Người Vợ Cuối Cùng: Tiếc cho Victor Vũ và Kaity Nguyễn!
Cảnh đẹp lẫn cảnh nóng là chưa đủ để Người Vợ Cuối Cùng ghi dấu ấn trong lòng khán giả bởi kịch bản quá đỗi nhạt nhòa.
Từ trước đến nay, nhắc đến Victor Vũ thì người xem luôn nghĩ đến những bộ phim mang màu sắc kinh dị, rùng rợn hay plot twist tung trời như Scandal: bí mật thảm đỏ (2012), Quả tim máu (2014) hay ít nhất là Người bất tử (2018), Thiên thần hộ mệnh (2021). Tuy nhiên, việc thay đổi nguyên tác Hồ oán hận để Người vợ cuối cùng tập trung vào tình cảm thay vì tâm linh đã khiến anh bộc lộ rõ điểm yếu.
Người vợ cuối cùng bắt đầu khi Linh ( Kaity Nguyễn) trở thành vợ ba của quan tri huyện Đức Trọng (NSƯT Quang Thắng). Sau 7 năm, cô chỉ sinh cho ông được đúng một đứa con gái nên phải sống như kẻ hầu người hạ trong nhà. Một lần tình cờ, Linh gặp phải người yêu cũ là Nhân ( Thuận Nguyễn) ngoài chợ. Cả hai lén lút nối lại tình xưa nhưng đồng thời cũng đối mặt với vô vàn biến cố.
Sự chỉn chu trong bối cảnh, trang phục
Trước khi phim ra rạp, Victor Vũ là ê-kíp tỏ ra tự tin trong việc tái hiện bối cảnh. Và họ đã làm được điều đó. Hồ Ba Bể đẹp đến mê hồn với những mảng xanh của đồng lúa đan xen với nước và núi non vô cùng hoành tráng. Hình ảnh làng quê Bắc Bộ hiện lên rất sống động với những trang phục cầu kỳ, chỉn chu đến từng chi tiết. Cảnh họp chợ, tạo hình các nhân vật đều như bước ra từ những hình ảnh tư liệu xưa.
Những góc quay của Victor Vũ cũng rất đẹp. Vốn có kinh nghiệm từ Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (2015) hay Mắt biếc (2019), anh mang đến cho khán giả nhiều khung hình đẹp miên man. Mỗi phân đoạn đều có sự đầu tư rõ rệt, cách đi đứng, từng vật dụng xung quanh hay trang sức trên người nhân vật, ánh sáng đều có sự chăm chút.
Nhưng tất cả chỉ dừng ở đó. Yếu tố văn hóa trong phim dường như chỉ được thể hiện ở bề nổi. Người vợ cuối cùng thiếu vắng hẳn những thú vui thường ngày, những trò chơi dân gian của cả trẻ em và người lớn thời xưa. Những lễ hội làng xã Bắc Bộ không hề xuất hiện. Hay cuộc sống thường nhật, sinh hoạt của quan lại, người dân đều vắng bóng.
Thậm chí, những cảnh nóng mà Người vợ cuối cùng quảng bá rầm rộ trước khi ra rạp cũng không thật sự ấn tượng. Đúng là Victor Vũ có cài cắm ẩn ý về chiếc thòng lọng mà quan tri huyện dùng để kéo chân Linh cho dễ đậu thai hay sự tương phản khi cô làm tình với Đức Trọng và Nhân. Song, đây là những chi tiết vô cùng hiển nhiên trong điện ảnh. Một đạo diễn ít tên tuổi nhưng qua trường lớp cũng có thể làm được. Cái khán giả cần là sự tinh tế trong việc thể hiện cảm xúc của nhân vật thì lại không có. Phim bị lơ lửng giữa sự trần trụi, tiết chế để che chắn cho diễn viên và bộc lộ sự nồng nhiệt mà không có cách nào giải quyết triệt để.
