Nhiều trường ĐH ‘chỉnh’ lại đề án tuyển sinh
Đến cuối ngày 14.9, so với đề án tuyển sinh đã công bố, thông tin tuyển sinh nhiều trường đã chỉnh lại hướng tăng chỉ tiêu xét điểm kỳ thi THPT do TS nhập học các phương thức khác không đạt như dự kiến.
Thí sinh và phụ huynh nộp hồ sơ xét tuyển tại một trường đại học ở TP.HCM – KHẢ HÒA
Năm nay, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM tuyển sinh theo 5 phương thức. Theo đề án ban đầu, trường xác định khoảng chỉ tiêu dao động từ 45 – 65% cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp. Đến ngày 15.9, trừ đi số TS đã xác nhận nhập học các phương thức khác, trường này còn khoảng 85% tổng chỉ tiêu cho xét điểm thi (còn lại 2.854 chỉ tiêu trên tổng số 3.349). Theo tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng nhà trường, những ngành thu hút sự quan tâm của nhiều TS, chỉ tiêu xét tuyển còn lại ít nhất 80%. Một số ngành, chỉ tiêu còn lại lên tới 100% như: triết học, nhân học, tôn giáo học, thông tin – thư viện…
Theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Khanh, Trưởng phòng Quản lý đào tạo – công tác sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, trường đã tuyển được khoảng 60% chỉ tiêu, còn lại cho xét điểm kỳ thi tốt nghiệp khoảng 40% tổng chỉ tiêu (khoảng 2.200 TS), tăng từ 10 – 30% so với đề án tuyển sinh ban đầu.
Một số trường khác cũng điều chỉnh tăng chỉ tiêu xét điểm kỳ thi THPT so với đề án ban đầu. Chẳng hạn, Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM còn gần 80% chỉ tiêu, tương đương 1.236 TS xét điểm thi. Trường ĐH Mở TP.HCM còn 70% xét điểm thi tốt nghiệp thay vì 30% như trước đó. Trường ĐH Tài chính – Marketing còn khoảng 60% tổng chỉ tiêu dành cho xét tuyển điểm thi (tương đương 2.800 TS), Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM cũng còn khoảng 70% chỉ tiêu cho phương thức này…
Cùng với việc điều chỉnh chỉ tiêu, các trường ĐH đã công bố điểm sàn xét tuyển theo phương thức kỳ thi THPT. Trong đó, hầu hết các ngành lấy điểm sàn trong khoảng 18 – 20 điểm.
Theo tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, một số ngành điểm tối thiểu nhận hồ sơ ở mức 20 như: ngôn ngữ Anh, Nhật Bản học, Hàn Quốc học, tâm lý học, quan hệ quốc tế, báo chí, truyền thông đa phương tiện, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành. Các ngành còn lại, điểm sàn ở mức 18.
“Điểm sàn này được xác định khá sát với điểm chuẩn trúng tuyển. Dự báo điểm chuẩn có ngành sẽ ở mức tương đương điểm sàn, có ngành có thể cao hơn sàn từ 1 – 1,5 điểm”, ông Hạ nhận định.
Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM cũng chính thức thông báo điều chỉnh điểm nhận hồ sơ xét điểm thi tốt nghiệp. Theo đó, điểm sàn cho tất cả các ngành và các tổ hợp xét tuyển là 19, tăng 2 điểm so với đề án tuyển sinh ban đầu. PGS-TS Vũ Đức Lung, Chủ tịch hội đồng trường, cho biết điểm chuẩn trúng tuyển ngành thấp nhất có thể tương đương hoặc cao hơn một vài điểm. Ngành có điểm trúng tuyển cao nhất có thể cao hơn điểm sàn 6 – 7 điểm.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Trọng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế – Luật, cũng cho biết chỉ tiêu còn lại trường xét điểm thi tốt nghiệp là 60% (khoảng trên 1.200 TS). “Điểm sàn nhận hồ sơ chung cho các ngành là 19. Dự kiến điểm chuẩn năm nay có thể bằng hoặc cao hơn năm ngoái, trong đó ngành cao nhất có thể hơn từ 0,5 – 2 điểm”, tiến sĩ Trọng chia sẻ.
Video đang HOT
Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cũng công bố mức nhận hồ sơ cho các ngành chương trình đại trà 19, các ngành chất lượng cao và tiên tiến 18 điểm. Chỉ tiêu còn lại cho phương thức điểm thi tốt nghiệp khoảng 60%, tương đương khoảng 3.000 TS.
Vì sao điểm sàn khối ngành Khoa học Xã hội chỉ có từ 15 điểm trở lên?
Một số ngành thuộc nhóm khoa học cơ bản như: Triết học, Sử học, Ngôn ngữ học, Nhân học, Văn hóa học, Tôn giáo học... có mức điểm sàn nhận hồ sơ là 15, liệu đây có phải là ngành học đã lỗi thời?
