Những lưu ý quan trọng khi chọn ngành đăng ký dự thi
Làm sao để chọn ngành đăng ký đúng và hiệu quả nhất? Các chuyên gia đã giải đáp điều này trong chương trình tư vấn trực tuyến “ Chọn ngành học cho tương lai: Những điều cần lưu ý khi chọn ngành đăng ký dự thi” vào ngày 1.4.
Các chuyên gia giúp thí sinh lựa chọn ngành học phù hợp khi đăng ký xét tuyển vào các trường đại học – ĐÀO NGỌC THẠCH
Chương trình đồng thời diễn ra ở các kênh thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien, YouTube và TikTok Báo Thanh Niên.
Chọn ngành thế nào khi không biết thích gì?
Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Phó trưởng phòng Tư vấn truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, nguyên tắc bất biến để chọn ngành là trước khi chọn ngành nghề, thí sinh (TS) cần tìm hiểu ngành nghề đó đào tạo thế nào, ra trường làm gì, tìm hiểu nhu cầu nguồn lực, điều kiện gia đình có phù hợp để theo học hay không… Thông tin càng nhiều thì việc lựa chọn càng chính xác.
Thầy Ngô Trí Dũng, Phó trưởng phòng Tuyển sinh – Truyền thông, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, khuyên: “Nếu bản thân ước mơ làm công việc gì thì hãy quay ngược lại các trường ĐH đào tạo ngành đúng mong muốn công việc của mình trong tương lai. Như vậy, sẽ có hướng mở hơn, thấy được bức tranh ngành nghề dễ hơn”.
Tuy nhiên, nếu như không xác định được mình thích ngành gì thì phải làm sao? Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, chia sẻ: “Nếu chọn sai ngành, cơ hội các em đi tiếp là rất thấp ở trường ĐH. Các em phải đam mê ngành nghề, cụ thể là thích môn học nào ở THPT. Đó là sự bắt đầu cho ngành nghề trong tương lai. Hai là có đủ năng lực theo đuổi đam mê hay không? Ba là mục tiêu học ĐH của các em là gì? Điều này rất quan trọng. Nếu quyết tâm chọn lựa nghề nghiệp trong tương lai thì dù học ngành nào, gặp khó khăn cũng sẽ vượt qua”.
Theo tiến sĩ Trần Thiện Lưu, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, chọn ngành nghề theo sở thích của từng người là một trong những nguyên tắc đầu tiên bởi mục tiêu sau cùng là sống và cống hiến với ngành nghề. Chọn ngành nghề theo sở thích thì chúng ta sẽ phát huy được năng lực, sau dễ thành công. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết mình thích điều gì.
Mặc dù vậy, theo tiến sĩ Lưu, dù đã bắt đầu đi làm, nhiều người vẫn không dám tự nhận bản thân đã chọn ngành nghề đúng nên nếu còn lăn tăn trong chọn ngành thì cũng không phải lo lắng. Hiện có nhiều bộ câu hỏi, phần mềm lựa chọn ngành nghề, TS có thể tham khảo tìm hiểu thông tin nhiều hơn để chọn được ngành mình phù hợp nhất.
Nếu chọn sai ngành thì phải làm sao?
Theo tiến sĩ Võ Thanh Hải, nhiều TS khi đã trúng tuyển, vào học nhưng lại bị sốc với ngành nghề đó vì thấy mình không phù hợp như khi tìm hiểu trước kia. Nhưng điều này vẫn có thể giải quyết. Hiện nay, các trường cho phép sinh viên đăng ký học 2 ngành. Hoặc sau năm thứ nhất, nhiều trường cho phép sinh viên được phép chuyển ngành với điều kiện điểm trúng tuyển của ngành đã đang học phải bằng hoặc lớn hơn điểm trúng tuyển ngành sẽ chuyển qua.
“Ngoài ra, ở giảng đường ĐH luôn có thầy cô giáo, cố vấn học tập, trung tâm hướng nghiệp định hướng, hỗ trợ cho sinh viên, giúp các em vượt qua khó khăn trong học tập, theo đuổi ngành nghề “, tiến sĩ Hải tư vấn thêm.
