Nghị lực từ những ước mơ vách nhà
Đam mê vẽ từ nhỏ, những bức vẽ đầu tiên của Mai Lan dày kín trên bốn bức vách của ngôi nhà sàn. Trưởng thành từ những bức vẽ trên vách nhà, cô gái 21 tuổi cao hơn 1m, nặng 20kg đang là sinh viên năm thứ ba Ngành Thủy tinh, đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội.
Gặp Mai Lan trong phòng ký túc xá trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội khi em đang chăm chú hoàn thành bức tranh thủy tinh với chất liệu màu nước trên khổ giấy A0. Tay trái của cô bé giữ tấm bảng vẽ, tay phải bé xíu tỉ mẩn tô màu. Lan khoe ý tưởng vẽ những cánh bướm đủ màu sắc đang va đập vào nhau. Đường gân xanh hằn rõ trên cánh tay, bàn tay của Lan, khớp ngón tay không thể co duỗi bình thường…
Lan chia sẻ: “Ngày em mới bắt đầu đi học, nhiều người lo em không thể cầm bút viết. Bây giờ giới thiệu là sinh viên đại học, có người không tin, mà lại là sinh viên trường Mỹ thuật lại càng khiến mọi người ngỡ ngàng. Họ nói tay thế này, vẽ sao được?”.
Mai Lan bên bức tranh thủy tinh được tô bằng màu nước. (Ảnh: Nguyên Thảo)
Lan vẽ những tác phẩm đầu tay khi đang học mẫu giáo, từ chân dung bố, mẹ, anh trai, những người hàng xóm, bạn bè, thậm chí những ước mơ lên đầy những bức vách. Cô bé vẽ những ngôi nhà to cao, những cánh đồng lúa trù phú, trường học khang trang… “Thấy vẽ được chỗ nào là em vẽ”, Lan nhớ lại. Bút vẽ của em ngày đó chính là những mảnh than củi nhặt nhạnh từ trong bếp.
Nhớ lại tuổi thơ của mình, Lan gọi đó là những ngày tháng kinh hoàng vì em luôn bị bạn bè trêu chọc về sự khiếm khuyết của mình. “Em chỉ ước mình có thể quên hẳn những ký ức ấy. Nhiều lần bị trêu trọc, em khóc một mình, trách móc và giận hờn… nhưng sau tất cả, em hiểu, học tập và vẽ chính là niềm vui của riêng mình”, Mai Lan cho biết.
Video đang HOT
Bà Hà Thị Thiên (Chiêm Hóa, Tuyên Quang) kể lại: “Khi Lan 1 tuổi, sau một cơn sốt cao kéo dài, đôi chân nó tự nhiên teo lại, cứng nhắc, tóc cũng rụng dần và không mọc lại. Có ai mách đến nơi nọ, chỗ kia chữa được bệnh cho con là hai vợ chồng tôi lại chạy đi vay tiền để chữa cho con. Nhưng đi mãi cũng chẳng có kết quả gì, chân tay con bé vẫn ngày càng teo nhỏ. Năm Lan 6 tuổi, Bệnh viện Nhi Thụy Điển kết luận cô bé bị mắc bệnh teo cơ bẩm sinh”.
Theo Lan, khó khăn lớn nhất của em là việc ngồi và đi lại. Lan không thể tự ngồi nếu không có ghế. Đây cũng trở thành một ký ức buồn trong đời Lan: Ngày đầu tiên Lan vào học cấp 2, trường mới, thầy cô mới, bạn bè mới không biết chuyện Lan không thể ngồi xuống đứng lên bình thường. Sau Chào cờ, khi cô giáo yêu cầu học sinh toàn trường ngồi xuống, chỉ còn một mình Lan đứng trơ giữa sân trường. Mọi ánh mắt đổ dồn về phía Lan. Cô bé đứng đấy ôm mặt khóc…
Tóc không mọc, Lan làm bạn với mũ lưỡi trai, ngay cả trong lớp học. Mãi đến khi Lan học lớp 11, một người chị họ của Mai Lan đã hướng dẫn cô bé dùng tóc giả thay vì đội mũ. Từ đó, Lan thấy tự tin hơn.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa. Nỗ lực tuyệt vời đã khiến em có đủ sức mạnh để vượt qua 12 năm học phổ thông và tiến sát tới cổng trường Đại học. Đam mê vẽ nhưng đến sát kỳ thi đại học, Lan mới lên Hà Nội để đăng ký lớp học vẽ cấp tốc. Thi đỗ vào khoa Tạo dáng (Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp), em liền đăng ký chuyên ngành Thủy tinh.
Thầy giáo Trịnh Tuân, giáo viên chủ nhiệm lớp ĐH 11TTA, khoa Tạo dáng, trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp cảm phục khi nói về học trò của mình: “Lan luôn hoàn thành và đáp ứng được những yêu cầu của giảng viên nhanh hơn các bạn sinh viên khác và luôn là sinh viên học giỏi thuộc top 2, 3 của lớp. Dù mới là sinh viên năm thứ ba nhưng sự chuyên nghiệp và sáng tạo trong những bức tranh thủy tinh của Mai Lan thường được đánh giá là sinh viên năm cuối chưa chắc đã làm được”.
Theo TTVN
Chuyện cô bé 'sợ nắng' ham học
Nhà nghèo, mồ côi cha từ nhỏ Lưu Thị Bích Phụng lại mang trong mình căn bệnh lupus đỏ biến chứng thận nhưng em luôn khiến mọi người phải mến phục vì nghị lực vươn lên trong cuộc sống.
