Người về từ vùng có dịch COVID-19 phải làm gì?
Người về từ vùng có dịch COVID-19 phải cách ly như thế nào và những người tiếp xúc với người này có phải cách ly không? Để giải đáp những thắc mắc trên, Cục Quân y ( Học viện Quân y) đã đưa ra 100 câu hỏi – đáp về dịch bệnh COVID-19.
61. Người từ vùng dịch làm nhiệm vụ trở về có phải tiến hành cách ly không?
Những người được phân công vào làm nhiệm vụ ở nơi có dịch (như nhân viên y tế hoặc nhân viên cung ứng lương thực, thực phẩm thuốc men cho vùng dịch…) thường đã được bảo đảm các phương tiện bảo vệ cá nhân và đã được huấn luyện thuần thục các biện pháp phòng chống dịch.
Hoạt động này được thực hiện theo những quy trình nghiêm ngặt và được giám sát chặt chẽ. Tùy theo mức độ công việc của người đó, cũng như thao tác kỹ thuật phòng chống dịch mà người đó thực hiện…, các cơ quan chức năng sẽ quyết định mức độ cách ly của những người này.
62. Một nhóm người đi về từ vùng có dịch nên được tổ chức cách ly tập trung trong theo kế hoạch 14 ngày; ban đầu tất cả không có biểu hiện bệnh nhưng ngày thứ 10 thì có một người sốt nên người này được chuyển đi nơi khác để điều trị và theo dõi thêm, những người còn lại đến ngày thứ 14 cũng không có ai bị sốt vậy, những người này sẽ được ra khỏi nơi cách ly hay vẫn tiếp tục phải cách ly?
Nhóm người này đi về từ vùng dịch được cách ly đến ngày thứ 10 thì xuất hiện 1 người có sốt thì phải cách ly người này và xét nghiệm xác định ca bệnh. Nếu dương tính với SARS-CoV-2 thì thời gian cách ly những người tiếp xúc gần phải tiếp tục thêm 14 ngày kể từ ngày người bệnh kia bị sốt. Nếu xét nghiệm âm tính thì chỉ cần cách ly đủ 14 ngày theo kế hoạch.
63. Tại sao phải hạn chế đi lại với những người đang sống trong vùng có dịch mặc dù họ không có biểu biện bị bệnh hoặc nghi ngờ tiếp xúc với người bệnh?
Việc hạn chế đi lại của những người trong vùng có dịch giúp làm giảm nguy cơ lây nhiễm cho những người khác, đặc biệt là những người không có biểu hiện dấu hiệu lâm sàng (trong thời kỳ ủ bệnh) được chứng minh là vẫn có thể lây lan mạnh.
64. Những người đang sống trong vùng có dịch cần phải hạn chế đi lại cho đến khi nào và tại sao?
Những người sống trong vùng dịch được yêu cầu hạn chế đi lại vì như vậy sẽ giảm nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, nguyên nhân do những người không có biểu hiện dấu hiệu lâm sàng (trong thời kỳ ủ bệnh) được chứng minh là vẫn có thể lây lan cho những người khác thông qua dịch tiết đường hô hấp và tiếp xúc thông thường.
Việc hạn chế đến khi nào sẽ do cơ quan chức năng quyết định trên cơ sở cân nhắc nhiều yếu tố trong đó có thời gian ủ của bệnh, thời điểm cuối cùng không có ca nhiễm mới và thời điểm bệnh nhân cuối cùng khỏi bệnh.
65. Một người đang ở trong vùng có dịch, ban đầu khỏe mạnh, sau đó tự nhiên bị sốt thì có phải là đã bị mắc COVID-19 hay không?
Không chắc chắn vì sốt là triệu chứng của rất nhiều bệnh, tuy nhiên người có sốt thì cần phải tự cách ly, kiểm tra y tế và theo dõi. Nếu xuất hiện thêm dấu hiệu hô hấp cần đến cơ sở y tế khám, sàng lọc và xét nghiệm nhiễm SARS-CoV-2 để khẳng định có bị bệnh hay không.
