Những hành trình dài đầy thấp thỏm của “người vận chuyển” vắc xin
Thùng eZCooler với 3 dung tích (8 lít, 12 lít và 96 lít) đã được chuyển giao cho 6 tỉnh phía Bắc gồm Hải Dương, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hà Giang, Sơn La và Yên Bái, góp phần tăng cường tiếp cận vắc xin cho người dân sinh sống ở những vùng sâu, vùng xa.
Với đặc thù là sản phẩm cần được bảo quản nhiệt độ lạnh ổn định ở mức từ 2C đến 8C, việc vận chuyển vắc xin thực sự là một hành trình dài và khó khăn đối với những cán bộ y tế công tác tại những tỉnh vùng sâu, vùng xa, những nơi vốn có điều kiện tự nhiên và khí hậu, địa hình khắc nghiệt
Việc tiêm chủng tại nhiều huyện vùng sâu, vùng xa đang gặp không ít khó khăn.
Với cán bộ y tế tại Trạm Y tế xã Thượng Sơn, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, công tác vận chuyển vắc xin là yếu tố quan trọng hàng đầu, quyết định đến thành công của những đợt tiêm chủng lưu động. Bác sĩ Nguyễn Thị Nậm – Trạm trưởng Trạm Y tế xã Thượng Sơn, huyện Vị Xuyên – cho biết những năm gần đây, ý thức tiêm chủng phòng bệnh cho con và cho chính những phụ nữ mang thai đã tăng rất nhiều. Người dân đã có ý thức chủ động đến Trạm xá tiêm chủng theo lịch. Tuy nhiên, ở những địa phương vùng sâu, vùng xa, Trung tâm vẫn phải tổ chức những đợt tiêm lưu động.
Những đợt như vậy, Trung tâm phải tính toán để đưa phích bảo quản vắc xin đến điểm tiêm an toàn. Khi tới nơi, nhân viên y tế thôn bản lại đến từng nhà thông báo cho bố mẹ đưa con trẻ đi tiêm. Việc bảo quản trong phích lạnh không chuyên dụng đã khiến các cán bộ phải chạy đua với thời gian nhằm đảm bảo vắc xin duy trì được chất lượng tốt nhất khi đến tay người dân.
Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Vị Xuyên, cho biết do vấn đề địa lý nên ngoài điểm tiêm chủng tại Trạm Y tế xã Thượng Sơn, Trung tâm còn có 6 điểm tiêm lưu động khác. Để tổ chức những buổi tiêm lưu động này, các nhân viên tiêm chủng thay nhau vận chuyển vắc xin đến các điểm tiêm lưu động từ trước đó 2 tuần. Một trong số đó là điểm tiêm tại Hội trường thôn Lùng Vùi, cách trạm y tế khoảng 7 km. “Tại đây dù chỉ có 7 trẻ nhưng chúng tôi vẫn phải tổ chức điểm tiêm để vận động bà con đưa trẻ đến tiêm. Bởi nếu không cử cán bộ tiêm chủng đến các điểm tiêm, người dân sẽ có thể bỏ tiêm vì ngại đưa con nhỏ đi quá xa”, bác sĩ Dũng nói.
Tại xã Nậm Mười và An Lương (huyện Văn Chấn, Yên Bái) vốn là hai xã vùng sâu, vùng xa, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, trong những đợt tiêm chủng tại đây, việc vận chuyển vắc xin và vận động bà con đi tiêm chủng gặp khó khăn. Với mong muốn tạo điều kiện thuận lợi cho các gia đình đưa trẻ đi tiêm sau những đợt mưa lũ, trạm y tế xã An Lương đã mở thêm 4 điểm tiêm chủng và trạm y tế xã Nậm Mười đã mở thêm 3 điểm tiêm.