Thạc sĩ Trần Mạnh Thái, Trưởng phòng Tuyển sinh – Truyền thông, Trường ĐH Văn Hiến, cho rằng hiện nay học sinh còn phụ thuộc vào bố mẹ trong việc chọn ngành. Phụ huynh cần tôn trọng sở thích, sở trường, năng lực của các em, vì nếu vào học ngành các em không thích thì sau này sẽ trở thành gánh nặng. Tại trường, trong tuần sinh hoạt đầu khóa, các em sẽ được tư vấn, trải nghiệm để hiểu rõ ngành nghề, xem mình có vượt qua được những khó khăn của nghề hay không, có phù hợp hay không. Nếu không, sẽ được chuyển ngành nếu đáp ứng được mức điểm đầu vào.
Thầy Ngô Trí Dũng cho rằng TS càng chọn lựa đúng ngành học từ khi xét tuyển thì càng đỡ tốn công sức, tiền bạc… trong quá trình học tập.
Theo tiến sĩ Mai Đức Toàn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh – truyền thông, Trường ĐH Gia Định, hiện nay TS tiếp cận với nhiều thông tin nên rất dễ bị dao động khi lựa chọn ngành nghề. TS cần lưu ý để chọn cho mình một ngành nghề phù hợp. Nếu thích ngành gì, nên chia sẻ với cha mẹ, thuyết phục cha mẹ bằng những thông tin thật rõ ràng về sở thích của mình.
Ngành học mới
Trường ĐH Duy Tân: Khoa học máy tính, khoa học dữ liệu, mạng máy tính và truyền thông dữ liệu, kỹ thuật điện, du lịch, ngôn ngữ Nhật, quản lý bệnh viện… cũng như nhiều chuyên ngành mới.
Trường ĐH Công nghệ TP.HCM: Robot và trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, quản trị nhân sự, quan hệ công chúng, quan hệ quốc tế. Dự kiến tuyển sinh thêm 2 ngành thuộc lĩnh vực khoa học sức khỏe là kỹ thuật xét nghiệm y học và điều dưỡng.
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành: Kinh doanh quốc tế, quan hệ quốc tế…
Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng: Y học cổ truyền, kỹ thuật hình ảnh y học, sức khỏe răng miệng, hộ sinh, dinh dưỡng, chăm sóc bệnh trẻ em, hoạt động trị liệu, quản lý bệnh viện, bất động sản…
Trường ĐH Gia Định: Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, kinh doanh quốc tế, thương mại điện tử, truyền thông đa phương tiện, quan hệ công chúng (truyền thông kỹ thuật số).
Trường ĐH Văn Hiến: Truyền thông đa phương tiện, thương mại điện tử, kinh tế, luật, điều dưỡng.
Tiến sĩ Võ Thanh Hải : Ở giảng đường luôn có thầy cô giáo, trung tâm hướng nghiệp định hướng… giúp các em học tập, theo đuổi ngành nghề.
Tiến sĩ Mai Đức Toàn: Nếu thích ngành gì, nên chia sẻ với cha mẹ, thuyết phục cha mẹ bằng những thông tin thật rõ ràng về sở thích của mình.
Thầy Ngô Trí Dũng: Thí sinh càng chọn lựa đúng ngành học từ khi xét tuyển thì càng đỡ tốn công sức, tiền bạc… trong quá trình học tập.
Thạc sĩ Trần Mạnh Thái: Phụ huynh cần tôn trọng sở thích, sở trường, năng lực của các em vì nếu vào học ngành không thích thì sau này sẽ trở thành gánh nặng.
Bạn phù hợp với ngành nghề nào?
Vào lúc 18 giờ 40 hôm nay 1.4, Báo Thanh Niên tổ chức chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến Chọn ngành học cho tương lai với chủ đề 'Những điều cần lưu ý khi chọn ngành đăng ký dự thi'.
Chương trình đồng thời diễn ra ở các kênh thanhnien.vn , Facebook.com/thanhnien, YouTube và TikTok Báo Thanh Niên .