66. Tại sao lại cần tiến hành giám sát thân nhiệt để kiểm soát dịch bệnh?
Giám sát thân nhiệt chỉ là một biện pháp kiểm soát dịch bước đầu để phát hiện người có sốt khi nhập cảnh, khám bệnh… Hầu hết các ca bệnh mắc COVID-19 đều có sốt nên đây là bước sơ bộ để kiểm soát dịch vì đơn giản và dễ thực hiện. Tuy nhiên, biện pháp quan trọng vẫn là phát hiện sớm, cách ly và phòng ngừa trong lây nhiễm SARS-CoV-2.
67. Ngoài giám sát thân nhiệt còn có biện pháp nào để kiểm soát dịch bệnh nữa không?
Video đang HOT
Ngoài giám sát thân nhiệt còn phải kê khai các yếu tố dịch tễ như đến từ vùng dịch và theo dõi các triệu chứng hô hấp; quản lý và cách ly các người đến từ vùng dịch, tiếp xúc người bệnh và nghi ngờ mắc bệnh.
Thực hiện vệ sinh tay thường xuyên với xà phòng, vệ sinh hô hấp, vệ sinh nhà cửa và hạn chế tiếp xúc đông người để giảm nguy cơ lây nhiễm.
68. Những cách đo thân nhiệt nào thường được áp dụng trong phòng chống dịch và độ tin cậy của các phương pháp ấy như thế nào?
Đo thân nhiệt có thể dùng máy đo thân nhiệt từ xa, đo thân nhiệt qua da bằng nhiệt kế điện tử, nhiệt kế điện tử đo trán, tai. Tuy nhiên, các cách đo này chỉ để sàng lọc vì chúng có sai số nhất định. Các trường hợp nghi ngờ sốt cần được kiểm tra lại bằng nhiệt kế y tế để xác định.
69. Nếu không có nhiệt kế điện tử thì nên dùng nhiệt kế gì để giám sát thân nhiệt cho nhiều người và phải lưu ý vấn đề gì khi sử dụng loại nhiệt kế đó?
Nếu không có nhiệt kế điện tử thì có thể dùng nhiệt kế thủy ngân đo ở nách. Tuy nhiên đo cách này mất nhiều thời gian hơn và có nguy cơ lây nhiễm do tiếp xúc. Vì vậy, đảm bảo an toàn là cần sát khuẩn cồn sau mỗi lần đo trên một người; không đo nhiệt độ ở miệng vì tăng nguy cơ lây nhiễm.
70. Khi đo nhiệt độ ở trán bằng nhiệt kế điện tử, nhiệt độ bao nhiêu trở lên thì coi là bị sốt?
Trên 37 độ C thì được coi là sốt.
Mời độc giả đón đọc phần 8: “Giám sát thân nhiệt phát hiện mắc COVID-19?” trên Lao Động điện tử vào 9h30 ngày 3.4
PGS.TS.BS LÊ VĂN ĐÔNG (HỌC VIỆN QUÂN Y) – TỔ TRƯỞNG TỔ BIÊN SOẠN
"Ai phải cách ly, cách ly thế nào trong dịch COVID-19?"
Dịch COVID-19 là dịch bệnh mới và một trong những biện pháo ngăn chặn dịch bệnh lây lan là cách ly. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa hiểu cách ly y tế là gì. Để giải đáp những thắc mắc trên, Cục Quân y (Học viện Quân y) đã đưa ra 100 câu hỏi - đáp về dịch bệnh COVID-19.
Các cán bộ y tế chuẩn bị dụng cụ thực hiện test nhanh COVID-19. Ảnh: Tô Thế.
51. Cách ly y tế là gì?
Cách ly y tế là việc tách riêng người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, người mang mầm bệnh truyền nhiễm hoặc vật có khả năng mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nhằm hạn chế sự lây truyền bệnh.