GS.TS. Hoàng Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cho rằng, không phải ngẫu nhiên mà trong những năm gần đây, giáo dục STEM (thiên về công nghệ-kỹ thuật) đã chuyển sang STEMA (công nghệ-kỹ thuật trong sự hài hòa với nhân văn-nghệ thuật) ở hầu hết các quốc gia. Điều đó cho thấy lĩnh vực xã hội và nhân văn thực sự có vai trò và vị thế trong xã hội số hiện nay.
GS.TS. Hoàng Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn
Phóng viên: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội thông báo ngưỡng điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển (điểm sàn) đại học chính quy theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020 với mức từ 15 - 20 điểm. Theo ông, thí sinh có mức điểm như thế nào so với điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển để có cơ hội đỗ cao?
GS.TS Hoàng Anh Tuấn: Có mấy tham số để thí sinh tham khảo nếu đã đăng ký hoặc đang cân nhắc điều chỉnh nguyện vọng vào trường Nhân văn:
- Chỉ tiêu tuyển sinh của Nhà trường năm 2020 không biến động gì nhiều so với năm 2019;
- Sơ bộ cho thấy tổng nguyện vọng đăng ký vào các ngành của trường năm nay cũng không thay đổi đáng kể so với năm ngoái (theo số liệu của đợt đăng ký đầu tiên);
- Phổ điểm toàn quốc đối với các tổ hợp xét tuyển thuộc khối D và khối C (hai khối chủ lực trong tuyển sinh của Nhà trường) năm nay có "tươi" hơn năm ngoái nhưng căn bản nhỉnh hơn trung bình vào khoảng 0,5 đến 1,5 điểm...
Như vậy, các em có thể tạm tính "một cách cơ học" là điểm chuẩn vào trường Nhân văn năm nay có thể bằng hoặc tăng hơn so với năm ngoái từ 0,5 đến 1,5 điểm.
Riêng 03 chương trình mới mở năm nay chưa có tham số năm trước để làm căn cứ: Hàn Quốc học sẽ "nóng" vì số nguyện vọng cao; Văn hóa học và Quốc tế học (hệ xã hội hóa) đến nay khá "dễ chịu" vì số hồ sơ còn tương đối thấp.
Tất nhiên, có một biến số mà các em sẽ phải lường tính: sẽ có những điều chỉnh nguyện vọng vào những ngày cuối tháng 9 này. Tuy nhiên, kinh nghiệm những năm qua cho thấy, việc điều chỉnh nguyện vọng thường không quá nhiều.
Phóng viên: Những ngành học đặc thù và tiềm năng phát triển trong tương lai như Tôn giáo học, Thông tin & Thư viện, Nhân học, Lưu trữ học, Lịch sử, Khoa học quản lý... lại có mức điểm sàn nhận hồ sơ chỉ từ 15 điểm, vì sao vậy thưa ông? Cơ hội việc làm của những ngành học này như thế nào?
GS.TS Hoàng Anh Tuấn: Điểm sàn là "chỉ dấu" để các em biết về mức độ mật tập của hồ sơ vào từng ngành. Điểm sàn của trường Nhân văn năm nay dao động từ 15 điểm (chủ yếu đối với tổ hợp khối A), 16-17 điểm (đối với phần lớn tổ hợp khối D), và 19-20 điểm (đối với các tổ hợp khối C). So với năm 2019, điểm sàn có nhích lên ở một số ngành, nhưng phần lớn thì ổn định.
Ngưỡng điểm sàn 15 chủ yếu rơi vào tổ hợp khối A và khối D ở một vài ngành đặc thù, một số ngành khoa học cơ bản, một số chương trình xã hội hóa (hệ xã hội hóa có trung bình 20-30% môn học bằng ngoại ngữ).
Về một số ngành thuộc nhóm khoa học cơ bản như Triết học, Sử học, Ngôn ngữ học, Nhân học, Văn hóa học, Tôn giáo học... gần đây không hấp dẫn thí sinh vì sự biến đổi xã hội và những biến động trong thị trường lao động.
Đối với những ngành này, quan điểm chung của Nhà trường là cân nhắc giảm chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm nhưng vẫn phải tiếp tục quan tâm đầu tư để duy trì chất lượng, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho xã hội và hệ thống chính trị, khoa học của đất nước.
Triển vọng việc làm của các ngành này nhìn chung khá ổn do số lượng sinh viên theo học không quá đông. Đặc biệt, với nền tảng kiến thức và hệ phương pháp linh hoạt được cung cấp, các em hoàn toàn có thể tìm kiếm công việc sau khi tốt nghiệp một cách tương đối dễ dàng.
