Nguyên nhân nào thúc đẩy Liên bang Nga rút khỏi Syria
Cuộc chiến ở Ukraine đã trở thành ưu tiên hàng đầu, khiến Nga phải điều chỉnh các cam kết quân sự ở Syria.
Mặc dù vẫn duy trì sự hiện diện tại các căn cứ quân sự quan trọng, nhưng khả năng tồn tại lâu dài của chúng đang bị đặt dấu hỏi.
Khói lửa bốc lên sau cuộc không kích của Israel tại Syria. Ảnh: IRNA/TTXVN
Việc Liên bang Nga rút quân khỏi Syria không chỉ phản ánh những thay đổi trong chiến lược đối ngoại của Moskva mà còn đặt ra nhiều câu hỏi về tương lai của khu vực Trung Đông. Theo bình luận của Nhật báo Sabah (Thổ Nhĩ Kỳ), việc chính quyền Assad sụp đổ đã ảnh hưởng lớn về mặt địa chính trị cho Nga, không chỉ với vị thế của Nga tại Trung Đông mà còn đặt ra câu hỏi về tham vọng duy trì hình ảnh cường quốc toàn cầu của Moskva.
Nhật báo Sabah cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin, người từng coi sự sụp đổ của Liên Xô là “thảm họa địa chính trị lớn nhất của thế kỷ XX”, đã nỗ lực khôi phục ảnh hưởng của Nga trên trường quốc tế từ khi lên nắm quyền vào năm 1999. Dưới sự lãnh đạo của ông, Nga đã tham gia vào nhiều cuộc xung đột quân sự như ở Gruzia, Ukraine và Libya, với mục tiêu giành lại phạm vi ảnh hưởng đã mất.
Cuộc chiến Ukraine chiếm ưu thế
Tuy nhiên, cuộc chiến ở Ukraine đã thay đổi đáng kể phép tính địa chính trị của Nga. Với gần 2.000 km đường biên giới chung và cuộc xung đột kéo dài đang ảnh hưởng trực tiếp, Ukraine trở thành một mặt trận ưu tiên cao nhất với Điện Kremlin. Điều này khiến Moskva phải điều chỉnh các cam kết quân sự ở các chiến trường ngoại vi như Syria, nơi mà lợi ích không còn được xem là hàng đầu.
Video đang HOT
Việc Nga rút quân khỏi Syria có thể phản ánh một sự đánh đổi được tính toán. Một số nhà phân tích cho rằng Moskva có thể đã đạt được những đảm bảo ngầm hoặc nhượng bộ liên quan đến cuộc xung đột Ukraine để đổi lấy việc nhượng lại ảnh hưởng ở Syria. Ngoài ra, sự điều chỉnh này cho thấy vai trò trung tâm của Ukraine trong chiến lược địa chính trị rộng lớn hơn của Nga.
Syria từ lâu đã giữ vị trí quan trọng đối với Nga, không chỉ vì là đồng minh địa chính trị, mà còn vì các cơ sở quân sự quan trọng như Căn cứ Không quân Khmeimim và Căn cứ Hải quân Tartus. Những căn cứ này giúp Nga thể hiện sức mạnh ở Địa Trung Hải và duy trì chỗ đứng tại Trung Đông. Tuy nhiên, sự sụp đổ của chính quyền Assad đã làm phức tạp thêm vị thế của Nga tại Syria.
Mặc dù các hình ảnh từ thực địa cho thấy Nga đang rút quân khỏi tiền tuyến ở Syria, nhưng nước này vẫn duy trì sự hiện diện tại hai căn cứ chính. Các hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy máy bay Antonov AN-124 đang hoạt động tại căn cứ Hmeimim, có thể đang trong quá trình vận chuyển hàng hóa. Điện Kremlin tuyên bố rằng chính quyền mới của phe đối lập ở Syria đã đảm bảo an ninh cho các căn cứ quân sự và phái bộ ngoại giao của Nga, nhưng khả năng tồn tại lâu dài của chúng vẫn chưa chắc chắn.