Một chi tiết khiến khán giả khó chịu khác chính là phần thoại của Người vợ cuối cùng rất khiên cưỡng. Dường như phim dịch sát nghĩa từ tiếng Anh ra tiếng Việt để các diễn viên đọc trả bài chứ không phải cách nhân vật trò chuyện với nhau thường ngày. Phần âm nhạc cũng khá lạc quẻ khi không hề phù hợp với cảm xúc của cảnh phim mà xuất hiện vô tội vạ.
Kịch bản nhạt nhòa, thiếu điểm nhấn
Nguyên tác Hồ oán hận vốn mang màu sắc tâm linh, trinh thám. Song, Victor Vũ lại chỉ “lấy cảm hứng” và chuyển Người vợ cuối cùng sang thể loại tình cảm. Tuy nhiên, đạo diễn cho thấy rõ sự đuối sức. Kịch bản của phim không hề mới mẻ. Câu chuyện cô gái bị gả làm vợ lẽ cho quan già rồi nhớ thương, ngoại tình với người khác xuất hiện trong vô số phim từ Đông sang Tây, cả truyền hình lẫn điện ảnh. Hay gần đây nhất thì Vợ ba (2018) cũng có nội dung gần như tương đồng. Ấy vậy mà Victor Vũ lại không mang đến một thứ gì đó hứa hẹn hay khiến khán giả mong đợi. Phim được kể theo một mạch tuyến tính, không có nhiều nút thắt hay sự kịch tính nào.
Người vợ cuối cùng cũng chứa đầy những tình tiết bất hợp lý. Gần nửa thời lượng đầu phim chỉ tập trung xoay quanh việc Linh và Nhân ngoại tình với nhau mà chẳng gặp một trở ngại nào. Mọi thứ diễn ra với hai nhân vật chính quá dễ dàng. Chỉ cần gặp lại Nhân nói vài câu vào buổi sáng thì tối đó, Linh chạy ngay đến nhà anh kể rõ đầu đuôi rồi lại làm hòa.
Cả hai gặp nhau không chút lén lút gì và chẳng hiểu sao Linh đang là vợ bé nhà quan, lại gánh trọng trách sinh con nối dõi nhưng thoải mái về thăm gia đình liên tục mà chẳng ai nghi ngờ, cấm đoán. Những tình huống mối quan hệ của họ suýt bị phát hiện cũng không thật sự cao trào như cách Victor Vũ từng làm với nhiều phim trước.
Đến giữa phim, Người vợ cuối cùng có thêm một chút yếu tố trinh thám. Đây có lẽ là những phút giây hấp dẫn nhất phim khi mang đến chút cảm giác hồi hộp. Tiếc thay, chúng qua nhanh như một cơn gió. Đoạn cuối phim, mọi thứ lại được giải quyết một cách đơn giản, nặng tính sắp đặt.
Video đang HOT
Kaity tỏa sáng nhưng không ăn nhập với phần còn lại
Kể từ Em chưa 18 (2016), Kaity Nguyễn đã chứng tỏ được năng lực diễn xuất của bản thân trong mắt khán giả và cả người trong nghề. Đến Người vợ cuối cùng, nữ diễn viên sinh năm 1999 có màn thể hiện xuất sắc hình ảnh một cô gái phải chịu nhiều đau khổ trong cuộc sống. Linh trong nhà quan tri huyện nhỏ nhẹ, cam chịu và phẫn uất. Nhưng khi ở bên Nhân, cô mới là chính mình, hồn nhiên, lém lỉnh và cảm xúc.
Đặc biệt, biểu cảm đôi mắt của Kaity rất tốt. Nhiều cảnh phim, cô để cho khán giả hiểu được sự khao khát và không dám nói nên lời hay nỗi buồn khi phải sống cuộc đời lén lút, không như ý muốn. Nhân vật Linh có rất nhiều cung bậc cảm xúc và nội tâm phức tạp nhưng đều được Kaity Nguyễn truyền tải tốt đến người xem.
