Người đàn ông sống khỏe sau 35 năm nhiễm HIV
Carl Fox phát hiện nhiễm HIV vào năm 1985 và được tiên lượng chỉ có thể sống thêm 2 năm. Hơn 3 thập kỷ trôi qua, ông vẫn khỏe mạnh, đóng góp cho dự án đẩy lùi căn bệnh.
Carl Fox (62 tuổi, ở Bắc Kentucky, Mỹ) nhớ lại cuốn sổ cũ. Đó là tài liệu mà ông từng rất trân quý, ghi tên những người bạn đã mất vì nhiễm HIV. Ông cũng là bệnh nhân nhiễm virus này.
“Vào những năm 80, điều đó thật khủng khiếp. Giai đoạn cao điểm, tôi dự 3 đám tang trong một tuần và không thể quên được điều đó. Tôi ghi chép lại danh sách những người quá cố vì muốn ghi nhớ tên của họ. Tất cả đều là bạn bè của tôi”, người đàn ông Mỹ chia sẻ.
Carl Fox từng nghĩ cuốn sổ này nhiều nhất có 40, 50 cái tên. Nhưng đến năm 1994, danh sách lên tới 204 người. Ông buộc phải dừng lại. ‘Tôi biết nếu tiếp tục, nó sẽ hại chết tôi từ bên trong. Vì vậy, tôi quyết định xé đi nó. Nhưng xé bỏ nó không thể khiến tôi quên đi những cái tên”, ông nói với kênh WCPO 9 của đài ABC .
Năm 1985, Fox phát hiện mình dương tính với HIV. Thời điểm đó, bác sĩ chẩn đoán ông chỉ còn khoảng 2 năm để sống. Họ khuyên Fox nên chuẩn bị lời từ biệt cuộc sống, làm nốt những việc còn dang dở. Ban đầu, ông rất sợ hãi và nói điều đó cho cha mẹ. Nhưng mỗi ngày trôi qua, sức khỏe của Fox không có gì nghiêm trọng. Sáu tháng sau, ông quyết định mình sẽ sống bằng bất cứ giá nào.
35 năm đã trôi qua. Fox chứng kiến sự ra đi của nhiều bạn bè, những người nhiễm HIV/AIDS. Giờ đây, người đàn ông này là một phần của nghiên cứu do liên bang tài trợ nhằm tìm ra phương pháp điều trị bệnh nhân nhiễm HIV.
Carl Fox trong bức ảnh chụp năm 2019. Ảnh: Carl Fox.
“Tử thần có lẽ đã bỏ quên tôi”
Mọi chuyện bắt đầu vào năm Fox 20 tuổi. Những năm 1980, đầu 1990, HIV là án tử với bất kỳ ai nhiễm nó. Dường như không điều gì có thể ngăn được virus tấn công hệ miễn dịch của bệnh nhân và tiến triển thành AIDS.
Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), từ năm 1981 đến 1987, quốc gia này có 50.280 người được chẩn đoán mắc AIDS. 47.993 trường hợp trong số đó tử vong, chiếm 95,5%. Dữ liệu của CDC cũng xác định số người được chẩn đoán mắc AIDS đạt đỉnh điểm vào những năm 1990, sau đó giảm dần. Tuy nhiên, từ năm 1988 đến 1995, căn bệnh này vẫn khiến 340.260 trường hợp tử vong.
Chân dung Greg Landrum chụp năm 1988. Ảnh: Carl Fox.
Rất nhiều người trong số đó là bạn của Carl Fox. Cái tên đầu tiên trong cuốn sổ ghi chép của Fox là Steven. Trước khi chết, bệnh nhân mong được gặp mẹ lần cuối. Nhưng Steven nói với Fox điều đó là không thể. Cả Steven và Fox đều là người đồng tính. Trước khi nhắm mắt, Steven không được mẹ chấp nhận điều này.
Cái chết của bạn khiến Fox buồn bã. Sau đó, ông phải chứng kiến nhiều sự ra đi khác, trong đó có bạn đời của mình, Greg Landrum. Greg qua đời vào năm 1992 khi mới 44 tuổi. Greg từ chối xét nghiệm HIV và đã nhiễm virus trong nhiều tháng trước khi sốt hơn 40,5 độ C. Ông một mực khẳng định mình chỉ nhiễm trùng xoang thông thường.
Fox vội vàng đưa Greg đến bệnh viện. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán ông viêm phổi và mắc AIDS giai đoạn cuối. Greg phải nhập viện trong 60 ngày, thân thể suy kiệt, không thể tự ăn, mất trí nhớ. Hai năm sau, bệnh nhân qua đời.