Các nhóm đối lập hiện đang kiểm soát nhiều khu vực ở Syria, bao gồm những nơi từng bị Nga không kích dữ dội trong cuộc xung đột ở Aleppo và Idlib. Điều này khiến cho việc duy trì sự hiện diện quân sự của Nga trở nên khó khăn hơn trong tương lai. Nếu mất các căn cứ ở Syria, khả năng hoạt động hậu cần đến châu Phi sẽ bị gián đoạn nghiêm trọng.
Trong trường hợp Moskva không đạt được thỏa thuận với giới lãnh đạo mới ở Syria, khả năng duy trì sự hiện diện trên biển ở Địa Trung Hải sẽ bị hạn chế đáng kể. Tuy nhiên, nếu Tartus bị mất, Nga có thể tìm cách đàm phán một thỏa thuận về một căn cứ hải quân mới ở miền Đông Libya.
Có thể nói, việc Nga rút khỏi Syria nhấn mạnh động lực thay đổi trong chính sách đối ngoại của nước này. Nó phản ánh sự điều chỉnh trong cách tiếp cận nhằm khẳng định vị thế cường quốc toàn cầu có khả năng hoạt động trên nhiều mặt trận.
Trong khi Điện Kremlin tiếp tục khẳng định sự hiện diện tại các chiến trường chính, cuộc chiến ở Ukraine đã định hình lại các ưu tiên chiến lược của Nga. Những hàm ý từ sự thay đổi này không chỉ tác động đến vai trò của Nga ở Trung Đông mà còn đến những khát vọng rộng lớn hơn với tư cách là một cường quốc toàn cầu.
Liên bang Nga rút hệ thống phòng không và các loại vũ khí tiên tiến từ Syria sang Libya
Nga đang rút các hệ thống phòng không tiên tiến và vũ khí từ Syria sang Libya nhằm củng cố ảnh hưởng quân sự tại Trung Đông và châu Phi sau sự sụp đổ của chính quyền Assad.
Hệ thống phòng không Pantsyr-S1 của Nga và hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-400 được triển khai tại căn cứ không quân Hmeymim ở Syria. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga/TASS
Tờ Wall Street Journal ngày 19/12 dẫn lời các quan chức Mỹ và Libya cho biết, Liên bang Nga đang rút các hệ thống phòng không tiên tiến và các loại vũ khí tinh vi khác khỏi các căn cứ ở Syria và chuyển chúng đến Libya, trong bối cảnh Moskva đang nỗ lực duy trì sự hiện diện quân sự ở Trung Đông sau sự sụp đổ của chính quyền Assad tại Damascus.
Theo đó, các máy bay chở hàng của Nga đã vận chuyển thiết bị phòng không, bao gồm radar cho hệ thống tên lửa đánh chặn S-400 và S-300, từ Syria đến các căn cứ ở miền Đông Libya. Nga cũng đã đưa binh sĩ, máy bay quân sự và vũ khí ra khỏi Syria trong một đợt rút quân đáng kể khỏi sự hiện diện của mình ở đó. Trong nhiều năm, Moskva đã vận hành các căn cứ hải quân và căn cứ không quân quan trọng để đổi lấy sự hỗ trợ mà họ cung cấp cho chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Các căn cứ của Syria là nền tảng cho khả năng thể hiện sức mạnh của Moskva ở Trung Đông và châu Phi - đóng vai trò là trung tâm điều phối quân đội, lính đánh thuê và vũ khí. Căn cứ hải quân ở Tartus là điểm tiếp tế và sửa chữa duy nhất cho hải quân Nga ở Địa Trung Hải.
Hiện nay, Nga dường như đang tìm cách tận dụng một đối tác cũ khác ở Libya như một phương thức để duy trì ảnh hưởng trong khu vực và hỗ trợ sự hiện diện của hải quân trong khu vực, nơi Mỹ và các thành viên khác của NATO có căn cứ và tàu chiến.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov cho biết Moskva đã liên lạc với giới lãnh đạo chính trị của Hayat Tahrir al-Sham - lực lượng đối lập dẫn đầu cuộc tấn công lật đổ chính quyền Assad - để thảo luận về tương lai các căn cứ của Nga.