Tiếc thay, Thuận Nguyễn chỉ ở mức tròn vai. Hay nói đúng hơn là tính cách của Nhân không đủ thú vị để khán giả nhớ đến. Xuyên suốt bộ phim, anh chàng chỉ có một nhiệm vụ là yêu và nói lời yêu thương Linh. Phim dành cho cả hai nhiều khoảnh khắc chung nhưng lại không đủ sâu sắc để cảm nhận được tình yêu đến mức sống chết của họ. Đồng thời, phân đoạn về giai đoạn mối tình giữa họ nảy nở cũng được xây dựng khá sơ sài. Do đó mà ngoài cảnh nóng ra, Linh và Nhân thật sự không có một hình ảnh đáng nhớ nào.
Kiên của Quốc Huy cũng là một điểm nhấn khác. Vị quan tra án có phong thái đĩnh đạc, cách nói chuyện nhẹ nhàng nhưng đầy ẩn ý và châm biếm sâu sắc. Chỉ bằng lời nói hay ánh mắt sắc bén, anh cũng có thể dễ dàng khiến người đối diện cảm thấy bất an và không rõ có bị phát hiện ra lời nói dối hay không.
Quan tri huyện Đức Trọng là một kẻ gian ác, luôn cúi kẻ trên và hành hạ người dưới. Nhưng gã cũng chịu áp lực vì những lời đồn đại là vô sinh. Bà cả thì hiểm độc, cay nghiệt nhưng cũng vì kiếp chồng chung. Bà hai Mẫn thì lại sống có tình cảm hay trêu chọc mọi người.
Đây đều là những nhân vật thú vị nhưng tiếc là lại bị kịch bản cắt đất diễn một cách tàn nhẫn. Không những thế, NSƯT Quang Thắng và NSƯT Kim Oanh lại mang nét diễn hài đặc trưng từ những tiểu phẩm Tết ngoài Bắc. Ngược lại, nét diễn của Đinh Ngọc Diệp, Kaity Nguyễn hay Thuận Nguyễn lại đậm chất Nam Bộ khiến mọi thứ không hề ăn nhập. Mỗi khi họ xuất hiện chung, khán giả lại cảm thấy có gì đó gượng gạo, không “ăn rơ” với nhau giữa màu sắc của các nhân vật.
Chấm điểm: 3/5
Nhìn chung, Người vợ cuối cùng cho thấy Victor Vũ vẫn có sự kỳ công trong việc nghiên cứu văn hóa, trang phục và xây dựng bối cảnh cổ trang. Song, một bộ phim thuần tình cảm dường như không phải thế mạnh của anh. Tiếc cho một dự án được khán giả kỳ vọng rất nhiều khi quy tụ hai cái tên nổi đình nổi đám là Victor Vũ và Kaity Nguyễn nhưng kết quả thì lại không như mong muốn.
'Người vợ cuối cùng': Victor Vũ 'chơi' an toàn, Kaity Nguyễn bứt phá
'Người vợ cuối cùng' được đạo diễn Victor Vũ chăm chút tối đa phần nhìn với những cảnh quay đẹp đẽ, tinh tươm nhưng anh lại chọn "chơi" an toàn trong khâu kịch bản.
Nếu không may mắn chiêu mộ được một dàn diễn viên thực lực thì bộ phim cũng dễ sa vào nhàm chán với cách vận hành của một bộ phim tình cảm mang hơi hướng "melodrama" sướt mướt, cũ kỹ.
Người vợ cuối cùng là phim điện ảnh mới nhất đến từ đạo diễn Victor Vũ, đánh dấu sự trở lại của nam đạo diễn với thể loại phim cổ trang sau gần 10 năm. Phim lấy bối cảnh thời phong kiến nhà Nguyễn tại ngôi làng giả tưởng mang tên "Cua Ngộp" vùng Bắc bộ. Câu chuyện xoay quanh Linh (Kaity Nguyễn) - một cô gái xinh đẹp nhưng sinh ra trong một gia đình "nghèo truyền kiếp", với người mẹ bệnh tật và người cha già bần nông.
