Những loại thuốc cần có trong tủ thuốc gia đình
Việc trang bị cho tủ những loại thuốc thiết yếu và những y cụ cần thiết để sử dụng trong một số tình huống sơ cấp cứu ban đầu sẽ giúp can thiệp kịp thời, phòng tránh được những diễn biến xấu của bệnh.
Vị trí đặt tủ thuốc phải là nơi dễ nhìn thấy, tiện lợi cho việc sử dụng
Những loại thuốc và vật dụng y tế cần thiết
Thuốc giảm đau, hạ sốt, chống viêm: một số loại thuốc như paracetamol, aspirin,… bạn nên dự trữ một số dạng viên dành cho người lớn, dạng bột hoặc dạng sủi nếu nhà có con nhỏ. Có thể dự trữ dạng viên con nhộng hạ sốt dùng cho đường hậu môn trong trường hợp trẻ nhỏ cần được hạ sốt khẩn cấp. Lưu ý, tránh lạm dụng thuốc giảm đau, hạ sốt, dùng cần cách nhau 6 tiếng, dùng quá liều có thể gây ngộ độc.
Thuốc sát trùng, bông băng, gạc y tế: Các loại thuốc sát trùng và các thuốc mỡ kháng sinh để chống nhiễm trùng khi bị trầy xước. Ngoài ra bông băng, gạc y tế là cần thiết để băng bó các vết thương nhỏ và sơ cứu ban đầu các vết thương lớn. Trong trường hợp, vết thương hở to, vết thương nặng và sâu cần sơ cứu ban đầu và đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và xử lý kịp thời. Nên trang bị cho mình một số kiến thức về sơ cấp cứu để có các thao tác xử lý một cách tốt nhất.
Các y cụ khác như cặp nhiệt độ, máy đo huyết áp. Cặp nhiệt độ để đo nhiệt độ khi bị sốt để có phương án chườm lạnh và uống thuốc hạ sốt hợp lý. Sử dụng máy đo huyết áp tự động trong trường hợp gia đình có người già hoặc người có các bệnh về huyết áp, tim mạch.
Dung dịch nước muối sinh lý. Nên trang bị cho tủ thuốc dung dịch nước muối sinh lý, thuốc nhỏ mắt, mũi để có thể vệ sinh mắt mũi hằng ngày khi đi đường có nhiều bụi bẩn hoặc thời điểm có nhiều dịch bệnh.
Thuốc da liễu, thuốc bôi ngoài da. Có thể trang bị cho tủ thuốc một số thuốc trị bỏng, thuốc làm liền sẹo giúp các vết bỏng dịu nhẹ, không bị phồng rộp.
Video đang HOT
Thuốc tiêu hóa: Thuốc tiêu hóa là một trong những loại thuốc cần thiết nhất mà bạn nên trang bị cho tủ thuốc gia đình mình. Bởi các vấn đề về tiêu hóa sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe hàng ngày. Một số loại thuốc điều trị như: Oresol dùng để bù nước trong trường hợp tiêu chảy, Smecta, Becberin dùng khi tiêu chảy.
Những điều cần lưu ý
Dán hoặc treo cạnh tủ thuốc hướng dẫn xử trí trong những trường hợp khẩn cấp như bị bỏng, bị đột quỵ… Dán danh sách các số điện thoại khẩn cấp, số điện thoại của bệnh viện, bác sĩ gia đình để có thể gọi hỏi thông tin cấp cứu. Nên đặt tủ thuốc ở nơi có nhiệt độ ổn định, thoáng mát, tránh ánh sáng trực tiếp để không bị ảnh hưởng đến chất lượng thuốc. Nên đặt ở vị trí cao, có khóa tủ, tránh xa tầm với của trẻ em. Vị trí đặt tủ thuốc phải là nơi dễ nhìn thấy, tiện lợi cho việc sử dụng.
Nên lau dọn tủ thuốc và khu vực xung quanh tủ thuốc thường xuyên. Thường xuyên kiểm tra tủ thuốc và cập nhật thêm các thuốc phù hợp với tình trạng sức khỏe gia đình và theo mùa bệnh lý. Các loại thuốc cần được sắp xếp, ghi chú rõ ràng, tránh nhầm lẫn. Trong gia đình có thành viên bị bệnh mạn tính phải dùng những thuốc đặc biệt như hạ huyết áp, trợ tim, giảm đau nên để nơi riêng biệt.
Nếu dùng thuốc thông thường trị các rối loạn nhẹ ở trẻ sau 1 ngày mà không thấy đỡ phải đưa trẻ đến bác sĩ khám bệnh. Hàng năm, bạn nên tiến hành rà soát tủ thuốc một lần để loại bỏ những thuốc đã hết hạn sử dụng. Tốt nhất là nên giữ nguyên bao bì của những loại thuốc đã mua vì trên đó bạn có thể biết thông tin quan trọng như hạn sử dụng, liều dùng, cách bảo quản.
Thận trọng khi sử dụng
Aspirin: Bạn tuyệt đối không được cho trẻ em dùng aspirin nếu không có chỉ định của bác sĩ bởi loại thuốc này có liên quan đến hội chứng Reye nguy hiểm, có thể gây tử vong ở trẻ nhỏ. Và không chỉ với trẻ nhỏ mà Aspirin cũng cần rất thận trọng khi dùng cho người lớn.
