Nhật Bản điều chỉnh tăng GDP quý 3
Trong quý 3 năm 2024, nền kinh tế Nhật Bản đạt mức tăng trưởng 1,2% theo dữ liệu hằng năm, vượt qua mức 0,9% được báo cáo trước đó.
Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Kết quả này là nhờ tăng trưởng trong hoạt động đầu tư vốn và xuất khẩu, song mức tiêu dùng tư nhân vẫn tụt giảm lại phản ánh những thách thức còn tồn tại trong đà phục hồi kinh tế.
Theo dữ liệu sửa đổi từ Văn phòng Nội các, tăng trưởng GDP theo quý đạt 0,3%, cao hơn mức 0,2% công bố trước đó. Đầu tư vốn – một chỉ số quan trọng về nhu cầu trong nước – chỉ giảm 0,1%, khả quan hơn mức giảm 0,2% ban đầu. Trong khi đó, tiêu dùng tư nhân – dù chiếm phần lớn GDP – chỉ tăng 0,7%, thấp hơn so với mức tăng 0,9% ban đầu. Nhu cầu bên ngoài (chỉ tính xuất khẩu), giảm 0,2 điểm phần trăm nhưng vẫn thấp hơn so với dự báo trước đó, mang đến tín hiệu tích cực cho lĩnh vực này.
Dữ liệu GDP sửa đổi sẽ là yếu tố quan trọng để Ngân hàng Trung ương Nhật Bản ( BOJ) cân nhắc trong cuộc họp chính sách dự kiến diễn ra ngày 18 – 19/12. Sau khi tăng lãi suất ngắn hạn lên 0,25% vào tháng 7, BOJ đang đối diện áp lực tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ để đạt được mục tiêu lạm phát bền vững 2%.
Ông Takeshi Minami – chuyên gia kinh tế Viện Nghiên cứu Norinchukin – cho rằng dữ liệu này là cơ sở cho khả năng tăng lãi suất vào tháng 12, mặc dù mức tiêu dùng yếu vẫn là một yếu tố đáng lo ngại.
Video đang HOT
Tuy nhiên, ông Uichiro Nozaki – nhà phân tích chứng khoán tại Nomura Securities – thận trọng cho rằng dữ liệu GDP chưa đủ mạnh để thúc đẩy kỳ vọng tăng lãi suất ngay lập tức. Các yếu tố như nhu cầu toàn cầu chậm lại và bất ổn liên quan đến chính sách kinh tế của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể ảnh hưởng đáng kể đến quyết định của BOJ.
Mặc dù vậy, so với mức tăng trưởng hằng năm 2,2% trong quý 2, tốc độ tăng trưởng quý 3 của Nhật Bản đã chậm lại, phản ánh tác động của sự suy giảm sản lượng trong quý 1 do gián đoạn tại các nhà máy sản xuất ô tô.
Trong bối cảnh đó, BOJ vẫn giữ quan điểm rằng việc cải thiện tiền lương thực tế và nhu cầu nội địa sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế Nhật Bản trong dài hạn. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo rằng sự phục hồi xuất khẩu có thể đối mặt với thách thức lớn do tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại.
Nhiều chuyên gia cho rằng BOJ có thể tiếp tục tăng lãi suất trong năm tài chính hiện tại, với thời điểm dự kiến vào cuối tháng 3/2025. Tuy nhiên, quyết định vào tháng 12 vẫn còn chưa rõ ràng, thể hiện sự thận trọng trong phong cách lãnh đạo của Thống đốc Kazuo Ueda, đồng thời phản ánh những bất ổn từ bối cảnh kinh tế thế giới.
Trong tình hình này, Nhật Bản cần cân nhắc kỹ lưỡng để vừa đảm bảo ổn định kinh tế trong nước, vừa ứng phó hiệu quả với các thách thức toàn cầu, khi con đường phục hồi bền vững vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn và trở ngại.
Nhật Bản bắt đầu triển khai sử dụng vắc xin cúm dạng xịt mũi cho trẻ em
Flumist - một loại vắc xin cúm dạng xịt được phun trực tiếp vào mũi (nơi lây nhiễm virus cúm), đã chính thức được Nhật Bản triển khai và áp dụng đối với trẻ em từ 2 đến 18 tuổi kể từ tháng 10/2024.
Kể từ ngày 07/10 vừa qua, một phòng khám nhi khoa ở quận Minato của Thủ đô Tokyo, Nhật Bản, đã chính thức bắt đầu triển khai và sử dụng Flumist - một loại vắc xin ngừa cúm dạng xịt mũi đã được chính phủ Nhật Bản phê duyệt kể từ năm 2023, áp dụng đối với trẻ em từ 2 đến 18 tuổi.