Người vợ cuối cùng đánh dấu sự trở lại của Victor Vũ với dòng phim cổ trang. ĐPCC
Vì một biến cố lớn, Linh buộc phải từ bỏ mối tình thanh mai trúc mã đậm sâu với Nhân (Thuận Nguyễn) để lên kiệu hoa về nhà quan tri huyện (NSƯT Quang Thắng). Những tưởng sung sướng khi về làm dâu hào môn, Linh lại phải tiếp tục gánh chịu vô vàn tủi nhục. Cô bị cả gia đình quan xem như cái "máy đẻ", mang danh Mợ Ba nhưng phải làm lụng việc nhà quần quật, dùng cơm mâm dưới không khác gì người ăn, kẻ ở.
Sự ra đời của con gái Đông Nhi cũng không khiến cuộc sống của Linh khấm khá hơn trong một xã hội trọng nam, khinh nữ. Cuộc sống quạnh quẽ, tủi nhục như cái xác không hồn của Linh thay đổi khi cô gặp lại Nhân sau 7 năm xa cách. Tình yêu giữa họ lần nữa bùng cháy, đẩy đưa đến những quyết định và sự lựa chọn có thể đe dọa đến tính mạng của cả hai.
Một bộ phim tròn nhưng chưa đầy
Không thể phủ nhận, Người vợ cuối cùng là một trong những bộ phim cổ trang được đầu tư xuất sắc nhất về mặt bối cảnh và trang phục trên thị trường phim Việt. Phong cảnh hữu tình của hồ Ba Bể làm nên những khung hình đắt giá, nơi cảnh sắc thiên nhiên mênh mông, bạt ngàn đối lập với những phận đời bị giam cầm và trói buộc liên miên trong cái nghèo, trong những lễ nghi, hủ tục hà khắc của xã hội phong kiến. Đất trời bạt ngàn nhưng họ chẳng dám bỏ chạy hay tìm ra con đường sáng để vượt thoát.
Phim mô tả cuộc sống khắc nghiệt của người phụ nữ về làm vợ lẽ nhà quan. ĐPCC
Bên cạnh đó, đạo diễn Victor Vũ cùng ê kíp thiết kế mỹ thuật của anh cũng cho thấy rõ sự dụng công trong việc thiết lập không gian văn hóa của người Việt xưa, trong từng nếp áo, khung nhà, mâm cỗ... Tất nhiên, vẫn còn tồn đọng một vài điểm có thể chưa đúng 100% nhưng ê kíp đã cho thấy họ có tìm hiểu, có cố gắng để phục dựng hoặc kiến tạo ra những thành phẩm tiệm cận nhất có thể với những tư liệu lịch sử. Người vợ cuối cùng có lẽ sẽ tạo ra một tiêu chuẩn mới cần có trong khâu thiết kế phục trang và bối cảnh cho phim Việt.
Cải biên từ tiểu thuyết trinh thám - tâm linh Hồ oán hận, Người vợ cuối cùng có thể được Victor Vũ triển khai đúng với phong cách dòng phim giật gân sở trường của anh. Tuy nhiên, nam đạo diễn lại chọn nhấn mạnh câu chuyện tình yêu lãng mạn suốt gần nửa thời lượng phim và chỉ "phả" vào màu sắc trinh thám ở hồi thứ 3. Cách tiếp cận này khiến cho Người vợ cuối cùng bị dài dòng một cách không cần thiết. 80% thời lượng sở hữu những diễn biến mà hầu hết khán giả có thể đoán được.
Kaity Nguyễn vào vai Linh - cô gái nghèo vì cứu cha mà chấp thuận từ bỏ tình yêu để về làm vợ ba quan tri huyện. ĐPCC
Trang phục của Người vợ cuối cùng rất ấn tượng. ĐPCC
Trong bộ phim này, Victor Vũ vừa muốn lãng mạn, vừa muốn kịch tính, lại muốn cả trào phúng và châm biếm. Nhưng khi xét trên tổng thể, chưa có yếu tố nào được nhấn đủ mạnh. Âm hưởng chính kịch của phim đôi khi bị ảnh hưởng bởi những miếng hài phơn phớt có cũng được mà không có cũng chẳng sao. Mỗi trạng thái cảm xúc chỉ có thể thực sự "chín" nếu được gieo và nuôi đủ lâu, đủ tinh tế. Ở đây, mỗi thứ xuất hiện một chút và cứ nhập nhoạng chen chân nhau. Thế nên người xem vẫn bị mang cảm giác đạo diễn bày cỗ nhiều món nhưng mãi chưa thấy lên món chính.
