Người dân vẫn hoang mang về môi trường, thủy ngân sau vụ cháy Rạng Đông
Sau hơn 10 ngày xảy ra vụ cháy tại Công ty Rạng Đông, người dân xung quanh vẫn chưa hết lo lắng về việc môi trường có đảm bảo, thủy ngân phát tán ra môi trường mức độ bao nhiêu và ảnh hưởng ra sao.
Hàng loạt câu hỏi về sự an toàn của môi trường được người dân đặt ra với đại diện cơ quan y tế sáng 11.9 – Ảnh Trần Cường
Sáng 11.9, tại Nhà văn hóa phường Thanh Xuân Trung ( quận Thanh Xuân, Hà Nội), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (TTKSBT) thành phố Hà Nội phối hợp Trung tâm Y tế quận Thanh Xuân và các đơn vị liên quan tổ chức hướng dẫn chăm sóc sức khỏe cộng đồng sau vụ cháy kho Công ty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông cho hàng chục người dân quận Thanh Xuân.
Tại đây, các bác sĩ thông tin tới người dân về những nguy cơ sức khỏe có thể xảy ra; biểu hiện khi bị nhiễm độc thủy ngân; những kiến thức liên quan cần biết. Đồng thời, khuyến cáo người dân sống trong khu vực bị ảnh hưởng của vụ cháy cần đến các cơ sở y tế khám và được tư vấn về sức khỏe.
Hàng chục người dân có mặt tại buổi hướng dẫn chăm sóc sức khỏe cộng đồng – Ảnh Trần Cường
Tuy nhiên, điều những người dân có mặt tại buổi hướng dẫn quan tâm, đặt câu hỏi vẫn là vấn đề môi trường nơi họ đang sinh sống có an toàn, mức độ ảnh hưởng như nào để có biện pháp phòng tránh…
“Những ngày qua, nhiều thông tin về việc môi trường xung quanh Công ty Rạng Đông bị ô nhiễm, nhiễm thủy ngân khiến tôi và mọi người trong khu hết sức hoang mang. Chúng tôi chỉ quan tâm đến việc môi trường sống của chúng tôi có đảm bảo, kết quả xét nghiệm thủy ngân của mọi người có đúng ở ngưỡng cho phép hay không, để còn có những biện pháp xử lý?”, bà Vũ Thị Thu Hiền (72 tuổi, trú tại phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân; nhà cách hiện trường vụ cháy khoảng 250 m) nói.
Người dân rất tập trung lắng nghe và ghi chép cẩn thận những thông tin tại buổi hướng dẫn chăm sóc sức khỏe cộng đồng – Ảnh Trần Cường
Giải đáp những thắc mắc này, bác sĩ Hà Lan Phương, Phó trưởng khoa Khám bệnh chuyên ngành, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế), cho biết chính quyền thành phố Hà Nội đang làm tất cả các biện pháp nghiêm ngặt để hạn chế tối thiểu phát tán ô nhiễm ra môi trường xung quanh sau vụ cháy.
Thời gian qua, theo công bố của các cơ quan chuyên môn, hàm lượng thủy ngân tại khu vực xung quanh Công ty Rạng Đông đều trong giới hạn cho phép, và việc quan trắc vẫn được duy trì hàng ngày, phía cơ quan y tế vẫn đang phối hợp giải quyết hậu quả sau vụ cháy.
Bà Lan Phương cũng khuyến cáo người dân không nên hoang mang, không nên bán nhà và cần tuyên truyền, nhắc nhở người dân khi trở về thì dọn dẹp nhà cửa sau thời gian không sử dụng.
Video đang HOT
Sẽ khám sức khỏe cho toàn bộ giáo viên, học sinh xung quanh Rạng Đông
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, sau 5 ngày triển khai khám sàng lọc miễn phí cho người dân có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe sau vụ cháy Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông, tính đến hết ngày 10.9, đã có 1.442 người tới kiểm tra tại Trạm y tế phường Hạ Đình và phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân). Trong đó, có 590 trường hợp chuyển lên tuyến trên làm xét nghiệm chức năng và chuyên sâu.