“Mở điểm tiêm thì dễ, nhưng vận chuyển vắc xin là cả quá trình. Tại những xã bị ảnh hưởng mưa lũ, giao thông bị chia cắt, các đội tiêm chủng lưu động vẫn phải đi đến tận các điểm tiêm để tiêm chủng cho các trẻ bị hoãn tiêm. Trong quá trình di chuyển đến các điểm tiêm lưu động, việc đảm bảo an toàn vắc xin là an toàn hàng đầu, là mối quan tâm lớn nhất của nhân viên y tế”, bác sĩ Lê Hồng Quang, Trưởng khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm, CDC Yên Bái cho biết:
Theo quy trình, vắc xin từ tỉnh chuyển xuống huyện, sau đó các trạm y tế xã sẽ nhận vắc xin tại huyện. Trong điều kiện cho phép, vắc xin từ huyện được vận chuyển bằng ô tô xuống một vài điểm bàn giao tại xã. Tuy nhiên, nhiều cán bộ y tế xã vẫn đi xe máy về huyện và vận chuyển vắc xin về trạm y tế xã. Mặc dù việc bảo quản vắc xin đều được các cán bộ tiêm chủng thực hiện đầy đủ, nghiêm ngặt bằng phích lạnh và có nhiệt kế theo dõi nhiệt độ, ghi chép đầy đủ nhưng cũng không tránh khỏi khó khăn, rủi ro khi nhiệt độ vắc xin bảo quản không ổn định trong phích lạnh không chuyên dụng.
Những khó khăn của “người vận chuyển” như trên cũng chính là những bài toán khó mà Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia đang phải đối mặt. Vị trí khó tiếp cận của các trung tâm y tế địa phương ở vùng sâu, vùng xa do địa hình hiểm trở, chênh lệch nhiệt độ giữa các mùa và các vùng miền, đường xá gập ghềnh lên xuống, chênh lệch nhiệt độ trong ngày lên đến 10 độ C, thời gian di chuyển lâu… là những thách thức lớn nhất trong công tác bảo quản vắc xin.
Video đang HOT
Mới đây, Viện Kiểm định Quốc gia Vắc xin và Sinh phẩm Y tế, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã công bố dự án tài trợ thùng bảo quản lạnh với công nghệ eZCooler của Công ty TNHH Zuellig Pharma Việt Nam nhằm tăng cường tiếp cận vắc xin tại các điểm tiêm chủng khó khăn ở Việt Nam. Thùng bảo quản lạnh eZCooler có khả năng bảo quản nhiệt độ theo đúng tiêu chuẩn yêu cầu bảo quản vắc xin từ 2C đến 8C, giúp vắc xin được duy trì bảo quản liên tục ở mức nhiệt độ này trong thời gian tối đa 5 ngày.
Thùng eZCooler với 3 dung tích (8 lít, 12 lít và 96 lít) đã được chuyển giao cho 6 tỉnh phía Bắc gồm Hải Dương, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hà Giang, Sơn La và Yên Bái, góp phần tăng cường tiếp cận vắc xin cho người dân sinh sống ở những vùng sâu, vùng xa.
Các cán bộ y tế tại 6 tỉnh này cũng được Zuellig Pharma đào tạo về các tiêu chuẩn quốc tế, các quy định về thực hành tốt bảo quản thuốc (GSP) để quản lý chuỗi cung ứng lạnh và ứng dụng hiệu quả công nghệ bảo quản lạnh eZCooler trong bảo quản vắc xin.
Theo Dân trí
Các bệnh nguy hiểm có thể ngừa bằng vắc-xin
Việc nhà khoa học Jenner phát minh ra vắc-xin vào năm 1796 là một thành tựu y học vĩ đại của nhân loại.
