Nhộng ong rừng “Mật ngọt” của miền sơn cước khiến thực khách đắm say
Hoà Bình không chỉ có những dòng suối trong xanh uốn quanh bản làng, nhiều nếp nhà nép mình bên chân núi của người dân tộc khiến du khách thích thú. Nơi đây còn được biết đến là vùng sơn cước có nhiều đặc sản lạ, thơm ngon như cơm lam, nếp nương, rượu ngô,…
Đặc biệt, Hoà Bình cũng có một loại “của ngon vật lạ” chỉ theo mùa mới được ăn, đó là nhộng ong rừng.
Nhộng ong rừng – Đặc sản miền sơn cước
Nhộng ong rừng thì không phải mỗi Hoà Bình mới có, mà chúng cũng là đặc sản của xứ U Minh miền Tây. Tuy vậy, mỗi miền mỗi khác, cách chế biến cũng ít nhiều khác biệt theo lối sống bản địa. Chẳng hạn như xứ U Minh thì chuộng gỏi nhộng ong, nhộng ong hấp. Còn với vùng sơn cước Hoà Bình, bà con lại thường xào nhộng ong với măng chua.
Trong các loài nhộng ong rừng, nhộng ong vò vẽ ngon hơn cả vì hội tụ được vị ngon, bùi, béo và ngậy lạ miệng. Nhộng ong không phải mùa nào cũng có, muốn thưởng thức được món nhộng ong phải phụ thuộc vào mùa sinh sản của ong.
Từ tháng 4 đến tháng 8, ong vào mùa làm tổ và sinh sản, bởi vậy mà trên bàn ăn muốn có đĩa nhộng ong làm đồ nhắm cũng hiếm lắm. Những con nhộng màu kem sữa, mỡ màng, mập ú nhìn rất thích mắt.
Nhộng ong chỉ ăn loại còn tươi ngon, sạch sẽ, những con có mùi lạ hoặc màu sắc không tự nhiên thì cần được loại bỏ. Hơn nữa, nhộng được chế biến chín sẽ bảo toàn được dinh dưỡng và không sinh độc cho cơ thể.
Video đang HOT
Những tầng tổ ong sau khi gỡ ra được đốt cho sém vàng để lấy nhộng cho dễ mà phần nhộng cũng săn chắc, không bị nát. Nhộng ong rừng cũng được phân theo từng độ tuổi như nhộng non, nhộng trưởng thành, nhộng thành con màu trắng, nhộng thành con màu vàng ngà. Còn loại nhộng đã thành hình con ong màu nâu thì bà con thường dùng để ngâm rượu.
Nhộng ong giàu dinh dưỡng, đặc biệt chứa nhiều đạm gấp 2 lần thịt và 4 lần trứng. Trong Đông y, nhộng ong có vị hơi ngọt, tính hàn, không độc, có khả năng sát khuẩn, chống tổn thương nội tạng, giúp nhan sắc tươi nhuận, da dẻ mịn màng. Bên cạnh đó, nhộng ong còn được biết đến với tác dụng tốt cho những người bị suy nhược thần kinh, mất ngủ.
Cho nên, nhộng ong khi vào mùa thường được bà con mang về chế biến các món ăn bổ dưỡng. Thực khách trên bàn nhậu cũng may lắm mới được thưởng thức đặc sản hiếm có này. Nhộng ong mật do nuôi được nên không quá khó tìm, nhưng nhộng ong vò vẽ thì phải “có duyên” mới được ăn.
Nhộng ong rừng chế biến món gì ngon?
Người miền Tây có thể ăn nhộng ong hấp lá bầu hoặc mắm nhộng ong đều hấp dẫn. Mắm nhộng ong có thể gọi là đặc sản của Cà Mau. Nhộng ong sau khi sơ chế được bỏ vào lọ cùng muối và phơi nắng. Khi đã ngấm thì đổ nhộng ra trộn đều cùng thính, đổ lại và phơi tiếp vài ngày. Khi chúng có màu vàng nhạt là đã ăn được rồi.
Nhộng ong vò vẽ có thể chế biến thành nhiều món ngon như cháo nhộng, nhộng xào măng, nhộng chiên bơ,… Một trong những món ngon từ nhộng ong của miền sơn cước được nhiều thực khách ưa chuộng là món nhộng ong rang lá chanh. Còn đặc sản ở vùng Mai Châu, Hoà Bình chính là món nhộng xào măng chua.