Chứng kiến sự ra đi của người bạn, người yêu, Carl Fox tuyệt vọng. “Nhiễm HIV, tôi tưởng rằng mình nhận án tử cho đến 35 năm sau. Tử thần có lẽ đã bỏ quên tôi. Tôi sẽ luôn là ‘nữ hoàng’ cuối cùng trong căn phòng”, Fox vừa tâm sự vừa bông đùa.
Video đang HOT
Trước sức khỏe của em trai sau khi nhiễm HIV, người anh ruột Paul Fox thú nhận ông “rất sốc”. 20 năm trước, bệnh của Fox tiến triển thành AIDS. Ông Paul tiết lộ Fox thích món chiên rán, giòn rụm, ngập trong dầu. Nhưng bệnh nhân này không hề gặp vấn đề liên quan cholesterol. Những người xung quanh đều rất tò mò và ngạc nhiên. Carl Fox trở thành ẩn số với y học và thế giới.
Hy vọng 30 năm
Tuy nhiên, vài năm sau khi phát hiện bệnh chuyển sang giai đoạn cuối, hệ miễn dịch của Fox bắt đầu có những dấu hiệu suy giảm. Fox thường xuyên xét nghiệm máu. Nó báo động tế bào miễn dịch T giảm dần. Thông thường, ở người khỏe mạnh, số lượng tế bào T là 500-1.600 trên mỗi milimet khối máu. Trong cơ thể của Fox, con số này chỉ rơi vào khoảng 250 và có xu hướng giảm.
Sau đó, bạn đời hiện tại của Fox – Terry Bond – khuyên ông tìm đến các loại thuốc được kê cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS. Hành động này đã cứu mạng Fox. Năm 2005, Fox nhiễm virus viêm gan C. Khi đang xem trận đấu của Cincinnati Bengals trên tivi, ông cảm thấy buồn nôn. Sau đó, Fox gục xuống trong nhà tắm.
Khi tỉnh dậy, ông thấy mình ở trong bệnh viện, tầm nhìn mờ đi bởi vết máu trong mắt. Hậu quả của cú ngã là Fox bị liệt, không thể nói chuyện. Bác sĩ cho biết ông bị xuất huyết não và suýt chết. Fox phải tập vật lý trị liệu để có thể đi lại bình thường. Sau khi thoát chết, ông tham gia vào thử nghiệm lâm sàng phương pháp chữa khỏi bệnh viêm gan C. Giây phút cận kề cái chết cũng khiến ông không ngại ngần tham gia vào dự án thử nghiệm của các chuyên gia về HIV/AIDS.
Terry Bond (trái) và Carl Fox chụp cùng nhau năm 2004, 2020. Ảnh: Carl Fox.
Giáo sư, tiến sĩ Carl Fichtenbaum, Đại học Cincinnati College of Medicine, Mỹ, là chuyên gia nghiên cứu ca bệnh đặc biệt này. Ông cũng là nhà khoa học tiên phong tìm cách lý giải bí ẩn “giấu” trong tế bào bạch cầu của bệnh nhân nhiễm HIV.
“Nghiên cứu chúng tôi đang thực hiện dựa trên việc lấy các tế bào bạch cầu chứa thụ thể của bệnh nhân HIV, đưa nó vào phòng thí nghiệm. Sau đó, thụ thể được loại bỏ thông qua kỹ thuật di truyền và truyền ngược lại vào tế bào người. Chúng tôi hy vọng nếu điều này làm thường xuyên, cơ thể bệnh nhân nhiễm HIV sẽ ‘thay máu’ đủ các tế bào, giúp kiểm soát virus, ngay cả khi không cần dùng thuốc”, tiến sĩ Fichtenbaum tiết lộ về dự án.
Carl Fox là một trong 30 bệnh nhân trong nghiên cứu trên. Dự án do các nhà khoa học tại Đại học Case Western Reserve ở Cleveland và Đại học California-San Francisco hợp tác. Fox cũng là một trong số 600 bệnh nhân tại UC Health đã sống chung với HIV nhiều thập kỷ.
“Chúng tôi rất may mắn khi có những người như Carl Fox. Họ sẵn sàng giúp đỡ và đóng góp cho nghiên cứu. Một lời cảm ơn dành cho họ là không đủ”, tiến sĩ Fichtenbaum chia sẻ thêm.