Hoạt động khám, tư vấn sàng lọc miễn phí cho người dân sẽ kéo dài đến hết ngày 12.9. Sau đó, nếu người dân tiếp tục có nhu cầu đến khám, thành phố Hà Nội vẫn sẽ duy trì các điểm khám miễn phí cho người dân.
Bác sĩ Trần Thị Nhị Hà, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, khảo sát tình hình khám sức khỏe cho người dân tại Trạm Y tế phường Hạ Đình – Ảnh Trần Cường
Trưa 11.9, tiến sĩ – bác sĩ Trần Thị Nhị Hà, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết sau khi kết thúc đợt khám sàng lọc cho người dân, Sở sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức khám miễn phí cho các học sinh, giáo viên tại Trường tiểu học Hạ Đình và Trường THCS Hạ Đình.
“Đơn vị đang lên kế hoạch, rà soát đối tượng và trong ngày mai (ngày 12.9 – phóng viên) sẽ có buổi làm việc trực tiếp với quận Thanh Xuân để chuẩn bị cơ sở, trang thiết bị. Dự kiến ngày 13.9, hoạt động này sẽ được triển khai”, bác sĩ Nhị Hà thông tin.
Theo Thanh niên
Thủy ngân phát tán ra môi trường gây ảnh hưởng nghiêm trọng thế nào?
Ô nhiễm thuỷ ngân có thể gây ra hậu quả nặng nề với môi trường; con người tiếp xúc với thuỷ ngân có thể bị ảnh hưởng đến não bộ.
Nguy cơ ô nhiễm thủy ngân
Liên quan đến khối lượng thủy ngân được xác định đã phát tán ra ngoài môi trường là khoảng từ 15,1 - 27,2 kg sau vụ cháy nhà kho của Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội), PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội) khẳng định môi trường đã bị ô nhiễm thủy ngân. Nếu cứ duy trì lượng thủy ngân trong môi trường thì cư dân khu vực có nguy cơ sẽ bị nhiễm thủy ngân.
"Hoá chất bay theo bụi trong đám cháy, bản thân hoá chất sinh khí nếu nặng rơi xuống luôn. Tuy nhiên có khí bay xa tích tụ trong không khí khi gặp mưa mới theo nước mưa rơi xuống. Thuỷ ngân rất độc hại, trong nhà máy làm bóng đèn, phích nước thì thuỷ tinh cũng là loại đặc biệt chứ không phải thông thường, đuôi đèn làm bằng kim loạn, lõi phích bằng nhựa, đây là tổ hợp chất độc hại, đã độc hại thì cần phải tránh", ông Thịnh cho hay.
Cán bộ Viện Hóa học Môi trường Quân sự lấy mẫu vật tại hiện trường vụ cháy ở Công ty Rạng Đông. Ảnh: BQP
Đồng quan điểm, GS.TS Trần Tứ Hiếu - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Môi trường và Sức khỏe cộng đồng cho rằng, đèn huỳnh quang có chứa một lượng thủy ngân. Thủy ngân ở dạng bình thường đã độc, ở dạng bay hơi cực độc, có thể dẫn tới vô sinh, ung thư và nhiều bệnh tật khác.
Ông Hiếu cũng cho hay, ở Nhật Bản từng có vụ nhà máy hóa chất rò rỉ thủy ngân ra nguồn nước gây ô nhiễm môi trường và sức khỏe kéo dài hàng chục năm sau. "Nhà máy chứa hóa chất độc hại lẽ ra cần phải được di dời khỏi trung tâm thành phố rất lâu rồi. Khi xảy ra sự cố, không chỉ hướng dẫn, doanh nghiệp và chính quyền địa phương cần phải công bố sự thật về mức độ ảnh hưởng, nguy hiểm của những loại hóa chất thất thoát ra môi trường, có nghiên cứu càng sớm càng tốt", ông Hiếu nói.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT), ngay sau khi xảy ra sự cố cháy nổ tại Công ty Rạng Đông, Bộ đã chỉ đạo Tổng cục Môi trường khẩn trương phối hợp Sở TNMT, các cơ quan liên quan của TP Hà Nội để lấy mẫu, phân tích, đánh giá chất lượng môi trường không khí, nước, đất.