52. Tại sao khi có dịch COVID-19 lại phải tiến hành cách ly y tế?
Theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, COVID-19 là bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm nên bắt buộc phải tiến hành các biện pháp cách ly y tế.
53. Có những hình thức cách ly y tế nào?
- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: Áp dụng với các bệnh dịch thông thường, ít có nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng;
- Cách ly tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (bệnh viện): Áp dụng với các bệnh dịch có nguy cơ cao, gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng;
- Cách ly nghiêm ngặt: Là hình thức cách ly cao nhất "nội bất xuất - ngoại bất nhập". Nghĩa là người đang ở khu vực cách ly nghiêm ngặt thì không được ra khỏi khu vực cách ly cho đến khi có quyết định kết thúc cách ly của cơ quan có thẩm quyền. Ngược lại, người đang ở ngoài khu vực cũng không được vào cho đến khi kết thúc cách ly.
54. Thế nào là cách ly y tế tập trung?
Cách ly y tế tập trung là khi một nhóm người có nguy cơ mắc bệnh (ví dụ : Nhóm người này vừa từ vùng có dịch trở về) thì được tập trung tại một khu vực (có thể là doanh trại quân đội, bệnh viện dã chiến...) để cách ly theo quy định.
55. Thế nào là tự cách ly?
Tự cách ly là việc tự cá nhân bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm nhưng chưa có triệu chứng bị bệnh hoặc đã xét nghiệm âm tính với mầm bệnh nhưng nghi ngờ chưa thực sự hết khả năng lây nhiễm chủ động cách ly bản thân nhằm hạn chế sự lây truyền bệnh.
56. Những người nào thuộc diện phải cách ly trong đợt dịch COVID-19 này?
Theo qui định hiện nay của Bộ Y tế, người mắc bệnh dịch, người bị nghi ngờ mắc bệnh dịch, người mang mầm bệnh dịch, người tiếp xúc với tác nhân gây bệnh COVID-19 đều phải được cách ly.
a. Cách ly tại nhà, nơi lưu trú:
Những người không có các triệu chứng nghi nhiễm COVID-19 (ho, sốt, khó thở) và có một trong những yếu tố sau đây:
- Sống trong cùng nhà, nơi lưu trú với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ trong thời gian mắc bệnh;
- Cùng làm việc với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ trong thời gian mắc bệnh;
- Cùng nhóm du lịch, đoàn công tác, nhóm vui chơi với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ trong thời gian mắc bệnh;
- Có tiếp xúc gần trong vòng 2m với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ trong trong thời gian mắc bệnh ở bất kỳ tình huống nào.
- Ngồi cùng hàng hoặc trước - sau hai hàng ghế trên cùng một chuyến xe/toa tàu/máy bay với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ;
- Người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam từ Trung Quốc hoặc từng đi qua Trung Quốc (trừ tỉnh Hồ Bắc) trong vòng 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh.
b. Cách ly tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (bệnh viện):
Những người đã mắc bệnh COVID-19 sẽ được cách ly tại bệnh viện theo quy định và theo chỉ định của bác sĩ cho đến khi khỏi bệnh và hết thời gian cách ly sẽ được về nhà.
c. Cách ly nghiêm ngặt:
Áp dụng với toàn bộ những người đang ở trong một khu vực xác định (ví dụ: Một thôn/bản hoặc một xã) hoặc ở một đơn vị, cơ quan nào đó mà có quyết định cách ly nghiêm ngặt thì đều phải cách ly. Không ai được ra khỏi khu vực cách ly cho đến khi có quyết định kết thúc cách ly của cơ quan có thẩm quyền, bất kể người đó có hay không có nguy cơ mắc bệnh.
57. Người đang bị bệnh COVID-19 chưa khỏi thì phải áp dụng hình thức cách ly nào và thời gian cách ly trong bao lâu?
Người mắc bệnh truyền nhiễm là người bị nhiễm tác nhân gây bệnh truyền nhiễm có biểu hiện triệu chứng bệnh. Theo qui định hiện nay của Bộ Y tế, người đang bị bệnh phải áp dụng cách ly nghiêm ngặt và cách ly cho đến khi điều trị khỏi, hết triệu chứng, có xét nghiệm virus tối thiểu 2 lần âm tính. Sau khi ra viện, vẫn phải tự cách ly ở nhà đủ trong 14 ngày.
