Người góp phần xây dựng chuyên ngành Thần kinh học Việt Nam
Giáo sư-tiến sỹ-thầy thuốc nhân dân Lê Đức Hinh, nguyên Trưởng Khoa Thần kinh Bệnh viện Bạch Mai, là người đã có đóng góp lớn trong việc “thanh toán” bệnh viêm não Nhật Bản B ở trẻ em.
Giáo sư-tiến sỹ-thầy thuốc nhân dân Lê Đức Hinh. (Nguồn: hoithankinhhocvietnam.com.vn)
Nhắc tới chuyên ngành Thần kinh học Việt Nam, bạn bè quốc tế thường nghĩ tới đại diện là giáo sư-tiến sỹ-thầy thuốc nhân dân Lê Đức Hinh.
Ông nguyên là Chủ tịch Hội Thần kinh học Việt Nam, nguyên Trưởng Khoa Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai và là người có nhiều đóng góp cho chuyên ngành Thần kinh học Việt Nam.
Ông là một trong những gương mặt điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh toàn quốc năm 2019.
Người thầy của chuyên ngành Thần kinh học
Tiếp xúc với bác sỹ Lê Đức Hinh, ấn tượng của tôi là sự minh mẫn của người đàn ông đã ngoài 80 tuổi.
Trong cuộc chia sẻ, mọi ký ức dường như là dòng chảy luôn túc trực trong đầu ông. Hơn 55 năm làm việc và cống hiến, bác sỹ Lê Đức Hinh được xem là người thầy của chuyên ngành Thần kinh học Việt Nam.
Chia sẻ về quyết định lựa chọn nghề, bác sỹ Hinh cho biết, từ thời trung học, ông vốn thích những vấn đề liên quan đến thần kinh và tâm trí vì hệ thần kinh đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành và phát triển của con người.
Nhiều bệnh tật, các hoạt động suy nghĩ, ngôn ngữ, hành xử của con người đều liên quan đến hệ thần kinh. Chính vì nhận thức sâu sắc đó, khi được xét chọn chuyên khoa, ông đã chọn chuyên khoa Thần kinh và Tinh thần.
Đây là chuyên khoa được rất ít người quan tâm và chỉ có một mình ông chọn, nhà trường phải gọi thêm 4 người nữa vào thành lập một tổ chuyên ngành Thần kinh.
Tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, năm 1962, bác sỹ Lê Đức Hinh được bác sỹ Nguyễn Quốc Ánh, người thầy dạy chuyên khoa đầu tiên và cũng là người thành lập ngành Thần kinh học Việt Nam giữ lại làm việc tại Khoa Thần kinh và Tinh thần, Bệnh viện Bạch Mai.
Ông được phân công làm Trưởng Phòng Điều trị, Khoa Thần kinh và Tinh thần trong 8 năm.
Năm 1969, Khoa Thần kinh tách ra hoạt động riêng. Ông tiếp tục đảm nhận các vị trí quan trọng của khoa: Phó Trưởng khoa (1979), Trưởng khoa (1985) và bác sỹ cao cấp (2002) cho đến khi nghỉ hưu (2005).
Với những cương vị trên, ông đã có nhiều đóng góp trong xây dựng khoa về học thuật cũng như công tác điều trị, trực tiếp cứu chữa thành công cho hàng nghìn bệnh nhân.
Ngoài quá trình đào tạo trong nước, bác sỹ Lê Đức Hinh còn được cử đi học hai năm tại Đại học La Habana (Cuba); thực tập sinh khoa học tại 4 trường đại học của Hà Lan; tham quan nghiên cứu tại Đại học California Hoa Kỳ và nhiều nước khác.
Video đang HOT
Ông được Nhà nước công nhận chức danh Phó Giáo sư năm 1991 và Giáo sư Thần kinh học năm 2002.
Không chỉ là lương y tâm huyết với nghề, Giáo sư Lê Đức Hinh còn là người thầy giáo có vốn kiến thức và kinh nghiệm dồi dào.
Ông đã giảng dạy cho nhiều thế hệ sinh viên tại các trường đại học trên khắp cả nước; hướng dẫn nhiều luận văn thạc sỹ, luận án tiến sỹ y học.
Ông đã viết và chủ biên nhiều sách y học về chuyên ngành; các giáo trình; bài viết thông tin về y học; kỷ yếu công trình bằng tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha.
Dù bận nhiều công việc, nhưng ông luôn tranh thủ thời gian nghiên cứu, viết báo, đọc sách.
Ông chia sẻ, làm việc giúp ông linh lợi hơn, ngày nào không đọc sách, không làm việc, ngày đó ông thấy rất mỏi mệt. Chính vì lẽ đó, sau khi nghỉ hưu năm 2005, ông vẫn tham gia nhiều hoạt động như giảng bài, chấm thi, giám định chuyên khoa thần kinh, tư vấn viện pháp y Quốc gia, Ban tham vấn của Hội đồng bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương, Chủ tịch Hội thần kinh học Việt Nam…
Góp công đẩy lùi bệnh viêm não Nhật Bản ở trẻ em
Ngoài các công trình về bệnh lý thần kinh ở người trưởng thành, giáo sư Lê Đức Hinh còn dày công nghiên cứu về bệnh viêm não Nhật Bản ở trẻ em.