Ngày 3/9, Bộ đã có cuộc họp lần thứ 2 với các Bộ, ngành, UBND TP Hà Nội, Công ty Rạng Đông, các đơn vị, các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực môi trường, hóa chất có liên quan để tham vấn, kiểm chứng các kết quả quan trắc, xác định các nguy cơ, rủi ro có thể xảy ra đối với môi trường và sức khỏe người dân.
Tại cuộc Họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 4/9, Thứ trưởng Bộ TNMT Võ Tuấn Nhân đã thông báo kết quả quan trắc cụ thể chất lượng môi trường và mức độ ảnh hưởng đến môi trường, trong đó cho biết đã có hơn 27kg thủy ngân phát tán ra môi trường sau vụ cháy tối 28/8.
Kết quả quan trắc môi trường cũng cho thấy, 1/12 mẫu nước mặt có giá trị thủy ngân vượt 1,3 lần theo Quy chẩun Việt Nam. Điểm quan trắc này nằm trên sông Tô Lịch, cách cổng xả gom nước thải của công ty tại ngõ 320 Khương Đình 1,5km.
1/8 mẫu nước thải có giá trị vượt quy chuẩn Việt Nam 2,67 lần; 1/6 mẫu không khí vượt 1,02 lần mức độ cho phép.
Nồng độ thủy ngân trong môi trường đất tại các vị trí quan trắc đều không vượt quá ngưỡng có thể gây hại cho môi trường và sức khỏe của con người theo khuyến cáo của Canada, nhưng mẫu đất trong khuôn viên vườn hoa của công ty có hàm lượng thủy ngân cao hơn các vị trí khác.
"Chúng tôi đánh giá đây là sự cố mất an toàn về hóa chất, ảnh hưởng đến môi trường, gây ô nhiễm môi trường không khí, nước mặt và trầm tích. Các hóa chất gây ô nhiễm môi trường xung quanh chủ yếu là thủy ngân và một số kim loại nặng", ông Nhân nói.
Thủy ngân độc hại mức nào đối với sức khỏe?
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo thủy ngân là một nguyên tố rất độc hại cho sức khỏe con người, đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ đang mang thai, có thể gây ra di tật ở thai nhi.
Thủy ngân được WHO liệt vào danh sách 10 hóa chất độc hại đe dọa ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Độc tố này có thể tác động lên hệ thần kinh, hệ tiêu hóa, hệ miễn dịch và nhiều cơ quan trong cơ thể như phổi, thận, da và mắt.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, khi xảy ra cháy các hợp chất thủy nhân hoặc kim loại thủy ngân khi sẽ bốc hơi và gây ra ô nhiễm bầu không khí quanh đó. Cho nên việc khuyến cáo người dân phòng độc là việc nên làm để đảm bảo cho sức khoẻ.
"Nguy cơ cao nhiễm độc thủy ngân sau đám cháy là do hít phải bụi và khí của đám cháy. Các hạt bụi thủy ngân này có thể rơi xuống đất, vườn rau làm phơi nhiễm thủy ngân cho thực phẩm. Ngoài ra, các hạt bụi thủy ngân có thể bay vào trong nhà rơi vào nước, bàn ghế, bát, đĩa, quần áo...", PGS. Thịnh nói.
Người dân phường Hạ Đình khám sức khỏe sau vụ cháy ở Công ty Rạng Đông.