Để tìm hiểu nguyên nhân người mắc HIV/AIDS phát triển bệnh chậm, các nhà khoa học cần đến máu của họ. Từ tháng 1/2020, Fox thường xuyên đến truyền máu, cung cấp cho dự án.
16h30, ông ngồi yên chờ chiếc kim hút máu và truyền qua chiếc máy phân tích. Tại đây, máy sẽ tách bỏ tế bào bạch cầu cần thiết, phục vụ nghiên cứu. Dòng máu còn lại sau khi tách bỏ sẽ được truyền ngược trở lại cơ thể Fox.
Vài tuần sau, ông quay trở lại viện để sinh thiết hạch bạch huyết và làm một số xét nghiệm cần thiết. Nghiên cứu không yêu cầu sinh thiết, nhưng Fox tình nguyện thực hiện để cung cấp cho các chuyên gia thông tin bổ sung về cách thức HIV ẩn náu trong các mô tế bào.
Giáo sư, tiến sĩ Carl Fichtenbaum, Đại học Cincinnati College of Medicine, Mỹ, là người phụ trách nghiên cứu trường hợp bệnh nhân Carl Fox. Ảnh: WCPO.
Trước đó, theo kế hoạch, Fox sẽ đến Trung tâm Y tế Bệnh viện Nhi Cincinati vào tháng 4 để truyền thuốc hóa trị trong 10 giờ. Tuy nhiên, dịch Covid-19 ập đến. Ngày 7/12/2020, bệnh nhân mới tiêm hóa trị và lấy tế bào máu vào 3 ngày sau đó.
Trong số 30 tình nguyện viên tham gia dự án, 2/3 sẽ được chỉnh sửa gene của tế bào máu. Những người khác đóng vai trò là nhóm kiểm soát. Họ sẽ được truyền lại các tế bào không thay đổi ngược vào cơ thể. Theo Fox, đây là khía cạnh đáng sợ của nghiên cứu.
“Tôi không biết, bác sĩ cũng không. Tôi có thể được nhận tế bào đã bóc tách hoặc không. Thuốc hóa trị cũng vậy. Thành thật mà nói, điều đáng sợ nhất là trải qua hàng tiếng đồng hồ chờ đợi nhưng phải nhận về kết quả không thành công. Tôi đã nuôi hy vọng trong 30 năm rằng mình sẽ khỏi bệnh”, Fox chia sẻ.
Dù không rõ kết quả sẽ ra sao, Carl Fox vẫn không từ bỏ. “Tôi luôn tự hỏi tại sao mình luôn là người sống sót. Nghe không có vẻ khiêm tốn nhưng nếu có chuyện gì tồi tệ xảy ra, thì đó cũng là mục đích của tôi khi tham gia nghiên cứu này”, bệnh nhân lạc quan.
Cách chăm sóc mẹ nhiễm HIV sau sinh và và trẻ sơ sinh
Việc chăm sóc bà mẹ có HIV và trẻ sơ sinh được sinh ra từ bà mẹ có HIV cần được thực hiện nhanh chóng, toàn diện ngay sau sinh để hạn chế mức thấp nhất nguy cơ lây nhiễm HIV cho bé, bảo đảm sức khỏe bé và mẹ.
Chăm sóc bà mẹ có HIV ngay sau sinh
Cung cấp thuốc kháng vi-rút
Bà mẹ nhiễm HIV sau sinh cần được chăm sóc như những sản phụ khác, cần đề phòng ra máu sau sinh, nhiễm khuẩn, lây nhiễm cho nhân viên y tế và cho cộng đồng. Đối với những phụ nữ được xác định là chưa cần điều trị hoặc chỉ mới được chẩn đoán nhiễm HIV khi xét nghiệm sàng lọc trước sinh, sẽ được sử dụng phác đồ phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con độc lập trong vòng 1 tuần sau đó ngừng thuốc.
Các mẹ sẽ được giới thiệu đến các cơ sở điều trị HIV/AIDS để được tiếp tục theo dõi sức khỏe, tái khám theo định kỳ. Khi được xác định là nhiễm HIV, các mẹ sẽ được điều trị theo phác đồ phù hợp. Những người mẹ xét nghiệm sàng lọc trước khi sinh là dương tính HIV nhưng những xét nghiệm chẩn đoán xác định tiếp theo cho kết quả là không nhiễm thì sẽ ngưng ngay mọi can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Với những người mẹ đã điều trị HIV từ trước khi mang thai hoặc đã điều trị trong quá trình mang thai thì cần tiếp tục điều trị theo phác đồ được lựa chọn. Sau sinh, các mẹ cần quay lại cơ sở điều trị HIV/AIDS để tái khám, theo dõi tình trạng sức khỏe.