Năm 1989, ông bảo vệ thành công và được công nhận Tiến sỹ Thần kinh học với Luận án “Vài đặc điểm của viêm não Nhật Bản B ở trẻ em miền Bắc Việt Nam.”
Luận án của ông đã đóng góp rất nhiều vào hoạt động “thanh toán” bệnh dịch này tại Việt Nam.
Ông chia sẻ, trước những năm 1968, dịch viêm não Nhật Bản thường bùng phát ở miền Bắc nước ta trong khoảng thời gian từ tháng Năm, đến tháng Chín.
Căn bệnh này là nỗi kinh hoàng của các gia đình có con nhỏ do tỷ lệ tử vong cao. Thời điểm đó, phần lớn trẻ em mắc bệnh nằm điều trị tại chuyên khoa Nhi hoặc Truyền nhiễm chứ không điều trị ở Khoa Thần kinh.
Đến năm 1968, thầy Nguyễn Quốc Ánh chỉ định thành thập một đơn vị chuyên phục vụ viêm não B trẻ em và chỉ định Khoa của ông cùng thực hiện chăm sóc trẻ em mắc bệnh.
Theo chỉ đạo của Bộ Y tế, những trường hợp bệnh nặng sẽ được chuyển về Khoa. Thời điểm đó, mỗi ngày, Khoa tiếp nhận khoảng 9-14 trẻ từ 9-10 tuổi và đều là những trường hợp nặng. Nếu không biết chăm sóc, trẻ sẽ không qua khỏi.
Trong những trường hợp được ông chữa trị, ông nhớ nhất kỷ niệm, một cháu bé mê man bất tỉnh được mẹ đưa vào viện lúc khoảng 14 giờ.
Cháu cũng được các bác sỹ thăm khám và chăm sóc ngay lập tức. Đến khoảng 17 giờ, khi hết giờ làm việc, ông dắt xe ngang qua nhìn thấy. Với kinh nghiệm cá nhân, ông biết đó là trường hợp rất nặng, có khả năng tử vong ngay đêm đó. Lập tức, ông ở lại cùng đồng nghiệp để chăm sóc và cứu chữa cháu kịp thời.
Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình thực hiện, bác sỹ Hinh cho hay, do chỉ là bác sỹ chuyên ngành Thần kinh, các kiến thức về Nhi khoa, Truyền nhiễm, Vi khuẩn của ông không nhiều. Vì vậy, ông cùng nhiều y, bác sỹ phải học sâu thêm về các chuyên khoa này; đọc nhiều tài liệu của báo chí nước ngoài để áp dụng thực hành, từ đó đưa ra hướng chăm sóc theo kiểu Việt Nam.
Bên cạnh đó, thời điểm những năm 1968-1970, cuộc sống còn thiếu thốn nhiều thứ, ông buộc phải tìm tòi, sáng tạo để tìm ra các phương án chữa bệnh vừa tiết kiệm, an toàn.
Luận án tiến sỹ của ông chính là sự tổng kết kinh nghiệm chẩn đoán và điều trị sau gần hai chục năm chữa bệnh cho trẻ em bị viêm não; giúp các thầy thuốc cả nước có những kinh nghiệm tốt hơn nữa việc chữa bệnh cho các cháu.
Hiện nay, ông vẫn quan tâm đến di chứng của bệnh viêm não Nhật Bản ở trẻ em và tiếp tục giúp đỡ, hướng dẫn các bác sĩ trẻ nghiên cứu về bệnh này.
Mang tiếng nói ngành Thần kinh học Việt Nam ra thế giới
Giáo sư Lê Đức Hinh hiện vẫn còn đảm nhận vai trò giáo sư giảng dạy của Đại học Y Hà Nội và Viện Nghiên cứu Khoa học Y dược lâm sàng 108; Giám định viên của Hội đồng Giám định Y khoa Trung ương.
Ông cũng là thành viên của nhiều hội ngành quốc tế như Hội Thần kinh và Phẫu thuật thần kinh Cu Ba, Hội Nhi khoa Cu Ba, Hội Thần kinh học Pháp, Viện Hàn lâm Thần kinh học Mỹ, Ban tư vấn Tai biến mạch não cấp tính châu Á, Hội tai biến mạch não Hoàng gia Thái Lan…
Hằng năm, ông vẫn được mời tới tham dự các hội nghị thường niên về Thần kinh học ở khu vực và trên thế giới.