Kể từ khi vắc-xin ra đời, loài người đã thực sự có được một loại vũ khí siêu hạng, sắc bén nhất, hữu hiệu nhất để chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Vắc-xin là chế phẩm sinh học có tính kháng nguyên, có nguồn gốc từ vi sinh vật (có thể toàn thân hoặc một phần hay có cấu trúc tương tự) dùng để tạo miễn dịch đặc hiệu chủ động nhằm tăng sức đề kháng của cơ thể đối với một số tác nhân gây bệnh cụ thể. Khoảng 85 - 95% người đã được tiêm chủng sẽ có miễn dịch đặc hiệu bảo vệ cơ thể không bị mắc bệnh đó nữa. Ước tính, vắc-xin đã cứu sống khoảng 2,5 triệu trẻ em không chết do các bệnh truyền nhiễm hàng năm trên thế giới. Những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm dưới đây có thể phòng ngừa bằng vắc-xin:
Viêm gan siêu vi B
Viêm gan siêu vi B là bệnh do nhiễm virus viêm gan B gây ra. Virus làm tổn thương gan âm thầm, biểu hiện rất ít với sốt, vàng da, vàng mắt. Bệnh nhân nếu có sức đề kháng tốt, cơ thể sẽ tự chống lại virus và vượt qua, nhưng nếu không, bệnh dần tiến triển đến xơ gan, ung thư gan. Cách phòng viêm gan B hiệu quả nhất là tiêm ngừa vắc-xin viêm gan B càng sớm càng tốt theo khuyến cáo.
Bệnh sởi
Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Paramyxoviridae gây ra. Bệnh hay xuất hiện vào thời điểm đông - xuân, là bệnh thường gặp ở trẻ em nhưng cũng xuất hiện ở người lớn, khả năng gây thành dịch cao. Bệnh sởi lây qua đường không khí, do đó, khả năng bùng phát thành dịch rất cao, nhất là ở những quần thể có tỷ lệ miễn dịch thấp với bệnh. Các triệu chứng của bệnh sởi như: sốt, phát ban toàn thân, ho, sổ mũi nước và mắt đỏ. Dấu hiệu phân biệt sởi với các ban khác là khởi đầu ở sau tai, rồi lên mặt, xuống cổ, bụng, lưng và tay, chân. Ban lặn sẽ để lại vết thâm trên da. Sởi là bệnh rất phổ biến ở nước ta nên được khuyến cáo tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi từ khi trẻ 9 tháng tuổi, có thể tiêm nhắc lại theo chỉ định của cán bộ y tế.
Tiêm vắc-xin là một biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Ảnh: T. Minh
Bệnh quai bị
Quai bị là một bệnh truyền nhiễm cấp tính gây ra bởi virus quai bị (Mumps virus) thuộc họ Paramyxoviridae. Virus có thể tồn tại khá lâu ở bên ngoài cơ thể: khoảng từ 30 - 60 ngày ở nhiệt độ 15 - 200C và bị tiêu diệt nhanh chóng ở nhiệt độ trên 560C hoặc dưới tác động của các hóa chất diệt khuẩn. Bệnh quai bị thường gặp ở bé trai. Quai bị gây các triệu chứng như: sốt, mệt mỏi, tuyến nước bọt, tuyến mang tai, tuyến dưới hàm sưng to. Bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm là viêm não, viêm cơ tim và vô sinh ở bé trai.
Bệnh uốn ván
Uốn ván là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lây qua các vết thương ngoài da gây ra. Bệnh nhân có biểu hiện nuốt khó, cứng hàm, sặc, cứng cơ lưng, cơ gáy, co giật. Uốn ván có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm, thời gian điều trị dài, chi phí cao và nguy cơ tử vong lớn. Phòng bệnh bằng tiêm ngừa uốn ván là hiệu quả nhất khi nghi mắc uốn ván.
Bệnh viêm não Nhật Bản
Bệnh viêm não Nhật Bản do virus gây ra với vật truyền trung gian là muỗi. Trẻ mắc bệnh khởi phát là sốt đột ngột, mệt mỏi, nhức đầu, buồn nôn và nôn. Sau 3-4 ngày, người bệnh có thể co giật, lơ mơ, hôn mê và tử vong. Tỷ lệ tử vong là khoảng 20% số trường hợp. Tiêm chủng vẫn là cách phòng viêm não Nhật Bản quan trọng và hiệu quả nhất.