Trường Nhân văn tuyển một số lượng nhỏ thí sinh khối A vào một số ngành, trong khi một số ngành chỉ tuyển khối D để đảm bảo điều kiện ngoại ngữ căn bản cho việc học tập. Tất nhiên, chúng ta đều biết là điểm chuẩn luôn cao hơn nhiều so với điểm sàn.
Các thí sinh hãy chọn một ngành mình yêu thích nhất hoặc phù hợp với hoàn cảnh hiện tại của mình nhất để theo học.
Phóng viên: Với thời cuộc số hóa theo cách mạng công nghiệp 4.0 thì những ngành học Khoa học Xã hội & Nhân văn sẽ thay đổi như thế nào để đáp ứng, thưa ôn?
GS.TS Hoàng Anh Tuấn: Nói đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra, người ta thường nghĩ ngay đến lợi thế của khối kỹ thuật và công nghệ. Đúng là kỹ thuật và công nghệ rất quan trọng trong xã hội 4.0, song khoa học xã hội và nhân văn đang cho thấy tầm quan trọng và vị trí không thể thiếu của nó trong thế giới vạn vật kết nối, dữ liệu lớn và tự động hóa.
Chẳng hạn, Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đã bàn nhiều đến vai trò tối quan trọng của các ngành khoa học xã hội và nhân văn như triết học, đạo đức, nghệ thuật, lịch sử...trong xu thế chuyển đổi của xã hội số hiện nay.
Cũng không phải ngẫu nhiên mà trong những năm gần đây, giáo dục STEM (thiên về công nghệ-kỹ thuật) đã chuyển sang STEMA (công nghệ-kỹ thuật trong sự hài hòa với nhân văn-nghệ thuật) ở hầu hết các quốc gia. Điều đó cho thấy lĩnh vực xã hội và nhân văn thực sự có vai trò và vị thế trong xã hội số hiện nay.
Vì vậy, các trường đại học khối khoa học xã hội và nhân văn đã nhận thức đầy đủ xu hướng và quyết liệt đổi mới nội dung cũng như cách thức tổ chức dạy-học để tận dụng lợi thế này. Đảm bảo rằng sinh viên tốt nghiệp sẽ có trong tay ít nhất ba tiêu chí: vững chuyên môn, chắc kỹ năng, mạnh hội nhập.
Phóng viên: Giáo sư có chia sẻ gì với các thí sinh muốn theo học ngành Khoa học Xã hội?
GS.TS Hoàng Anh Tuấn: Trong những ngày gần đây, bộ phận tư vấn tuyển sinh của Nhà trường nhận được rất nhiều câu hỏi liên quan đến ngành - nghề liên quan đến lĩnh vực đào tạo của Nhà trường.
Chuẩn bị cho mùa tuyển sinh năm nay, Nhà trường đã biên tập cuốn "Cẩm nang khoa học xã hội và Nhân văn: ngành - nghề và xu hướng" để giới thiệu về 27 ngành đào tạo bậc cử nhân hiện nay. Các em chịu khó tham khảo để hiểu rõ về ngành mình yêu thích, từ nội dung đào tạo đến cơ hội việc làm tương lai.
Tại thời điểm các em đang cân nhắc việc điều chỉnh để "chốt" nguyện vọng vào ngành/trường, tôi xin phép chia sẻ với các em một điều rất nhỏ nhưng tôi luôn tâm niệm khi làm giáo dục. Ông cha ta nói rằng "nhất nghệ tinh - nhất thân vinh", câu nói này vẫn nguyên giá trị.
Trong thời buổi giáo dục mở hiện nay, trong khoảng 4 năm, mỗi sinh viên đều có cơ hội gia tăng giá trị học tập của mình: học thêm "bằng kép", bổ túc năng lực ngoại ngữ - tin học, trau đồi các hệ kỹ năng cần thiết trong xã hội 4.0, xây dựng và định hình tư duy tích cực... Làm được điều đó nghĩa là chứng chỉ công dân toàn cầu đã nằm trong tay các em.
Vì vậy, hãy chọn ngành mà mình yêu thích, gắn bó và quyết tâm theo đuổi đam mê ngành-nghề mình đã chọn. Tôi vẫn tin rằng "nghề chẳng phụ người": chọn và yêu nghề, tận tâm học tập, tận hiến công tác...thì mấy ai không thành công.
Xin trân trọng cám ơn GS!
Ngành Triết học dành cho những bạn ưa khám phá quy luật chung của con người Nếu bạn ưa thích khám phá ra những gì là bản chất nhất, những quy luật chung nhất và sâu sắc nhất của con người, của xã hội và thế giới, ngành Triết học sẽ là lựa chọn tốt cho bạn. "Triết học bắt đầu từ sự ngạc nhiên" (Aristote). Đã bao giờ bạn tự đặt câu hỏi cho mình "Ta là ai",...