Xét nghiệm máu để chẩn đoán HIV cho trẻ
Tư vấn cho bà mẹ có HIV phương pháp tránh thai ngoài ý muốn
Bà mẹ có HIV sẽ được tư vấn để phòng tránh việc có thai ngoài ý muốn. Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục là biện pháp tránh thai phù hợp nhất. Bao cao su có tác dụng kép vừa giúp tránh thai vừa giúp ngăn ngừa lây truyền HIV qua đường quan hệ tình dục.
Đây là biện pháp tránh thai tốt nhất đối với phụ nữ nhiễm HIV dù người chồng có nhiễm HIV hay chưa nhiễm HIV. Một số biện pháp tránh thai khác như đặt vòng tránh thai, sử dụng thuốc uống tránh thai, tiêm tránh thai,... có thể giúp tránh thai nhưng không tránh được lây truyền HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.
Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất đối với trẻ, không những cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển, sữa mẹ với nguồn kháng thể dồi dào còn giúp bảo vệ trẻ khỏi mắc nhiều bệnh tật trong những năm tháng đầu đời.
Tuy nhiên, nếu bà mẹ có HIV, vi-rút HIV sẽ có trong sữa và có thể lây bệnh cho trẻ. Những người mẹ có HIV cho con bú càng dài ngày thì nguy cơ trẻ nhiễm HIV càng cao. Nguy cơ nhiễm HIV ở trẻ cao nhất khi trẻ vừa được bú mẹ vừa được nuôi dưỡng bằng thức ăn khác.
Các tổ chức quốc tế của Liên hợp quốc như WHO, UNICEF, UNFPA, UNAIDS đã thống nhất đưa ra 2 phương thức nuôi con ở các bà mẹ có HIV như sau:
- Nuôi con bằng sữa công thức khi gia đình có đủ điều kiện kinh tế để duy trì việc nuôi con bằng sữa công thức, nguồn sữa lựa chọn đảm bảo chất lượng, an toàn, có sẵn trên thị trường. Các điều kiện về nguồn nước sạch, dụng cụ pha chế, vệ sinh trong quá trình pha chế được đảm bảo.
- Nếu không đáp ứng được các điều kiện trên, các bà mẹ có HIV có thể lựa chọn nuôi con bằng sữa mẹ. Cần cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong những tháng đầu, ngừng càng sớm càng tốt ngay khi mẹ có điều kiện cho trẻ dùng thực phẩm bổ sung, muộn nhất là khi 6 tháng trẻ phải được ngưng sữa mẹ.
Tùy theo điều kiện của mình, mẹ nhiễm HIV chỉ được chọn một trong hai cách nuôi trẻ như trên. Khi vừa dùng sữa mẹ vừa dùng sữa công thức trẻ sẽ có nguy cơ cao bị tiêu chảy, niêm mạc ruột trẻ bị tổn thương, vi-rút HIV sẽ xâm nhập cơ thể trẻ dễ dàng hơn.
Do đó, các mẹ tuyệt đối không được vừa cho trẻ bú mẹ, vừa cho trẻ dùng sữa công thức hoặc dùng các thức ăn bổ sung khác. Khi nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ, nếu mẹ và bé có các nhiễm trùng da và miệng thì cần điều trị hoàn toàn mới cho bú. Mẹ nhiễm HIV nên xử lý sữa bằng cách, vắt sữa ra đun sôi 100 độ để diệt vi-rút HIV, ngâm vào nước lạnh để sữa giảm đến nhiệt độ thích hợp sau đó cho trẻ bú.
Việc chẩn đoán HIV sớm giúp việc lựa chọn phương pháp nuôi dưỡng trẻ hiệu quả hơn
Chăm sóc trẻ sơ sinh HIV
Chăm sóc trẻ sinh ra từ bà mẹ có HIV ngay sau sinh như sau:
- Khi đầu trẻ ra ngoài, cần nhanh chóng lau nhẹ nhàng mặt trẻ bằng khăn mềm có tẩm huyết thanh đẳng trương ấm. Khi trẻ đã sổ, lau khô toàn thân trẻ bằng khăn mềm.
- Chờ dây rốn ngừng đập hẳn rối mới kẹp dây rốn, không vuốt dây rốn về phía trẻ. Chỉ hút nhớt khi cần thiết, động tác hút nhớt phải nhẹ nhàng để tránh gây sang chấn cho trẻ. Tắm cho trẻ càng sớm càng tốt.