Bệnh Rubella
Là bệnh truyền nhiễm do virus Rubella thuộc họ togavirus gây ra, lây qua đường hô hấp khi người lành tiếp xúc với hạt nước bọt của người mang bệnh hay lây từ mẹ sang con qua nhau thai. Bệnh hay xảy ra vào mùa đông xuân, có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng cũng ít gặp ở trẻ sơ sinh trừ trường hợp trẻ mắc hội chứng Rubella bẩm sinh. Rubella gây các triệu chứng như sốt và phát ban toàn thân, thường bệnh không gây nguy hiểm và biến chứng nặng. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai mắc bệnh thì có thể để lại những di chứng nặng nề cho trẻ. Bệnh có thể phòng ngừa bằng tiêm vắc-xin.
Bệnh thủy đậu
Thủy đậu (trái rạ) là bệnh do siêu vi trùng Varicella zoster gây ra, thường gặp ở trẻ em, gây sốt phát ban và có bóng nước toàn thân. Thủy đậu rất dễ lây lan, nhất là ở môi trường đông đúc như mẫu giáo, nhà trẻ, trường học. Bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng da, viêm não, viêm tủy cắt ngang. Hiện nay, có thể tiêm vắc-xin phòng thủy đậu cho trẻ từ 12 tháng trở lên.
Cúm
Bệnh cúm là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do virus gây ra và dễ dàng lan truyền qua các giọt nhỏ, gây tình trạng sốt, ho, đau đầu, đau họng, đau cơ. Các chuyên gia khuyến nghị, người khỏe mạnh nên đi tiêm phòng cúm vì virus cúm hiện có khả năng biến đổi và trở nên nguy hiểm hơn, trong khi hệ thống miễn dịch của chúng ta không phải lúc nào cũng ở tình trạng "cập nhật". Do đó, tiêm phòng cúm hằng năm sẽ cung cấp cho chúng ta sự bảo vệ nhất định trước những mầm bệnh bất ngờ.
Viêm màng não do não mô cầu
Đây là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn não mô cầu các type A, B, C, Y và W135 gây ra. Vi khuẩn này lây truyền từ người sang người qua dịch cơ thể tiếp xúc khi ho, hắt hơi. Bệnh gây sốt li bì, mê sảng, hôn mê và co giật, tỷ lệ tử vong ở trẻ khoảng 50%. Hiện nay, đã có vắc-xin phòng bệnh viêm màng não do vi khuẩn type A, C nhưng chỉ bắt đầu tiêm hiệu quả với trẻ từ 2 tuổi trở lên.
Bệnh thương hàn
Thương hàn là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lây qua đường tiêu hóa gây ra. Bệnh có triệu chứng sốt cao, tiêu lỏng, bụng trướng, có thể gây xuất huyết tiêu hóa. Phương pháp phòng bệnh thương hàn đặc hiệu, chủ động và hiệu quả nhất là tiêm vắc-xin.
Bệnh dại
Dại là loại bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus dại lây qua niêm mạc hoặc vết thương do động vật mắc bệnh dại cắn gây ra. Bệnh nhân bệnh dại thường biểu hiện sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng, hay kích động, lên cơn co giật rồi nhanh chóng tử vong. Tiêm vắc-xin phòng dại là cách tốt nhất ngừa bệnh dại khi nghi bị con vật dại cắn. Những đối tượng có nguy cơ bị dại do tính chất công việc cũng có thể tiêm ngừa chủ động.
BS. Lê Anh
Theo suckhoedoisong
Sắp có vắc-xin cho HIV vào năm 2021? Tiến sĩ Susan Buchbinder và Anthony Fauci, hai trong số các chuyên gia HIV hàng đầu thế giới, nói rằng ba thử nghiệm vắc-xin HIV đang diễn ra là lý do để hy vọng. Cuộc chiến toàn cầu chống lại virus gây suy giảm miễn dịch ở người đã sẵn sàng để đạt được những tiến bộ quan trọng nhờ ba loại vắc-xin...