‘Ngoại soi” giáo dục
Đã có rất nhiều ý kiến bàn luận về kết quả PISA 2012. TS Lê Thị Mỹ Hà, Giám đốc Quốc gia PISA Việt Nam, “phản hồi” lại các ý kiến này qua cuộc phỏng vấn của Vietnamnet.
Lời tòa soạn: Cuối năm 2013, một thông tin liên quan tới giáo dục được dư luận quan tâm là theo kết quả của chương trình khảo sát học sinh quốc tế (PISA), Việt Nam đạt được những chỉ số khả quan. Lãnh đạo ngành giáo dục cho biết, một trong những mục đích lấy “thước ngoại” PISA để “đo” chất lượng giáo dục nước nhà là bởi có những ý kiến bình luận, đánh giá về chất lượng giáo dục nước nhà cảm tính.
TS Lê Thị Mỹ Hà, Giám đốc Quốc gia PISA Việt Nam
Sau bản báo cáo 16 trang ban đầu, đến nay Văn phòng PISA Việt Nam đã có những nghiên cứu sâu hơn về kết quả PISA chưa, thưa bà?
-Thông thường các nước mất khoảng 6 tháng, và chúng tôi cần tối thiểu 2 tháng để phân tích kỹ báo cáo kết quả PISA 2012, sau đó sẽ có báo cáo quốc gia về vấn đề này.
Chúng tôi cần thời gian để để xác định các nhóm yếu tố ảnh hưởng lớn đến kết quả học tập của học sinh để có chính sách thúc đẩy các yếu tố tích cực, khắc phục các yếu tố còn hạn chế nhằm không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, ở tất cả các cấp, từ giáo dục tiểu học, giáo dục THCS và giáo dục THPT.
“Chắc chắn không phải do luyện thi”
Biết thông tin rồi, chúng ta có thể dừng “cuộc chơi” tại đây, ít nhất là để…. tiết kiệm, như có ý kiến góp ý?
- Nhiều người chưa hiểu rõ mục tiêu của Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) khởi xướng và chỉ đạo thực hiện.
PISA đánh giá năng lực của học sinh tuổi 15 ở 3 lĩnh vực: Toán, Khoa học, Đọc hiểu; PISA thực hiện theo chu kỳ 3 năm 1 lần, mỗi lần trọng tâm đánh giá tập trung sâu hơn một lĩnh vực.
Kết quả PISA mỗi kỳ cho thấy sự tiến bộ của học sinh, OECD sẽ đưa ra những phân tích và khuyến nghị về chính sách giáo dục cho các quốc gia tham gia, các quốc gia biết được sự thay đổi kết quả giáo dục của chính nước mình, đồng thời có thể so sánh kết quả giáo dục của nước mình với các nước khác trên thế giới.
Video đang HOT
Hiện nay, quốc tế có nhều chương trình đánh giá kết quả học tập của học sinh, một số chương trình có thể do nhóm chuyên gia hoặc tổ chức nào đó mang về thực hiện như là những nghiên cứu, với những khảo sát này ta có thể tham gia một lần rồi thôi, nếu muốn.
Mỗi tổ chức có một quy tắc riêng. Để tham gia PISA, đại diện của chính phủ phải làm đơn gửi lên OECD, OECD nghiên cứu, xem xét tình hình khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn tham gia PISA, mới chấp thuận cho quốc gia đó tham gia hoặc không, khi đã tham gia, cần cam kết tham gia lâu dài, theo các chu kỳ PISA để thực hiện mục tiêu của PISA OECD.
Đó là lí do, các nước tham gia PISA phải tuân thủ quy định của OECD, tham gia lâu dài và cùng góp phần phát triển PISA ngày một uy tín và rộng rãi trên thế giới.
Bà giải thích như thế nào về “nghi vấn” luyện thi PISA để đạt kết quả cao?
-Tôi khẳng định không có chuyện luyện thi PISA. Không có nước nào luyện thi PISA để làm gì.
Quay trở lại mục tiêu ban đầu, tham gia PISA để sử dụng một công cụ đánh giá quốc tế trên sân chơi của nhiều nước để biết được mình ở đâu trên thế giới này, mặt nạnh, mặt yếu để được OECD phân tích, khuyến nghị cải tiến, điều chỉnh các chính sách giáo dục.
Nếu kết quả không thực chất thì sẽ là vô nghĩa, có khi phản tác dụng.
Sau mỗi kỳ thi PISA, OECD phát hành công cộng các bài thi sau này sẽ không sử dụng cho các kỳ thi tiếp để cho giáo viên và học sinh tham khảo.
OECD khuyến khích giáo viên sử dụng cách đánh giá này trong nhà trường phổ thông và khuyến khích các nước nâng cao năng lực đánh giá theo PISA.
Kết quả tổng quan của Việt Nam. Màu xanh là hiển thị kết quả “trên trung bình” so với chuẩn của OECD.
Học sinh các nước OECD hàng ngày trên lớp đã được dạy học và đánh giá theo PISA nên giáo viên chỉ cần cho các em đường link để tra cứu tài liệu tham khảo.
Bản thân các em sống trong môi trường hiện đại của các nước phát triển nên có nhiều lợi thế về môi trường sống, về kiến thức phổ thông hơn học sinh các nước khác, nó ngấm vào từ nhỏ, không cần phải học trong nhà trường.
Trong khi đó, học sinh Việt Nam đa số chưa biết sử dụng máy tính tra cứu thông tin, chưa biết tàu điện ngầm, chưa biết sử dụng thẻ ngân hàng, chưa được hưởng cuộc sống của xã hội văn minh, muốn biết thì phải học. Đó cũng là lí do học sinh Việt Nam đến trường phải học nhiều hơn học sinh các nước OECD.