Tại các hội nghị, hội thảo, ông luôn chuẩn bị tham luận và tham gia các cuộc giao lưu, gặp mặt để bạn bè quốc tế thấy ngành Thần kinh học Việt Nam luôn theo kịp các nước phát triển, từ đó nâng cao vị trí của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Với những cống hiến trong sự nghiệp bảo vệ sức khỏe nhân dân, ông đã được Nhà nước, ngành Y tế và nhân dân trao tặng Danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân, Huân chương Lao động Hạng Nhì, Huân chương Lao động Hạng Ba cùng nhiều Huy chương cao quý khác.
Mới đây, ông vinh dự được vinh danh là điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2019 và được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
Chia sẻ về vinh dự này, ông cho biết, đây là một điều bất ngờ đối với ông, một niềm vinh dự to lớn không chỉ cho ông mà còn cho ngành Y tế nói chung và chuyên khoa Thần kinh nói riêng. Ông sẽ cố gắng nhiều hơn nữa để xứng đáng với danh hiệu này./.
Minh Huệ
Theo TTXVN/Vietnamplus
Chỉ vì một vết muỗi cắn, cô gái 20 tuổi phải nằm viện chăm sóc đặc biệt tới 11 tháng
Mùa hè tới cũng là thời điểm dịch sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản hoành hành nên bạn cần chủ động phòng tránh bệnh ở xung quanh môi trường sống của mình.
Vào mùa hè, những cơn nắng nóng gay gắt, kèm theo mưa bất chợt sẽ tạo điều kiện cho muỗi sản sinh nhiều hơn. Chính vì vậy, việc đề phòng các bệnh dịch do muỗi đốt trong mùa hè là điều vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, vẫn có những người không biết cách phòng tránh bệnh nên lây truyền dịch vào cơ thể. Điển hình như trường hợp một cô gái người Trung Quốc sau đây đã mắc bệnh viêm não Nhật Bản sau khi bị muỗi đốt.
Ảnh minh họa
Cô gái này tên Vương Diễn Linh (20 tuổi), đã trở về nhà trong kỳ nghỉ hè vào tháng 7/2018. Đến đầu tháng 8, Diễn Linh bị sốt cao và tình trạng này kéo dài nhiều ngày dù cô đã uống thuốc sau đó. Vì vậy, cô quyết định đi khám ở một trung tâm y tế trong thị trấn nhưng bác sĩ khuyên cô nên tới bệnh viện lớn để kiểm tra.
Tại bệnh viện, Diễn Linh được chẩn đoán bị nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương, viêm não do virus. Cuối cùng, khi có kết quả, bác sĩ thông báo Diễn Linh đã mắc bệnh viêm não Nhật Bản do muỗi dịch đốt ở quê nhà. Sau đó, Diễn Linh phải nhập viện và ở phòng chăm sóc đặc biệt điều trị đến nay đã được 11 tháng.
Viêm não Nhật Bản là căn bệnh như thế nào?
Đây là một căn bệnh truyền nhiễm cấp tính lây truyền theo đường máu, do virus viêm não B gây ra. Bệnh thường phát triển chủ yếu trong mùa hạ sang thu, từ khoảng tháng 7 đến tháng 9. Phương tiên truyền bệnh là muỗi và nguồn lây nhiễm là từ động vật như lợn, chim, bò... tại các vùng quê.
Đa phần bệnh này thường xuất hiện phổ biến ở trẻ em, nhưng không loại trừ khả năng người lớn cũng có nguy cơ mắc phải. Sau khi mắc viêm não Nhật Bản, người bệnh thường có biểu hiện sốt cao, nhiệt độ cơ thể lên tới 39 - 40 độ C, kèm theo hiện tượng nhức đầu, tinh thần mệt mỏi, uể oải. Khi bệnh tiến triển nặng hơn, các triệu chứng của hệ thần kinh dần trở nên rõ rệt, đặc trưng là bị cứng cổ, nôn và rối loạn ý thức, co giật, thậm chí còn hôn mê, suy hô hấp, suy giảm hoạt động thể chất...
Để phòng chống bệnh viêm não Nhật Bản, Bộ Y tế khuyến cáo:
- Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở, chuồng gia súc sạch sẽ để hạn chế nơi trú đậu của muỗi, nên dời chuồng gia súc xa nhà, loại bỏ các ổ bọ gậy.
- Khi đi ngủ cần mắc màn, thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi trong các hộ gia đình, không cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc đề phòng muỗi đốt.
- Tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản đầy đủ, đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất. Tiêm chủng với 3 liều cơ bản:
Mũi 1 lúc trẻ được 1 tuổi.
Mũi 2 sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần.
Mũi 3 cách mũi 2 là 1 năm. Sau đó, cứ 3 - 4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.
- Khi có dấu hiệu sốt cao cùng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương, cần phải đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Source (Nguồn): Sohu, Bộ Y tế
Theo Helino
Tiêm vắc xin vẫn là cách tốt nhất để phòng bệnh Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) mới đây đã bày tỏ quan ngại trước tình trạng sai lệch thông tin về các loại vắc xin và những chương trình sử dụng vắc xin, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay giải quyết vấn đề này. Việt Nam đang tích cực nghiên cứu thêm các loại vắcxin nhằm bảo vệ...