mạng xã hội. Khách hàng tuổi teen ưa chuộng loại bánh đựng trong hộp nhựa, có giá dao động từ 70.000 – 100.000 đồng này, bán online và giao hàng tận nhà bằng đội ngũ xe ôm chứ không phải bán ngoài hàng bánh thông thường.
Nếu như ở ngoài, một chiếc bánh Tiramisu cỡ bé có giá 40.000 đồng, thì bánh Tiramisu đựng hộp nhựa to gấp 4 lần chỉ có giá 70.000 đồng. Cách đây vài tháng, cứ lên mạng là người ta “sốt xình xịch” về Tiramisu, đi đâu cũng hỏi xem tiệm bánh online nào bán Tiramisu ngon nhất. Trên Facebook, các cô gái thi nhau post ảnh những hộp bánh nhiều màu sắc, hình dáng bắt mắt.
Tiramisu được bán online.
Nhưng cuối cùng, cơn sốt Tiramisu “hộp nhựa” vẫn không vượt được cái bóng Nama năm ngoái, đã “chết yểu” khi chỉ tồn tại vài tháng. Dân tình bây giờ không còn hào hứng với loại bánh tình yêu ngọt ngào nữa, với một lý do rất thật: Chán. Rất nhiều comment trên mạng cho rằng Tirsmisu bán online tuy rẻ và tiện, nhưng không hề ngon.
Hai tháng gần đây, tiếm ngôi trong thị trường ăn vặt và phủ sóng hầu hết trên mạng xã hội phải kể đến chè khúc bạch.
Với thực khách trong Nam, món chè này không có gì xa lạ, nhưng đến mùa nóng năm nay thì chè khúc bạch đã thực sự trở thành mốt với giới trẻ Hà Nội. Khúc bạch thường làm từ gelatin, sữa tươi và dầu hạnh nhân. Nước chè nấu từ đường, cho thêm hạnh nhân cắt lát, dừa tươi, nhãn hoặc vải.
Chè khúc bạch.
Món chè khúc bạch hầu như đã có mặt ở tất cả các hàng chè ở Hà Nội, nhưng lại phủ sóng rộng nhất trên mạng xã hội. Giờ đây, phải nói là “người người khúc bạch, nhà nhà khúc bạch”, hot đến mức rất nhiều hot girl trên mạng chuyển sang kinh doanh chè, nhận ship tận nhà và đã bước đầu thành công vì khách đặt order không xuể. Theo tiết lộ của một hot girl bán chè trên Facebook, mỗi ngày cô bán khoảng 500 cốc khúc bạch, thu lãi khoảng 5 triệu đồng. Một nguồn thu nhập khá “cứng” so với những món đồ online khác.
Hiện tại, chè khúc bạch vẫn đang đứng ngôi quán quân những món ăn vặt theo phong trào. Nhưng ai có thể đảm bảo sắp tới, chè khúc bạch sẽ không bị “lỗi mốt” và phải nhường ngôi cho một món ăn hấp dẫn mới nào đó?
Theo Afamily