Nghĩ bệnh nhẹ, không ngờ hóa nặng
Nhiều vấn đề nghiêm trọng ở hệ tuần hoàn có thể được báo động bằng một dấu hiệu hết sức mơ hồ, tưởng chừng không đáng ngại như sốt nhẹ, đau bụng, đau đầu
Vừa qua, Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 (TP HCM) đã kịp cứu sống 1 cháu bé 3 tuổi ở Tiền Giang suýt mất mạng do viêm cơ tim, mà biểu hiện ban đầu hết sức mơ hồ chỉ là một cơn sốt nhẹ.
Rất dễ nhầm lẫn
Cháu bé 3 tuổi ở Tiền Giang chỉ sốt nhẹ trong ngày đầu khởi bệnh, thế nhưng qua ngày thứ 2, bé đột nhiên nôn ói nhiều, lừ đừ. Cháu bé được đưa vào BV địa phương nhưng bệnh tình nặng lên nhanh chóng, trái tim ngày một yếu đi, các bác sĩ (BS) phải cho thuốc vận mạch, thở ôxy rồi tức tốc chuyển lên TP HCM.
Hóa ra cháu bé bị viêm cơ tim tối cấp. Viêm cơ tim vốn đã nguy hiểm, viêm cơ tim tối cấp trước đây tỉ lệ tử vong gần như là 100%. Các BS của BV Nhi Đồng 1 đã vận dụng kỹ thuật cao là tim phổi nhân tạo (ECMO), cùng với cuộc can thiệp mạch máu ngay tại phòng cấp cứu mới kịp cứu cháu bé. “Chỉ cần vào viện trễ từ 5-10 phút nữa là đã không thể cứu được cháu” – PGS-TS-BS Phạm Văn Quang, một trong những người đã điều trị cho cháu bé, cho biết.
Video đang HOT
Các bác sĩ của Bệnh viện Thống Nhất kiểm tra sức khỏe bệnh nhân N.T.T. Bà đã hồi phục sau khi được can thiệp mạch máu kịp thời
Theo BS Bạch Văn Cam, cố vấn chuyên môn về hồi sức cấp cứu của BV Nhi Đồng 1, người chủ trì ca hội chẩn này và nhiều ca viêm cơ tim khác trước đây, đặc điểm của viêm cơ tim là bệnh nguy hiểm nhưng biểu hiện ban đầu thường là một cơn sốt nhẹ. Vì vậy rất dễ lầm lẫn với một cơn sốt do siêu vi, cảm lạnh thông thường. Khác biệt duy nhất là 1-2 ngày sau, trẻ bị sốt siêu vi khi hạ sốt thì sẽ khỏe hơn, chơi đùa, còn bé viêm cơ tim sẽ càng mệt mỏi hơn, lừ đừ, hay nôn ói. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần lưu ý khi thấy con bớt sốt nhưng mệt hơn thì nên đưa bé đến BV kiểm tra gấp.
Biểu hiện không rõ ràng
Vài ngày sau khi được can thiệp nội mạch (đặt stent), bệnh nhân N.T.T (sinh năm 1959, nhà ở quận Thủ Đức, TP HCM) vui vẻ nói với BS là mình đã khỏe. Ít ai biết trước đó bà đã phải trải qua khoảnh khắc sinh tử đầy hy hữu: sau 1 tuần đau bụng, nhập viện thì được các BS của BV Thống Nhất (TP HCM) phát hiện túi phình giả – vỡ động mạch chậu trung bên trái, một tình trạng đe dọa tính mạng khẩn cấp. Rất may các BS đã nhanh chóng đặt stent và cứu nữ bệnh nhân, cho dù bà có rất nhiều bệnh nền kèm theo.
Theo TS-BS chuyên khoa II Nguyễn Duy Tân, phụ trách Khoa Ngoại Tim mạch – Lồng ngực, BV Thống Nhất, các biểu hiện ban đầu của nữ bệnh nhân này rất dễ lầm tưởng với các căn bệnh thông thường khác: bà chỉ bị đau bụng, ban đầu đau ít, sau đau nhiều hơn. “Tôi đã từng gặp rất nhiều ca túi phình động mạch có biểu hiện không rõ ràng như thế, chỉ là đau bụng, đau lưng âm ỉ. Khi bắt đầu thấy đau là có khi động mạch đã vỡ, đe dọa tính mạng rồi. Do triệu chứng ban đầu chỉ là đau bụng, đau lưng nên nhiều người thấy vậy đã tự mua thuốc về uống, hết thuốc tiêu chảy đến thuốc đau dạ dày, hay tìm cách xoa bóp chỗ lưng bị đau…” – BS Duy Tân cảnh báo.
Túi phình dạng này cũng có thể xảy ra ở mạch máu não và gây đột quỵ do xuất huyết não. Nó cũng có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể. Có thể phát hiện ra vấn đề này khi siêu âm và chụp CT để chẩn đoán xác định.
Còn một vấn đề nguy hiểm khác có thể xảy ra với động mạch là hiện tượng tắc mạch do xơ vữa động mạch lâu ngày, lòng động mạch bị hẹp, gặp huyết khối… Điều này sẽ dẫn đến dạng đột quỵ khác là đột quỵ do nhồi máu não. “Đôi khi người bị nhồi máu não chỉ được cảnh báo bằng một cơn nhức đầu” – BS Duy Tân cho biết.