Vượt lên trên nghịch cảnh
Theo sự chỉ dẫn của thầy Trần Trọng Hưng (hiệu trưởng trường THPT Vĩnh Kim) chúng tôi tìm đến nhà Phụng trong một chiều chập choạng tối. Ngôi nhà nhỏ nằm lọt thỏm vào trong, nép mình bên một vựa ve chai. Em hiện đang là học sinh lớp 12/3 trường THPT Vĩnh Kim (Châu Thành, Tiền Giang).
Phụng sinh ra trong một gia đình cha chạy xe ôm, mẹ làm nghề se nhang (hay còn gọi là hương) thủ công và buôn bán nhỏ. Thu nhập hàng ngày của gia đình em không quá 80.000 đồng. Phụng mắc phải căn bệnh lupus đỏ biến chứng thận, hàng tháng phải đến bệnh viện để điều trị. Mọi thu nhập trong gia đình điều được dành dụm và đổ dồn vào việc chữa bệnh cho em. Biến cố xảy ra với gia đình em kể từ ngày cha em đột ngột qua đời do cơn tai biến mạch máu não (lúc đó Phụng 4 tuổi).
Phụng chuẩn bị đến trường
Kể từ ngày cha mất, mọi gánh nặng mưu sinh đè nặng trên đôi vai của mẹ Phụng. Sớm ý thức được hoàn cảnh gia đình nên Phụng luôn cố gắng trong học tập. Nhiều năm liền Phụng luôn đạt được học lực giỏi. Ngoài giờ học, Phụng luôn tranh thủ những thời gian rảnh phụ mẹ se nhang hay làm việc nhà. Nhưng một năm lại đây, nghề se nhang chuyển sang làm bằng máy nên nguồn hàng bột làm tay không còn. Không đủ tiền để trang bị máy se nhang để tiếp tục làm nghề, gia đình em lại rơi vào tình trạng khó khăn chồng chất khó khăn.
Nói về bệnh tình của Phụng mẹ em không kiềm được nước mắt: "Ban đầu, cứ tưởng con nó chỉ sốt nhẹ thông thường nhưng không ngờ những ngày sau đó chân tay con bé đột nhiên sưng phù người xuất hiện nhiều ban đỏ. Tôi chạy vạy vay mượn tiền khắp nơi để trị bệnh cho con mà không dứt được căn bệnh. Bệnh của con bé không được xách nặng, không được ra nắng nhưng nó ham học quá. Sáng ra con nó đi học từ sáng đến chiều mới về. Những buổi chiều còn nắng nó phải ở lại chờ hết nắng mới về, về đến nhà thì trời tối mịt" - mẹ Phụng tâm sự.
Biến giường bệnh thành nơi học tập
Từ lúc phát hiện bệnh đến nay, Phụng đã hàng trăm lần ra vào bệnh viện. Hiện tại, hàng tháng em phải khám và điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). Có những lần Phụng phải nằm viện hơn hai tháng trời, lúc ấy em lại đòi mẹ mang sách vở vào tận giường bệnh để học bài. Nhắc đến điều ấy Phụng chia sẻ: "Lúc ấy em thèm được đến trường lắm. Nằm bệnh viện lâu em vừa nhớ lớp, vừa sợ không theo kịp bạn bè nên em đòi mẹ mang sách vở vào cho em học. Em còn nhớ mỗi lần bác sĩ đến kiểm tra sức khỏe cho em ai cũng xoa đầu bảo ráng hết bệnh về đi học nha con".
Phụng kiểm tra tập vỡ chuẩn bị đến trường
Khi Phụng lên cấp III đường đến trường xa hơn. Hằng ngày, em phải vượt hơn 6km để đến trường, có nhiều lần vừa đến cổng trường thì em bắt đầu thấy choáng váng, không ít lần bị ngất xỉu ở trường nhưng em vẫn không từ bỏ ước mơ của mình và kiên trì đến trường mỗi ngày.
Thầy Trần Trọng Hưng - Hiệu trưởng trường THPT Vĩnh Kim cho biết: "Phụng là một học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của trường. Mặc dù bệnh nhưng em không ngừng phấn đấu vươn lên trong học tập. Phụng vốn chăm ngoan nên thường được thầy cô và bạn bè quan tâm giúp đỡ trong học tập. Do bệnh của Phụng tránh tiếp xúc ánh nắng và xách nặng nên em được miễn môn giáo dục thể chất ở trường".
Thường xuyên phải nghỉ học để điều trị bệnh nên những giờ nghỉ giải lao Phụng thường tranh thủ ngồi đọc sách, ôn lại bài cũ hoặc trao đổi với bạn hoặc nhờ thầy cô giảng lại những chổ mình còn chưa hiểu. Nói về ước mơ của mình Phụng bộc bạch: "Em sẽ cố gắng học giỏi để không làm mẹ và thầy cô phải thất vọng về em. Em mong sau này mình sẽ trở thành cô giáo, em sẽ đi làm và lo lắng cho mẹ có cuộc sống tốt hơn".
Theo trithuc
Cảm phục nghị lực của cô bé 17 tuổi phải nằm học chữ Sinh năm 1996 nhưng đến giờ Lê Thị Mỹ Hòa vẫn mang hình hài của đứa trẻ 2 tuổi. Bị bại liệt 2 chân, tay hoạt động khó khăn nhưng Mỹ Hòa vẫn luôn tràn ngập niềm tin yêu và nghị lực sống. 17 tuổi chỉ cao bằng đứa trẻ 2 tuổi Vượt quãng đường xa hàng nghìn cây số từ Hà Nội...