Nhịn ăn gián đoạn có phải phương thuốc thần kỳ?
Nhiều nghiên cứu cho thấy phương pháp nhịn ăn gián đoạn có tác động tích cực tới sức khỏe, giúp làm chậm quá trình lão hóa.
Trong suốt một năm rưỡi, Keith Taylor và vợ đã áp dụng phương pháp nhịn ăn gián đoạn. Ông cho biết: “Sáu ngày một tuần, chúng tôi không ăn gì cho đến khoảng 17h. Từ đó đến khi đi ngủ, chúng tôi ăn bất cứ gì mình muốn. Chúng tôi không hạn chế loại hay lượng thực phẩm mà giới hạn thời điểm ăn”.
Từ khi vợ chồng Taylor nhịn ăn gián đoạn (IF), họ duy trì được trọng lượng cơ thể khỏe mạnh, tỉnh táo và tràn đầy năng lượng, bớt căng thẳng và ít bị bệnh hơn. Taylor thừa nhận rằng việc ông có sống được lâu hơn nhờ phương pháp này hay không vẫn còn là một câu hỏi, nhưng ông cảm thấy khá lạc quan. Ông nói: “Tôi thấy như mình đã trẻ ra. Nếu tôi có những dấu hiệu tích cực của tuổi trẻ – mạnh mẽ và tích cực hơn – thì tôi nghĩ cũng hợp lý khi cho rằng tôi đã kéo dài tuổi thọ của mình bằng cách chuyển sang IF”.
Điều gì sẽ xảy ra với cơ thể khi nhịn ăn gián đoạn?
Nghiên cứu liên quan đến động vật chỉ ra rằng nhịn ăn gián đoạn có thể làm giảm nguy cơ béo phì và các bệnh liên quan, bao gồm cả bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, tiểu đường và ung thư. Theo Mark Mattson, Trưởng phòng Thí nghiệm Khoa học thần kinh tại Viện nghiên cứu Lão hóa quốc gia, nghiên cứu từ những năm 1980 cho thấy tuổi thọ của chuột tăng đáng kể khi chúng nhịn ăn, so với những con chuột có thức ăn luôn sẵn có.
Ăn hạn chế thời gian cũng là một phương pháp giúp bạn lưu giữ thanh xuân.
Theo một nghiên cứu mới được công bố gần đây, những con chuột được cho ăn tất cả thức ăn trong ngày một lần sẽ sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn so với những con chuột được cho ăn liên tục. Rafael deCabo, nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu Lão hóa quốc gia và là tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: “Khi không hạn chế lượng calo và không phụ thuộc vào chế độ ăn kiêng, chuột nhịn ăn hoạt động tốt hơn chuột không nhịn ăn”.
Nhưng việc nhịn ăn như vậy có đem lại lợi ích gì không, đặc biệt là việc sống lâu hơn khi áp dụng trên con người? Cho đến nay, các cuộc nghiên cứu trên người cũng đã cho thấy những kết quả đầy hứa hẹn.
Năm 2017, một nghiên cứu đã tiến hành cuộc thử nghiệm bằng cách chia 100 người không có bệnh tật thành hai nhóm. Trong ba tháng, một nhóm sẽ ăn bất cứ thứ gì họ muốn. Nhóm còn lại sẽ có 5 ngày/tháng ăn ít hơn (từ 800 đến 1.100 calo), chế độ này được gọi là Fasting Mimicking Diet (FMD), hay được gọi là “giả nhịn ăn”. Kết thúc nghiên cứu, những người trong nhóm FMD cho thấy các dấu hiệu bệnh tim đã không còn, mức cholesterol và các nguy cơ gây ung thư đã giảm. Ngoài ra, những người trong nhóm này còn bị mất chất gây bụng mỡ nhưng vẫn duy trì được khối lượng cơ nạc và quá trình trao đổi chất vẫn diễn ra ổn định.
Theo Valter Longo, người điều hành Viện Tuổi thọ tại Đại học Lão khoa Leonard Davis (Nam California), một thử nghiệm về tuổi thọ trên người sẽ gần như không thể tiến hành và tốn rất nhiều chi phí.
Theo ông, việc nhịn ăn định kỳ là “một lựa chọn tiềm năng để hạn chế việc uống thuốc”. “Bạn có thể nhịn ăn trong năm ngày và sau đó quay trở lại với chế độ ăn bình thường”, Longo nói thêm.
Chế độ ăn uống khoa học và thường xuyên tập thể dục sẽ giúp bạn cải thiện tuổi thọ của mình.
Video đang HOT
“Khi nói đến tuổi già, những loại bệnh điển hình gây tử vong như bệnh tim mạch, ung thư và tiểu đường”, Mattson nói. Nếu bạn có những phương pháp giảm bớt các nguy cơ gây bệnh có thể tuổi thọ trung bình sẽ được thúc đẩy.
