Nhớ thương bánh chập chập
Chỉ cần thoáng nghe hương vị của những chiếc xe sắn hấp dừa, của những bếp than sắn nướng, một khoảng trời thương nhớ lại ùa về với món bánh chập chập mộc mạc, chân phương.
Bánh chập chập có thể chấm với mắm cái cá cơm
Lâu, rất lâu rồi! Những ngày tôi còn ở cùng với ba má nơi vùng núi cao xứ Quảng. Ngày ấy quê tôi còn nghèo lắm. Nhà ai cũng cố gắng tích trữ nhiều lúa, khoai và đặc biệt là bột sắn để mùa đông tới trong những ngày lạnh lẽo có cái để ăn thêm. Thực đơn bột sắn của má cũng chỉ loanh quanh món bánh chập chập, ấy vậy mà mỗi khi làm bánh cả nhà quây quần, vui đáo để.
Thật ra việc làm bánh chập chập đã được chuẩn bị rất lâu. Bắt đầu từ vạt rẫy ba má dành riêng để trồng sắn. Những cây sắn cao đung đưa trong gió, trở thành nơi chơi ẩn nấp, trốn tìm, bán đồ hàng… Đến ngày sắn già, chị em tôi xúm xít rủ nhau phụ với ba má đi nhổ sắn.
Video đang HOT
Sắn được cạo sạch đất, để nguyên củ bán cho thương lái hoặc bóc vỏ cắt miếng phơi khoảng vài nắng cho thật khô, xong cho tất cả vào bao cất kỹ trên giàn bếp. Phần nhiều sắn khô được má dùng để hấp trong nồi cơm trong ngày giáp hạt thiếu thốn. Số còn lại, má mang đi xay nhuyễn để dành làm bánh chập chập.
Bánh chập chập tuy dễ làm nhưng đòi hỏi sự khéo léo. Chỉ cần lấy ít bột sắn đã xay nhuyễn trước đó nhào với nước. Bột sắn phải nhào thật đều tay, lượng nước vừa đủ sao cho hỗn hợp bột không bị khô cũng không quá nhão, vừa đủ độ kết dính, nếu không sẽ ảnh hưởng đến chất lượng bánh.
Nấu nước sôi rồi cho bánh vào luộc, đến khi bánh nổi lên mặt nước là vừa chín. Vớt bánh ra, phi thơm dầu phụng với nén củ, cho bánh vào đảo đều tay để bánh khỏi dính lại với nhau. Có thể nêm muối, gia vị cho vừa ăn hoặc để nguyên, chấm với mắm cái cá cơm tùy theo khẩu vị của từng nhà.
So với các loại bánh thông thường, bánh chập chập có nét hấp dẫn riêng, vị bánh hơi dai, hương thơm nhẹ nhàng, không còn nồng mùi nhựa sắn. Vùng trung du quê tôi, một thời gian dài gạo thiếu nhưng sắn thì thừa. Bột sắn cần bao nhiêu cũng có. Nhà nhà, người người làm bánh ăn điểm tâm hay làm món quà vặt mời khách phương xa, vậy mà miệng luôn khen, lòng thấy hả hê, đầu gật gù: “Ngon, ngon thật!”.
Củ sắn vốn đắng và nồng là vậy nhưng với bàn tay khéo léo, người dân quê tôi lại cho ra những món ăn, không chỉ nuôi lớn bao phận người mà bây giờ còn trở thành món quà vặt thơm thảo. Và dù có đi đến phương trời nào, có thưởng thức cả trăm thức ngon vật lạ, lòng vẫn muốn tìm về với hương vị chập chập dân dã quê nhà.
Theo Thanhnien
Hương vị quê hương: Ngao biển Phổ An
Thịt ngao ngọt mềm và dai như quyến luyến răng nhai chẳng muốn rời. Vị cay của sả, ớt làm da rịn mồ hôi rồi mát lạnh khi gió từ khơi xa thổi vào bờ mơn man cơ thể.
Chiều phai nắng, nền trời xanh thẳm, lơ lửng vầng mây trắng bay, tôi cùng bạn lội bộ trên bãi biển Phổ An (H.Đức Phổ, Quảng Ngãi) hướng về phía những người đang cặm cụi mưu sinh. Sóng vỗ vào bờ xô đẩy những tấm thân với làn da sạm đen vì nắng gió nơi miền quê cát bỏng bàn chân buổi trưa hè. Họ ngừng tay bước lên bờ đón chúng tôi với nụ cười rạng rỡ trên gương mặt hằn vết chân chim.
Quán nhỏ của bạn nằm bên biển bốn mùa lộng gió. Vợ bạn đón túi ngao từ tay chồng rồi đổ vào chậu nước, thêm vài trái ớt đập dập cho ngao nhả nhớt và cát bên trong. Chừng nửa giờ đồng hồ, chị vớt ngao, rửa vài lần cho sạch rồi bỏ vào rổ cho ráo nước. Sau đó, chị cho ngao với ít nước vào nồi cùng dăm nhánh sả đập dập cắt ngắn, thêm ớt xắt mỏng rồi đun trên bếp lửa cháy bập bùng bên biển chiều. Khi nước sôi, ngao tách vỏ khoe lớp thịt trắng hồng, cho ít gia vị vào nồi cùng hẹ cắt ngắn. Tiếp đến, dùng vá múc ra đĩa là đã có món ngao hấp sả ớt đậm đà hương vị.
Thưởng thức món ngao hấp sả ớt trên bãi biển rì rầm sóng vỗ lòng chợt nghe dạt dào cảm xúc.
Cư dân ven biển Phổ An khéo léo chế biến gia vị ăn kèm với ngao hấp rất thơm ngon, khiến bao người xuýt xoa khen ngợi. Muối Sa Huỳnh được cho vào nồi đất đậy kín nắp rồi đốt lửa xung quanh phát ra những tiếng nổ tí tách vui tai. Khi dứt tiếng nổ, muối chín chuyển thành dạng bột trắng thì dừng đốt lửa. Mở nắp nồi và chờ nguội rồi dùng muỗng múc muối bột cho vào lọ thủy tinh đậy kín nắp dành để dùng dần. Họ gọi là muối hầm, tên nghe dân dã, mặn mà vị biển khơi. Món ngao hấp thêm thơm ngon khi ăn kèm với muối hầm trộn lẫn tiêu xay nhuyễn, vắt tí nước cốt chanh.
Thịt ngao dai và ngọt mềm quyện với vị mặn mòi từ muối hòa cùng vị cay của tiêu lẫn vị chua của chanh lưu mãi nơi đầu lưỡi. Bẻ miếng bánh tráng nướng chín nhai giòn tan trong miệng khiến tinh thần càng thêm phấn khích. Thêm ngụm bia ngọt nồng cho đời thêm thi vị bên biển trời bao la cùng rặng thùy dương vi vu với gió phiêu bồng.
Theo Thanhnien
Gỏi cuốn bà Phương có gì mà người Sài Gòn ăn hơn 1.000 cuốn/ngày Nhắc tới gỏi cuốn, một thứ quà ăn chơi hay ăn chính đều hợp của dân Sài Gòn thì ai cũng có cho mình một quán "ruột". Gỏi cuốn của bà Phương trở thành quán quen của nhiều thế hệ trong 15 năm qua. Gỏi được cuốn sẵn và bảo quản trong từng khay. Để gỏi cuốn không bị khô bà Phương lấy...