Theo kế hoạch dự kiến của Bộ GD-ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay được tổ chức vào hai ngày 7 và 8.7. Thí sinh tham dự kỳ thi này sẽ thực hiện nộp hồ sơ đăng ký dự thi từ ngày 26.4 - 10.5. Chọn lựa ngành để đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ là việc làm quan trọng nhất với thí sinh trong giai đoạn này. Vì vậy, buổi tư vấn trực tuyến này sẽ tập trung định hướng cho học sinh về vấn đề hướng nghiệp.
Phần 2 gồm các vị khách mời: tiến sĩ Trần Thiện Lưu, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành; thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Phó trưởng phòng Tư vấn truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM; tiến sĩ Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Nova.
18:46
* Chào mừng các bạn quay lại chương trình tư vấn trực tuyến CHỌN NGÀNH HỌCTƯƠNG LAI với chủ đề Những điều cần lưu ý khi chọn ngành đăng ký dự thi.
Chương trình đang được trực tuyến tại địa chỉ thanhnien.vn , Fanpage Facebook, kênh YouTube, Tik Tok Báo Thanh Niên. Trong khi chương trình diễn ra, bạn đọc ngay có thể đặt câu hỏi qua các địa chỉ trên.
Xin giới thiệu thành phần khách mời:
- Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Phó trưởng phòng Truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM
- Tiến sĩ Trần Thiện Lưu, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành
Khách mời tham gia chương trình
ĐÀO NGỌC THẠCH
18:57
Tiến sĩ Trần Thiện Lưu: Chọn ngành nghề theo sở thích của từng người là một trong những nguyên tắc đầu tiên bởi mục tiêu sau cùng là sống và cống hiến với ngành nghề. Chọn ngành nghề theo sở thích thì chúng ta sẽ phát huy được năng lực, sau dễ thành công. Tuy nhiên không phải ai cũng biết mình thích cái gì, nhưng các em đừng quá lo lắng vì có nhiều cách.
Ngoài năng lực bản thân, điều kiện gia đình, các em cũng cần chú ý đến sức khỏe để theo đuổi.
Mỗi trường xây dựng ngành nghề đào tạo phù hợp với phân khúc của thí sinh dĩ nhiên có một số ngành nghề có yếu tố đặc biệt. Dù chúng ta có lựa chọn thế nào thì ít nhiều bản thân cũng cần có thông tin về ngành đó.
Một điều nữa là học thì phải đi làm, công hiến tức là các em tìm hiểu nhu cầu lao động.
19:03
Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung: Trước khi chọn ngành nghề, các bạn cần tìm hiểu ngành nghề đó đào tạo thế nào, ra trường làm gì, tìm hiểu nhu cầu nguồn lực, điều kiện gia đình có phù hợp để theo học. Thông tin càng nhiều thì việc lựa chọn càng chính xác.
Khi xác định được mục tiêu thì các bạn tập trung công sức, thời gian và tiền bạc để theo đuổi nó.
Chẳng hạn chọn ngành CNTT thì cần tìm hiểu trường nào đào tạo, phương thức tuyển sinh...
Lưu ý một số tiêu chí: Phù hợp với sở thích của bản thân, đủ năng lực theo học, tìm hiểu nhu cầu của xã hội...
19:09
Thí sinh hỏi: Đang thích kiến trúc, gia đình muốn em học ngành xây dựng, làm cách nào để có thể theo học 2 ngành?
Tiến sĩ Trần Thiện Lưu: Đâu đó trong xây dựng 2 ngành trên đi liền với nhau, thực tế để phân biệt rạch ròi thì sự tách biệt tùy thuộc vào quy mô công trình.
Tiến sĩ Trần Thiện Lưu
ĐÀO NGỌC THẠCH
Đối với ngành kiến trúc lưu ý đến bề ngoài, thẩm mỹ còn kỹ thuật xây dựng thì thiên về bên trong công trình từ khảo sát thiết kế, thiết lập dự án, thi công, nghiệm thu... Ngành xây dựng đi sâu sát vào bên trong kết cấu, vật liệu dựa trên ý tưởng của kiến trúc. Ở góc độ nào đó về kiến thức nền tảng chung thì gần với nhau.