Cái cách mà Victor Vũ giải quyết cái kết của Người vợ cuối cùng cũng cho thấy tâm thế an toàn của anh khi thực hiện bộ phim này, nếu không muốn nói là khá dễ dãi. Cả phim, biên kịch và đạo diễn cố tạo ra "chiếc lồng giam" nhân vật vô cùng nguy hiểm, đó là một hệ thống trị gia, trị cộng đồng đã bị tha hóa bởi sự tàn độc, tham lam và lấp liếm bởi những thủ đoạn tinh vi. Nhưng khi phim đi về ngả ngũ, cái hệ thống đó lại trở nên kém cỏi, mong manh hết sức, bị bung bét và sụp đổ chỉ bằng một động thái mang tính liều mạng và đơn giản của nữ chính. Điều này thật đáng tiếc.
Nhìn chung, Người vợ cuối cùng tròn trịa với 3 hồi được kể mạch lạc không khuất tất, diễn xuất diễn viên tốt, hình ảnh mãn nhãn và cái kết khá "dĩ hòa vi quý" với mọi đối tượng khán giả. Thế nhưng cảm xúc mà bộ phim mang lại vẫn khá lửng lơ và nửa vời, chỉ dừng lại ở mức dễ chịu.
Khi cảnh nóng phát huy đúng tác dụng
Người vợ cuối cùng dán nhãn 18 và cũng không ngần ngại truyền thông yếu tố "cảnh nóng" trên phim. Từ trước đến nay, đã có rất nhiều phim Việt bị mang tiếng dùng cảnh nóng để câu view khi chúng bị thực hiện một cách vụng về, kém tinh tế. May mắn là Victor Vũ và các cộng sự của anh đã mang đến một cảnh nóng hiếm hoi trên phim Việt thực sự có tác dụng kể chuyện.
Cảnh nóng trong phim góp phần khắc họa sâu tâm lý các nhân vật. ĐPCC
Trong phim, nhân vật Linh có những trường đoạn "nóng" với chồng - quan tri huyện và người tình Nhân. Tình dục hiện lên ở hai trạng thái đối lập và khắc họa được bản năng, tâm tư lẫn nỗi lòng thầm kín của một người phụ nữ. Làm tình với quan tri huyện là nghĩa vụ, cũng là một cực hình với Linh bởi ông ta xem cô không khác gì chiếc máy đẻ.
Sợi dây thòng lọng máng giữa phòng treo chân Linh lên sau mỗi lần "hành sự" là một chi tiết biểu tượng khá hay ho trong bộ phim này. "Phải nằm im như thế để giữ cho trọn những hạt vàng ngọc của ta", câu dặn dò của quan với người vợ ba của mình vừa nực cười vừa chua chát. Bởi trong những giây phút gần gũi thể xác nhất với người là chồng mình, Linh lại chẳng khác nào một cái xác chết, vô hồn, chẳng được xem như con người.
Thuận Nguyễn và Kaity Nguyễn phối hợp diễn xuất ăn ý. ĐPCC
Nhưng với Nhân lại khác, mỗi một lần động chạm xác thịt với người tình, Linh có sự kết nối chặt chẽ với anh về thể xác lẫn linh hồn. Bởi đó là tình yêu. Sự nâng niu và những cử chỉ dịu dàng mà Nhân thể hiện trên thân thể người con gái anh yêu, nơi những vết thương của bạo hành, nơi thiêng liêng của Linh vốn bị người chồng xem như một thứ "công cụ" để duy trì nòi giống cũng phần nào gây cảm động.
Sự lựa chọn góc máy và đánh sáng của đạo diễn Victor Vũ và ê kíp cũng cho thấy độ tinh tế vừa phải. Cảnh nóng của phim đủ trần trụi nhưng không bị phô, tôn vinh được biểu cảm, đường nét cơ thể của diễn viên và quan trọng là làm nên những khung hình biết kể chuyện.