Minh họa vaccine cúm. Ảnh: John Brecher
Ngay sau khi được chính thức triển khai, đã có rất đông đảo các bậc phụ huynh và trẻ em ở nhiều khu vực xung quanh Tokyo lập tức đến phòng khám nhi này để được xịt vắc xin.
Một bé gái 5 tuổi sống tại Tokyo - chia sẻ: "Con cảm thấy nhẹ nhàng và ít đau hơn rất nhiều so với việc phải tiêm vắc xin. Kể từ những lần tới, con thích được dùng loại xịt này hơn".
Nhiều bậc phụ huynh khi đưa trẻ nhỏ đến phòng khám để xịt Flumist cũng đều cho rằng, với việc chỉ cần sử dụng xịt vắc xin ngừa cúm một lần nên việc sắp xếp thời gian và lịch trình cho các trẻ là dễ dàng hơn nhiều so với hình thức tiêm vắc xin. Bên cạnh đó, xịt Flumist cũng giúp các trẻ nhỏ không bị đau và ngứa ở các vết tiêm.
Ông Akifumi Tokita - Giám đốc Phòng khám nhi khoa, cho biết: "Một số trẻ em vì sợ tiêm nên thậm chí có những hành vi bạo lực hoặc bỏ chạy, khiến nhiều bậc phụ huynh phải từ bỏ việc tiêm phòng cho các con. Vắc xin này không gây đau đớn nên các con cũng không còn nhạy cảm về việc này nữa. Tôi nghĩ nó rất hiệu quả đối với trẻ em".
Hồi tháng 9 vừa qua, Hiệp hội Nhi khoa Nhật Bản đã công bố quan điểm về việc sử dụng loại vắc xin này, nhấn mạnh Flumist phù hợp đối với nhóm người từ 2 đến 18 tuổi, nhưng đồng thời đưa ra khuyến cáo cho rằng loại vắc xin này sử dụng phiên bản vi rút sống, nhưng đã yếu đi nên một số bệnh nhân, như phụ nữ mang thai hoặc những người bị suy giảm miễn dịch nghiêm trọng, không nên sử dụng Flumist. Ngoài ra, những người mắc bệnh hen suyễn cũng được khuyến nghị không nên sử dụng vắc xin dạng xịt này vì có thể gây ra các tác dụng phụ, như khó thở hoặc thở khò khè...
Bà Keiko Taya - Chủ tịch Ủy ban Tiêm chủng và Kiểm soát Bệnh Truyền nhiễm của Hiệp hội Nhi khoa Nhật Bản, cho biết: "Kết quả đánh giá sàng lọc cho thấy, vắc xin dạng xịt và vắc xin dạng tiêm không có khác biệt về tính hiệu quả. Vì vậy, điều quan trọng là các bậc phụ huynh phải nắm bắt về tình trạng sức khỏe của các con trẻ. Các bậc phụ huynh nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ để lựa chọn loại vắc xin phù hợp".
Vắc xin ngừa cúm dạng xịt mũi Flumist do hãng AstraZeneca sản xuất, trước đây đã được phê duyệt vào năm 2003 để các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sử dụng tương tự như các loại vắc xin cúm khác. Tuy nhiên, vắc xin này sau đó ít được sử dụng phổ biến, một phần do hệ quả từ khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ năm 2016 về việc không sử dụng thuốc xịt vì "hiệu quả kém hoặc tương đối thấp" so với các loại vắc xin khác. Sau đó, AstraZeneca đã phát triển lại các kháng nguyên trong vắc xin và giành lại được khuyến nghị của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ bắt đầu từ năm 2018.
Các chuyên gia cho rằng, việc triển khai sử dụng phổ biến Flumist sẽ mở ra một lựa chọn mới cho việc tiếp nhận vắc xin ngừa cúm mùa an toàn và hiệu quả, tiện lợi và linh hoạt hơn cho các cá nhân và gia đình.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có khoảng 1 tỷ trường hợp mắc cúm mùa hằng năm, gây ra khoảng 650.000 ca tử vong.
Lợi ích sức khỏe bất ngờ của việc ngồi trên sàn nhà Ở Okinawa, Nhật Bản, mọi người thường ngồi trên sàn để đọc sách, ăn uống, nói chuyện và thư giãn thay vì ngồi trên ghế. Nghiên cứu chỉ ra mối liên hệ giữa thói quen này và tuổi thọ. Trong cuộc sống hiện đại, nhiều người dành phần lớn thời gian ngồi trên ghế hoặc sofa. Tuy nhiên, một số người lại chọn...