Tham gia kỳ thi PISA, học sinh Việt Nam chưa từng được làm quen với các dạng câu hỏi thi PISA nên cần được phổ biến, giới thiệu cho các em làm quen với cách đánh giá của PISA, các dạng câu hỏi thi PISA và kỹ thuật làm bài. Đây là việc được OECD cho phép, cũng như muốn chơi golf bắt buộc phải học cách cầm gậy.
“Có câu hỏi phụ huynh phải tự trả lời”
Nhiều người bày tỏ họ bất ngờ không hẳn ở thứ hạng 17 của Việt Nam, mà ở chỗ học sinh Việt Nam xếp hạng cao hơn học sinh Anh, Mỹ… Còn bà thì sao?
- Kết quả được niêm yết trên bảng xếp hạng của OECD là thực tế, không phải là giấc mơ.
Kết quả của Việt Nam cao hơn nhiều nước của OECD và các nước không thuộc OECD ở cả 3 lĩnh vực: Toán, Khoa học, Đọc hiểu, là một trong 20 nước thuộc nhóm năng lực cao hơn chuẩn trung bình của OECD.
Theo tôi, điều đó chứng tỏ rằng, nền giáo dục Việt Nam và học sinh Việt Nam có những mặt mạnh nhất định. Chúng ta nên tự hào về điều đó.
Một ông bố chơi với con trong ngày hội “Người cha trách nhiệm”. Ảnh: Lê Anh Dũng
Từ trước đến giờ, quốc tế luôn cho rằng các nước có kinh tế thấp, lạc hậu thì chất lượng giáo dục không cao, và kết quả PISA cũng không cao; còn người Việt Nam ta luôn không hài lòng với nền giáo dục của mình, một số người cực đoan phủ nhận mọi điều tốt đẹp từ truyền thông hiếu học, sự thông minh của con người Việt Nam.
Tôi cũng bị truyền cho cái mặc cảm là nước mình còn nghèo, nền giáo dục chậm phát triển chưa có điểm gì nổi bật.
Bây giờ, trong kỳ thi quốc tế, bình đẳng về mọi yêu cầu kỹ thuật cũng như các bộ công cụ đánh giá, học sinh Việt Nam đã vượt lên, khẳng định bản thân, gây bất ngờ cho chính người Việt Nam và thế giới. Như vậy, giáo dục Việt Nam cũng có những ưu việt nhất định, học sinh Việt Nam cũng có những thế mạnh nhất định. Đây là điều đáng mừng.
Nhìn thấy kết quả của học sinh VN cao hơn kết quả của học sinh Anh, Mỹ trong kỳ thi PISA mà vội vàng khẳng định nền giáo dục của Việt Nam tốt hơn Anh, Mỹ là không nên. Kết quả PISA cao hay thấp ngoài năng lực của học sinh, còn phụ thuộc nhiều yếu tố.
Ở các nước có kết quả không cao, thậm chí nguyên nhân có thể do học sinh không thích làm bài dẫn đến kết quả thấp. Ở các nước phát triển, học sinh được thể hiện tính cá nhân cao, những gì các em không thích, các em có thể không nhiệt tình thực hiện.
Học sinh Việt Nam trong kỳ thi PISA này đã nỗ lực hết mình vì các em là những học trò đầu tiên tham gia PISA, đại diện cho học sinh Việt Nam để phản ánh nền giáo dục của quốc gia, vì danh dự quốc gia, các em đã làm bài rất tốc độ và nhiệt tình.
Bà nhận xét như thế nào về chỉ số hạnh phúc của học sinh khi tới trường, khi mà khảo sát cho thấy học sinh Việt Nam ở trường không hạn phúc như học sinh Anh, Mỹ, hay còn không được như học sinh Indonesia?
-Học sinh Nhật Bản thấy căng thẳng, học sinh Hàn Quốc thấy áp lực trong học tập, học sinh Indonesia lại hứng thú với trường học… đó là do mục tiêu của mỗi đất nước, truyền thống hiếu học, áp lực thi cử, kỳ vọng từ cha mẹ, ngoài ra còn do môi trường cạnh tranh, ý chí của bản thân.
Và hơn nữa là quan điểm như thế nào về hạnh phúc. Với học sinh chắc chắn là: không phải làm bài tập nhiều, vui vẻ khi đến trường với bạn bè, mỗi lần cô giáo ốm được nghỉ học là hò reo… Chỉ số này ở những nước không chịu áp lực thi cử sẽ cao hơn. Còn ở Việt Nam, chỉ số vượt khó lại cao hơn.
Theo bà, có nên đánh đổi áp lực học hành để lấy hạnh phúc cho trẻ em?
-Cái này bạn nên đem hỏi toàn bộ phụ huynh ở Việt Nam, xem họ muốn gì khi cho con đến trường, muốn con “hạnh phúc” như con họ muốn hơn hay được phát triển bằng các quốc gia khác, khi chúng ta còn nghèo.
Chính cha mẹ phải trả lời câu hỏi đó. Nếu phụ huynh muốn con em đến trường không chỉ để chơi, mà phải học giỏi toàn diện, điểm kiểm tra luôn là 10, thì đương nhiên áp lực cạnh tranh thi cử sẽ lớn.
P hần 2: Buồn cười hoặc..đau lòng
Trong công bố của OECD có đề cập chi phí cho mỗi học sinh tại Cộng hòa Slovak là hơn 53.000 USD, Mỹ 115.000 USD/học sinh, Anh là 98.023 USD… trong khi mức trung bình của OECD là 83.382 USD. Bà Lê Thị Mỹ Hà cho biết, con số của Việt Nam sẽ quá nhỏ bé, đến mức… buồn cười hoặc đau lòng.
Theo TTVN