Theo BS Duy Tân, cho dù cơn nhức đầu, đau bụng, đau lưng… có vẻ chỉ là “chuyện nhỏ”, nhưng nếu uống các thuốc giảm đau thông thường mà không hết thì không thể coi thường. Lúc đó, nên nhanh chóng vào BV khám, tốt nhất nên vào BV lớn để được tầm soát chuyên khoa tim và mạch máu. Đừng quên nói rõ với BS những triệu chứng mình gặp phải, đừng nghĩ một chút đau đầu, đau bụng là không quan trọng!
Những bệnh có biểu hiện không rõ ràng vừa nói trên, tất nhiên người cao tuổi, có bệnh nền là nguy cơ cao nhất, nhưng vẫn có thể xảy ra ở người trẻ, vì thế không nên chủ quan. Để giảm nguy cơ, cần duy trì lối sống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, ăn nhiều trái cây để giữ trái tim và hệ mạch máu được khỏe mạnh.
Dùng "phòng mổ lưu động" cứu bé 3 tuổi suýt chết trên đường vào viện
Kỹ thuật oxy hóa máu bằng màng ngoài cơ thể (ECMO - tim phổi nhân tạo), kết hợp với báo động đỏ và phòng mổ lưu động, đã giúp các bác sĩ ở Bệnh viện Nhi Đồng 1 "hồi sinh" cháu bé bị viêm cơ tim tối cấp.
Theo PGS-TS-BS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), cháu bé đã được cai ECMO từ ngày 12-8, cai máy thở - máy tạo nhịp vào 14-8, đến hôm nay 17-8 bé tiếp tục hồi phục rất tốt.
Cháu bé giấu tên mới 3 tuổi, đến từ Thành phố Mỹ Tho, tỉnhTiền Giang. Bé 3 tuổi nhưng chỉ nặng 11 kg. Trước đó bé sốt nhẹ 1 ngày, đến hôm sau bỗng nôn ói liên tục, lừ đừ, được phụ huynh đưa vào Bệnh viện Đa khoa Trung tâm Tiền Giang. Tình trạng bé ngày càng nặng nên sau khi được cho thở oxy, truyền thuốc vận mạch, bé được các bác sĩ đưa lên xe cấp cứu chuyển gấp đến Bệnh viện Nhi Đồng 1.
Các bác sĩ đang kể lại ca bệnh ngoạn mục được cứu sống bằng ECMO
Theo PGS Phạm Văn Quang, cháu bé nặng đến nỗi chỉ cần vào viện trễ 5-10 phút nữa là có thể không cứu được em bé. Lúc đến được bệnh viện bé đã hôn mê, môi tím, thở hước, trụy tim mạch nặng, tim rời rạc. Bé được chẩn đoán viêm cơ tim tối cấp, sốc tim, rối loạn nhịp tim.
Bác sĩ Bạch Văn Cam, cố vấn khoa Cấp cứu của Bệnh viện Nhi Đồng 1, người chủ trì cuộc hội chẩn khẩn cấp cho cháu bé, cho biết các bác sĩ phải đặt máy tạo nhịp ngay cho em bé trong thời gian chuẩn bị phòng mổ lưu động và hệ thống ECMO.
Lý do cần đến phòng mổ lưu động là vì bé quá nhỏ nên phải can thiệp mạch máu thì mới đặt ECMO được. Phòng mổ lưu động cũng cần thiết trong tình trạng thời gian gấp, bệnh nhân cực nặng, không tiện chuyển đến khu vực phòng mổ chính thức. Khác với các bé lớn có thể can thiệp ở mạch máu vùng đùi, cháu bé này cần nối với hệ thống ECMO ở vùng cổ, một điều rất khó khăn.
"Bé quá nhỏ cũng có nguy cơ cao gặp tình trạng thuyên tắc, thiếu máu nuôi. Thiếu máu nuôi vùng chi thì phải đoạn chi, ở vùng đầu thì sẽ gây tử vong" - bác sĩ Bạch Văn Cam giải thích. Vì vậy, các bác sĩ phải theo dõi cháu bé rất sát. Bệnh viện Nhi Đồng 1 cũng có lợi thế là sở hữu một trung tâm tim mạch nhi, nên có thể can thiệp mạch máu nhanh cho bé..
Không phụ sự trông đợi của các bác sĩ, cháu bé đã có cải thiện tích cực ngay sau khi được kết nối với hệ thống ECMO. Sau 6 ngày chạy ECMO, chức năng tim và các cơ quan gan, thận, não phục hồi rất tốt.
Hiện tại bệnh nhi tỉnh táo, thở bình thường, tình trạng huyết động học ổn định, chức năng tim phục hồi tốt. Bệnh nhi vẫn được theo dõi sát tình trạng tim mạch và đông máu. Nếu diễn tiến thuận lợi, bé có thể được xuất viện vào cuối tuần sau.
Bé trai bị đẩy lồi mắt ra ngoài sau tai nạn hy hữu Đang đi xe đạp, cậu bé bị té đập mặt vào tay lái khiến mắt trái bị đẩy lồi ra ngoài. Các bác sĩ đã phải phẫu thuật, đưa nhãn cầu trở lại hốc mắt và khâu che phủ tạm thời chờ lành thương. Thông tin từ Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM ngày 27/8 cho biết, tại đây vừa tiếp nhận và...