Các bạn có thể học song ngành. Đối với ngành kiến trúc, ở góc độ thẩm mỹ thì cần năng khiếu và thí sinh sẽ phải thi môn này. Còn ngành xây dựng đơn thuần là các môn văn hóa.
19:15
Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung: Ngành kiến trúc và ngành xây dựng có tương đồng và cũng có những nét khác nhau. Kiến trúc cần tài hoa, sáng tạo còn ngành xây dựng thì cần tính chính xác, sương gió hơn..
Tuy nhiên khi gia đình đã có người đi trước thì chắc chắn sẽ có kinh nghiệm chia sẻ và mình là người đi sau nên lắng nghe.
Ngành xây dựng xét những tổ hợp môn cụ thể còn ngành kiến trúc thì trường xét tuyển có môn vẽ hoặc không có. Thí sinh tìm hiểu kỹ những trường đào tạo ngành này.
Chọn một ngành thật sự yêu thích thì mình tập trung đam mê, trau dồi các kỹ năng mềm, khả năng ngoại ngữ thì sẽ thành công hơn so với học song ngành. Khi học song ngành sẽ có những đợt thi cử gần nhau, áp lực lớn, kết quả cũng không cao khi phải dàn trải. Các em nên trao đổi với gia đình.
19:27
Tiến sĩ Trần Thiện Lưu: Thật ra không ai dám tự nhận bản thân đã chọn ngành nghề đúng nên nếu còn lăn tăn thì không phải lo lắng.
Hiện có nhiều bộ câu hỏi, phần mềm lựa chọn ngành nghề, thí sinh có thể tham khảo và kèm theo đó là việc tìm hiểu thông tin.
Hiện nay, sinh viên có thể thay đổi ngành khi vào học. Nhiều khi chúng ta tự nhận không thích ngành trúng tuyển nhưng bản thân không biết cái gì khác để thích. Đó là do các bạn ít va vấp, trải nghiệm, các bạn nên cố gắng duy trì, đừng bỏ một cái đang dở dang để chọn cái không rõ ràng.
19:30
Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung: Các em tìm hiểu nhóm ngành có thể phù hợp rồi tìm hiểu thông tin sâu hơn, tìm hiểu những lời khuyên, chia sẻ với người thân.
Tuy nhiên có một gợi ý là nên để ý đến một số ngành nghề mới vì thường gắn với xu hướng của xã hội. Nhưng khó khăn là những ngành này không có kinh nghiệm từ người đi trước. Đây là hướng đi cho những thí sinh chưa có xác định rõ.
19:36
Tiến sĩ Trần Thiện Lưu: Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tuyển 48 ngành học, có 2 ngành mới và trường luôn tiếp cận với xu hướng của xã hội. Trường có một số ngành đào tạo liên xuyên ngành là xu hướng mới trong đào tạo. Về phương thức xét tuyển khá đơn giản, thí sinh tham khảo tại website của trường.
19:38
Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung: Năm nayTrường ĐH Công nghệ TP.HCM xét tuyển 51 ngành và có 6 ngành học mới. Trường dự kiến mở thêm 2 ngành thuộc khối sức khỏe. Trường xét tuyển theo 4 phương thức và các phương thức độc lập nhau. Thí sinh tìm hiểu kỹ hơn trên website của trường.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung
ĐÀO NGỌC THẠCH
19:40
** Thưa quý độc giả, quý phụ huynh, chúng tôi hy vọng quý vị đã có được những thông tin, hiểu biết cần thiết để có quyết định phù hợp khi chọn ngành đăng ký xét tuyển vào ĐH trong thời gian tới. Hẹn gặp lại vào tuần sau cũng tại địa chỉ này với chủ đề liên quan đến chọn lựa ngành học cho học sinh sau THCS.
Thí sinh cần lưu ý gì trong kỳ tuyển sinh ĐH năm 2021? Để kịp thời thông tin những điểm mới từ Hội nghị tuyển sinh ĐH và CĐ, vào 18 giờ 40 ngày 25.3, Báo Thanh Niên tổ chức chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề 'Những điểm mới trong tuyển sinh ĐH năm 2021'. Sáng 25.3, Bộ GD-ĐT tổ chức Hội nghị tuyển sinh ĐH và CĐ năm 2021. Hội...