- Cho trẻ sử dụng thuốc kháng vi-rút để phòng lây truyền càng sớm càng tốt trong 72 giờ đầu sau sinh.
Các biện pháp chăm sóc tiếp theo được thực hiện như sau:
Chăm sóc trẻ chưa xác định được có nhiễm HIV hay không
Các trẻ được sinh ra bởi bà mẹ có HIV cần được xét nghiệm chẩn đoán sớm để khẳng định hoặc loại trừ nhiễm HIV. Việc chẩn đoán sớm giúp việc lựa chọn phương pháp nuôi dưỡng trẻ hiệu quả hơn. Việc chẩn đoán sớm còn giúp nhân viên y tế phân biệt trẻ nhiễm HIV và bị bệnh AIDS với các bệnh lý khác như lao, nhiễm trùng, dinh dưỡng ở trẻ không nhiễm HIV.
Kết quả chẩn đoán sẽ định hướng việc điều trị, dùng kháng sinh dự phòng là liệu trình tiêm chủng cho trẻ. Những trẻ có kết quả xét nghiệm âm tính sẽ không cần điều trị dự phòng bằng kháng sinh, do đó hạn chế nguy cơ kháng thuốc và chi phí không cần thiết, trẻ cũng không cần theo dõi tại phòng khám điều trị ngoại trú HIV.
Chưa tính đến trẻ có nhiễm HIV hay không, những trẻ sinh ra bởi bà mẹ có HIV thường đã có sức khỏe yếu, nguy cơ bệnh tật và tử vong cao gấp nhiều lần trẻ sinh ra bởi những người mẹ không bị nhiễm. Do đó, những trẻ em có mẹ nhiễm HIV cần được theo dõi thường xuyên, liên tục sự phát triển, phát hiện sớm và điều trị kịp thời các bệnh nhiễm trùng. Trẻ cần bổ sung vitamin A theo định kỳ để giảm tỷ lệ tử vong và bệnh tật. Người mẹ cần được tư vấn và hỗ trợ trong nuôi dưỡng trẻ, đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng của trẻ được đáp ứng đầy đủ.
Bệnh viêm phổi do nấm là một bệnh đường hô hấp nặng, thường gặp ở trẻ em nhiễm HIV và bệnh thường xuất hiện trước khi có kết quả chẩn đoán trẻ có nhiễm HIV. Do đó, tất cả trẻ từ tuần 4-6 sau sinh sẽ được điều trị dự phòng bằng kháng sinh Cotrimoxazol (Trimethoprim-Sulfamethoxazol) cho đến khi có kết quả xét nghiệm. Tùy theo kết quả trẻ có nhiễm HIV hay không mà trẻ sẽ dừng thuốc hoặc tiếp tục điều trị.
Ngoài ra, trẻ còn cần được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin để tạo khả năng phòng bệnh chủ động với các vi khuẩn, vi-rút đã được tiêm phòng. Dự phòng, điều trị lao và sốt rét.
- Cần đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ vì nhu cầu năng lượng ở trẻ nhiễm HIV cao hơn trẻ không nhiễm. Thông thường nhu cầu năng lượng trẻ nhiễm HIV cao hơn 10% so với bình thường, nhưng nếu trẻ bị giảm cân thì nhu cầu năng lượng cần tăng lên 50-100%.
- Ở những trẻ nhiễm HIV, việc bú mẹ có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của trẻ. Ngoài ra, trẻ cần được cung cấp vitamin A đúng cách để giảm nguy cơ mắc các bệnh tiêu chảy, viêm phổi,...
- Dự phòng viêm phổi do nấm là một phần quan trọng của chăm sóc trẻ sơ sinh hiv. Trẻ nhiễm HIV sẽ được điều trị dự phòng Cotrimoxazol trong 12 tháng đầu đời. Ngoài ra, Cotrimoxazol cũng được khuyến cáo khi trẻ có triệu chứng AIDS, suy giảm miễn dịch nặng hoặc vừa mắc một đợt viêm phổi.
Điều trị dự phòng để loại trừ nguy cơ nhiễm HIV từ mẹ sang con Nếu không được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, cứ 100 bà mẹ nhiễm HIV mang thai sẽ có 35 trẻ sinh ra lây truyền HIV từ mẹ. Nhưng nếu được điều trị dự phòng chỉ có khoảng 5 trẻ sinh ra bị lây truyền căn bệnh này từ mẹ. Bé V.A (2 tuổi, Lào Cai) đến bệnh...