Nhiệt kế thủy ngân: Các bác sĩ nhi khoa khuyên bạn nên thay loại nhiệt kế thủy ngân bằng nhiệt kế điện tử bởi loại nhiệt kế cũ khi bị vỡ có thể gây nhiều nguy hiểm. Lưu ý rằng tủ thuốc gia đình chỉ dùng để chữa những triệu chứng bệnh vặt chứ không thể thay thế việc điều trị lâu dài; khi có dấu hiệu lạ hoặc bạn đã uống thuốc một vài lần mà vẫn chưa hết bệnh thì cần đi khám bác sĩ.
Theo anninhthudo
Loại thuốc nào gây biến chứng nguy hiểm cho bệnh nhân sốt xuất huyết?
Nhiều người bị sốt xuất huyết nhưng không biết nên tự đi mua thuốc không đúng về uống, gây xuất huyết nặng, thậm chí dẫn tới tử vong.
Khi bị sốt xuất huyết người bệnh sẽ có triệu chứng: Sốt cao; nhức đầu; đau cơ, khớp... rất dễ nhầm lẫn với triệu chứng của cảm cúm, viêm họng, sốt phát ban nên người bệnh thường tự mua thuốc về uống. Việc dùng không đúng thuốc sẽ gây xuất huyết nặng và có thể dẫn tới tử vong.
Chỉ dùng paracetamol
Khi có dấu hiệu sốt, người bệnh có thể tự uống thuốc hạ sốt. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc hạ sốt được khuyến cáo chỉ sử dụng paracetamol. Đặc biệt, trong thời điểm dịch sốt xuất huyết xuất hiện nếu có dấu hiệu sốt cao cũng chú ý chỉ dùng loại thuốc hạ sốt này.
Bệnh nhân sốt xuất huyết chỉ được uống paracemol theo đúng chỉ định.
Cách 4-6 giờ mới được dùng thuốc một lần. Không được dùng ngắn hơn khoảng cách này hoặc tự ý tăng liều thuốc (vì trong sốt xuất huyết sốt cao thường khó hạ, nhất là những ngày đầu, người bệnh thường sốt ruột tự ý tăng liều thuốc bằng cách uống thêm liều hoặc vừa uống vừa đặt hậu môn) dẫn đến quá liều.
Paracetamol tương đối không độc với liều điều trị nhưng khi quá liều sẽ gây hại gan (ngộ độc, làm tổn thương gan, suy giảm chức năng gan). Khi bị suy giảm chức năng gan sẽ làm nặng thêm tình trạng rối loạn đông máu, càng làm cho xuất huyết thêm trầm trọng.
Không được uống rượu khi dùng thuốc, vì rượu sẽ làm tăng tác dụng có hại trên gan của paracetamol. Ngoài uống thuốc cần nới lỏng quần áo và lau mát cơ thể bằng nước ấm.
Tuyệt đối không dùng aspirin hay ibuprofen
Aspirin là thuốc hạ sốt, giảm đau, chống viêm không steroid, nhưng lại là thuốc có tác dụng ức chế kết tập tiểu cầu. Chính vì tác dụng ức chế kết tập tiểu cầu, chống đông máu nên thuốc không được dùng cho người có bệnh ưa chảy máu hoặc có nguy cơ chảy máu như sốt xuất huyết.
Tuyệt đối cấm dùng aspirin cho bệnh nhân sốt xuất huyết.
Nếu dùng aspirin sẽ làm cho nguy cơ chảy máu tăng lên, làm cho việc xuất huyết không cầm được, sự rối loạn đông máu càng trầm trọng hơn, có thể xuất huyết dạ dày, nội tạng, nguy hiểm đến tính mạng. Không chỉ gây nguy hiểm cho bệnh mà người bệnh còn có nguy cơ gặp tác dụng phụ của thuốc, ví dụ như: Buồn nôn, nôn, khó tiêu, khó chịu ở thượng vị, ợ nóng, đau dạ dày, loét dạ dày - ruột...
Đối với trẻ em, khi dùng thuốc này còn gây hội chứng Reye ở trẻ. Hội chứng Reye là một bệnh có liên quan trực tiếp đến não và gan... sẽ gây ra hiện tượng phù não, thoái hóa tế bào thần kinh não, suy gan... Bệnh bắt đầu với triệu chứng thở nhanh và lượng đường trong máu thấp, nôn mửa, thậm chí co giật hoặc hôn mê.
Ngoài aspirin thì tất cả các kháng viêm không steroid đều có tác dụng ức chế kết tập tiểu cầu (tuy mức độ không mạnh như aspirin) nhưng cũng không có lợi trong bệnh sốt xuất huyết. Trên thị trường có một số sản phẩm phối hợp chữa cảm cúm, làm giảm đau có chứa kháng viêm không steroid như là ibuprofen, diclofenac... Vì vậy, người bệnh cần lưu ý đọc kỹ thành phần của thuốc hoặc hỏi dược sĩ, bác sĩ để tránh dùng phải các thuốc trên.
Hãy đưa người bệnh đến khám bệnh hàng ngày và bất cứ khi nào có dấu hiệu khác thường như: Lừ đừ, ói nhiều, đau bụng nhiều, chảy máu nhiều, tay chân mát lạnh. Chẩn đoán sớm, đưa người bệnh đến bệnh viện kịp thời thì điều trị sốt xuất huyết sẽ đạt kết quả tốt nhất.
Minh Khôi
Theo ĐSPL
Thận trọng dùng thuốc khi bị cảm cúm Khi thời tiết lạnh, sẽ rất nhiều người bị cảm cúm. Một trong những triệu chứng khi bị cảm cúm là sốt. Đây là một phản ứng bảo vệ của cơ thể để chống lại các tác nhân gây bệnh. Chỉ nên dùng thuốc hạ sốt giảm đau khi sốt cao Khi nào cần hạ sốt? Sốt là cơ chế bảo vệ chống...