Nga đã có mặt ở Libya thông qua tổ chức quân sự tư nhân Wagner trước đây. Các thành viên Wagner đã sử dụng các cơ sở của Quân đội Quốc gia Libya do Thiếu tướng đã nghỉ hưu Khalifa Haftar đứng đầu, bao gồm một căn cứ không quân, làm trung tâm trung chuyển đến các quốc gia châu Phi khác.
Năm ngoái, các quan chức cấp cao của Nga đã gặp ông Haftar để thảo luận về quyền tiếp cận lâu dài tại các cảng Benghazi hoặc Tobruk, cả hai đều cách Hy Lạp và Italy khoảng 600 km. Một quan chức Mỹ cho biết Moskva đang cân nhắc xem có nên nâng cấp các cơ sở ở Tobruk để có thể tiếp nhận tàu chiến của Nga hay không.
Trong nhiều năm, ông Haftar đã đề nghị Nga cung cấp hệ thống phòng không để củng cố quyền kiểm soát của Quân đội Quốc gia Libya đối đất nước bị chia cắt này, nơi đã bị tàn phá bởi bạo lực kể từ cuộc nổi dậy năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo lâu năm Moammar Gadhafi. Các nhóm vũ trang và các thế lực nước ngoài đã tranh giành quyền lực kể từ đó, với một cuộc nội chiến nổ ra vào năm 2019. Nước này hiện vẫn bị chia rẽ giữa các phe phái ở phía Đông và phía Tây.
Sự hiện diện của Nga mang đến sự bảo vệ cho ông Haftar trước các nhóm do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn có trụ sở tại phía Tây Libya.
Nhưng ông Haftar có thể sẽ phải đối mặt với áp lực từ phương Tây không cho phép Nga mở rộng sự hiện diện ở Libya. Mỹ, bao gồm cả chuyến thăm của Giám đốc CIA William Burns năm ngoái, đã nhiều lần cảnh báo ông Haftar không đồng ý tiếp nhận lực lượng Nga - nhưng không có kết quả.
Một quan chức Mỹ cho biết hiện vẫn chưa rõ liệu các hệ thống vũ khí, bao gồm các thành phần của S-400, sẽ ở lại Libya hay được chuyển về Nga bằng đường hàng không.
Các nhà phân tích cho rằng các căn cứ không quân và hải quân ở Libya sẽ không thể bù đắp hoàn toàn những gì Nga có thể mất ở Syria. Theo cựu sĩ quan không quân Nga Gleb Irisov, người từng phục vụ tại căn cứ Khmeimim của Nga ở Syria, việc dừng chân tiếp nhiên liệu tại Libya trước khi tới châu Phi sẽ hạn chế rất nhiều tải trọng thiết bị mà Moskva có thể vận chuyển.
Hiện tại, máy bay Nga dường như đang dừng thường xuyên ở Libya. Ví dụ, một máy bay chở hàng thuộc sở hữu của Bộ Tình trạng Khẩn cấp của Nga - đơn vị tham gia vào các nhiệm vụ quân sự và nhân đạo - đã dừng ở miền Đông Libya trên đường từ Nga đến Mali, nơi Nga có sự hiện diện quân sự, vào ngày 16/12, lần thứ hai trong một tuần, theo trang web theo dõi chuyến bay AirNav Radar. Không rõ máy bay này chở những gì.
Liên bang Nga hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ về tương lai của Syria thời hậu Assad Sự hợp tác này không chỉ nhằm đảm bảo lợi ích quốc gia của mỗi bên mà còn định hình một giai đoạn mới cho khu vực Trung Đông, với trọng tâm là sự ổn định và chủ quyền của Syria. Khói bốc lên sau cuộc không kích của Israel tại Damascus, Syria, ngày 14/12/2024. Ảnh: THX/TTXVN Nhật báo Sabah (Thổ Nhĩ Kỳ)...