Một nghiên cứu khác về chế độ ăn uống 5:2 cũng đem lại hiệu ứng tích cực cho sức khỏe. Đây là chế độ nhịn ăn mà người tham gia có thể ăn bất cứ thứ gì họ muốn trong 5 ngày/tuần, sau đó sẽ bị giới hạn còn 500 calo trong hai ngày còn lại.
“Chúng tôi chia 100 phụ nữ thừa cân thành hai nhóm, một nhóm có chế độ ăn uống 5:2, nhóm còn lại ăn đủ 3 bữa/ngày nhưng chúng tôi giảm lượng calo xuống còn 20-25% so với bình thường, để đảm bảo lượng calo của hai nhóm bằng nhau” Mattson chia sẻ.
Trong 6 tháng, cả hai nhóm đều mất cùng một lượng cân nặng. Chế độ ăn uống 5:2 có hiệu quả trong việc điều hòa glucose và giúp mất mỡ bụng so với chế độ ăn 3 bữa/ngày nhưng hạn chế calo”.
Hình thức ăn uống vào một số giờ nhất định trong ngày như cách mà vợ chồng Taylor đang làm cũng đem lại tác dụng có lợi cho sức khỏe ở động vật. Tuy nhiên, một bài báo cáo được xuất bản vào năm 2015 nói rằng chế độ ăn uống này vẫn chưa đủ cơ sở để kết luận có hiệu quả khi áp dụng trên người.
Tháng 6, một nghiên cứu cũng chỉ ra lợi ích sức khỏe của một mô hình ăn uống hạn chế thời gian, không giảm cân đối với nam giới tiền đái tháo đường. Tuy nhiên, nghiên cứu chỉ có tám người tham gia. Vì vậy, các nhà khoa học cho rằng: “Cần phải được nhân rộng trong một thử nghiệm lớn hơn bao gồm cả phụ nữ.”
Các thử nghiệm lâm sàng về nhịn ăn gián đoạn đang được tiến hành ở những bệnh nhân mắc bệnh đa xơ cứng hoặc ung thư, nhằm mục đích xác định chế độ dinh dưỡng này có thể ngăn chặn sự phát triển của bệnh hay không. Mattson giải thích: “Nếu bạn tấn công các tế bào ung thư bằng hóa chất hoặc phóng xạ, khi người bệnh ở trạng thái nhịn ăn, các tế bào có thể dễ bị tổn thương hơn vì chúng sử dụng glucose mà không thể sử dụng xeton (nguồn nhiên liệu trong lúc nhịn ăn).
Nhịn ăn gián đoạn giúp sống lâu hơn?
Theo các chuyên gia, lợi ích lớn nhất của IF là cơ thể trải qua một quá trình trao đổi chất từ sử dụng glucose sang xeton làm nhiên liệu cho cơ thể, giúp giảm lượng chất béo và độc tố ở gan. Quá trình này cũng xảy ra trong thời gian dài tập thể dục.
Hơn nữa, những thay đổi trao đổi chất xảy ra trong quá trình này sẽ lặp đi lặp giúp tối ưu hóa chức năng não và tăng sức đề kháng trước bệnh tật, tác động tích cực đối với việc lão hóa.
Theo Longo, việc nhịn ăn cũng sẽ giúp giảm mức độ tế bào bạch cầu bị tổn thương. Sau khi ăn uống bình thường tế bào gốc sẽ được “bật” trở lại, tái tạo tế bào khỏe mạnh mới. “Bạn sẽ loại bỏ những thứ thừa thải trong thời gian đói và một khi ăn bạn sẽ tái tạo lại bên trong cơ thể mình”, Longo chia sẻ thêm.
Cân nhắc khi áp dụng nhịn ăn gián đoạn
Các nghiên cứu về nhịn ăn gián đoạn chỉ tập trung vào những người thừa cân hoặc những người có nguy cơ mắc bệnh. Tuy vậy, dù cho tuổi già đang đến nhưng với cơ thể khỏe mạnh, kết hợp chế độ ăn uống phù hợp và thường xuyên tập thể dục, thì IF có lẽ sẽ không cần thiết đối với bạn.
Hơn nữa, việc nhịn ăn gián đoạn cũng không thích hợp cho phụ nữ mang thai và những người có bệnh tiểu đường..
Nếu bạn dự định đặt mình vào một chế độ nhịn ăn gián đoạn, bạn phải được bác sĩ chấp thuận và theo dõi y khoa. Bạn cũng nên gặp một chuyên gia dinh dưỡng để có thể theo dõi chế độ ăn của mình bởi vì có thể bạn sẽ ăn xả láng vào những ngày không IF. Hãy nhớ rằng những lợi ích của việc nhịn ăn gián đoạn sẽ biến mất nếu bạn ăn bù vào ngày hôm sau.
Đối với Mattson, ông đã áp dụng phương pháp IF trong hơn 30 năm. Ông sẽ ăn hết lượng đồ ăn 2.000 calo vào lúc 13h và 20h. Thực đơn của ông bao gồm rất nhiều trái cây, rau, quả hạch, đậu và bột yến mạch, cùng với cá và gà.