Nguyên liệu cần thiết để làm món nhộng ong rừng rang lá chanh là nhộng ong, lá chanh, muối, mì chính (không ăn có thể bỏ), hành tăm (không có thì sử dụng hành tím), hạt tiêu, ớt.
Nhộng ong rửa sạch, để ráo nước. Hành băm nhỏ. Lá chanh thái sợi nhỏ. Ớt sừng thái lát. Phi thơm hành, cho nhộng ong vào xào, rắc xíu tiêu muối vào. Khi mùi thơm ngậy tỏa ra là được. Lúc gần tắt bếp thì cho lá chanh và vài lát ớt vào đảo đều. Món này ăn nóng thì rất ngon.
Có thể dùng bánh đa nướng để xúc ăn kèm nhộng ong rang.
Món ngon hiếm có khó tìm nhưng đáng để trải nghiệm này sẽ khiến bạn không thể quên được. Hãy thử nếu có dịp nhé!
Về U Minh thưởng thức gỏi nhộng ong
Nhắc đến xứ U Minh, mọi người nghĩ ngay đến một đặc sản mang thương hiệu quốc gia, đó là mật ong rừng tràm U Minh Hạ.
Nhưng ít ai biết rằng, có một thứ bỏ đi khi khai thác mật ong, đó là nhộng ong non, được người dân U Minh tận dụng, chế biến ra một món ăn vô cùng tinh tuý, đó là mắm ong và gỏi nhộng ong trộn rau má, các loại rau rừng khác.
Gọi là nhộng ong, tức là những con ong non khoảng 20 ngày tuổi còn nằm trong tấm tàng ong. Khi những người làm nghề phong ngạn (gác kèo ong) khai thác mật, họ phải cắt một phần mật ong kèm theo một ít tổ có nhộng ong để đàn ong tiếp tục phát triển.
Nguyên liệu nhộng ong dùng để làm gỏi.
Nhộng ong khi khai thác về, cho vào chảo nước sôi luộc đến khi tan phần tổ (phần sáp ong), sau đó vớt phần nhộng ong nổi trên bề mặt ra để ráo nước trước khi chế biến món gỏi.
Rau má đồng quê xứ rừng tràm U Minh được hái về rửa sạch, ngâm qua nước muối loãng khoảng 5 phút rồi vớt ra, rửa sạch lại để ráo nước. Nguyên liệu trộn gỏi rau má nhộng ong gồm: cà chua, hành tây, chanh, ớt, tỏi, giấm gạo, tương ớt cùng ít dầu ăn... Món gỏi này không thể thiếu nước sốt làm từ tỏi và ớt giã nhuyễn, thêm đường, bột ngọt, hạt nêm, tương ớt, giấm gạo... nêm cho vừa ăn, sau đó khuấy đều các gia vị cùng ít dầu ăn để nước sốt hoà quyện vào nhau rồi tiến hành trộn gỏi.
Những cọng rau má xanh non được cắt từ ngoài vườn vào để làm món gỏi nhộng ong thì còn gì bằng.
Gỏi nhộng ong trộn rau má vườn - món ngon tinh tuý, đậm đà của xứ rừng U Minh.
Thời tiết giao mùa tháng Tư - tháng diễn ra sự kiện "Hương rừng U Minh" vào những ngày cuối tháng, đây cũng là thời điểm người dân U Minh thu hoạch mật ong nên có được những tấm tàng ong non như ý. Du khách đừng bỏ lỡ cơ hội này, hãy đến U Minh vừa tham quan du lịch, vừa thưởng thức những món đặc sản của xứ rừng, đặc biệt là các món ngon tinh tuý từ nhộng ong non, sẽ làm cho du khách nhớ mãi./.
4 loại ấu trùng được thực khách ưa chuộng ở Việt Nam Các loại sâu trưởng thành đẻ trứng vào cây dừa, trứng nở sẽ thành con đuông. 1. Đuông dừa Những con đuông này ngày đêm ăn hết cây dừa và làm chết cây. Một cây dừa có thể có cả hàng trăm con đuông. Với người trồng dừa, đây là "kẻ phá hoại giấu" mặt nguy hiểm nhất, song với thực khách, đuông...