Dưới góc độ y tế, ThS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai cho hay, việc người dân sống xung quanh khu vực xảy ra đám cháy hoặc hít phải khí độc của đám cháy có bị ngộ độc thủy ngân hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhất là nồng độ thủy ngân bị nhiễm độc; thời gian tiếp xúc với khí độc; hay các yếu tố khác như người ở gần khu vực đám cháy nhưng thuận chiều gió hay xuôi chiều gió; độ tuổi của nạn nhân; hoạt động tiếp cận vụ cháy của nạn nhân...
"Vì thế chúng ta không thể khẳng định được tất cả những người sống trong khu vực xảy ra đám cháy đều nhiễm độc, nguy cơ cao hay thấp tùy thuộc vào nhiều yếu tố", BS Nguyên nhấn mạnh.
Từ những phân tích trên, BS Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo, những người có nguy cơ cao như ở gần đám cháy, tiếp xúc ở đám cháy lâu, những người có biểu hiện bất thường như đau đầu, mệt mỏi, khó chịu, tức ngực, nôn mửa, choáng váng, tê chân tay... nên đến cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời.
Các biểu hiện ngộ độc thủy ngân tức thời có triệu chứng như sốt, ớn lạnh, thở khó. Những triệu chứng khác gồm viêm miệng, lơ mơ, co giật, nôn ói và viêm ruột. Những triệu chứng này thường dịu đi trong vòng 1 tuần. Một số trường hợp, diễn tiến nặng hơn là phù phổi cấp, suy hô hấp và tử vong.
Hiện nay, ngộ độc thủy ngân không có cách thải độc tự nhiên hay thải độc tại nhà. Người dân cần đến cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác và điều trị thải độc kịp thời, tránh những biến chứng có thể xảy ra.
Như đã đưa tin, chiều 28/8, một vụ cháy lớn đã xảy ra tại kho hàng của Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông. Vụ cháy kéo dài suốt 5 giờ đồng hồ. Hàng chục xe chữa cháy cùng hàng trăm cán bộ chiến sĩ đã được huy động đến hiện trường dập lửa.
Hậu quả vụ cháy đã khiến nhiều máy móc, nguyên phụ liệu, hàng hoá cháy bị thiêu rụi. Hàng trăm m2 trong tổng diện tích 6.000 m2 nhà kho bị sập. Một ngày sau, cảnh sát vẫn túc trực phun nước làm mát, phong toả lối ra vào hiện trường.
Về nguyên nhân vu chay, Thượng tá Nguyễn Xuân Trường - Phó Trưởng phòng PC02, Công an TP Hà Nội cho biết, đã phát hiện 1 bóng đèn compact bật 24/24h, mặc dù cầu dao dập nhưng không bao giờ bị tắt. Bước đầu nhận định, có thể một bóng đèn trên tầng 3 của kho hàng (không bao giờ tắt) chập cháy rơi xuống thùng carton đựng hàng dẫn đến vụ chay.
Sau 3 ngày khám miễn phí cho người dân sống quanh Công ty Rạng Đông (từ 6-8/9), Sở Y tế Hà Nội cho biết, đã có 927 người dân đến khám. Trong đó, có 320 người được chuyển đến các bệnh viện của Hà Nội thực hiện xét nghiệm chuyên sâu.
Ngoài ra, có 35 trường hợp nhập viện điều trị nhưng nhiều trường hợp trong đó đã ra viện sau khi được thăm khám và làm các xét nghiệm cơ bản.
Theo congly
30 người sống gần Công ty Rạng Đông xét nghiệm có thủy ngân trong máu dưới ngưỡng Tính đến hết ngày 9-9, đã có 1.157 người sống, làm việc gần công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông được khám miễn phí, 454 người được chuyển lên bệnh viện làm xét nghiệm, bước đầu 30 trường hợp kết quả xét nghiệm có nồng độ thủy ngân trong máu dưới mức tối đa cho phép... Hơn 1.100 người dân ảnh hưởng...