Điều quan trọng cần nhớ là mặc dù sức khỏe của bạn có thể cải thiện từ việc nhịn ăn, nhưng các yếu tố khác bao gồm di truyền và môi trường cũng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tuổi thọ của bạn. Khỏe mạnh sẽ không đồng nghĩa với việc bạn có sống lâu hơn hay không.
Tuấn Trương
Theo Zing
Có phải ăn nhiều đường dẫn đến bệnh tiểu đường?
Việc ăn nhiều đường chỉ là một phần dẫn đến tiểu đường. Phần còn lại là do chế độ ăn uống tổng thể, lối sống và di truyền sẽ ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Mặc dù việc ăn nhiều đường có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, nhưng lượng đường chỉ là một phần dẫn đến bệnh, theo Healthline.
Tiêu thụ nhiều đường có làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường không?
Một số lượng lớn các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người thường xuyên uống đồ uống có đường có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 cao hơn khoảng 25%.
Theo báo cáo, các quốc gia có mức tiêu thụ đường cao nhất có tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường loại 2 cao nhất, những nước có mức tiêu thụ đường thấp nhất có tỷ người mắc bệnh tiểu đường thấp nhất.
Sử dụng nhiều đường có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cả trực tiếp và gián tiếp. Ảnh: Internet
Nhiều nhà nghiên cứu tin rằng đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cả trực tiếp và gián tiếp. Nó có thể trực tiếp làm tăng nguy cơ vì fructose tác động có trên gan của chúng ta, bao gồm việc thúc đẩy gan nhiễm mỡ, viêm và kháng insulin cục bộ.
Những tác động này có thể kích thích sản xuất insulin bất thường trong tuyến tụy của chúng ta và tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2. Ăn nhiều đường cũng có thể gián tiếp làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường bằng cách góp phần tăng cân và tăng mỡ cơ thể - đó là những yếu tố nguy cơ riêng biệt cho bệnh tiểu đường đang phát triển.
Hơn nữa, các nghiên cứu trên động vật cho thấy ăn nhiều đường có thể phá vỡ tín hiệu leptin, một loại hormon kích thích cảm giác no, dẫn đến ăn quá nhiều và tăng cân.
Để giảm tác động tiêu cực của việc tiêu thụ đường cao, WHO khuyến nghị không nên quá 10% lượng calo hàng ngày của bạn từ các loại đường bổ sung không được tìm thấy trong thực phẩm.
Đường tự nhiên không làm tăng nguy cơ bệnh tiểu đường
Đường tự nhiên là đường tồn tại trong trái cây và rau quả, không làm tăng nguy cơ bị tiểu đường. Vì các loại đường này tồn tại trong một ma trận chất xơ, nước, chất chống oxy hóa và các chất dinh dưỡng khác, chúng được tiêu hóa và hấp thu chậm hơn và ít có khả năng gây ra gai đường trong máu .
Trái cây và rau quả cũng có xu hướng chứa lượng đường ít hơn nhiều so với nhiều thực phẩm chế biến, vì vậy sẽ dễ dàng hơn trong việc kiểm soát lượng tiêu thụ của chúng ta.
Các yếu tố khác gây bệnh tiểu đường
Trong khi tiêu thụ một lượng lớn đường bổ sung có liên quan đến tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, nhiều yếu tố khác cũng có thể gây tiểu đường như:
Trọng lượng cơ thể: Nghiên cứu cho thấy béo phì là một trong những yếu tố nguy cơ chính đối với bệnh tiểu đường loại 2, nếu chúng ta mất 5-10% trọng lượng cơ thể có thể làm giảm nguy cơ gây bệnh.
Không tập thể dục: Những người sống lối sống ít vận động có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 cao gấp đôi so với những người siêng năng tập thể dục. Chỉ 150 phút mỗi tuần hoạt động vừa phải có thể giảm nguy cơ tiểu đường.
Hút thuốc: Hút thuốc từ 20 điếu thuốc trở lên mỗi ngày có thể làm tăng gấp đôi nguy cơ bị bệnh tiểu đường.
Di truyền học: Nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2 là 40% nếu có cha hoặc mẹ mắc bệnh tiểu đường, và gần 70% nếu cả cha và mẹ đều mắc bệnh tiểu đường.
NGUYỄN CHÂU
Theo plo.vn
Lời khuyên từ chuyên gia Y tế: Thể thao gôn mang đến cuộc sống khỏe mạnh Đây là thông tin rất vui đối với lượng gôn thủ đang tăng lên tại Việt Nam khi các nhà khoa học tại Anh đã có nghiên cứu khoa học cụ thể chứng minh thể thao gôn đem đến những lợi ích rất lớn cho sức khỏe thể chất, tinh thần và kéo dài tuổi thọ. Cụ thể, một nghiên cứu khoa học...