Kaity Nguyễn, Thuận Nguyễn thăng hoa
Người vợ cuối cùng không phải là bộ phim xuất sắc nhưng màn hóa thân của Kaity Nguyễn thì có. Đây mới là bộ phim thứ 6 của nữ diễn viên sinh năm 1999. Phất lên nhờ vai diễn mang nhiều nét thơ ngây, tinh nghịch của một cô nữ sinh trong Em chưa 18, quan sát hành trình của Kaity Nguyễn cho đến hiện tại, có thể thấy cô đã có những bước tiến rất dài với nhiều màn lột xác ngoạn mục.
Có những diễn viên sẽ "chín" từ tốn nhờ cọ xát và lăn lộn với nghề, có những diễn viên tài năng nằm sẵn trong máu thịt và có lẽ Kaity thuộc dạng thứ hai. 6 phim với 6 vai diễn mang màu sắc khác nhau, Kaity Nguyễn không vồ vã xuất hiện ở khắp mọi nơi mà rất biết chọn dự án. Các phim nữ diễn viên tham gia chất lượng sẽ từ trung bình trở lên, tuyệt đối không có phim thảm họa. Và dù phim thế nào thì vai của Kaity luôn có đất tỏa sáng. Điều này cho thấy Kaity chọn dự án rất kỹ và rất khôn ngoan.
Người vợ cuối cùng mãn nhãn, dễ chịu nhưng chưa có điểm nhấn. ĐPCC
Ngoại hình hiện đại, sáng rỡ của Kaity Nguyễn từng khiến nhiều người lăn tăn liệu cô vào vai phụ nữ thế kỷ 19 truân chuyên, xuất thân hèn mọn có hợp không. Với Người vợ cuối cùng cũng vậy, Kaity Nguyễn đã rất thăng hoa với nhân vật Linh của mình. Trong từng ánh mắt, cử chỉ, điệu bộ, người đẹp 24 tuổi cho thấy sự tin tưởng tuyệt đối vào bản thân và nhân vật, một cô gái khiến cho khán giả xót thương nhưng cũng rất "lì đòn". Thật bất ngờ khi ở độ tuổi của Kaity, cô có thể diễn rất tình cảm và chân thành những phân đoạn của một người mẹ bất lực. Kaity đã rất phụ nữ, rất đàn bà trong bộ phim này.
Thuận Nguyễn là một nhân tố đầy tiềm năng của điện ảnh Việt. ĐPCC
Thuận Nguyễn cũng là điểm sáng của phim dù nhân vật của anh chưa được khai thác hết các tiềm năng. Nhưng với sự chân thành, nhạy cảm và lăn xả, Thuận Nguyễn đã mang đến một chàng Nhân rất dễ mến. Thuận Nguyễn và Kaity Nguyễn có "phản ứng hóa học" tốt, rất đẹp đôi khi lên hình. Họ phối hợp nhịp nhàng, biết nâng đỡ bạn diễn. Nhìn vào Thuận Nguyễn và Kaity Nguyễn trong Người vợ cuối cùng, có thể tin rằng điện ảnh Việt không thiếu nhân tài trẻ tuổi. Điều quan trọng là các nhà làm phim, nhà sản xuất có cho họ điều kiện và khai phá được những tiềm năng nơi họ hay không.
Người vợ cuối cùng còn có sự tham gia diễn xuất của: NSƯT Quang Thắng, NSƯT Kim Oanh, Đinh Ngọc Diệp, Anh Dũng... Phim sẽ chính thức công chiếu trên toàn quốc vào ngày 3.11.2023.
Phim cổ trang Việt được mong chờ nhất 2023 chính thức dán nhãn 18+, ngập cảnh nóng còn vô cùng tàn nhẫn Bộ phim cổ trang Việt đang được mong chờ này hứa hẹn sẽ mang tới những cảnh nóng táo bạo cho khán giả. Không hề ngoa khi nói Người Vợ Cuối Cùng của đạo diễn Victor Vũ chính là bộ phim cổ trang được mong chờ nhất của điện ảnh Việt năm nay, cũng là dự án gây tò mò nhất với khán...