58. Người đang bị ho, sốt, khó thở mới chỉ nghi ngờ bị bệnh COVID-19 chưa có khẳng định chắc chắn thì phải áp dụng hình thức cách ly nào, thời gian cách ly trong bao lâu và tại sao?
Người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm là người tiếp xúc hoặc người có biểu hiện triệu chứng bệnh truyền nhiễm nhưng chưa rõ tác nhân gây bệnh.
Theo qui định hiện nay của Bộ Y tế, người đang bị sốt, ho, khó thở nghi ngờ mắc COVID-19 phải đến ngay cơ sở y tế khám, nhập viện và thực hiện cách ly bắt buộc. Thực hiện ngay bằng các biện pháp dự phòng lây nhiễm gồm vệ sinh đường hô hấp khi ho, hắt hơi (đeo khẩu trang, rửa tay khi tiếp xúc với dịch tiết đường hô hấp, hạn chế tiếp xúc với người khác, nếu có thì phải cách xa>2m), thực hiện cách ly bắt buộc nếu có yếu tố dịch tễ (trở về từ vùng có dịch, tiếp xúc hoặc tiếp xúc gần với người bệnh mắc COVID-19...). Tiến hành lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 để xác định ca bệnh.
Thời gian cách ly tối thiểu là 14 ngày kể từ ngày phát hiện triệu chứng hoặc đến khi có xét nghiệm COVID-19 âm tính.
59. Người không có biểu hiện bệnh mới chỉ nghi ngờ bị mắc COVID-19 (do trước đó nghi có tiếp xúc với mầm bệnh) thì phải áp dụng hình thức cách ly nào, thời gian cách ly trong bao lâu và tại sao?
Theo qui định hiện nay của Bộ Y tế, người không có triệu chứng gì nhưng trước đó có tiếp xúc với người bệnh/nghi ngờ mắc bệnh thì chỉ cần áp dụng cách ly tại nhà nhưng phải thông báo cho cơ sở y tế biết. Người này nên đeo khẩu trang khi tiếp xúc người khác, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng sau khi có tiếp xúc với dịch tiết của cơ thể. Thông báo ngay khi có dấu hiệu ho, sốt, khó thở. Thời gian cách ly cũng là 14 ngày.
60. Tại sao người đi về từ vùng có dịch dù không có biểu biện bị bệnh hoặc nghi ngờ tiếp xúc với mầm bệnh vẫn phải tiến hành cách ly?
Vì những người này hoàn toàn có thể lây nhiễm virus từ vùng có dịch nhưng chưa có biểu hiện bệnh. Nhóm người này cần cách ly để đảm bảo an toàn cho cộng đồng. Nếu không cách ly nhóm người này mà họ có xuất hiện triệu chứng bệnh thì số người phải cách ly tiếp theo là rất lớn và rất khó kiểm soát triệt để.
Mời độc giả đón đọc phần 7: "Người về từ vùng có dịch COVID-19 phải làm gì?" trên Lao Động điện tử vào 9h30 ngày 2.4
PGS.TS.BS LÊ VĂN ĐÔNG (HỌC VIỆN QUÂN Y) - TỔ TRƯỞNG TỔ BIÊN SOẠN
Ai có đề kháng tự nhiên với COVID-19? Cơ chế lây nhiễm virus SARS-CoV-2, ai có thể nhiễm hay vắc xin đã có chưa... là những câu hỏi bạn đọc quan tâm xung quanh dịch COVID-19. Để giải đáp những thắc mắc trên, Cục Quân y (Học viện Quân y) đã đưa ra 100 câu hỏi - đáp về dịch bệnh COVID-19. 31. Tai sao co nguơi mắc COVID-19 thi bi...